Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.
Chúng ta muốn trao lại cho các thế hệ tương lai, con em của chúng ta đang lớn lên, một trái đất như thế nào? Câu hỏi này bắt buộc chúng ta phải tự hỏi chính mình về ý nghĩa hiện hữu và những giá trị của hiện hữu dựa trên nền tảng đời sống xã hội: “Mục đích đời sống của chúng ta trong thế giới này là gì? Tại sao chúng ta có mặt trên trái đất này? Chúng ta làm việc và mọi nỗ lực của chúng ta để làm gì? Trái đất này cần chúng ta điều gì“
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu chúng ta không đưa ra những câu hỏi căn bản này, thì không thể nói rằng chúng ta nên quan tâm các thế hệ con em tương lai.” Khi chúng ta lưu tâm tới một hành tinh mà chúng ta để lại cho các thế hệ con em tương lai có thể trú ngụ bình an, thì “đó cũng là bi kịch cho chính chúng ta, vì điều này cho thấy ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trái đất này đang bị gặp khủng hoảng” (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung, số 160). Những câu hỏi này được nêu lên từ những quan sát nhận thấy: ngày nay trái đất, chị của chúng ta, đang bị ngược đãi và lạm dụng, đang quằn quại rên siết; và những tiếng than van rên siết của trái đất nối kết với những con người trong thế giới này đang bị bỏ rơi và loại trừ.
Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta lắng nghe những tiếng than khóc bi thảm này, thúc đẩy mỗi người và mọi người (các cá nhân, gia đình, cộng đoàn, quốc gia và cộng đồng quốc tế) thực hiện một cuộc “hoán cải môi sinh” bằng cách đảm nhận trách nhiệm “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.” Con người phá hoại sự đa dạng của sinh vật bằng việc làm thay đổi khí hậu, làm ô nhiễm nguồn nước của trái đất, ô nhiễm môi trường sinh sống của các loài sinh vật là tội, (số 8). Vì thế, Đức Thánh Cha đưa ra những câu hỏi này trong Thông điệp Laudato si’ nhằm gửi đến mọi người đang chung sống trên hành tinh này và mời gọi mỗi người thực hiện một cuộc “hoán cải môi sinh” thật sự. Nhờ đó, chúng ta nhận biết giá trị đích thực cuộc sống của mình trên hành tinh này và để lại cho các thế hệ con em tương lai một trái đất với đời sống ý nghĩa hơn.
Được gợi hứng từ gương sáng của thánh Phanxicô thành Assisi là mẫu mực về yêu mến và tôn trọng thiên nhiên vạn vật và là chứng tá trong việc hoán cải môi sinh, Đức Thánh Cha đã lấy lại lời ngợi khen Thiên Chúa của thánh Phanxicô: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa con” (Laudato si’ mi’ Signore) từ Bài Ca Các Tạo Vật của thánh nhân. Từ bài ca rất đẹp này, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại, ngôi nhà chung này phải được xem như là người chị của chúng ta, mà chúng ta được chia sẻ cuộc sống, và như người mẹ ôm lấy chúng ta. “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa con! Vì người chị của chúng con, người mẹ trái đất của chúng con, mẹ nâng đỡ chúng con và mang lại nhiều hoa trái, những bông hoa tươi đẹp, những cây cỏ xanh tươi” (Bài Ca Các Tạo Vật).
Tuy nhiên, người chị, người mẹ của chúng ta đang kêu gào thảm thiết vì sự hủy hoại do con người gây ra, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên của con người. Quan sát giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, Đức Thánh Cha nhận thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8, 22). Tất cả thảm hại xảy ra trên trái đất do thái độ của con người đối xử với trái đất như là những chủ nhân và sở hữu chủ trái đất và tự cho mình quyền khai thác trái đất cách tàn bạo. Thật sự, con người cũng chỉ là tro bụi (St 2,7). Thân xác của con người cũng được tạo nên từ đất, không khí trong vũ trụ này giúp con người thở và nước cho con người sống và được bồi dưỡng. Trong bối cảnh đó, Thông điệp Laudato si’ nhấn mạnh rằng “thánh Phanxicô là mẫu gương tuyệt vời cho việc yêu mến và tôn trọng những gì yếu đuối và cho một sinh thái được sống cách trọn vẹn đầy niềm vui đích thực. Ngài chính là vị thánh cho tất cả những ai tìm hiểu và làm việc trong lãnh vực sinh thái…, ngài chỉ cho thấy rõ mức độ ngài liên kết tất cả việc chăm sóc thiên nhiên, sự công bằng với kẻ nghèo, việc dấn thân cho xã hội và bình an nội tâm vào một điểm gắn kết chung với nhau” (số 10).
Trong bối cảnh hiện tại trái đất đang bị tàn phá, Đức Thánh Cha có cái nhìn lạc quan vào con người có khả năng cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta (số 13). Không phải tất cả bị đánh mất. Con người trong tình trạng những sự tồi tệ nhất, thì cũng có khả năng chỗi dậy, lựa chọn lại những điều tốt lành nhất và bắt đầu lại (số 205). Trong tiến trình hoán cải và hy vọng sẽ canh tân trong tương lai, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới sự vẹn toàn môi sinh như là trung tâm của Thông Điệp với một ý tưởng có khả năng nối kết với những mối tương quan căn bản của con người với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với toàn thể tạo thành.
Trong mối tương quan này chúng ta được mời gọi thực hiện cuộc “hoán cải môi sinh” thật sự, nghĩa là thay đổi hoàn toàn về lối nhìn, sự tương tác và thái độ cư xử trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Điều này có nghĩa thay đổi các lựa chọn mà chúng ta thực hiện trong đời sống hằng ngày đối với môi trường; đối với các sinh vật, bao gồm cả con người. Một sự thay đổi toàn diện để cải thiện toàn thể tạo thành. Người nào có những hành vi “hoán cải môi sinh” thì người ấy là hình ảnh của Thiên Chúa mà con người đó tìm kiếm một đời sống hài hòa với thiên nhiên (bao gồm cả con người), một tôi tớ chứ không phải là một chủ nhân.
Những đề nghị cụ thể cho việc hoán cải môi sinh:
– Thái độ biết ơn và nhận thức về quà tặng nhưng không.
Với đức tin cuả người Công Giáo, chúng ta bày tỏ thái độ biết ơn và nhận biết “thế giới là ân huệ tình yêu của Thiên Chúa” ban tặng cho nhân loại cách nhưng không và “chúng ta được kêu gọi noi gương lòng quảng đại của Ngài bằng cách từ bỏ chính mình và làm những công việc tốt lành, ngay cả khi không ai nhìn thấy” (số 220).
– Nhận biết rằng tôi là một phần của tạo thành.
“Việc hoán cải môi sinh cũng đòi buộc một ý thức tràn đầy tình yêu, không tách rời với những thụ tạo khác, nhưng tạo ra một cộng đồng có giá trị bao trùm tất cả những hữu thể hiện hữu trong vũ trụ. Người tin không nhìn ngắm thế giới từ bên ngoài, nhưng từ trong nội tâm và nhận ra dây liên kết mà qua đó Chúa Cha nối kết chúng ta với tất cả hữu thể. Ngoài ra, việc hoán cải môi sinh gợi lên những khả năng đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho họ, sẽ giúp họ triển khai sức sáng tạo của mình và gia tăng sự thanh thoát để giải quyết các bi kịch của thế giới và chính họ “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Vì thế, tạo thành như là lời của tình yêu phát ra từ Thiên Chúa cho nhân loại, chúng ta là lời của tình yêu Thiên Chúa trao tặng cho những thụ tạo khác (số 220).
– Nhận biết mọi thụ tạo đều phản ánh Thiên Chúa là Đấng tốt lành, yêu thương và nhân từ.
“Mỗi thụ tạo đều phản ánh một điều gì đó của Thiên Chúa và có một sứ điệp để dạy dỗ chúng ta hoặc là ý thức rằng Đức Kitô đã đón nhận thế giới vật chất này và hiện tại Người là Đấng Phục Sinh đang cư ngụ trong thâm sâu của từng hữu thể và đã ôm lấy chúng với lòng từ ái của Người, cũng như thấm nhập ánh sáng của Người vào trong chúng” (số 221).
– Nhận biết sự hài hòa và trật tự trong tạo thành.
“Hoán cải môi sinh” đối với những người Công Giáo thì cũng biết rằng “Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới và đã đặt trong chúng một trật tự và một năng động mà con người không có quyền quên đi. Chúng ta đọc trong Tin Mừng rằng Chúa Giêsu nói về các con chim và nhận biết “không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,6). Vậy làm sao chúng ta lại có thể đối xử tệ với chúng và gây thảm hại cho chúng?” Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hoán cải thật sự, tạo mối tương quan mật thiết với các thụ tạo khác trong một tình huynh đệ chân thật với toàn thể tạo vật như Thánh Phanxicô đã nêu gương sáng rạng ngời (số 221).
Hoán cải môi sinh là một thể thức cụ thể của việc nhìn vào tạo thành đang thúc đẩy sự thay đổi tâm hồn. Như thế, “hoán cải môi sinh” trong ý nghĩa của Công Giáo là cách thức mới mẻ nhìn vào tạo thành; lối sống mới của đời sống chúng ta trong sự hài hòa sâu sắc với những người xunh quanh chúng ta, với mọi loài thụ tạo mà chúng ta đang chung sống và với Thiên Chúa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lựa chọn để có ít hơn trong cuộc sống nhưng sống nhiều hơn trong đời sống để bảo đảm cho tất cả, bao gồm các thế hệ con em tương lai, đều bình đẳng lợi ích từ những nguồn của trái đất.
Đức Thánh Cha trình bày thánh Phanxicô thành Assisi như là gương sáng mẫu mực trong việc hoán cải này, ngài có “mối tương quan lành mạnh với tạo thành là một chiều kích trong cuộc hoán cải trọn vẹn của con người. Điều này cũng đưa tới nhận thức những sai lầm, tội lỗi, tật xấu hoặc chễnh mãng và dẫn tới sự sám hối trọn tâm hồn và ước muốn thay đổi… Để thực hiện sự giao hòa đó, chúng ta phải biết xem xét lại đời sống của chúng ta và nhận ra những đường lối chúng ta đã làm tổn thương tạo thành của Thiên Chúa bằng các hành vi và những sai lầm của chúng ta. Chúng ta cần có kinh nghiệm về hoán cải hoặc sự thay đổi tâm hồn” (số 218).
Nguồn: ubclhb.com (02.03.2022)
Để lại một phản hồi