Sau khi trình bày các vấn nạn của cuộc khủng hoảng môi sinh và nêu ra các nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cung cấp năm (5) phương thức đối thoại chính yếu mà chúng ta có thể tiếp cận và hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi sinh:
(1) Sự phụ thuộc lẫn nhau trong một thế giới duy nhất cần có một chương trình chung.
Sự phụ thuộc lẫn nhau, có nghĩa “ một thế giới duy nhất với một chương trình chung” ( Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung, số 164). Điều này buộc chúng ta phải nghĩ tới và đưa ra kế hoạch hay chương trình cho nền kinh tế toàn cầu dựa trên căn bản các nhiên liệu hóa thạch phải được thay thế mà không trì hoãn bằng năng lượng có thể hồi phục. Thế giới đang cần khẩn cấp một “thế giới quyền bính chính trị chân chính” để bảo vệ môi sinh.
(2) Quốc gia và các địa phương cần có chính sách hành động cụ thể về việc bảo vệ môi sinh.
Các chính sách quốc gia và địa phương cần thúc đẩy những thực hành tốt nhất, “giảm bớt tiêu thụ” và phát triển “nền kinh tế loại bỏ chất thải và tái chế,” đẩy mạnh “năng lượng có thể hồi phục”, “dạng thức sản xuất nhỏ” và bảo tồn “hệ sinh thái địa phương.” (Số 180).
(3) Những giải pháp kịp thời cho các cộng đồng đang bị ô nhiễm môi sinh.
Những cộng đồng đang bị ô nhiễm môi sinh cần “một vị trí ưu tiên tại các cuộc thảo luận, họ sẽ tự hỏi điều họ mong muốn cho chính mình và con cái họ, họ có thể nhắm vào các mục tiêu vượt quá lợi ích kinh tế hiện tại.” (Số 183). Cần có sự đối thoại và trong sáng để có thể tiếp cận với những sự rủi ro gây ảnh hưởng môi trường và các dự án trong tiến trình xây dựng kế hoạch để đưa ra các quyết định chính đáng, (x. số 190).
(4) Các nền chính trị và kinh tế cần liên kết với nhau để phục vụ sự sống con người.
Sự liên kết giữa các nền chính trị và kinh tế là điều cần thiết, thay thế sự chỉ trích hoặc phê phán lẫn nhau, để phục vụ sự sống con người. Chúng ta cần loại bỏ ý niệm cho rằng “các vấn đề có thể được giải quyết cách đơn giản bằng cách gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp hoặc của cá nhân.” (Số 190).
(5) Tôn giáo và khoa học cần hỗ trợ lẫn nhau.
Tôn giáo cung cấp các nguồn đạo đức và tinh thần mà khoa học còn thiếu khi giải thích về thực tại. “Sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng môi sinh đòi buộc mọi người nhìn vào lợi ích chung,” từ đó tôn giáo và khoa học có thể “tiến bước trên con đường đối thoại để giải hoà với thiên nhiên, bảo vệ người nghèo và xây dựng mạng lưới tôn trọng và huynh đệ.” (số 201).
Với những gợi ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về các phương thức tiếp cận và hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi sinh như nêu trên, chúng ta có thể suy xét: những phương thức này có thể giúp chúng ta có những thay đổi về việc bảo vệ môi sinh hay không? Làm sao chúng ta có thể đối thoại chân thành trong việc ngăn chặn sự khủng hoảng môi sinh? Các nền chính trị và kinh tế có thể phục vụ cộng đồng tốt hơn như thế nào, đặc biệt là những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của nạn khủng hoảng môi sinh?
“Sự phụ thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải nghĩ đến một thế giới duy nhất với một chương trình chung. Dẫu rằng tài năng được sử dụng cho sự phát triển kỹ thuật lớn lao, nhưng cũng không đủ khả năng tìm ra những hình thức hữu hiệu cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn của môi trường và xã hội toàn cầu. Sự đồng thuận toàn cầu là yếu tố cần thiết để đối diện với các vấn nạn ngày càng trầm trọng mà chúng ta không thể giải quyết bằng các hoạt động của từng quốc gia riêng lẻ.” (Số 164).
Thực tế chúng ta đang chứng kiến nhiều vấn nạn về môi trường sinh sống của chúng ta, hầu hết nhân loại đang chịu ảnh hưởng về sự biến đổi khí hậu, nhiều người giữa chúng ta đang phải sống trong cảnh nghèo đói và bị gạt ra bên lề xã hội, nhiều người bị tổn thương và mất khả năng thích nghi, nhưng họ cũng đóng góp phần nào vào sự lan tỏa khí nhà kính gây nên sức nóng toàn cầu. Các quốc gia và các ngành công nghiệp cần có chính sách ưu tiên sạch sẽ, không sử dụng các công nghệ nhiên liệu hóa thạch và làm giảm thiểu khí thải các-bon. Những thực hiện này có thể được áp dụng từ địa phương, quốc gia tới toàn cầu với một kế hoạch đồng thuận chung. Thực hiện cụ thể:
– Xác định những phương thức bạn có thể liên đới với người nghèo, người bị bỏ rơi và môi trường sinh sống bằng những quyết định thiết thực mà bạn có thể thực hiện tại cộng đồng địa phương của bạn;
– Thúc đẩy chính quyền ủng hộ những hiệp định thương mại mang tính bảo vệ môi sinh, công lý và hòa bình.
Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.
Nguồn: ubclhb.com (02.08.2022)
Để lại một phản hồi