Hiệp định Tòa Thánh – Trung Quốc và kho tàng đức tin

Lễ tấn phong Giám mục tại Trung Quốc 

Ông Gianni Valente, tân Giám đốc hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo mạnh mẽ bảo vệ Hiệp định giữa Toà Thánh và Trung Quốc. Theo ông, để hiểu thấu các lý do cách tiếp cận của Đức Thánh Cha và các cộng sự của ngài, cần phải ghi nhớ lịch sử gần đây của Công giáo ở Trung Quốc và nhận ra những gì đã hướng dẫn các bước đi của Tòa Thánh trong nhiều thập kỷ khi giải quyết các vấn đề của người Công giáo Trung Quốc.

Cách đây 4 năm, ngày 22-9-2018, sau cuộc họp giữa hai phái đoàn Toà Thánh và Trung Quốc, hai vị trưởng phái đoàn Vatican và Trung Quốc là Đức ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, và ông Vương Siêu (Wang Chao), Thứ trưởng ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, đã ký Hiệp định tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục.

Vào dịp đó, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhận xét rằng việc ký kết này có một tầm quan trọng đặc biệt, nhất là đối với đời sống của Giáo hội tại Trung Quốc và cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và chính quyền dân sự tại nước này, cũng như việc củng cố một chân trời quốc tế về hòa bình, trong lúc chúng ta đang chứng kiến bao nhiêu căng thẳng trên bình diện thế giới. Ngài nói: “Đối tượng của Tòa Thánh là một đối tượng mục vụ, nghĩa là giúp đỡ các Giáo hội địa phương, để họ được hưởng những điều kiện tự do hơn, tự quyết và tổ chức, để có thể chuyên chăm thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, góp phần vào việc phát triển toàn diện cho con người và xã hội.  Lần đầu tiên sau bao nhiêu thập niên, ngày hôm nay, các Giám mục tại Trung Quốc hiệp thông với Giám mục Roma. Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như các vị tiền nhiệm ngay trước ngài, vẫn nhìn và đặc biệt quan tâm, chăm sóc nhân dân Trung Quốc. Cần có sự hiệp nhất, tín nhiệm, cần một đà tiến mới, cần những mục tử tốt lành, được cả Người Kế Vị Thánh Phêrô và chính quyền dân sự hợp pháp nhìn nhận. Và Hiệp định được đặt trong chân trời ấy: đó là một văn kiện mà chúng tôi hy vọng có thể giúp đỡ trong tiến trình ấy, với sự cộng tác của tất cả mọi người”.

Gia hạn Hiệp định

Hiệp định cung cấp cho thời gian áp dụng thử nghiệm trong vòng hai năm. Vào ngày 22/10/2020, Hiệp định đã được gia hạn thêm hai năm.

Vào dịp đó, Thông cáo Báo chí Toà Thánh viết: “Xét thấy việc thực hiện Hiệp định nói trên – cơ bản về mặt Giáo hội và mục vụ – là tích cực, nhờ sự thông tin và hợp tác tốt giữa các bên về các vấn đề đã thỏa thuận, Tòa Thánh muốn tiếp tục cuộc đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng vì lợi ích của đời sống Giáo hội Công giáo và những điều tốt đẹp của người dân Trung Quốc”.

Hướng tới tương lai của Hiệp định

Giờ đây, khi thời hạn cho lần gia hạn đầu tiên đang đến gần, đã có những bình luận tích cực nhưng không thiếu suy nghĩ tiêu cực về Hiệp định này. Trước những phê bình và chống đối Hiệp định, ông Gianni Valente, tân Giám đốc hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo đã mạnh mẽ bảo vệ Hiệp định giữa Toà Thánh và Trung Quốc.

Ông Gianni Valente viết: “Giờ đây, khi thời hạn của lần gia hạn đầu tiên sắp hết, các tuyên bố gần đây của Đức Thánh Cha và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã ám chỉ ý định tích cực về việc tiếp tục quá trình đàm phán, cũng như yêu cầu nhìn thấy Hiệp định được thực hiện đúng thời hạn và thảo luận về những khía cạnh của sự tiến bộ của Hiệp định, với mục đích duy nhất là giao phó trách nhiệm mục vụ cho các Giám mục xứng đáng và phù hợp”.

Theo ông, để hiểu thấu các lý do cách tiếp cận của Đức Thánh Cha và các cộng sự của ngài, chỉ cần ghi nhớ lịch sử gần đây của Công giáo ở Trung Quốc và nhận ra những gì đã hướng dẫn các bước đi của Tòa Thánh trong nhiều thập kỷ khi giải quyết các vấn đề của người Công giáo Trung Quốc.

Ông Gianni Valente lưu ý rằng từ khi Hiệp định được ký kết, các cuộc tấn phong Giám mục bất hợp pháp không còn xảy ra ở Trung Quốc. Bất hợp pháp có nghĩa là các lễ tấn phong Giám mục được cử hành nhưng không có sự đồng ý của Đức Thánh Cha. Các lễ tấn phong này đã gây ra những vết cắt đau đớn nơi người Công giáo Trung Quốc từ cuối những năm 1950.

Kể từ năm 2018, sáu cuộc tấn phong Giám mục mới đã diễn ra ở Trung Quốc, với các thủ tục bao gồm có cả sắc lệnh bổ nhiệm của Đức Thánh Cha. Đồng thời, sáu Giám mục trước đây được gọi là “hầm trú”, đã được thánh hiến nhưng không tuân theo các quy chế do bộ máy Trung Quốc áp đặt, đã yêu cầu và được chính quyền Bắc Kinh công nhận.

Hiện nay, tất cả các Giám mục Trung Quốc đều hiệp thông với Roma

Ông nhìn nhận rằng con số này vẫn còn thấp, nếu chúng ta tính đến tổng số giáo phận Công giáo bị trống toà hoặc được hướng dẫn bởi các Giám mục rất cao tuổi ở Trung Quốc. Nhưng tất cả các Giám mục Công giáo Trung Quốc hiện diện tại Trung Quốc ngày nay đều hiệp thông đầy đủ và công khai với Giám mục Roma.

Hiệp định hiện đang có hiệu lực với chính quyền Trung Quốc không thể so sánh với các mô hình thỏa thuận mà Tòa Thánh đã đạt được với các chính phủ khác, như thỏa thuận mới được ký với Kazakhstan nhân cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến quốc gia Trung Á để đảm bảo sự công nhận về mặt pháp lý và không gian thuận lợi cho các tổ chức Giáo hội và các nhân viên mục vụ sử dụng trong các bối cảnh quốc gia khác nhau.

Giám đốc hãng tin Fides lưu ý, Hiệp định về việc bổ nhiệm các Giám mục Trung Quốc chạm đến những điều sâu thẳm nhất của bản chất tông truyền của Giáo hội và tính năng động trong đời sống bí tích của Giáo hội. Vấn đề được đề cập trong Hiệp định liên quan đến đức tin của người Công giáo Trung Quốc, và những đau khổ gây ra bởi những vết cắt trong Giáo hội, trong những thập kỷ gần đây, đã chia rẽ các giáo sĩ và giáo dân, các cộng đoàn và gia đình. Nội dung của Hiệp định cũng liên quan đến việc tưởng nhớ các vị tử đạo và hiệu lực của các bí tích được cử hành ở các giáo xứ, nhà nguyện và tư gia ở Trung Quốc.

Tính bí tích và tính tông truyền của Giáo hội được công nhận, gìn giữ và sống trong khuôn khổ mục vụ của đời sống Giáo hội của mỗi giáo xứ Trung Quốc, và sự hiệp thông trọn vẹn của tất cả các Giám mục với Giám mục Roma không thể được mô tả là “đáng thất vọng” theo quan điểm của Tòa Thánh, đặc biệt nếu chúng ta ghi nhớ ít nhất một chút lịch sử mà từ đó nó đến.

Trong các bài viết có ảnh hưởng trình bày về quan hệ Trung Quốc-Vatican, các yếu tố đã thúc đẩy Tòa Thánh đi theo con đường mà Tòa Thánh đã đi, và các tiêu chí đã hướng dẫn Toà Thánh lựa chọn về các vấn đề rất quan trọng đối với cảm thức Giáo hội của người Công giáo Trung Quốc, thường bị bỏ qua và che dấu.

Những người coi Hiệp định là một hoạt động có kết quả tầm thường hoặc thậm chí là một sai sót đáng tiếc, không những chỉ loại bỏ các tham chiếu đến sự năng động bí tích làm cho Giáo hội tồn tại, nhưng còn che đậy tất cả những gì đã xảy ra trong bảy mươi năm qua với Công giáo Trung Quốc.

Người Công giáo không phải là những tác nhân của thế lực thù địch

Trong một thời gian dài, trên các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc, các Giám mục và Tòa Thánh thường được coi là “cơ quan giám sát” của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Giờ đây, ngay cả trong giai đoạn căng thẳng quốc tế giữa Trung Quốc và phương Tây, không ai ở Trung Quốc nghĩ đến việc xúc phạm Đức Thánh Cha và Giáo hội Công giáo như là tay sai của các thế lực thù địch.

Khi căng thẳng quốc tế và các cuộc đụng độ quyền lực gia tăng, cũng cần phải có đức tin để nhìn vào tình trạng tế nhị của đàn chiên bé nhỏ Công giáo Trung Quốc. Chính trong điều kiện này, được chia sẻ với đồng bào, họ có thể trải nghiệm cuộc phiêu lưu tuyên xưng đức tin nơi Chúa Kitô ở Trung Quốc ngày nay như vốn có, không có đặc quyền, không bị chỉ điểm và bị coi là ngoại lai, như những vị khách xa lạ hay những người đại diện của các nền văn hóa xa xôi.

Người Công giáo Trung Quốc, giống như tất cả công dân Trung Quốc, sống trong bối cảnh của các quy định do chính quyền dân sự Trung Quốc ban hành. Khi được rửa tội, họ tuân theo đức tin của các tông đồ, trong đó sự hiệp thông với Giám mục Roma là một phần không thể thiếu với tư cách là người bảo đảm cho sự hiệp nhất của Giáo hội. Tình trạng của họ có thể dẫn đến mệt mỏi, thất vọng, đau khổ. Nhưng bằng cách duy trì nội tại trong tình trạng này, mở ra cánh cửa để làm chứng, cho khả năng tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô, bước đi mỗi ngày trong sự đồng hành của Người ở Trung Quốc ngày nay, thực hiện những cử chỉ bình thường liên quan đến sứ vụ cứu độ được Chúa Giêsu giao phó với các tông đồ của Người: loan báo Tin Mừng, dạy giáo lý, ban các bí tích, thực hiện bác ái cho anh em và đồng bào đang cần giúp đỡ. Những hành động và lời nói của dòng chảy kinh nghiệm Kitô giáo không bị nghi ngờ này làm cho cuộc sống hàng ngày của nhiều cộng đoàn Công giáo Trung Quốc trở nên sống động.

Trong những biến cố vui mừng và khó khăn đánh dấu bảy mươi năm qua của Công giáo Trung Quốc, yếu tố quyết định chính là đức tin của các Tông đồ; trong bất cứ hoàn cảnh nào, các Giám mục, linh mục và giáo dân của Giáo hội Trung Quốc đều được gìn giữ trong đức tin đó. Không phải nhờ chủ nghĩa anh hùng hay tình nguyện cố chấp, nhưng là do ân sủng. Những người kế vị Thánh Phêrô đã trải nghiệm và chứng thực rằng sự hiệp thông của các vị với Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc sẽ không được khôi phục bằng các công cụ của quyền tối cao pháp luật, đơn giản vì sự hiệp thông đó, được thiết lập dựa trên việc chia sẻ cùng một đức tin Công giáo. Đây là kho báu duy nhất được tin tưởng ngay cả trong những sự kiện khó hiểu và gây tranh cãi tại thời điểm hiện nay.

Ngọc Yến

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*