Matilde Latorre
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) sẽ chính thức tổ chức kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Thérèse Martin (Thánh Têrêsa Lisieux), một trong những vị thánh vĩ đại nhất mọi thời đại, vào năm 2022-2023.
Quyết định này, được Đại hội đồng các nước thành viên UNESCO biểu quyết vào ngày 11.11.2021, nhằm ghi nhận những đóng góp của Thánh Têrêsa Lisieux đối với nhân loại về các khía cạnh tinh thần, văn hóa, và giáo dục.
Là con út trong gia đình có 9 người con, Têrêsa sinh ngày 02.01.1873, sau khi người mẹ qua đời, ở tuổi lên bốn Têrêsa được cha và các chị gái nuôi dưỡng.
Cảm nhận được ơn kêu gọi sống đời đan tu nên ngay từ khi còn rất trẻ, cô bé Têrêsa đã quyết tâm đi theo các chị xin gia nhập dòng kín Cát Minh, dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong tu viện Lisieux, thuộc vùng Normandy, Pháp quốc.
Nữ tu Têrêsa qua đời ở tuổi 24 vì bệnh lao, và được phong thánh vào năm 1925.
Thánh Têrêsa Lisieux, ngôn ngữ của tình yêu vượt biên giới
Linh mục Thierry Hénault-Morel, giám đốc Đền thờ Alençon, thị trấn nơi Thánh Têrêsa được sinh ra, giải thích:
Hai năm một lần, UNESCO vinh danh những nhân vật, mỗi người theo cách riêng của họ, đã làm việc và tiếp tục hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, sự thăng tiến phụ nữ, văn hóa, khoa học, và xây dựng hòa bình.
Cha Hénault-Morel cho biết thêm,
Thánh Têrêsa, vốn được biết đến trên toàn thế giới, góp phần thúc đẩy những giá trị phổ quát qua các tác phẩm và chứng từ của Ngài. Qua phẩm chất và chiều sâu của cuộc sống, thánh nữ nói một ngôn ngữ vượt lên mọi biên giới: đó là ngôn ngữ của Tình yêu.
Thánh Têrêsa Lisieux, khao khát đến những “vùng ngoại biên” xa xôi nhất
Linh mục Olivier Ruffray, giám đốc Đền thờ ở Lisieux, nơi tu viện Cát Minh toạ lạc, nhận định rằng:
Việc UNESCO công nhận Thánh Têrêsa Lisieux, theo đề xuất của nước Pháp, đã mở ra những triển vọng mới cho việc truyền bá sứ điệp của thánh nữ về cuộc sống, hòa bình, và tình yêu đối với “những hòn đảo xa xôi nhất”, như kiểu diễn tả của Thánh Têrêsa, hoặc theo cách nói của Đức Thánh Cha Phanxicô, “những vùng ngoại biên”.
Vào ngày 19.10.1997, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thánh Têrêsa Lisieux qua đời, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong ngài là Tiến sĩ Giáo hội, với tước hiệu “Tiến sĩ khoa học về tình yêu”.
Thánh Têrêsa Lisieux, “Tiến sĩ khoa học về tình yêu”
Dọc dài 2.000 năm lịch sử của Giáo hội, trong tổng số 36 vị thánh Tiến sĩ, có 4 vị thánh nữ Tiến sĩ mà cuộc đời của các ngài đều minh chứng cho sự phong phú của đời sống chiêm niệm đối với Giáo Hội và thế giới. Ngoài Thánh Têrêsa Lisieux, còn có Thánh Hildegard Bingen người Đức (1098-1179) thuộc dòng Biển Đức, được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên phong Tiến sĩ Giáo hội vào năm 2012; Thánh Catarina Siena người Ý (1347-1380) dòng Đa Minh, và Thánh Têrêsa Avila người Tây Ban Nha (1515-1582) dòng Cát Minh cùng được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI tuyên bố là Tiến sĩ Giáo hội vào năm 1970.
Thánh Têrêsa Lisieux, một khoa học vượt thời gian và các nền văn hóa
Cha Olivier Ruffray nhấn mạnh rằng việc tuyên phong Thánh Têrêsa là Tiến sĩ Giáo hội có nghĩa là:
Học thuyết, giáo huấn và con đường mà thánh nữ vạch ra được gửi đến cho toàn thể nhân loại. Được tóm tắt là “Khoa học về tình yêu“, học thuyết của ngài là khoa học vượt thời gian, nơi chốn, và được tìm thấy trong mọi nền văn hóa”.
Thật vậy,
“Khoa học về tình yêu” mà chúng ta có thể học được từ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, “liên kết mọi người nam, nữ trên thế giới này vì nó phù hợp với việc tìm kiếm ý nghĩa của thế giới, và việc tìm kiếm những gì sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người, đó là tình yêu”.
Thánh Têrêsa Lisieux, bí quyết của Con đường Thơ Ấu thiêng liêng
“Khoa học về tình yêu,” mà Thánh Têrêsa thấu hiểu và diễn tả, dựa trên nhận thức rằng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân không phụ thuộc vào những tố chất, đức tính, hoặc tài trí cao quý của một người; Thay vào đó, nó dựa trên khả năng chấp nhận sự yếu đuối của bản thân và tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người.
Vốn là người rất ngưỡng mộ Thánh Têrêsa, Đức giáo hoàng Phanxicô mô tả “khoa học” này đòi hỏi một thái độ tin tưởng: “Hãy tin tưởng như đứa trẻ phó mình trong tay Thiên Chúa”.
Thánh Têrêsa Lisieux, sự Tự do nội tâm
Là người có sứ mạng tiếp tục truyền bá sứ điệp của Thánh Têrêsa Lisieux, Cha Olivier Ruffray tin rằng lời tuyên bố của UNESCO nhìn nhận sứ điệp của thánh nữ tiếp cận được với mọi người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau.
Ngay cả ngày nay, sự gần gũi thiêng liêng của Thánh Têrêsa cho phép nhiều người trên khắp thế giới được hưởng lợi từ cùng một lời mời gọi đi theo con đường tự do nội tâm này, vốn đơn giản là con đường thơ ấu thiêng liêng mà ngài đã khám phá ra. Thánh nữ chia sẻ kinh nghiệm của mình về sự tự do nội tâm với những người cùng thời với chúng ta, là những người đón nhận sứ điệp của ngài và để cho chính mình được đánh động.
Cha Olivier Ruffray kết luận,
“Khoa học về tình yêu” của Thánh Têrêsa Lisieux giúp những ai cố gắng thực hiện nó trong cuộc đời mình trải nghiệm sự bình an nội tâm. Đồng thời, giúp xây dựng bản thân, và nuôi dưỡng tinh thần hòa bình.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (30. 9. 2022)
Để lại một phản hồi