Hình Thánh Gia ở Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Dili, Đông Timor (Kok Leng Yeo / Wikipedia)
Jared Staudt,PhD
Không như một phiến đá cổ thụ bất động, nứt nẻ, tâm hồn Thánh Gia là một biểu tượng sống động của lòng trung thành trong gian khổ, xuất phát từ sự cởi mở trọn vẹn để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể theo chân các ngài không chỉ trong “trường học Nazareth” với thói quen cầu nguyện và làm việc hằng ngày mà còn đi tới Belem, Giêrusalem, Ai Cập, và lần cuối cùng tại Giêrusalem. Chúng ta hãy dõi bước và biến hành trình của Thánh Gia thành cuộc hành hương qua các nhân đức của chính chúng ta.
Hành trình bắt đầu ở Nazareth
Mặc dù truyền thống cho rằng Đức Maria trải qua thời thơ ấu ở Giêrusalem khi được cha mẹ là thánh Gioankim và Anna dâng hiến cho Thiên Chúa để phục vụ trong Đền Thờ. Và rồi, Thiên Chúa thường dẫn con người bằng những cách con người không ngờ tới, khi tại Nazareth, giống như bao thiếu nữ đương thời, Đức Maria cũng đã đính hôn. Chúng ta có thể thấy sự mong đợi của chính Đức Maria để sống khiết tịnh trong câu hỏi của ngài với Sứ thần, “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1, 34). Vì thực, một phụ nữ đã đính hôn sẽ không thắc mắc về việc mang thai. Sự tin tưởng và phó thác tuyệt đối của Đức Maria đối với ý muốn của Thiên Chúa đã cho phép điều không thể tưởng tượng được xảy ra: sự trinh tiết sinh hoa kết trái từ việc Đức Maria hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa, theo cách thế vượt lên trên quan hệ hôn nhân.
Trong khi đó, thánh Giuse, người được gọi là “người bạn đời cực thanh cực tịnh” của Đức Maria, cũng được mời gọi để tuyệt đối tin tưởng và phó thác. Tin Mừng kể rằng, dù không hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa nhưng thánh Giuse vẫn bộc lộ sự vâng phục hoàn toàn đối với những lời thiên thần nói với mình qua giấc mơ. Hơn nữa, dù Tin Mừng không cho thấy thánh Giuse nói bất cứ lời nào, nhưng ngài luôn là mẫu gương về sự sẵn sàng ngay lập tức, và không hồ nghi chút nào để làm theo ý Thiên Chúa.
Hành trình đi đến Bêlem
Sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn Thánh Gia đến Bêlem, thành của Đavít và cũng là quê cha đất tổ của Giuse, nơi được định sẵn để Đức Maria hạ sinh Đấng Cứu thế. Hang đá nơi Đức Giêsu giáng sinh dạy chúng ta rằng Đức Giêsu đến không phải để lấn át chúng ta bằng sức mạnh nhưng mời gọi và dẫn chúng ta đến với Người qua sự khiêm nhường. Đúng ra, chúng ta phải phục vụ Người, nhưng chính Người lại đến để phục vụ chúng ta, thậm chí hiến mình như là của ăn, được đặt nằm trong chiếc máng ăn của súc vật.
Sự khó nghèo của Thánh Gia nhắc chúng ta cần sống tiết độ hơn nữa, qua việc tiết chế những ham muốn để đặt gia tài thiêng liêng lên trên của cải vật chất. Làm sao chúng ta có thể sống xa hoa khi chính Con Thiên Chúa đã sinh ra trong cảnh khó nghèo vì chúng ta? Được bọc trong khăn tã, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy bắt chước sự đơn giản của Người.
Hành trình đến Giêrusalem
Bốn mươi ngày sau khi Đức Giêsu giáng sinh, Thánh Gia hành hương đến Giêrusalem để dâng Người trong Đền Thờ. Hành trình này cho thấy sự trung thành của Thánh Gia trong việc tuân giữ Luật Môsê. Trước hết, khi tiến dâng Đức Giêsu, Thánh Gia chu toàn Luật Môsê đòi phải chuộc con trai đầu lòng, để nhớ lại biến cố các con đầu lòng của dân Israel đã được tha chết như thế nào trong đêm Vượt qua ở Ai Cập xưa kia. Thứ đến, nghi thức tiến dâng này này cũng đánh dấu việc Đức Maria khiêm tốn để được thanh tẩy sau khi sinh theo như luật định. Bên cạnh đó, trong thời gian ở Giêrusalem, Thánh Gia mô phỏng tính trung tâm của việc thờ phượng mà chúng ta cần để biến toàn bộ cuộc sống của chúng ta trở thành của lễ tiến dâng cho vinh quang Thiên Chúa, được thể hiện qua nhân đức thờ phượng.
Hành trình sang Ai Cập
Với hành trình bất ngờ trốn sang Ai Cập dưới sự đe dọa của vua Hêrôđê, thánh Giuse thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ khi thức dậy trong đêm đưa Thánh Gia đi lánh nạn; sự kiên nhẫn tuyệt vời trong vai trò là người gia trưởng, bảo vệ gia đình trong lúc thử thách; và lòng dũng cảm khi đương đầu với những mối đe dọa, chấp nhận cuộc sống lưu vong ở một miền đất xa lạ.
Hành trình trở về Nazareth
Theo lệnh của thiên thần, Giuse lại đưa Thánh Gia trở về lại Nazareth, nơi Đức Giêsu sẽ lớn lên trong sự khôn ngoan và sức mạnh (Lc 2, 40), cầu nguyện và làm việc với cha mẹ của Người. Tại đây, “trường học Nazareth” mở ra, cho thấy ngôi nhà là đỉnh cao của hành trình gia đình, nơi các nhân đức nở hoa trong đức ái và sự tận tụy sâu sắc nhất. Ngôi nhà của Thánh gia trở thành nơi thể hiện lòng chung thủy và tử tế đối với nhau, với sự thận trọng định hình mọi quyết định trong ngày, dù lớn hay nhỏ, và sự công bằng hướng dẫn các mối tương tác với người khác. Bằng việc tiếp tục sống khó nghèo, Thánh Gia chỉ ra mục đích của công việc và đời sống gia đình: quan tâm tới người khác và tôn vinh Thiên Chúa.
Hành trình kết thúc tại Giêrusalem
Thánh Gia tiếp tục cuộc hành trình cuộc sống, thực hiện các cuộc hành hương hằng năm đến Giêrusalem để tham dự các ngày lễ lớn. Lần cuối cùng, Đức Giêsu đến Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua, và Đức Maria cũng trung thành đồng hành với Người. Chính tại đây, Đức Maria đã quảng đại hiến dâng Đức Giêsu cho Chúa Cha, làm giá cứu chuộc nhân loại, và kiên trung đón nhận cơn đau quặn thắt, như những lưỡi gươm đâm thấu tâm can, ứng nghiệm lời tiên tri của ông Simêon tại Lễ Dâng Đức Giêsu trong đền thánh trước kia (Lc 2, 35).
Cuộc hành hương vĩ đại của Thánh Gia giờ đây đã đến hồi viên mãn: Máng cỏ thập giá. Khi Đức Giêsu được sinh ra một lần nữa trong tâm hồn chúng ta vào Lễ Giáng Sinh, Người mở ra cho mỗi chúng ta một hành trình riêng, với những trạng huống khác nhau, nhưng đều có chung điểm xuất phát từ trường nhân đức ở Nazareth và đích đến là Giêrusalem: hiến dâng cuộc đời chúng ta hoàn toàn cho Thiên Chúa với Người, trong Người, và qua Người.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicworldreport.com (08. 12. 2022)
Để lại một phản hồi