Hàng ngàn tín hữu ở Roma và khắp nơi trên thế giới đến kính viếng Đức Biển Đức

Sáng thứ Hai 02/12/2023, di hài của Đức Biển Đức đã được chuyển từ Đan viện Mater Ecclesiae đến đền thờ thành Phêrô và được đặt trước bàn thờ Tuyên xưng đức tin. Chỉ trong buổi sáng đã có hàng ngàn tín hữu xếp hàng dài để vào kính viếng Đức cố Giáo hoàng.

Các tín hữu xếp hàng vào đền thờ  (Vatican Media)

Từ sáng sớm đã có hàng ngàn người xếp hàng chờ đợi, và khi cửa vừa mở, nhóm tín hữu đầu tiên đã ngay lập tức tiến bước nhanh dọc theo gian giữa để đến trung tâm Đền thờ, nơi đặt thi hài Đức Biển Đức.

Thi hài Đức Biển Đức được đặt ngay trước bàn thờ Tuyên xưng, với phẩm phục màu đỏ truyền thống có mũ, nhưng không có dây Pallium – biểu tượng cai quản – thường không được sử dụng cho một giáo sĩ đã về hưu. Bên cạnh ngài là hai Vệ binh Thuỵ Sĩ.

Pope_BenedictXVI_13.jpeg
Xếp hàng vào đền thờ

Vào lúc 8 giờ 50, người đầu tiên bước vào đền thờ thánh Phêrô là ông Sergio Mattarella, Tổng thống Ý, cùng với con gái là cô Laura. Cả hai dừng lại cầu nguyện trong giây lát. Tiếp theo là những vị đứng đầu chính phủ Ý: bà thủ tướng Giorgia Meloni, Bộ trưởng Nông nghiệp Francesco Lollobrigida. Tất cả đến bên thi hài Đức Biển Đức làm dấu Thánh Giá, quỳ gối cầu nguyện, và sau đó ngồi trên những hàng ghế bên cạnh thinh lặng trong giây lát để tưởng nhớ Đức cố Giáo hoàng.

Ở bên trái thi hài Đức Biển Đức là Đức Hồng Y Michael Harvey, Giám quản đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, và một số nữ tu cầu nguyện với chuỗi Mân Côi.

Nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đã dành thời gian dừng lại trong giây lát để cầu nguyện trước thi hài Đức Biển Đức. Nhiều người xúc động không cầm được nước mắt. Một số khác đến bên thi hài trong thầm lặng tưởng nhớ hoặc lần chuỗi Mân Côi.

Pope_BenedictXVI_14.jpeg
Cầu nguyện trước di hài Đức Biển Đức

Bà Carmela, 76  người Ý đến từ vùng Calabria, là một trong số đông đảo tín hữu đến kính viếng Đức Biển Đức. Bà đi lại khó khăn do bị té cách đây hai năm. Chúa nhật bà đã có mặt tại Đan viên Mater Ecclesiae, và hôm nay bà tiếp tục hiện diện tại đền thờ thánh Phêrô. Cả hai lần bà đều cố gắng guỳ gối cầu nguyện cho Đức cố Giáo Hoàng. Bà nói: “Đây là lần đầu tiên tôi quỳ gối. Tôi nợ Đức Biển Đức. Trong những năm qua tôi đã theo ngài khắp nơi, từ Calabria đến Roma. Giờ đây cần phải có một chút hy sinh, nhưng tôi không thể bỏ qua”.

Pope_BenedictXVI_15.jpeg
Tổng thống Ý cầu nguyện trước di hài Đức Biển Đức

Trong khi đó, ở bên ngoài, Giancarlo Rossi, sống ở Roma, đã đến xếp hàng vào lúc 7 giờ 45 sáng. Trong lúc xếp chờ đến lượt bày tỏ lòng kính mến, ông lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho Đức Biển Đức. Ông nói: “Tôi đã được gặp Đức Biển Đức vài lần. Hôm nay, tôi đến đây để chào tạm biệt ngài lần cuối. Tôi đang cầu nguyện cho ngài. Tôi đã xin Thánh lễ cho ngài”.

Một người khác, cha Alexander Lashuk, linh mục Công giáo nghi lễ Byzantine cũng đã đến quảng trường từ sớm bày tỏ: “Mặc dù rất đông người xếp hàng đợi vào đền thờ kính viếng Đức cố Giáo hoàng, nhưng khi đã vào bên trong bầu khí rất trang nghiêm thinh lặng”.

Pope_BenedictXVI_16.jpeg
Đưa di hài Đức Biển Đức vào đền thờ

Cha Lashuk nói thêm: “Mọi người thuộc mọi độ tuổi từ khắp nơi trên thế giới đều mong muốn đến gần vị cha chung đã khất. Người ta có thể nghe những lời kinh Mân Côi đọc thì thầm trong lúc chờ đợi. Tôi rất hạnh phúc được ở Roma trong những ngày này. Tôi thuộc thế hệ đã thực sự được ảnh hưởng bởi Đức Biển Đức, chắc chắn khi ngài là Giáo hoàng nhưng cả trước khi ngài được bầu chọn qua các tác phẩm thần học. Chính các tác phẩm này đã gieo mầm ơn gọi của chúng tôi. Tôi biết nhiều người đã được thu hút vào chủng viện hoặc trở thành Công giáo sau khi đọc các bài viết của ngài”.

Pope_BenedictXVI_17.jpeg
Đưa di hài Đức Biển Đức vào đền thờ

Sơ Maria Caritas, đến từ Nebraska, Hoa Kỳ, bày tỏ lòng biết ơn Đức Biển Đức, vì chính từ nơi ngài đã thúc đẩy sơ quyết định dấn thân trong ơn gọi tu trì và lấy tên dòng được gợi hứng từ thông điệp Deus caritas est  của ngài.

Cha Luca đến từ Milano thì bày tỏ: “Khi Đức Biển Đức được bầu chọn tôi đang ở chủng viện, hình ảnh này vẫn còn sống động trong tôi. Đối với tôi, ngài là một người cha, một nhà giáo dục vĩ đại về sự dịu dàng”. Và một tu sĩ người Brazil giải thích về sự hiện diện tại quảng trường: “Chúng tôi ở đây bởi vì ngài là một phần của gia đình chúng tôi. Tôi đã thấy ngài ở Hoa Kỳ, Brazil, và sau đó ở Roma và với sự đơn giản, ngài đã có tác động rất lớn cho ơn gọi của tôi”.

vaticannews.va

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*