Ary Waldir Ramos Diaz
Peter Seewald, một nhà báo kỳ cựu người Đức đã có dịp gặp Joseph Ratzinger lần đầu cách đây gần 30 năm. Kể từ đó, ông là tác giả nhiều cuốn sách về những cuộc trao đổi đối thoại với Hồng y Joseph Ratzinger như: Salt of the Earth (Muối Đất); God and the World (Thiên Chúa và Thế giới); Light of the World (Ánh sáng thế gian); Pope Benedict XVI: Servant of the Truth (Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: Người Tôi tớ của Sự thật), hai tập tiểu sử Benedict XVI: A Life (Đức Bênêđictô XVI: Một cuộc đời), .…
Dưới đây là những chia sẻ của Peter Seewald trong cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho trang web công giáo mang tên Aleteia.
Những cảm xúc và suy tư nào mà những ngày cuối đời của Đức Bênêđictô XVI khơi dậy nơi ông?
Một đàng, tôi rất buồn khi Đức nguyên Giáo hoàng kết thúc cuộc đời trần thế của ngài. Buồn hơn cả là ngài đã phải chịu đựng quá nhiều như vậy. Đàng khác, tôi cầu chúc cho ngài có một cái chết tốt lành để được “về tới quê hương” vĩnh cửu, điều mà ngài đã mong mỏi từ lâu.
Hình ảnh về nhiều cuộc gặp gỡ của chúng tôi cũng dần trở về trong tâm trí tôi. Là một cựu cộng sản và là nhà văn của Der Spiegel (một tuần báo nổi tiếng của Đức), thoạt đầu, tôi chẳng có chút cảm giác thân thiện gì với Đức hồng y Joseph Ratzinger cả. Đó là lý do tại sao tôi càng ngạc nhiên hơn khi gặp ngài, trong cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi vào tháng 11. 1992, vì nơi ngài chẳng có vẻ gì của một người có tiếng tăm lẫy lừng trong Giáo hội, và ngay cả không hề là “Hồng y thiết giáp” chút nào (Panzer Cardinal – một biệt danh do những người chỉ trích đặt cho Hồng y Ratzinger), ám chỉ đến những cỗ xe tăng mà Đức Quốc xã sử dụng trong Thế chiến thứ II).
Mọi thứ về ngài dường như rất khiêm tốn, không phô trương, và dễ tiếp cận. Tôi đã rời bỏ Giáo hội, nhưng tôi bị ấn tượng bởi cách ngài nói về tình yêu. Ngài đã cho thấy rằng rằng tôn giáo và khoa học, đức tin và lý trí không đối lập nhau như thế nào.
Cách giảng dạy của ngài làm tôi nhớ đến những vị thầy tâm linh không cố thuyết phục bằng những bài học sáo rỗng, mà bằng những cử chỉ lặng lẽ, những ẩn ý sâu sắc, và rất chịu đựng. Trên hết, qua tấm gương của chính con người của ngài, với những đức tính: chính trực, trung thực, can đảm, và sẵn sàng chịu đựng.
Tôi thấy sự dũng cảm của ngài để đứng lên bảo vệ niềm tin của mình hết sức ấn tượng. Ngài chống lại mọi nỗ lực nhằm biến sứ điệp của Chúa Kitô thành một tôn giáo phù hợp với nhu cầu của “xã hội dân sự”, bất chấp cái giá phải trả là lòng yêu mến của số đông.
Ngài đã từng nói: “Giáo hội có ánh sáng từ Chúa Kitô. Nếu Giáo hội không thu được ánh sáng đó và truyền nó đi, thì Giáo hội chẳng khác gì một mảnh đất vô tri”.
Tôi cũng thích sự thanh thản, thái độ cao thượng, tính hài hước của ngài. Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh. Tôi sẽ nhớ ngài rất nhiều.
Đức Bênêđictô XVI sẽ được nhớ đến như thế nào?
Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta và vào sự phát triển của Giáo hội. Dù thế nào đi nữa, Hồng y Joseph Ratzinger đã để lại một khối lượng tác phẩm, trong đó ngài đưa ra những câu trả lời quan trọng cho các vấn đề của một xã hội đã đánh mất cảm thức về Thiên Chúa, và của một Giáo hội đang đánh mất niềm tin.
Có một điều chắc chắn: với sự ra đi của Đức Bênêđictô XVI, thế giới đã mất đi một nhân cách phi thường. Không phải ngẫu nhiên mà ngài được xem là một trong những trí thức quan trọng nhất của thế kỷ, và là nhà thần học vĩ đại nhất từng đảm nhận cương vị giáo hoàng. Nhiều người coi ngài là Tiến sĩ Giáo hội thời hiện đại. Trong mỗi bài viết của mình, thái độ căn bản của ngài rất rõ ràng: Giáo hội và đức tin không thể được tạo ra bởi một người và cho riêng mình.
Nếu Thiên Chúa tồn tại, nếu mặc khải tồn tại, nếu tổ chức của Chúa Giêsu tồn tại, thì điều này không đến từ chúng ta, mà đến như một ân sủng. Đối với những đối phương, ngài có thể vẫn bị là “Hồng y thiết giáp” đáng gờm, nhưng với hàng triệu người Công giáo trên khắp thế giới, lại nhận ra nơi ngài như là ánh sáng trên đồi, một biểu tượng của tính chính thống để định hướng bản thân. Công trình của ngài sẽ luôn tồn tại.
Tôi rất vui khi được tham gia cùng vị kế nhiệm của ngài trong sự đánh giá này. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, huấn quyền của Đức Bênêđictô XVI là điều không thể thiếu đối với tương lai của Giáo hội. Thật vậy, huấn quyền này sẽ “ngày càng vĩ đại và mạnh mẽ hơn từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Kỷ niệm cuối cùng của ông về Đức Bênêđictô XVI là gì?
Ngài bị yếu nhiều nên phải ngồi xe lăn trong một thời gian dài. Tinh thần của ngài rất minh mẫn, nhưng gần đây giọng nói của ngài trở nên yếu ớt đến mức khó có thể nghe được. Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi, vào ngày 15. 10. 2022, điều có thể thấy rõ nhất là nỗi đau khổ mà ngài mang trên vai, nỗi buồn sâu sắc của ngài về những gì đang xảy ra trên thế giới, và cuộc khủng hoảng trong Giáo hội, đặc biệt là ở quê hương của ngài.
“Tại sao cha vẫn chưa về với Chúa, thưa Đức Bênêđictô?” Tôi đã hỏi Đức nguyên Giáo hoàng như thế. Câu trả lời của ngài là ngài phải ở lại, như một “dấu chỉ”. Một dấu chỉ của tiến trình mà ngài đang bảo vệ; về sứ điệp của Đức Giêsu, Đấng mà ngài đã dành suốt cuộc đời mình để truyền đạt một cách chuyên chính.
“Lần tới chúng ta sẽ gắp nhau trên thiên đàng,” ngài nói, và vẫy tay chào tạm biệt tôi. Ngài biết chính xác cuộc hành trình của mình sẽ đi về đâu và điều gì đang chờ đợi ngài ở đích đến. Lời hứa của Đức Kitô về sự sống đời đời là một trong những chủ đề mà ngài rất yêu thích.
Ngài từng nói: “Nếu việc thuộc về Giáo hội có ý nghĩa gì, thì đó là việc nó mang lại cho chúng ta đời sống vĩnh cửu, một cuộc sống đích thực và xứng đáng, ngoài ra, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (31. 12. 2022)
Để lại một phản hồi