Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Đức Bênêđictô XVI đã được Chúa gọi về lúc 9g30 (giờ Roma), hưởng thọ 95 tuổi. Sự ra đi của ngài không quá bất ngờ vì sức khỏe ngài đã sa sút nhiều trong những tháng qua. Cùng với niềm thương tiếc, đây là lúc chúng ta nhìn lại cuộc đời ngài để tạ ơn Chúa đã ban cho Hội Thánh vị Giáo hoàng thông thái và thánh thiện, đồng thời đón nhận những bài học và tấm gương ngài để lại cho các tín hữu trong Hội Thánh.
- VỊ GIÁO HOÀNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II
1.1. Cả cuộc đời gắn bó với Công Đồng Vatican II
Ở thời điểm kỷ niệm 50 năm Công Đồng Vatican II, người ta tính ra còn được 6 hồng y đã tham dự Công Đồng từ đầu mà nay còn sống, và tất cả đều ngoài 80. Đức Bênêđictô XVI là trường hợp ngoại lệ, vì vào lúc ấy, tuy chưa làm giám mục nhưng ngài đã có mặt tại Công Đồng ngay từ đầu. Joseph Ratzinger khi đó còn là một linh mục trẻ 35 tuổi nhưng đã là một giáo sư thần học có tiếng tăm. Khi Đức Gioan XXIII loan báo triệu tập Công Đồng, khắp nơi, cách riêng tại Âu châu, một bầu khí mới xuất hiện, mọi người bàn tán và hi vọng. Đức hồng y Joseph Frings của Cologne đã nhờ cha Ratzinger soạn bài thuyết trình về Công Đồng trong một hội nghị ở Genoa do Đức Hồng y Siri tổ chức. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII cũng biết đến bài thuyết trình này và rất tâm đắc. Sau đó, khi nhận được những tài liệu chuẩn bị Công Đồng vì ngài là thành viên Ủy ban soạn thảo trung ương, Đức hồng y Joseph Frings lại gửi cho cha Ratzinger để có những góp ý. Khi khai mạc Công Đồng, ngài đưa cha Ratzinger đi theo với tư cách cố vấn thần học, sau đó ngài còn tác động để cha Ratzinger được chọn làm peritus (chuyên viên, thần học gia chính thức của Công Đồng) (x. Milestone, 120-122).
Cùng với nhiều nhà thần học lớn của thời đại, cha Joseph Ratzinger đã làm việc rất tích cực tại Công Đồng. Cụ thể là ngài đã ghi lại những suy tư và nhận định dọc dài thời gian của Công Đồng, sau này được tập hợp lại và in thành cuốn Theological Highlights of Vatican II. Tác giả xác định rõ đây không phải là cuốn sách kể lại thứ tự những gì xảy ra tại Công Đồng, hoặc những yếu tố sau hậu trường; nhưng “là một nỗ lực trình bày những khía cạnh bên trong, chân dung thiêng liêng của Công Đồng” (x. Preface). Vào thời điểm ấy, Ratzinger cũng được xếp vào hàng những nhà thần học cấp tiến.
50 năm sau, khi đã là Giáo hoàng và đưa ra quyết định từ nhiệm, một trong những bài thuyết trình cuối cùng của ngài là bài nói chuyện với hàng giáo sĩ Rôma, và đề tài là về Công Đồng Vatican II. Ngài đã nói về Công Đồng không phải bằng một diễn từ dọn sẵn nhưng ứng khẩu, khởi đi từ những kinh nghiệm và suy tư cá nhân của ngài, và bài nói chuyện đã thu hút người nghe cách đặc biệt (xem toàn văn trên Zenit.org).
1.2. Giải thích Công Đồng theo hướng canh tân trong tính liên tục
Nhắc lại những sự kiện trên để thấy Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng hiểu biết, gắn bó, tha thiết với Công Đồng, và điều ngài thường xuyên nhấn mạnh khi nói đến các văn kiện của Công Đồng là tính liên tục. Trong cuốn Hồi Ký (Milestone), ngay từ những năm 1965-1966, từ những gì quan sát được trong đời sống Giáo Hội, nhà thần học Ratzinger đã cảnh báo về việc phải phân biệt giữa canh tân thật và canh tân giả đến nỗi hồng y Döpfner phải ngạc nhiên về giọng điệu “bảo thủ” của Ratzinger. Không chỉ một mình Ratzinger cảm nhận nguy cơ này, còn có những nhà thần học khác cũng chung cảm nghĩ, như De Lubac, Bouyer, Le Guillou, Medina, Balthasar. Đây cũng là quá trình dẫn đến sự hợp tác và hình thành tạp chí thần học Communio, được Ratzinger mô tả là “không chỉ thuần túy thần học. Vì khủng hoảng trong thần học đã lan ra khủng hoảng trong văn hóa, cho nên tạp chí phải bàn đến những lãnh vực văn hóa, và phải có sự cộng tác của những giáo dân có năng lực cao về lãnh vực này” (Milestone, 134-144).
Ngài phân biệt hai cách giải thích Công Đồng. Một đàng là cách nhìn Vatican II như sự đoạn tuyệt với quá khứ (hermeneutics of discontinuity and rupture), cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, đã gây ra những hiểu lầm, lẫn lộn, mơ hồ trong đời sống Giáo Hội. Đàng khác là cách nhìn Vatican II như sự canh tân theo hướng liên tục (hermeneutics of reform in continuity), tuy lặng lẽ nhưng ngày càng đem lại hiệu quả tốt hơn. Vatican II không phải là sự đoạn tuyệt với quá khứ nhưng ở trong sự tiếp nối chặt chẽ với Vatican I (1869-1870) và Tridentinô (1545-1563), sự tiếp nối dòng chảy miên man của đức tin Kitô giáo trong đời sống Giáo Hội.
Chẳng hạn, Vatican II hoàn tất suy tư về Giáo Hội đã được khởi đi từ Vatican I. Nếu Vatican I nhấn mạnh khía cạnh hữu hình của Giáo Hội thì sau đó, ý niệm về Giáo Hội như Thân Thể Đức Kitô được triển khai mạnh mẽ dưới thời Đức Piô XII với thông điệp Mystici Corporis. Vatican II tiếp nối, trình bày Giáo Hội là Dân Thiên Chúa được hình thành trong Đức Kitô như Thân Thể của Người. Ý niệm ấy làm nổi bật chiều kích Ba Ngôi nơi mầu nhiệm Giáo Hội, giúp người ta tránh cái nhìn về Giáo Hội thuần túy chỉ là một cơ chế hữu hình, mặc dù là có nhưng không chỉ là thế.
Về tính hiệp đoàn của các giám mục cũng thế. Không thể giải thích trong tầm nhìn về đấu tranh quyền lực giữa trung ương và địa phương nhưng là trong tầm nhìn về Tông đồ đoàn. Các giám mục là những người kế vị các tông đồ xét như một toàn thể, và giám mục Rôma là người kế vị thánh Phêrô, người đứng đầu Nhóm Mười Hai.
Những cải tổ phụng vụ cũng cần được thực hiện trong tầm nhìn này, nếu không, không thể giải thích và áp dụng cách đúng đắn tinh thần của Công Đồng: “Mọi chọn lựa phe nhóm đều hủy diệt tính toàn thể (chính lịch sử của Giáo Hội) vốn hiện hữu như sự duy nhất bất khả phân chia” (Ratzinger Report, 26-31). Một đàng, việc cử hành Thánh Lễ bằng tiếng bản xứ là điều tốt, nhưng đàng khác, phải tôn trọng ngôn ngữ phụng vụ chứ không thể tầm thường hóa ngôn ngữ đặc thù ấy. Sự khó hiểu của ngôn ngữ ấy đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu và đào sâu để cử hành Phụng vụ cách ý nghĩa hơn.
Từ nhận định trên, sẽ hiểu tại sao nhà thần học Ratzinger có những suy nghĩ không tích cực lắm về việc cải tổ phụng vụ và sau này, khi làm Giáo hoàng, ngài cho phép làm lễ La tinh theo nghi lễ của Đức Piô V, cũng như sửa lại một số điều liên quan đến Phụng Vụ. Ngài cho rằng sự kiện Đức Phaolô VI ban hành Sách Lễ Rôma mới là chuyện bình thường, đồng thời nhìn nhận rằng Sách Lễ mới có nhiều tiến bộ và phong phú. Nhưng vấn đề là ở chỗ cùng với việc ban hành Sách Lễ mới, Đức Phaolô VI ra lệnh, sau giai đoạn chuyển tiếp là 6 tháng, cấm hoàn toàn việc sử dụng Sách Lễ cũ. Như vậy là đặt công trình này chống lại công trình kia. Phụng Vụ không còn là sự phát triển sống động của một thân thể mà chỉ là sản phẩm của nghiên cứu và quyền bính. Tương tự như thế, một tác giả tên tuổi đặt câu hỏi : phải chăng Thánh Lễ mà thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã tham dự và giúp ngài nên thánh, nay bị coi như vô giá trị? Cách đặt câu hỏi này cụ thể hóa mối quan tâm thần học của Ratzinger. Phụng Vụ trở thành cái mà con người làm ra chứ không phải là cái được ban cho : “Khi Phụng Vụ là cái mà con người tự tạo ra, thì không còn có thể ban tặng cho ta điều độc đáo của Phụng Vụ, tức là sự gặp gỡ với Mầu nhiệm vốn không phải là sản phẩm của ta nhưng là chính cội nguồn và sự sống của chúng ta” (Milestones, 148). Và Ratzinger nhận xét rất nặng nề : “Tôi xác tín rằng sự khủng hoảng trong Giáo Hội mà chúng ta đang trải nghiệm một phần lớn là do sự tan rã của Phụng Vụ” (Ibid.,145).
Các nghị phụ họp Công đồng Vatican II
1.3. Định hướng cho đời sống Giáo Hội
Để tóm kết, tôi không muốn trích lời của Đức Bênêđictô XVI khi ngài làm Giáo hoàng, nhưng trích dẫn những gì ngài viết về Công Đồng Vatican II khi còn là một linh mục trẻ và nhà thần học của Công Đồng. Mục đích là để thấy tính liên tục nơi con người và lập trường của ngài mà nhiều người ta cho là thay đổi từ cấp tiến sang bảo thủ : “Sự canh tân Giáo Hội, trong đó tôi cộng tác theo cách của mình với tư cách là thần học gia của Công Đồng, không có nghĩa là tiến bộ theo nghĩa phát triển kỹ thuật và kinh tế. Đúng hơn sự canh tân này có ý hướng theo hai mặt. Điểm quy chiếu là con người đương đại trong thực tế và trong thế giới của họ. Thế nhưng thước đo của sự đổi mới là Đức Kitô, như Kinh Thánh làm chứng về Người. Nếu đổi mới là suy nghĩ thấu đáo để nói về Tin Mừng Đức Kitô theo cách thế làm cho con người đương đại hiểu được – nói theo từ ngữ quen thuộc là aggiornamento – thì rõ ràng mục đích là làm sao để người ta hiểu được Đức Kitô. Kết quả là con người được Đức Kitô nắm lấy, bây giờ có thể dâng bản thân mình cho Người, Đấng ôm trọn cái hôm qua và ngày mai của chúng ta trong cái hôm nay vĩnh hằng của Người. Cuốn sách này muốn phục vụ sự canh tân, đổi mới theo nghĩa đó, sự đổi mới nhằm tìm ra con đường đi từ cái hôm nay tạm bợ của chúng ta đến cái hôm nay vĩnh hằng của Thiên Chúa” (Joseph Ratzinger, Theological Highlights of Vatican II, Preface).
Canh tân Giáo Hội là để con người ngày nay có thể hiểu được Đức Kitô và đến với Người. Nói cách khác, việc canh tân phải hướng đến Phúc Âm hóa chứ không phải để thỏa mãn sở thích sáng tạo hoặc bất cứ ước muốn riêng tư nào của bản thân. Để được như thế, một đàng bản thân chúng ta phải gắn bó với Đức Kitô, đàng khác phải quan tâm đến con người thời đại với não trạng, khát vọng, lối sống của họ. Thiết nghĩ định hướng Đức Bênêđictô XVI nêu ra phải trở thành ánh sáng soi đường cho chúng ta.
- VỊ GIÁO HOÀNG GIẢNG DẠY
Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài, rất nhiều người đã dự đoán trong tương lai, Đức Bênêđictô XVI sẽ được nhớ đến như một Giáo hoàng giảng dạy. Là một giáo sư thần học, Joseph Ratzinger hầu như rất ít làm việc mục vụ trong môi trường giáo xứ. Mặt mạnh của ngài là giảng dạy. Khi được gọi làm Giám mục, ngài chọn khẩu hiệu Cooperatores Veritatis – Cộng tác viên của chân lý, và giải thích : “Khẩu hiệu này diễn tả sự kết nối giữa nhiệm vụ trước đây của tôi là một giáo sư với sứ vụ mới của tôi. Dù có những khác biệt về cách thế nhưng điều chính yếu vẫn là một: bước theo sự thật, phục vụ sự thật” (Milestones, 153). Định hướng đó đã được thể hiện rõ nét trong triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI.
2.1. Những bài giáo lý hằng tuần
Khi Đức Bênêđictô XVI làm Giáo hoàng, nhiều người tự hỏi không biết người ta có đến Rôma nhiều như thời Thánh Gioan Phaolô II hay không. Thực tế là các tín hữu vẫn đến và còn đông hơn. Nhiều người nhận xét rằng các tín hữu đến với Đức Gioan Phaolô II là để “thấy”, nhất là trong những năm cuối đời của ngài, còn đến với Đức Bênêđictô XVI là để “nghe” vị Giáo hoàng thông thái giảng dạy.
Trong gần 8 năm làm Giáo hoàng, những bài giáo lý hằng tuần của ngài tập trung vào những chủ đề lớn trong nội dung đức tin Kitô giáo: Các Tông đồ (2005-2006); Giáo phụ (2007); Thánh Tông đồ Phaolô (2008); Những vị thánh lớn trong lịch sử (2009-2010); Cầu nguyện với Thánh Vịnh (2011-2012); Kinh Tin Kính (2012-2013). Tất cả những bài giáo lý này đều hết sức súc tích, chắc chắn sẽ còn tiếp tục là tài liệu quý giá trong việc dạy giáo lý và loan báo Tin Mừng.
2.2. Tác phẩm Đức Giêsu Nazareth
Với công việc bề bộn của một vị Giáo hoàng, hiếm có vị nào có thể còn dành thời giờ cho việc viết sách. Đức Bênêđictô XVI là trường hợp ngoại lệ. Ngài dành thời giờ nghỉ ngơi thư giãn tại Castel Gandolfo để hoàn tất tác phẩm đồ sộ Đức Giêsu thành Nazareth. Chắc chắn tác phẩm này không thể chỉ hoàn thành trong thời gian nghỉ hè ngắn ngủi; đúng hơn, nó đã được tác giả ấp ủ trong nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu. Cũng chính vì thế, tác phẩm có giá trị đặc biệt.
Đức Giêsu thành Nazareth không chỉ là sách thiêng liêng theo nghĩa thường hiểu nhưng là tác phẩm có giá trị học thuật cao, cùng với những suy tư thần học và linh đạo được ứng dụng cho đời sống Giáo Hội cũng như đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu. Một đàng tác giả nắm rất vững những tiến bộ trong ngành chú giải Kinh Thánh và nghiên cứu thần học; đàng khác tác giả chỉ cho thấy giới hạn của những phương pháp ấy, cụ thể là khoa phê bình lịch sử, và cố gắng trình bày chân dung đích thực của Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo, từ đó định hướng đời sống của Giáo Hội và mỗi môn đệ Chúa Giêsu.
2.3. Những thông điệp
Cách riêng, Đức Bênêđictô XVI đã lưu lại cho Giáo Hội 3 thông điệp quan trọng.
Thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI là Deus caritas est, tóm kết giáo huấn của ngài về tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là nền tảng cho đời sống và dẫn đến những câu hỏi quan trọng của đức tin : Thiên Chúa là ai? Chúng ta là ai? Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nên yêu thương không chỉ đơn thuần là điều răn phải giữ, nhưng là sự đáp lại của chúng ta trước tình yêu của Chúa. Tình yêu ấy bao gồm toàn bộ đời sống con người. Trong tình yêu, phải biết cho đi và cũng biết đón nhận. Khi người Kitô hữu sống thân tình với Chúa, họ học nhìn người khác bằng cặp mắt của Chúa: “Nhìn bằng cặp mắt của Chúa Giêsu, tôi có thể trao tặng người khác những gì lớn lao hơn những nhu cầu bên ngoài, tôi có thể trao cho họ cái nhìn yêu thương mà họ khao khát”.
Thông điệp Spe salvi về niềm hi vọng Kitô giáo trình bày Chúa Giêsu như cội nguồn hi vọng mà nhân loại đang khao khát. Đức Thánh Cha nhận định rằng không có phương thế nhân loại nào có thể sửa lại những sai lầm khủng khiếp trong lịch sử nhân loại, như việc tàn sát người Do Thái, những tai họa trong thiên nhiên, chiến tranh và khủng bố. Không có phương thế nhân loại nào có thể mang lại sự công bằng trọn vẹn : “Không ai và không điều gì có thể trả lời cho những thế kỷ của khổ đau”. Chỉ nơi Chúa Giêsu mới có sự phục sinh thân xác, mới có công bằng trọn vẹn, và mọi giọt lệ mới được lau đi.
Caritas in veritate là thông điệp xã hội, cố gắng vượt lên trên sự tương phản người ta thường nêu lên giữa công bằng và bác ái, linh đạo và phát triển, đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội, mối quan tâm của những nước giàu và nhu cầu của những nước nghèo. Đức Thánh Cha nhắc nhớ chúng ta rằng những đòi hỏi của tình yêu mang cả hai chiều kích cá nhân và xã hội. Tình yêu phải được áp dụng cho những quan hệ ở tầm vi mô (với bạn bè, với gia đình, trong nhóm nhỏ), cũng như những quan hệ ở tầm vĩ mô (xã hội, kinh tế, chính trị). Ngài phê phán thứ kinh tế thị trường mà thiếu công bằng, hỗ trợ việc giúp đỡ các nước nghèo, kêu gọi thiết lập những cấu trúc quốc tế để giải quyết tình trạng đói nghèo trên thế giới. Ngài kêu gọi tôn trọng môi sinh vì chúng ta cư xử với thiên nhiên thế nào thì thiên nhiên cũng ứng xử với chúng ta như thế. Cũng vậy, không tôn trọng quyền sống của tha nhân sẽ làm suy yếu lương tâm của xã hội, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Chắc chắn những thông điệp này là những di sản tinh thần quý giá mà các tín hữu công giáo cần đón nhận và tiếp tục đào sâu trong suy tưởng cũng như ứng dụng trong thực hành. Tất cả những nỗ lực giảng dạy này đều phát xuất từ xác tín và chủ trương của Đức Bênêđictô XVI về sự tương hợp giữa lý trí và đức tin. Đây là bài học lớn cho các Kitô hữu nói chung, cách riêng cho những ai lãnh trách nhiệm giảng dạy trong Giáo Hội.
ĐGH Bênêđictô XVI giảng dạy trong buổi triều yết chung
2.4. Vị Giáo hoàng giảng dạy và những vấn đề khó khăn trong quản trị
Trong Hồi Ký, khi nhắc lại sự kiện Đức hồng y Doefner của Munich qua đời và người ta bắt đầu đồn thổi rằng cha Ratzinger sẽ thay thế, ngài viết : “Tôi không quan tâm đến chuyện đó nhiều, do giới hạn của tôi về sức khỏe cũng như trong những vấn đề điều hành, quản trị. Tôi biết tôi được gọi vào đời sống của một học giả và không bao giờ quan tâm đến chuyện khác” (Milestones, 151). Trong thực tế, con người tự đánh giá mình là không có khả năng về điều hành và quản trị lại được gọi làm Tổng giám mục Munich, rồi Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, và làm Giáo hoàng. Không chỉ điều hành một giáo phận nhưng là cả Giáo Hội hoàn vũ! Nhưng như thế, chắc là ngài phải đau khổ nhiều khi đối diện với những việc phải giải quyết liên quan đến quản trị : Lạm dụng tình dục trẻ em, Viện giáo vụ, Vatileak…
- THẦN HỌC NỐI KẾT VỚI LINH ĐẠO
3.1. Nguy cơ tách biệt thần học khỏi linh đạo
Trong những thập niên sau Vatican II, làn sóng tục hóa ngày càng dâng cao và tác động đến cả việc nghiên cứu, giảng dạy thần học. Theo chiều hướng chung của thời đại, thần học có nguy cơ biến thành một ngành nghiên cứu khoa học thuần túy, biến Thiên Chúa thành một khái niệm trừu tượng để nghiên cứu, không còn là một Ngôi Vị sống động để gặp gỡ. Nói về Chúa thì nhiều nhưng ít khi nói với Chúa. Chính trong bối cảnh này mà ngày 15-8-1990, Tông sắc Ex Corde Ecclesiae được Thánh Gioan Phaolô II ban hành (dĩ nhiên có vai trò của Hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin), trong đó yêu cầu các giáo sư thần học phải có mandatum (bài sai) từ Giám mục địa phương để chứng thực tính chính thống trong giảng dạy. Dĩ nhiên Tông sắc này đã gặp phải sự chống đối khá mạnh mẽ từ nhiều nhà thần học, nhưng cần đọc thấy ở đây mối quan tâm của Giáo Hội trước tình hình thần học bị biến thành môn nghiên cứu khoa học thuần túy, và nhiều khi không đồng hành với Huấn quyền trong Giáo Hội.
3.2. Joseph Ratzinger, nhà thần học nối kết linh đạo
Ngay từ khi còn trẻ và là giáo sư thần học có tiếng tăm, Ratzinger đã khẳng định : “Giáo Hội hiện diện tốt nhất không phải ở tổ chức, cải tổ, điều hành, nhưng nơi những người đơn sơ tin tưởng và đón nhận từ Giáo Hội hồng ân đức tin, cũng là sự sống cho họ” (x. Introduction to Christianity). Khẳng định này cho thấy nhà thần học Joseph Ratzinger rất quan tâm đến sự thánh thiện và đời sống đức tin của mỗi cá nhân Kitô hữu.
Trong Mật tuyển viện 2005, khi được các hồng y bầu làm Giáo hoàng, Đức hồng y niên trưởng Sodano hỏi xem ngài chọn danh hiệu gì, vị Giáo hoàng mới đã trả lời ngay, không do dự : Bênêđictô. Người ta nhớ lại chỉ một ngày trước khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, hồng y Joseph Ratzinger có mặt tại tu viện thánh Bênêđictô ở Subiaco để nhận giải thưởng Premio San Benedetto. Trong dịp đó, vị Giáo hoàng tương lai đã đọc bài diễn văn dài, thiết nghĩ nên nhắc lại ý tưởng chính: “Trong thời điểm này của lịch sử, điều chúng ta cần là những con người, bằng đức tin sống động và được soi sáng, làm cho Thiên Chúa trở thành đáng tin trong thế giới. Chứng từ tiêu cực của những Kitô hữu nói về Chúa nhưng lại sống chống lại Ngài, chứng từ ấy đã làm cho hình ảnh Thiên Chúa thành mờ tối và mở cửa cho sự vô tín. Chúng ta cần những con người mắt dán nhìn vào Thiên Chúa và học từ đó về ý nghĩa của một nhân loại đích thực. Chúng ta cần những con người có lý trí được ánh sáng của Chúa chiếu soi và tâm hồn được Chúa mở rộng, để lý trí của họ ngỏ lời với những lý trí khác và con tim của họ nói với những con tim khác. Chỉ qua những con người được Chúa chạm đến như thế mà Chúa mới trở lại với con người. Chúng ta cần những con người như thánh Bênêđictô Norcia, trong một thời đại suy đồi và phân rã, đã dìm mình vào sự cô tịch sâu xa nhất, chấp nhận mọi sự thanh tẩy phải trải qua, để rồi làm cho ánh sáng bừng lên, trở về thành lập Montecassino, thành phố trên đồi. Ở đó, giữa những lụi tàn, ngài nối kết những năng lực từ đó một thế giới mới được hình thành. Do đó thánh Bênêđictô cũng giống như tổ phụ Abraham, trở thành người cha của nhiều dân tộc”.
Trong một dịp khác, khi được hỏi về sự canh tân và đổi mới trong Giáo Hội, Đức Bênêđictô cũng nhấn mạnh đến chiều kích tâm linh hơn là những thay đổi bên ngoài : Canh tân đích thực trong Giáo Hội “không có nghĩa là vất vả xây dựng những ngôi nhà mới”. Canh tân đích thực là “nỗ lực làm cho những gì là của chúng ta biến mất càng nhiều càng tốt, để những gì là của Chúa Kitô được rõ nét hơn. Đây là chân lý tỏ tường nơi các thánh. Thật vậy, các thánh canh tân Giáo Hội ở chiều sâu, chứ không phải bằng cách đưa ra những kế hoạch cho cơ cấu mới, nhưng là canh tân chính bản thân mình. Thánh Bênêđictô, một mẫu gương của canh tân, rút về tu viện của ngài, sống nghèo khó và đơn sơ, đời sống đã thúc đẩy phong trào đại chúng. Sự canh tân sẽ đến từ những con người xác tín mà chúng ta gọi là thánh” (Salt of the Earth, 111).
Những trích đoạn trên cho thấy lý do tại sao vị Giáo hoàng mới lại chọn danh hiệu Bênêđictô (thay vì Gioan Phaolô III), và sâu xa hơn, cho thấy sự nối kết của lý trí và con tim, thần học và linh đạo, nơi con người này.
3.3. Linh đạo kenosis
Cách chủ quan, tôi nghĩ rằng nền linh đạo thấm nhuần tư tưởng và đời sống của Đức Bênêđictô XVI là linh đạo kenosis, mầu nhiệm hủy-mình-ra-không nơi Chúa Giêsu. Có thể nhắc đến ở đây một vài quyết định khá đặc biệt của Đức Bênêđictô XVI.
Trong ngày lễ khai mạc triều đại giáo hoàng, một ngày lễ thu hút số đông tín hữu đến Rôma tham dự, nhưng ngài lại muốn cử hành trong Đền thờ thay vì ngoài quảng trường thánh Phêrô. Lý do là vì ngài muốn mọi sự tập trung vào Chúa Giêsu Kitô thay vì vào Giáo hoàng.
Tiếp nối vị tiền nhiệm, ngài có mặt trong Đại hội Giới Trẻ, và dấu ấn của Đức Bênêđictô XVI là mời gọi các bạn trẻ dành thời giờ để cầu nguyện Thánh Thể trong tĩnh lặng, một đề nghị xem ra ngược đời nhưng đã tạo những tác động lớn trong đời sống nhiều người trẻ.
Cuối cùng, Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng đưa ra quyết định từ nhiệm khi thấy sức khỏe sa sút, một quyết định gây ngỡ ngàng cho cả thế giới.
Nhìn lại những sự kiện trên và đọc lại lời đã trích dẫn : “Canh tân đích thực là nỗ lực làm cho những gì là của chúng ta biến mất càng nhiều càng tốt, để những gì của Chúa Kitô được rõ nét hơn”. Lại không thấy ở đây âm vang của bài Thánh thi Philip 2,5-11 hay sao? Lại không thấy ở đây mầu nhiệm kenosis sao?
“Đức Giêsu Kitô, phận là Thiên Chúa,
đã không đòi cho được ngang hàng với Thiên Chúa.
Trái lại, Người đã hủy mình ra không,
trở nên giống hẳn con người,
vâng phục cho đến chết, và là cái chết trên thập giá”.
Sau khi từ nhiệm, vị Giáo hoàng đã sống mầu nhiệm kenosis ấy tiếp tục phục vụ Giáo Hội của Chúa Kitô, nhưng trong một tâm thế khác. Theo cách nói đầy hình tượng của Hồng y Ravasi, ngài đang đóng vai trò của Môsê cầu nguyện trên núi trong khi dân Isarel chiến đấu với người Amalek. Bản thân Đức Bênêđictô XVI, trong giờ đọc Kinh Truyền Tin lần cuối với các tín hữu, cũng dùng hình ảnh Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi cầu nguyện, và Người biến hình đang khi cầu nguyện. Từ hình ảnh đó, ngài khẳng định : “Tôi không bỏ rơi Giáo Hội nhưng tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng cách khác, phù hợp hơn với tuổi tác và sức khỏe của tôi”.
Đức Bênêđictô XVI dâng Thánh Lễ
KẾT LUẬN
“Bất cứ ai đảm nhận sứ vụ Phêrô đều không còn gì là cho riêng mình nữa. Người ấy hoàn toàn thuộc về mọi người, thuộc về Hội Thánh. Có thể nói là đời sống người ấy hoàn toàn bị tước mất sự riêng tư”. Những dòng này là tâm tình của Đức Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung lần cuối cùng, ngày 27-2-2013, khi ngỏ lời với hai trăm ngàn (200.000) tín hữu có mặt tại quảng trường thánh Phêrô, cũng như với cả tỉ người công giáo trên toàn thế giới. Tâm tình ấy được nói lên từ kinh nghiệm bản thân của ngài, vì thế thiết nghĩ có thể diễn tả như sau : “Khi đảm nhận sứ vụ thánh Phêrô, tôi không còn giữ điều gì cho riêng mình nữa. Tôi đã hoàn toàn thuộc về mọi người, thuộc về Hội Thánh”. Và như thế, dấu ấn Đức Bênêđictô XVI để lại là gì nếu không phải là dấu ấn tình yêu: tình yêu hủy mình ra không, tình yêu chấp nhận hi sinh, tình yêu thôi thúc phục vụ, tình yêu dẫn lối cuộc đời. Vì là dấu ấn tình yêu nên cũng sẽ là dấu ấn vĩnh hằng trong thế giới của Đấng hằng sống và cũng là Tình Yêu. Chúa gọi Đức Bênêđictô về với Chúa vào ngày cuối cùng của năm 2022, khi cả nhân loại đang chuẩn bị đón chào Năm Mới 2023. Chúa không cho ngài đón mừng Năm Mới 2023 nhưng Chúa đưa ngài vào Mùa Xuân vĩnh cửu.
Nguồn: giaophanmytho.net
Để lại một phản hồi