Nguyên văn bài phỏng vấn Thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI

Đức Tổng Giám mục Gänswein và Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI.  (EWTN/Paul Badde, Mazur/www.thepapalvisit.org.uk)

Nguyên văn bài phỏng vấn
THƯ KÝ RIÊNG CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI:
CUỘC ĐỜI VÀ DI SẢN CỦA ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

CNA Staff

Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Georg Gänswein, biết Đức hồng y (ĐHY) Joseph Ratzinger một cách chính thức từ năm 1995 khi ĐHY được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Sau khi ĐHY Tổng trưởng được tuyển chọn làm Giáo hoàng vào năm 2005 đến khi từ nhiệm 2013, và những năm cuối đời tại Tu viện Mater Ecclesiae thì ĐTGM là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI.

Vào ngày 22. 11. 2022 vừa qua, ĐTGM Gänswein, 66 tuổi, dành cho Andreas Thonhauser, Giám đốc Văn phòng EWTN Vatican, buổi phỏng vấn trong đó ngài chia sẻ về cuộc đời và di sản của Đức Bênêđictô XVI.  

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn của ĐTGM Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI.

 

Thưa ĐTGM, Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã làm gì trong thời gian cuối đời?

Trái ngược với những gì Đức Bênêđictô nghĩ, là sau khi từ nhiệm, Chúa nhân lành sẽ cho ngài sống thêm một thời gian ngắn nữa. Nhưng, có lẽ không ai ngạc nhiên hơn ngài khi thấy rằng “1 năm nữa” hóa ra lại là gần 10 năm nữa.

Vào những năm tháng cuối đời, sức khoẻ của ngài rất yếu, nhưng tạ ơn Chúa, ngài vẫn sáng suốt như ngày nào. Điều đau đớn đối với ngài là thấy giọng nói của mình trở nên nhỏ hơn và yếu hơn. Ngài đã phụ thuộc cả đời vào việc sử dụng giọng nói, và khí cụ này đang dần mất đi.

Dù thế, tâm trí ngài luôn minh mẫn, tâm hồn thanh thản, điềm tĩnh, và chúng tôi – những người luôn ở bên cạnh ngài, có thể cảm thấy rằng ngài đang trên đường về nhà. Và chính ngài cảm thấy rất rõ hành trình này sắp đi tới điểm kết thúc.

Đức Bênêđictô có sợ hãi trước cái chết chăng?

Ngài không bao giờ nói về sự sợ hãi. Ngài luôn nói về Đức Chúa, về niềm hy vọng của ngài rằng, khi cuối cùng trình diện trước mặt Chúa, Chúa sẽ tỏ cho ngài sự dịu dàng và lòng thương xót, tất nhiên là cả những yếu đuối, tội lỗi của ngài … Nhưng, như thánh Gioan đã nói: Thiên Chúa vĩ đại hơn trái tim của chúng ta.

ĐTGM Georg Gänswein, bên thi hài của Đức Bênêđictô XVI, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô (Vatican Media)

ĐTGM đã dành nhiều năm bên cạnh Đức Bênêđictô. Vậy đâu là những thời điểm quan trọng đối với ĐTGM?

Đối với tôi, mọi thứ bắt đầu khi tôi trở thành nhân viên của Bộ Giáo lý Đức tin khi ĐHY Joseph Ratzinger là Bộ trưởng. Sau đó tôi trở thành thư ký của Bộ. Điều đó đáng lẽ chỉ kéo dài nhiều nhất là vài tháng, nhưng cuối cùng, đã kéo dài 2 năm.

Sau đó Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời và ĐHY Joseph Ratzinger trở thành Giáo hoàng Bênêđictô XVI; Tôi đã dành ngần ấy năm làm thư ký bên cạnh ngài, và tất nhiên, cả trong thời gian ngài trở thành Nguyên giáo hoàng, ngài đã là Nguyên giáo hoàng lâu hơn thời gian là một giáo hoàng tại vị.

Điều luôn gây ấn tượng, và thậm chí làm tôi ngạc nhiên, là sự dịu dàng của Đức Bênêđictô: ngài thanh thản và rất tốt lành, ngay cả trong những tình huống rất mệt mỏi, với những đòi hỏi rất khắt khe, và đôi khi, theo cái nhìn của con người, là rất buồn thảm.

Ngài không bao giờ mất bình tĩnh. Trái lại, càng gặp thử thách, ngài càng trở nên điềm tĩnh và trầm lặng hơn. Điều này đã có tác dụng rất tốt và nhân từ đối với những người sống bên cạnh ngài.

Ngài không quen với những đám đông lớn. Tất nhiên, với tư cách là một giáo sư, ngài đã quen với việc phát biểu trước một đám đông, thậm chí rất đông sinh viên. Sau này, với tư cách là giáo hoàng, với những cuộc gặp gỡ dân chúng, cả những người từ các quốc gia khác nhau, sự vui vẻ, thân thiện, và nhiệt tình của họ, tất nhiên, là một trải nghiệm rất khác.

Đức Bênêđictô phải học để làm quen với điều này, và thật, không dễ để tìm ra cách phù hợp. Nhưng, Đức Bênêđictô không để một huấn luyện viên truyền thông nào đó bảo ngài phải làm gì, ngài đảm nhận trách vụ một cách đơn giản và tự nhiên, và cuối cùng, như tôi có thể nói, ngài đã lớn lên từ những trải nghiệm này.

Chúng ta đang đề cập về sự hòa nhã của Đức Bênêđictô trong cách ngài đối xử với những người xung quanh. ĐTGM có thể cho một ví dụ điển hình được không?

Tôi nhớ một cuộc họp với các Giám mục và Hồng y, trong thời gian ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Khi đề cập đến một chủ đề, và với một chủ đề như vậy, mọi thứ nhanh chóng trở nên sôi nổi, cả về nội dung lẫn lời nói. Trong bối cảnh phải dùng tiếng Ý, vì đó là ngôn ngữ chung, nên có thể dễ ràng nhận ra những người nói tiếng Ý như là bản ngữ, tất nhiên sẽ nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, và thậm chí dễ có thể bộc lộ một chút gây hấn nào đó.

Với phong thái rất nhẹ nhàng pha chút điềm tĩnh, trước hết, ngài đã làm dịu đi bầu khí gây hấn, cố gắng chuyển từ sắc thái sang nội dung. Ngài chỉ nói đơn giản: “Các lập luận hoặc là thuyết phục hoặc là không thuyết phục; sắc thái có thể gây phiền nhiễu hoặc hữu ích. Tôi đề nghị chúng ta giúp nhau giảm bớt giọng điệu và củng cố các lập luận

ĐTGM có thể cho biết thêm về Đức Bênêđictô, ngài nhận thức về trách vụ giáo hoàng như thế nào? Khi sau cùng, ngài là người phải đối diện với nhiệm vụ đó …

Chắc chắn điều mà Đức Bênêđictô ít mong muốn, hoặc khao khát nhất, là trở thành giáo hoàng ở tuổi 78. Nhưng rồi, khi trở thành giáo hoàng, ngài chấp nhận và coi đó là ý muốn của Thiên Chúa, và đã đảm nhận trách vụ này. Thoạt tiên, ngài có một chút thiếu tự tin nhất thời như: máy quay TV, nhiếp ảnh gia ở khắp nơi, và cuộc sống riêng tư, một cuộc sống bình thường, đã không còn khả thi nữa.

Nhưng tôi có thể cảm nhận được cách ngài đơn sơ đặt mình vào hoàn cảnh này, tin tưởng vững chắc vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng sẽ ban cho ngài những ơn mà ngài còn thiếu và cần lúc này; tin tưởng rằng với những khả năng tự nhiên cùng với sự trợ lực của Chúa, ngài sẽ có thể thi hành nhiệm vụ được trao phó cho mình, sao cho thực sự mưu ích cho toàn thể Giáo hội và các tín hữu.

Lúc đầu, ĐTGM đã nói rằng từ ngữ — ngôn ngữ nói, cũng như ngôn ngữ viết —là khí cụ của Đức Bênêđictô. Những bài viết nào, những tông thư nào, và những cuốn sách nào của ngài, là quan trọng đối với cá nhân ĐTGM?

Với tư cách là giáo hoàng, Đức Bênêđictô đã viết 3 Thông điệp; Thông điệp thứ tư được viết cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và sau đó cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành: Lumen Fidei, về đức tin. Tôi phải thú nhận rằng Spe Salvi là Thông điệp đã mang lại cho bản thân tôi nguồn dinh dưỡng thiêng liêng nhất, và tôi cũng tin rằng, trong tất cả các Thông điệp quan trọng của ngài, Thông điệp này sẽ “đứng đầu bảng”.

Tôi bắt đầu đọc tác phẩm của ngài khi tôi còn là sinh viên và chủng sinh ở Freiburg; Tôi đã đọc tất cả và tất nhiên, điều này ảnh hưởng đến sự trưởng thành tâm linh của tôi. Tôi nghĩ rằng một trong những tác phẩm còn lại, chắc chắn là “Trọn bộ 3 tập về Đức Giêsu”.

Đức Bênêđictô muốn rằng, trong số các tác phẩm được xuất bản dưới tên của ngài – tất nhiên là bên cạnh các văn bản chính thức mà ngài đã viết với tư cách là giáo hoàng, các Thông điệp của ngài chẳng hạn, “Trọn bộ 3 tập về Đức Giêsu” sẽ được coi là lời chứng tâm linh và trí tuệ của ngài. Lúc đầu, tác phẩm này được cho là chỉ có một tập, vốn được ngài bắt đầu viết khi còn là hồng y, và ngài đã hoàn thành tập đầu tiên với tư cách là giáo hoàng. Ngài đã nói, “Đã đến lúc tôi phải hoàn thành, chẳng biết sức lực của tôi sẽ trụ được bao lâu”, và nghĩ rằng Chúa nhân lành sẽ chỉ cho ngài đủ sức để hoàn thành cuốn thứ nhất.

 

 

ĐTGM Georg Gänswein, trong buổi phỏng vấn với Andreas Thonhauser, Giám đốc Văn phòng EWTN Roma (Daniel Ibáñez/CNA)

Khi sức lực vơi dần, ngài bắt đầu tập thứ hai, và cứ thế. Ba tập sách này hàm chứa toàn bộ con người cá nhân của ngài với tư cách là một linh mục, một giám mục, một hồng y và một giáo hoàng, cũng như những nghiên cứu thần học, và cả cuộc đời cầu nguyện của ngài – dưới một hình thức mà, tạ ơn Chúa, có thể lĩnh hội một cách dễ dàng; một hình thức được viết ở mức độ học thuật cao nhất, nhưng đối với các tín hữu, cũng sẽ là lời chứng cá nhân lâu dài của ngài. Và đúng thực, đó là mục đích của ngài. Với tác phẩm và hình thức tuyên xưng đức tin này, Đức Bênêđictô muốn củng cố đức tin của tín hữu, dẫn họ đến đức tin và mở ra cánh cửa đức tin.

Trong số những suy tư này, cá nhân ĐTGM sẽ nắm bắt suy tư nào và suy tư nào đã giúp ngài nhiều nhất?

Khi đọc cuốn sách về Đức Giêsu, điều quan trọng là cuốn sách này không mô tả điều gì đó từ quá khứ, dù con người này là Đấng Cứu độ, nhưng nói về hiện tại. Đức Kitô đã sống, nhưng Người vẫn còn đang sống. Có thể nói, đọc cuốn này giúp tạo ra mối liên hệ với hiện tại, với Chúa Kitô. Tôi không chỉ đọc về điều gì đó đã xảy ra, đúng là có điều gì đó đã xảy ra, nhưng điều đó có ý nghĩa đối với tôi, đối với tất cả những ai đọc nó, đối với đời sống đức tin của cá nhân tôi. Và điều này, tôi nghĩ, mang tính quyết định, theo nghĩa là Hồng y Joseph Ratzinger, Giáo hoàng Bênêđictô, không giảm thiểu, loại bỏ hoặc bỏ sót bất cứ điều gì từ những gì Giáo hội tuyên xưng về đức tin. Và đối với tôi, đó là một cái gì đó tồn tại. Tôi đã đọc tập thứ nhất nhiều lần, đọc đi đọc lại để đồng hành cùng những giai đoạn nhất định của cuộc đời mình. Tôi chỉ có thể khuyến khích đọc nó, rằng nó rất hữu ích, và là sự nuôi dưỡng tâm linh thực sự.

ĐTGM biết về Đức Bênêđictô ra sao? Ngài đã sống đức tin của mình như thế nào?

Đức tin được cha mẹ truyền lại một cách rất tự nhiên, rất bình thường và đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến Đức Bênêđictô. Những gì ngài nhận được từ cha mẹ và sau đó từ những giáo viên, những người thầy tâm linh, rồi được đào sâu trong cuộc sống trước hết là qua việc học tập, và các bài diễn thuyết của ngài. Tất cả những điều này trở thành đời sống đức tin của ngài. Tôi luôn có ấn tượng – và tôi không nghĩ mình là người duy nhất – rằng điều mà giáo sư Ratzinger, Giám mục Ratzinger, Tổng Giám mục và Hồng y Ratzinger hay Giáo hoàng Bênêđictô nói, không chỉ là những gì được trình bày do nhiệm vụ nhưng đó là “con người của ngài”. Đó là những gì ngài đã tin và muốn truyền lại cho người khác như ngọn lửa để cho nó bùng cháy lên.

Vị Giáo hoàng có thời gian để cầu nguyện, để thinh lặng không?

Điều này phụ thuộc vào cách chúng ta quản lý thời gian. Nếu điều gì đó quan trọng đối với tôi, tôi cố gắng tìm thời gian cho nó. Trong kế hoạch hàng ngày phải có thời gian dành cho điều này.

Những gì tôi đã trải nghiệm với Đức Bênêđictô từ khi là hồng y, là giáo hoàng, và cả thời gian sau này, đó là chúng tôi luôn ấn định thời gian cầu nguyện. Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như khi thực hiện chuyến tông du. Nhưng thời gian cầu nguyện là bất khả xâm phạm.

Nói một cách cụ thể, Thánh lễ, Kinh Phụng vụ, lần chuỗi Mân Côi, suy niệm. Có những thời gian cố định, và nhiệm vụ của tôi là trung thành với thời gian đó. Không thể nói: Điều này bây giờ là quan trọng, là quan trọng hơn, và thậm chí rất quan trọng. Đức Bênêđictô sẽ nói: “Điều quan trọng nhất là Thiên Chúa. Trước tiên, chúng ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa, mọi thứ khác sẽ được thêm sau”. Đây là một cụm từ nghe có vẻ đơn giản, nhưng không dễ để trung thành. “Nhưng đó là lý do tại sao đó là sự thật, và tại sao bạn phải giúp đảm bảo điều này luôn được tuân thủ”.

Các Thánh là những mẫu gương đối với đời sống Kitô hữu. Vị Thánh yêu thích của Đức Bênêđictô là ai?

Vị Thánh yêu thích của Đức Bênêđictô là Thánh Giuse, nhưng ngài sớm có thêm lòng mộ mến đối với Thánh Augustino và Thánh Bonaventura. Đơn giản là vì ngài có những nghiên cứu kỹ về hai vị Thánhh vĩ đại này, đồng thời, hai vị cũng đã góp phần làm phong phú đời sống tâm linh và trí tuệ của ngài.

Trong số những thánh nữ, dĩ nhiên Đức Trinh Nữ Maria là số 1. Ngoài ra, có thể kể đến Thánh Têrêsa Avila, vốn là một vị thánh mà, với trí tuệ, và sức mạnh của đời sống thiêng liêng đã có một ấn tượng rất mạnh đối với Đức Bênêđictô. Và, bạn có tin không, có cả Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nữa đấy.

Trong số những vị thánh đương đại, phải nói đến Mẹ Têrêsa Calcutta, nhờ sự đơn giản và xác tín của Mẹ. Thực ra, những gì Mẹ Têrêsa sống không chỉ là bài diễn thuyết về thần học, về thần học cơ bản hoặc về bất kỳ chủ đề nào mà là Mẹ đã sống Tin Mừng, và điều đó, đối với Đức Bênêđictô, là yếu tố quyết định.

Đức Bênêđictô biết Mẹ Têrêsa Calcutta một cách cá nhân, phải không thưa ĐTGM?

Vâng, Đức Bênêđictô đã gặp Mẹ Têrêsa Calcutta năm 1978 nhân dịp “Ngày Công giáo” (Kathlikentag) ở Freiburg. Tình cờ tôi cũng có mặt ở đó. Khi đó ngài làm Tổng giám mục được một năm, còn tôi cũng mới ở chủng viện được 1 năm. Mẹ Têrêsa đến Nhà thờ chính tòa của Freiburg, và ngài là Tổng giám mục của Munich và của Freising.

ĐTGM Sviatoslav Shevchuk cùng với Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI và ĐTGM Georg Gänswein, ngày 9. 11. 2022.

 

Hồng y Joseph Ratzinger, Giáo hoàng Bênêđictô đã định hình Giáo hội như thế nào?

Như Đức Bênêđictô trong bài giảng thánh lễ khai mạc thừa tác vụ giáo hoàng của ngài, đã xác định rằng: Ngài không có chương trình hành động cho việc quản trị Giáo hội nhưng chỉ cố gắng tuyên bố ý muốn của Thiên Chúa, khi đối diện với những thách thức của thời đại, và ngài muốn đặt trọn con tim mình vào đó. Một chương trình sẽ không hữu ích, bởi vì hồi đó các vấn đề vận hành với tốc độ chưa từng có, ngay cả trong những tình huống khó khăn. Và để có thể thích nghi với điều đó, chắc chắn là một trong những thế mạnh của ngài. Đức Bênêđictô đã mau chóng phát hiện ra các vấn đề và biết rằng tất cả phải được giải đáp bằng một câu trả lời bằng niềm tin. Có thể nói, không chỉ là một câu trả lời có cơ sở thần học, mà còn là một câu trả lời sâu xa hơn, xuất phát từ chính đức tin, vừa hợp lý về mặt thần học, vừa có sức thuyết phục.

Và đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng sự đóng góp to lớn của ngài, sự hỗ trợ tuyệt vời của ngài đối với các tín hữu, là từ ngữ. Chúng ta đã nói rằng từ ngữ là “khí cụ” vĩ đại nhất, “khí cụ” tuyệt vời nhất của ngài. Từ ngữ ngài có thể xử lý, và với từ ngữ, ngài có thể truyền cảm hứng cho mọi người và lấp đầy trái tim họ.

Nhìn lại triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô, đâu là những thách thức lớn nhất mà ngài phải đối diện?

Rõ ràng ngay từ đầu, thách thức lớn nhất là cái mà Đức Bênêđictô gọi là “Thuyết tương đối”. Đức tin Công giáo và Giáo hội Công giáo xác tín rằng, nơi Chúa Giêsu Kitô, sự thật đã được sinh ra và trở nên xác thịt: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Trong khi đó, Thuyết tương đối lại nói, “Sự thật mà bạn tuyên bố là chống lại lòng khoan dung. Bạn không dung thứ cho những niềm tin khác – nghĩa là, trong Kitô giáo, khi có liên quan đến vấn đề đại kết – bạn không dung thứ cho các tôn giáo khác, bạn coi thường họ”. Và điều này tất nhiên là không đúng. Khoan dung có nghĩa là tôi coi trọng mọi người trong niềm tin của họ, trong xác tín của họ và chấp nhận họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là sau đó tôi chỉ đơn thuần hạ thấp niềm tin của mình: Đức tin mà tôi xác tín, đức tin mà tôi đã nhận được để truyền lại. Hoàn toàn ngược lại! … Đó là thuyết tương đối – và sau đó chúng ta đặt vấn đề về mối tương quan giữa đức tin và lý trí. Đây là một trong những thế mạnh của Đức Bênêđictô.

Và sau khi Đức Bênêđictô trở thành giáo hoàng, một sự kiện hoàn toàn bất ngờ nhưng rất mạnh đã ập đến, đó là toàn bộ vấn đề về lạm dụng. Trên thực tế, về khía cạnh này, ngài đã đóng một vai trò quan trọng với tư cách là một hồng y, khi những vấn đề đầu tiên, những thông tin liên lạc đầu tiên, những khó khăn đầu tiên, những báo cáo đầu tiên về lạm dụng đến với chúng tôi từ Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, tôi đã phục vụ trong Bộ Giáo lý Đức tin được 2 năm, và vì vậy, tôi nhớ rất rõ cách Hồng y Joseph Ratzinger giải quyết vấn đề này, và cả cách ngài phải vượt qua sự phản kháng nhất định từ bên trong. Điều đó thật không hề dễ dàng, nhưng ngài đã giải quyết thách thức này rất chính đáng, quyết đoán và can đảm, điều mà sau này cũng đã chứng tỏ là hữu hiệu trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Đức Bênêđictô thường nói: “Có những chủ đề quan trọng, nhưng chủ đề quan trọng nhất là niềm tin vào Chúa”. Đó là trung tâm mà xung quanh đó lời rao giảng, triều đại giáo hoàng và thừa tác vụ giáo hoàng của ngài tiến triển: xác tín rằng tôi phải tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Đó là điều thiết yếu. Người khác có thể làm việc khác, nhưng mục tiêu chính, nhiệm vụ chính của giáo hoàng là như vậy; và vì lời chứng đó, ngài đã và sẽ luôn là chứng nhân đầu tiên.

Vì vậy, việc công bố Thiên Chúa là tâm điểm trong triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô?

Đúng thế, nếu tôi có thể tóm tắt như vậy. … Việc tuyên xưng đức tin, sự biện minh của Tin Mừng. Đối với chúng ta, Thiên Chúa không phải là một ý tưởng, một tư tưởng đơn thuần nhưng là cùng đích của đức tin. Thật vậy, vào một thời điểm cụ thể, trung tâm đức tin của chúng ta đã nhập thể, trở thành một con người: Chúa Giêsu Nadarét. Và tất cả những gì chúng ta biết từ thời điểm đó được cô đọng trong các sách Phúc âm, Kinh thánh, và Tân ước. Và công bố điều này, một cách đáng tin và thuyết phục, là trung tâm và mục tiêu trong sứ vụ giáo hoàng của Đức Bênêđictô.

Nói về lạm dụng: Cách đây không lâu, Đức Bênêđictô XVI đã được nhắc đến trong báo cáo về lạm dụng tại Tổng Giáo phận Munich và Freising. Ngài đã phản ứng thế nào trước những lời cáo buộc này, những lời cáo buộc sau đó đã bị bác bỏ, nhưng vẫn khiến ngài lưu tâm? Điều đó đã xảy ra với ngài như thế nào, đặc biệt là sau tất cả những nỗ lực mà ngài đã thực hiện để điều tra và chiến đấu với việc lạm dụng?

Chúng ta đã đề cập đến việc, với tư cách là một Bộ trưởng, Hồng y Joseph Ratzinger đã phải đối phó với những cáo trạng đến từ Hoa Kỳ vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, và rằng ngài đã có lập trường mạnh mẽ chống lại sự phản kháng bên trong và bên ngoài như thế nào. Cũng thế, lập trường rõ ràng, và không hề mập mờ này đã được áp dụng khi ngài là giáo hoàng; có nhiều ví dụ về điều này.

Sau đó, khi bản thân bị cáo buộc xử lý sai các vụ lạm dụng tình dục trong thời gian làm tổng giám mục Munich và Freising, từ năm 1977 đến năm 1982, đã thực sự khiến Đức Bênêđictô hết sức ngỡ ngàng.

Khi được hỏi liệu ngài có đồng ý trả lời các câu hỏi liên quan đến cuộc điều tra nhằm xét lại việc quản lý sự kế vị của các tổng giám mục, từ Hồng y Michael von Faulhaber đến tổng giám mục hiện thời hay không.

Và ngài nói, “Tôi đồng ý, tôi không có gì phải che đậy” Nếu ngài nói “Không”, thì người ta có thể nghĩ rằng ngài đang che giấu điều gì đó.

Người ta đã gửi cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi; và Đức Bênêđictô đã trả lời các câu hỏi ấy. Ngài biết mình đã không làm điều gì sai trái. Ngài nói tất cả những gì ngài có thể nhớ; tất cả những gì có trong báo cáo. Trong tiến trình soạn thảo tuyên bố chúng tôi đã mắc một lỗi nhỏ: Đó không phải là lỗi của Đức Bênêđictô, mà là sự sơ suất của một trong những cộng tác viên của chúng tôi, người này đã ngay lập tức xin lỗi ngài. Anh ấy nói rằng đó là lỗi của anh ấy, rằng anh ấy đã ghi nhầm ngày về việc có mặt hay vắng mặt tại một cuộc họp.

Điều này ngay lập tức được xuất bản và được điều chỉnh lại. Nhưng câu chuyện mà giáo hoàng đã nói dối, thật không may là vẫn còn. Và đó là điều duy nhất khiến Đức Bênêđictô thực sự đau lòng: rằng ngài bị coi là kẻ nói dối.

Điều này chỉ đơn giản là không đúng sự thật. Sau đó, chính Đức Bênêđictô đã viết một lá thư cá nhân và nói rằng đây sẽ là lời cuối cùng về vấn đề này, và sau bức thư đó, ngài sẽ không đề cập đến nữa. Ai không tin ngài hoặc không muốn tin ngài, thì dù ngài có làm gì, cũng thành vô ích. Nhưng nếu bất cứ ai nhìn vào sự việc một cách trung thực và không thành kiến, đều phải thốt lên: Lời buộc tội Đức Bênêđictô là kẻ nói dối thực sự là không đúng sự thật. Và là điều rất đáng hổ thẹn!

Đó là một lời cáo buộc khiến ngài bị shock. Nhất là vì nó đến từ một phía chẳng có gì là nổi bật khi làm những điều cao cả trong lĩnh vực đạo đức, mà còn hoàn toàn ngược lại. Điều này giả hình đến mức người ta phải thốt lên: Thật đáng xấu hổ! Nhưng đó không phải là lời cuối cùng. Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nói rằng: “Tôi không giấu diếm điều gì, tôi đã nói những gì tôi phải nói. Tôi không còn gì để thêm vào, không còn gì để nói nữa”.

Ngài chỉ có thể mời gọi lý trí, thiện chí và sự trung thực, ngoài ra, chẳng thể làm gì khác được. Và đó chính là những gì ngài đã viết trong lá thư, còn những điều khác, ngài sẽ trả lẽ với Chúa nhân lành.

Thực ra, những gì ĐTGM nói đều có trong tài liệu và hồ sơ. Bất cứ ai hành động không vì ác ý đều có thể dựng lại hiện trường và đưa sự thật ra ánh sáng.

Như tôi đã nói, sự không thiên kiến là điều kiện tiên quyết, không chỉ trường hợp này, nhưng đặc biệt là trong trường hợp này. Những ai sẵn sàng hành động một cách công bằng, đã nhận ra, hoặc sẽ nhận ra điều đó.

Đức Thánh Cha Bênêđictô có hạnh phúc không? Ngài có cảm thấy hài lòng, mãn nguyện trong hành trình cuộc đời của mình không?

Trong tất cả các tính từ bạn vừa đề cập, tôi muốn nói tính từ cuối cùng: mãn nguyện. Đúng thế, tôi thấy Đức Bênêđictô thực sự mãn nguyện với những gì ngài đã và đang làm. Ngài quyết định dâng hiến cuộc đời mình trong thiên chức linh mục. Tất nhiên, ơn gọi trước hết, tình yêu trước hết của ngài là dạy học. Và đó là lý do tại sao ngài trở thành một giáo sư. Đơn giản đó là định mệnh của ngài.

Và rồi, ngài trở thành giám mục, và sau đó là đến Roma. Tất cả đều phù hợp với bản tính, và kết cấu trí tuệ của ngài. Việc ngài trở thành giáo hoàng – như tôi đã nói – là điều mà ngài ít mong đợi hoặc khao khát nhất. Nhưng ngài đã chấp nhận, và trong tất cả các phận vụ của mình – theo như tôi có thể thấy – ngài đã thực sự mãn nguyện và sẵn sàng cống hiến mọi sự.

Đức Bênêđictô đã cho đi những gì của chính ngài, những gì quan trọng nhất đối với ngài. Ngài truyền trao lại không phải là những gì ngài đã nhặt được ở đâu đó vào một lúc nào đó, mà là những gì của chính ngài, đến từ cuộc sống, sự trung thực về mặt trí tuệ, và niềm tin của ngài. Quay trở lại với hình ảnh ngọn lửa: để cho nó bùng cháy lên.

Đức Bênêđictô nói về gia đình mình như thế nào?

Nhận định tất cả những gì bạn có thể đọc, những gì Đức Bênêđictô nói và chính tôi đã nghe, tôi phải nói rằng ngài chỉ nói với tình yêu thương và vô cùng kính trọng về những gì cha mẹ ngài đã làm, nhất là đối với 3 người con của họ. Cha của ngài là một sĩ quan cảnh sát, dù không khá giả nhưng đã lo cho các con đều được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng điều thực sự đã, và vẫn là cơ sở cho mọi thứ xảy ra sau này, theo lời của Đức Bênêđictô, đó là tấm gương đức tin của cha mẹ ngài.

ĐTGM sẽ nhớ những lời nào của Đức Bênêđictô? Điều gì sẽ còn lưu lại?

Vào lúc này, hãy để tôi nói ra: Có rất nhiều lần- nhất là trong thời gian Đức Bênêđictô là nguyên giáo hoàng – tôi thấy mình rơi vào những tình huống rất khó khăn; có những lúc tôi nói: “Thưa Đức Thánh Cha, điều này không thể xảy ra được! Con không thể đối diện với nó! Giáo hội đang gặp nguy biến! Con không biết là Đức Chúa có đang ngủ không, Người có ở đó không? Chuyện gì đang xảy đây?” Và Đức Bênêđictô nói với tôi, “Cha biết một chút về Tin Mừng chứ, phải không? Đức Chúa đang ngủ trên thuyền ở Biển Galilê, vì thế câu chuyện tiếp diễn. Các môn đệ sợ hãi khi một cơn bão sắp ập đến với những đợt sóng dồn dập. Và các ông đã đánh thức Người dậy vì không biết phải làm gì. Và Đức Chúa chỉ nói, ‘Chuyện gì đang xảy ra vậy?’ Người chỉ cần nói vài lời với cơn bão, cho thấy rằng ngài là Đức Chúa, bất kể thời tiết và bão tố.” Rồi Đức Bênêđictô nói tiếp: “Cha hãy xem, Đức Chúa không ngủ! Dù thế, ngay cả khi có sự hiện diện của Người, các môn đệ đã sợ hãi, thì việc các môn đệ ngày nay, chỗ này chỗ kia, có thể sợ hãi là chuyện bình thường. Nhưng đừng bao giờ quên một điều: Người ở đây, và Người vẫn ở đây.

Và trong tất cả những gì hiện đang gây phiền não, gây khó khăn, và đang đè nặng trong trái tim hay tâm hồn cha, đó là điều cha đừng bao giờ quên! Hãy rút ra điều đó từ tôi, tôi hành động theo lối đó”.

Đây là điều mà, trong số những điều khác, đã thực sự ăn sâu vào trái tim tôi, và vẫn còn nguyên đó.

ĐTGM có thể chia sẻ thêm một giai thoại khác trong thời gian ngài ở với Đức Bênêđictô không?

Đức Bênêđictô là một người có khiếu hài hước. Ngài thích hài hước ngay cả khi gặp những vấn đề nan giải, lúc ấy, sự hài hước có thể cung cấp một chỗ dựa, và đóng vai trò như là một loại “dây” kéo chúng ta “lên”. Do đó, tôi nhận thấy rằng, trong những tình huống dù khó khăn đến mấy, với tư cách là Hồng y hay Giáo hoàng, Đức Bênêđictô luôn cố gắng, không phải để tạo ra một kiểu “nói giỡn” hời hợt nào đó, mà là mang lại một chút hài hước, vốn có thể “giải độc” mọi thứ.

Và điều này đã được chứng minh là rất quý giá đối với cuộc sống của chính tôi, trong một số tình huống khó khăn. Tôi rất biết ơn vì điều đó.

Santo Subito” — Hãy Phong thánh ngay lập tức?

Đó là nguyện ước mà chúng ta đã có thể đọc được trong tang lễ của Đức Gioan Phaolô II tại Quảng trường Thánh Phêrô. Tôi còn nhớ rất rõ: Có rất nhiều biểu ngữ và cả những tấm áp phích lớn với hàng chữ “Santo Subito” (Hãy Phong thánh ngay lập tức). Tôi tin rằng lần này cũng có thể sẽ như thế.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicnewsagency.com (01. 01. 2023)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*