Trong tuần vừa qua, đại diện các Giáo hội địa phương trên khắp châu Đại Dương đã quy tụ tại thành phố Melbourne của Úc để suy tư về Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa của Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành.
Trong các buổi gặp gỡ, các đại diện cố gắng đưa cái nhìn đặc biệt của châu Đại Dương vào tiến trình Thượng Hội Đồng, với mục tiêu nhìn sự kiện toàn cầu qua cái nhìn của người dân lục địa. Tài liệu Làm việc cho giai đoạn châu lục, do Ban Thư ký Thượng Hội Đồng công bố vào tháng 10/2022 đã được mọi người suy tư và thảo luận.
Chủ tịch lực lượng đặc nhiệm của Thượng Hội Đồng Giám mục châu Đại Dương, thành viên của uỷ ban phương pháp toàn cầu, Susan Pascoe cho biết, cuộc gặp gỡ tuần qua tập trung vào những gì bà đã thấy trong các cuộc họp khác ở các nơi trên thế giới. Bà nói: “Một trong những đáp ứng thú vị đối với Tài liệu cho giai đoạn châu lục là các tín hữu ở châu Đại Dương nhận ra điểm chung lớn trong Giáo hội hoàn vũ. Có một mức độ tương đồng cao giữa các câu trả lời đến từ bốn Hội đồng giám mục và các Giáo hội Đông phương”.
Đức Tổng Giám Mục Peter Loy Chong của Giáo phận Suva thuộc quần đảo Fiji, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Đại Dương, giải thích: “Chúng tôi muốn khẳng định những nội dung của tài liệu làm việc và kết quả suy tư của bốn hội nghị của châu Đại Dương, để xác định những khoảng trống, những căng thẳng và thậm chí xác định những tiếng nói còn thiếu. Công việc này rất quan trọng đối với Liên Hội đồng Giám mục châu Đại Dương”.
Tiến sĩ Theresa Kiely đang tham dự cuộc họp ở Melbourne với tư cách là một trong ba đại diện của New Zealand, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trình bày kinh nghiệm sống của người Công giáo ở Thái Bình Dương. Bà hy vọng tài liệu xuất hiện sẽ “thực sự đại diện cho người dân châu Đại Dương. Chúng tôi không quên người dân ở các ngôi làng không được tiếp cận với công nghệ và cả những người cảm thấy bị bỏ rơi trong Giáo hội”. Bà muốn rằng bản báo cáo thay mặt người dân châu Đại Dương là “một đại diện trung thực và xác thực cho tiếng nói của họ, để chúng ta có thể thành thật nhìn nhận mình với tư cách là một Giáo hội và quyết định cách chúng ta muốn tiến tới tương lai”.
Trong khi đó, bà Grace Wrakia, đại diện cho Hội đồng Giám mục Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, nói rằng việc Giáo hội ngày càng nhấn mạnh đến tính hiệp hành là điều rất tự nhiên đối với bà. Bà nói: “Tôi nghĩ toàn bộ khái niệm về hiệp hành, phân định và lắng nghe, rất giống Melanesia, Papua New Guinea, bởi vì đó là điều chúng tôi luôn làm”.
Bà nói thêm: “Hiệp hành là một khái niệm đẹp, một phong trào tràn đầy Thần khí mà tôi hy vọng và cầu nguyện để tiếp tục hiện diện trong Giáo hội. Tinh thần hiệp hành là một tinh thần đẹp phải tồn tại lâu dài sau này”.
Ngọc Yến
Nguồn: vaticannews.va/vi
Để lại một phản hồi