Trong cuốn sách “Kitô giáo là gì?”, được viết vào năm 2018 và xuất bản vào tháng 1/2023, Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã cảnh báo về nguy cơ “Tin lành hóa” Bí tích Thánh Thể bằng cách biến Bí tích Thánh Thể thành một bữa ăn huynh đệ.
Cuốn sách bao gồm một chương dài 17 trang có tựa đề “Ý nghĩa của việc rước lễ”, trong đó Đức Bênêđictô XVI đã giải thích rằng, bắt đầu từ một nhà chú giải Tin lành, niềm tin rằng Chúa đã chuẩn bị Bữa Tiệc Ly như một “bữa ăn với những người tội lỗi” và cách chú giải này đã lan rộng.
Tuy nhiên, Đức cố Giáo hoàng khẳng định rằng lối giải thích này không đúng, bởi vì Bữa Tiệc Ly “là một phần của truyền thống thần học và giới luật của Lễ Vượt qua của người Do Thái”.
Khác biệt giữa Công giáo và Tin Lành về bí tích Thánh Thể
Đức Bênêđictô cũng lưu ý rằng trong các cộng đồng Tin lành xuất hiện từ thời Cải cách, Bí tích được gọi là “Bữa ăn tối”, trong khi Giáo hội Công giáo gọi đó là “Thánh Thể”. Ngài giải thích rằng sự khác nhau này không phải là điều hời hợt và tình cờ, nhưng đúng hơn cho thấy sự khác biệt cơ bản trong cách hiểu về bí tích.
Chứng minh cho điều này, Đức Bênêđictô nhắc lại rằng trong Công đồng Vatican II, nhà thần học Tin lành Edmund Schlink đã khẳng định rằng Bí tích Thánh Thể Công giáo không phải là bữa ăn tối được Chúa thiết lập. Và đối với Tin Lành, Martin Luther quay trở lại cấu trúc bữa ăn tối để vượt qua điều mà ông cho là “sự giả tạo của Công giáo”.
Rước lễ chung giữa Công giáo và Tin Lành: kết quả của cách hiểu “Tin Lành hoá” Thánh Thể
Đức Bênêđictô lưu ý rằng một tiến trình có ảnh hưởng lớn trong đời sống Thánh Thể của Giáo hội đó là bí tích Thống hối gần như hoàn toàn biến mất trong một phần lớn của Giáo hội, và chỉ còn có tại các đền thánh. Tình huống này, cộng với niềm tin rằng Thánh lễ chỉ là một “bữa ăn”, thì việc rước lễ chung – các tín hữu Công giáo và Tin Lành rước lễ trong cùng một cử hành Thánh Thể – có vẻ là điều tự nhiên.
Tuy nhiên Đức cố Giáo hoàng nói rõ rằng ngài không nghĩ rằng cách hiểu về bí tích Thánh Thể của Công giáo đã hoàn toàn biến mất, “bởi vì các Đại hội Giới trẻ Thế giới đã dẫn đến việc tái khám phá việc tôn thờ Thánh Thể và cả sự hiện diện của Chúa trong bí tích.” (ACI Prensa 09/02/2023).
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi
Để lại một phản hồi