Tình hình kinh tế tài chánh của Vatican vẫn chưa khả quan hơn: sau khi giảm lương của các Hồng Y, các chức sắc cấp cao và các nhân viên linh mục, tu sĩ, Đức Thánh Cha phải tiến thêm một bước là bãi bỏ đặc ân nhà ở miễn phí hoặc giá thuê thấp của các Hồng Y và các cấp lãnh đạo khác của Tòa Thánh.
Trên đây là nội dung Phúc Chiếu (Rescriptum) được Đức Thánh Cha quyết định trong buổi tiếp kiến ngày 13/2 vừa qua dành cho ông Maximino Caballero Ledo, người Tây Ban Nha, Bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh và được công bố hôm 28/2, trong tuần lễ Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh tĩnh tâm riêng Mùa Chay, từ chiều Chúa Nhật 27/2 đến trưa thứ Sáu 3/3 (2023).
Nội dung Phúc Chiếu
Trong Phúc chiếu, Đức Thánh Cha quyết định bãi bỏ tất cả các quy định, do bất kỳ ai ban hành và bất cứ từ thời nào, về việc cấp nhà ở cho các Hồng Y, các Bộ trưởng, các vị Chủ tịch, Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký, hay là thứ trưởng, cấp lãnh đạo và tương đương, kể cả các thẩm phán tòa Thượng Thẩm Rota ở Rôma: các vị được hưởng nhà ở miễn phí hoặc giá thấp trong các bất động sản của Tòa Thánh. Lý do là “vì những nhu cầu gia tăng trong việc chu toàn việc phục vụ Giáo Hội hoàn vũ và những nhu cầu đòi hỏi trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt trầm trọng. Vì thế, Đức Thánh Cha thấy tất cả mọi người đều phải thực hiện một hy sinh đặc biệt để dành nhiều tài nguyên hơn cho sứ mạng của Tòa Thánh, bằng cách gia tăng thu nhập trong việc quản trị tài sản bất động sản của Tòa Thánh”.
Trong Phúc Chiếu, Đức Thánh Cha cũng yêu cầu các cơ quan Tòa Thánh không được phụ cấp nhà ở cho các vị lãnh đạo Tòa Thánh liệt kê bên trên. Vì thế các cơ quan Tòa Thánh sở hữu các bất động sản phải áp dụng tiền thuê nhà cho các thành viên của mình theo giá thuê bình thường vẫn được áp dụng cho những người không có trách vụ nào tại Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican”.
“Các biện pháp trên đây không có hiệu lực trên những cấp phát và điều kiện dễ dàng đã được ban cấp trước ngày Phúc chiếu này có hiệu lực, vì thế những hợp đồng đã ký kết trước thời điểm áp dụng quy định này vẫn tiếp tục cho đến khi hết hạn”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Bất kỳ sự chuẩn chước nào đối với quy luật trong Phúc Chiếu này phải được chính ngài cho phép”.
Các quy luật trong Phúc Chiếu này bắt đầu có hiệu lực tức khắc từ ngày được công bố trong Công báo của Tòa Thánh (AAS) và khi được yết thị tại Sân Damaso trong Nội thành Vatican.
Thực trạng tại Vatican
Hiện nay tại Vatican có khoảng gần 5 ngàn nhân sự các cấp, thuộc hai khối lớn là Giáo triều Rôma và Quốc gia thành Vatican. Tất cả đều nhận lương, thường thì thấp hơn so với chế độ tại Ý. Ngoài cấp lãnh đạo gồm 3 bậc: Bộ trưởng, Tổng thư ký và Phó tổng thư ký, các nhân viên còn lại được chia thành 10 bậc lương căn bản, từ mức thấp nhất 1.300 Euro mỗi tháng cho đến cấp 10 khoảng 2.400 Euro, cộng thêm với tiền trợ cấp đắt đỏ và thâm niên, khoảng hơn kém 3 ngàn Euro. Ở cấp 10, nhân viên giáo dân có thêm một khoản phụ trội.
Các Hồng Y tại Giáo triều Rôma có mức lương từ 4.500 đến 5.500 Euro mỗi tháng, bao gồm cả phụ cấp 1.500 Euro, gọi là “Đĩa Hồng Y” (piatto cardinalizio) cho mỗi Hồng Y trên thế giới. Các vị Giám Mục và Tổng Giám Mục đứng đầu mỗi bộ nhận lương tháng căn bản từ 3 đến 4 ngàn Euro. Tiền lương của các nhân viên các cấp của Vatican không phải chịu thuế lợi tức. Họ cũng có thể mua các thực phẩm và nhiều vật dụng khác ở siêu thị, các cửa hàng và xăng dầu ở Vatican với giá rẻ hơn bên ngoài.
Các bất động sản của Vatican
Cơ quan quản trị của Tòa Thánh, gọi tắt là APSA, hiện quản lý 2.400 căn hộ và khoảng 600 nhà cửa, văn phòng và cơ sở thương mại. Giá trị tổng thể các bất động sản của Tòa Thánh được ước lượng vào khoảng từ 2 đến 3 tỷ Euro. 70% nhà ở của APSA được dành cho các nhân viên Tòa Thánh với giá thuê thường là thấp hơn 40% so với giá thị trường trong cùng một khu vực. 30% phần còn lại cho những người ngoài thuê hàng tháng thấp hơn 15% so với giá thị trường của căn hộ.
Một cơ quan khác của Tòa Thánh cũng quản lý các bất động sản là Bộ loan báo Tin Mừng, quen gọi là Bộ truyền giáo, Propagande Fide. Bộ này sở hữu chừng 500 căn hộ trong khoảng 60 tòa nhà, và Bộ quản lý độc lập so với cơ quan APSA. Theo một thông cáo công bố năm 2015, các căn hộ và nhà cửa này được cho thuê với giá thị trường. Tuy nhiên, thông cáo cũng cho biết phí tổn bảo trì các nhà này là do những người sống tại đó; và sau khi họ ngưng thuê thì các bất động sản này lại thuộc quyền sử dụng của Tòa Thánh.
Các căn hộ cho các vị Bộ trưởng hoặc Hồng Y ở Vatican thường là những căn hộ lớn. Ví dụ Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, khi còn làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, ngài cư ngụ trong căn hộ có 11 phòng. Nhiều Hồng y khác cũng vậy. Nhiều vị có những phòng dành cho thân nhân hoặc một vài nữ tu giúp việc.
“Thắt lưng buộc bụng”
Biện pháp “thắt lưng buộc bụng” qua Phúc chế mới công bố không phải là biện pháp đầu tiên trước tình trạng kinh tế khó khăn.
Hồi năm 2021, Đức Thánh Cha đã ra lệnh rằng từ ngày 1/4 năm đó, lương bổng của các Hồng Y bị cắt giảm 10% trong khi lương của các cấp lãnh đạo khác bị giảm 8%. Các viên chức giáo sĩ và tu sĩ, thuộc 10 bậc lương, bị cắt lương 3%. Ngoài ra sự tăng tiền thâm niên bị ngưng lại cho đến tháng 4 năm nay 2023.
Các biện pháp trên đây không những chỉ áp dụng cho các cơ quan Tòa Thánh nhưng cho cả Tòa Giám quản Rôma, các kinh sĩ đoàn 4 Đại vương cung thánh đường ở Rôma và cơ quan bảo trì Đền Thờ Thánh Phêrô.
Ngoài ra, hồi tháng 8 năm 2021, Đức Thánh Cha bãi bỏ tiền bổ xung cho các Kinh sĩ Đền thờ Thánh Phêrô, nếu các vị này đã có lương bổng hoặc một lợi tức khác rồi.
Viễn tượng tài chánh tương lai
Cho đến nay ngân sách dự chi và kết toán thường niên của Vatican chưa được công bố, thường được công bố vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Sự kiện Đức Thánh Cha phải ra lệnh cắt giảm thêm các chi phí chứng tỏ có sự thiếu hụt trầm trọng. Một số dự đoán cho rằng khoản nợ hay thiếu hụt có thể vượt quá 200 triệu Euro.
Ngoài những chi phí của giáo triều Rôma, còn có cuộc khủng hoảng của Viện Giáo Vụ (IOR) quen gọi là “Ngân hàng Vatican”.
Cả số tiền lạc quyên do sự đóng góp của các tín hữu, quen gọi là “Đồng tiền Thánh Phêrô” cũng không khả quan. Theo con số được công bố ngày 16/6 năm ngoái (2022), trong năm 2021, 55,5 triệu Euro do Đồng tiền Thánh Phêrô được dành để hỗ trợ các hoạt động của Tòa Thánh, và 9,8 triệu Euro dành cho việc trực tiếp giúp đỡ người nghèo.
Vài phản ứng
Về phía các Hồng Y và các vị lãnh đạo khác tại Giáo triều, người ta không thấy có phản ứng công khai nào được biểu lộ.
Trên một số báo chí và trang mạng, có những ký giả ủng hộ Phúc Chiếu và gọi đây là một bước tiến mới của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc chấm dứt những “đặc ân giáo sĩ”.
Cũng có những trang mạng vốn phê bình đường lối và hoạt động của Đức Giáo Hoàng đương kim thì cho rằng Phúc Chiếu này, cũng như Tự Sắc ngày 20/2 trước đó xác định quyền sở hữu của Tòa Thánh trên tất cả các bất động sản thuộc Vatican, thu tóm mọi quyết định vào trong tay Đức Giáo Hoàng, và đó là điều trái ngược với nguyên tắc phụ đới (sussidiarietà): Đức Giáo Hoàng không muốn tôn trọng nguyên tắc này trong một số lãnh vực tổ chức và kinh tế, nhưng lại muốn áp dụng nó trong những lãnh vực liên hệ nhiều hơn với bản chất sâu xa của Giáo Hội, như lãnh vực luân lý.
– Cũng có trang mạng thì cho rằng “giờ đây Đức Giáo Hoàng sẽ dùng vụ thuê nhà này để nắm trong tay các Giám Chức và công chức các cấp, vì chính ngài sẽ đích thân quyết định ai là người phải trả tiền thuê, ai là người không phải trả”.
– Một trang mạng khác thì đặt câu hỏi: tại sao Đức Giáo Hoàng lại đợi 10 năm trời để chấm dứt những đặc ân giáo sĩ này? Những đặc ân này chấm dứt, nhưng trong 10 năm qua có nảy sinh các đặc ân khác và những người khác được đặc ân không?
– Cũng có người tò mò: Liệu vị Hồng Y Quốc vụ khanh tới đây có còn ở lầu I trong dinh Tông Tòa dành cho ngài hay không? Hay ngài sẽ ở trong nhà trọ thánh Marta với một căn hộ hai phòng như Đức Giáo Hoàng hiện nay? Với đồng lương, 4-5 ngàn Euro một tháng, liệu một Hồng Y Bộ trưởng có khả năng tài chánh trả tiền thuê một căn hộ 11 phòng như hiện thời hay không?
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Để lại một phản hồi