Lm. Roger Landry
Hôm 13. 02. 2023, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Hoa Kỳ (CDC – Centers for Disease Control) đã công bố bản Báo cáo Xu hướng và Tóm tắt Dữ liệu khảo sát Hành vi rủi ro của Thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2021 trong đó cho thấy tình trạng sức khỏe tâm thần và tâm linh của học sinh trung học tại Hoa Kỳ thực sự đáng báo động và đang xấu đi nhanh chóng.
Báo cáo ghi nhận rằng 42% thanh thiếu niên trung học năm 2021 cho biết họ cảm thấy buồn bã hoặc tuyệt vọng dai dẳng, 22% nghiêm túc cân nhắc việc tự tử vào năm trước, 18% đã lên kế hoạch cụ thể về việc tự tử, và 10% thực sự đã cố gắng thực hiện kế hoạch đó (và rất may là không thành công).
Những con số đáng lo ngại này càng tăng hơn nữa khi tỉ lệ đối với các trẻ nữ thậm chí còn cao hơn, với 57% nữ sinh trung học thường xuyên cảm thấy buồn bã hoặc tuyệt vọng (so với 29% ở nam sinh); 30% có ý định tự tử (so với 14% ở nam sinh) và 24% có kế hoạch tự tử (so với 12% ở nam sinh).
Ngoài ra, sự gia tăng nhanh chóng về sự buồn bã dai dẳng và ý định tự tử nơi trẻ nữ tuổi teen cũng gây sửng sốt: Từ năm 2011, nỗi buồn dai dẳng và tuyệt vọng đã tăng từ 36% lên 57%, ý định tự tử tăng từ 19% lên 30% và có kế hoạch tự tử tăng từ 15% lên 24 %, tăng 60% trong mỗi phạm trù trong một thập niên. (Trong cùng khoảng thời gian này, sự buồn bã kinh niên ở nam sinh trung học đã tăng từ 21% lên 29%, ý định tự tử tăng từ 13% lên 14% và có kế hoạch tự tử tăng từ 11% lên 12%).
Phần lớn các bình luận trên phương tiện truyền thông về những con số trong bản Báo cáo của CDC tập trung vào những gì đã thay đổi đối với các trẻ nữ từ năm 2011 dẫn đến những xu hướng đáng lo ngại như vậy. Hầu hết sự chú ý tập trung vào sự gia tăng và tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm lý của trẻ nữ, cụ thể là sự “so sánh và tuyệt vọng” xảy ra khi trẻ nữ loay hoay để tự mình vượt qua những thay đổi cơ thể của tuổi dậy thì, khi nhìn thấy những hình ảnh đẹp của bạn bè đồng trang lứa, của người nổi tiếng, và của người khác còn của mình thì hoàn toàn tương phản.
Đồng thời, sự ra đời của mạng xã hội cũng tương ứng với sự bùng nổ của việc các trẻ nữ tuổi teen bắt đầu tự nhận diện mình là nam bị mắc kẹt trong cơ thể nữ, vượt xa những thiếu nữ và phụ nữ ở các nhóm tuổi khác cũng gặp phải tình trạng nhầm lẫn giới tính tương tự hoặc các trẻ nam tuổi teen tự nhận mình là nữ. Bản báo cáo giải thích tại sao phải đẩy mạnh nghiên cứu một cách trung thực và dũng cảm về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang gia tăng nhanh chóng nơi các trẻ nữ.
Nhưng bức tranh lớn hơn cũng cần được lưu tâm không kém: Con số đáng kinh ngạc của những người trẻ, 42% nói rằng họ thường xuyên tuyệt vọng và không hạnh phúc; 22% đã từng nghiêm túc cân nhắc việc tự tử trong 12 tháng qua. Trong năm trước, 40% học sinh trung học nói rằng họ cảm thấy buồn bã hoặc tuyệt vọng đến độ không thể tham gia các hoạt động thường xuyên trong ít nhất 2 tuần.
Đây là một cuộc khủng hoảng mà chẳng thể được giải quyết thỏa đáng bằng thuốc chống lo âu. Một điều gì đó lớn hơn rất nhiều đang diễn ra.
CDC đã xem xét một số yếu tố có thể là nguyên nhân gây ra khủng hoảng, nhưng lưu ý rằng, trong suốt thập niên qua, tình trạng bắt nạt, sử dụng ma túy, bạo lực tình dục đều giảm hoặc giữ nguyên. CDC cũng lưu tâm đến ý thức kết nối của học sinh ở trường, tình hình tại nhà, và giao tiếp với gia đình của họ, nhưng không có tình huống nào trong số này liên quan đến vấn đề khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang gia tăng nhanh chóng.
Rõ ràng là có một sự khủng hoảng về niềm hy vọng tiềm ẩn bên trong sự buồn bã dai dẳng và ý định tự tử. Điều này có liên quan đến sự khủng hoảng về ý nghĩa, về lý do “tại sao” sống, và về đâu là động lực để có thể thay đổi hoàn cảnh của mình nên tốt hơn, đấy là chưa kể đến việc thay đổi môi trường và lối sống của mỗi người sao cho thích hợp hơn.
Sự khủng hoảng về niềm hy vọng này có liên quan đến sự khủng hoảng về đức tin. Thế hệ Z, những người sinh từ năm 1999 đến 2015, đang bị suy giảm niềm tin vào Thiên Chúa một cách nhanh chóng. Từ năm 2010, số học sinh trung học thực hành tín ngưỡng đã giảm 27%. Hiện nay 13% được xác định là vô thần và 16% theo thuyết bất khả tri.
Trong thông điệp Spe Salvi về Niềm hy vọng Kitô giáo ban hành năm 2008, Đức Bênêđictô XVI đã mô tả tình trạng tuyệt vọng như Thánh Phaolô đã đề cập đến trong thư gửi tín hữu Ephêsô, khi nối kết những người sống “không có hy vọng” với những người sống “không có Thiên Chúa ở trần gian” (Ep 2, 12). Theo Đức Bênêđíctô XVI, niềm hy vọng đến từ việc nhận ra rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta trên trần gian này, mang lại điều tốt lành từ điều dữ, mang lại công bằng cho các nạn nhân, giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa vĩnh cửu ngay trong những hoạt động bình thường nhất. Thất bại trong việc truyền đạt đức tin một cách hiệu quả cho các thế hệ trẻ, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa thế tục với thuyết vô thần thực dụng, vốn thúc đẩy người ta sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, chắc chắn đang tiếp tay cho cuộc khủng hoảng nơi người trẻ của chúng ta.
Cũng thế, sự khủng hoảng đa diện của gia đình cũng là nguyên nhân góp phần cho sự khủng hoảng của người trẻ. Tổn thương của việc ly hôn, sự vắng mặt của dung mạo người cha, sự cô đơn do có ít anh chị em hơn khiến những người trẻ cố gắng kết bạn bên ngoài gia đình, sự cạnh tranh để giành tình yêu và sự chú ý với người bạn gái/bạn trai mới của bố/ mẹ, đều có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng về cảm giác được yêu thương cách chân thành và bền vững. Việc được yêu thương vô điều kiện và vững chắc là nguồn vui đích thực, là nguồn hy vọng giữa những thất bại và mâu thuẫn.
Nhận thức của người trẻ về tình yêu đó không phải là điều hiển nhiên, nhất là khi họ đang phải vật lộn để có thể yêu bản thân cách đích thực trong khi trải nghiệm những thay đổi nhanh chóng bên trong và xung quanh mình.
Như Đức Gioan Phaolô II đã từng nói:
“Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người vẫn là một hữu thể mà chính mình cũng chẳng thể hiểu thấu đáo, cuộc sống của con người sẽ trở nên vô nghĩa, nếu người ta không nhận được mặc khải về tình yêu, không gặp được tình yêu thương, không trải nghiệm tình yêu, không biến tình yêu thành của mình, và không dự phần vào tình yêu một cách mật thiết” (Thông điệp Redemptor Hominis, 10).
Các loại thuốc gây nghiện mang tính văn hóa tiêu thụ của chủ nghĩa duy vật và khoái lạc có thể khiến chúng ta xao lãng nhu cầu cơ bản về tình yêu của con người nhưng chỉ là tạm thời chứ không phải là mãi mãi. Nỗi buồn, sự tuyệt vọng và ý định tự tử của người trẻ là tiếng kêu tuyệt vọng đối với tình yêu liên đới giữa những vấn đề mang tính hiện sinh và cấp bách của họ.
Cũng cần phải huấn luyện cho người trẻ biết đối diện một cách tích cực với những đau khổ không thể tránh khỏi mà cuộc sống mang lại. Chúng ta thường có thể cố gắng bảo vệ trẻ em khỏi đau khổ, bao bọc chúng bằng những tiện nghi vật chất, và giữ chúng tránh xa những bất trắc bao nhiêu có thể.
Động lực này thường là ngay lành, nhưng những tác dụng phụ ngoài ý muốn có thể xảy ra, đó là người trẻ ngày nay không có dịp trải nghiệm về những giai đoạn khó khăn, thiếu thốn, thử thách về nhiều phương diện mà những thế hệ trước đã trải nghiệm. Trên thực tế, nhiều người trẻ ngày nay không được huấn luyện tại trường học của thử thách, đau khổ, do đó, khi những nỗi đau về tinh thần và cảm xúc ập đến, vì không được trang bị đầy đủ, họ đã không thể rút ra kinh nghiệm về sự kiên trì để có thể can đảm vượt qua những nỗi đau ấy.
Về phương diện văn hoá, thay vì giúp người trẻ trưởng thành hơn qua sự khôn ngoan này, nhiều người lại đã gây ra sự nhầm lẫn khi cổ xúy cho quyền được tự tử, tôn vinh nó như một sự lựa chọn xứng đáng, cao cả để đối phó với đau khổ, và chính điều này đang gây ra tác hại khôn lường.
Thay vì nhận ra tự tử là một điều xấu xa, là một tiếng kêu cứu về lòng trắc ẩn, là một vấn đề về sức khỏe tâm thần và cách kiểm soát cơn đau hiệu quả, một bi kịch mà chúng ta đang cố gắng ngăn chặn, thì người ta lại cho rằng tự tử là một điều tốt cho những cá nhân đang gặp bất kỳ loại đau đớn nào, là một điều có lợi cho gia đình và bạn bè khi trút bỏ được gánh nặng phải quan tân, và là một điều tiện dụng cho xã hội khi tiết kiệm được chi phí chăm sóc sức khỏe, và sự lây nhiễm sự trầm cảm của họ. Phong trào về quyền được chết tuyên bố rằng đôi khi cuộc sống không đáng sống, và chắc hẳn những tuyên truyền về chủ nghĩa cá nhân, về quyền tự quyết, và về nỗi sợ bị phụ thuộc đã ảnh hưởng không ít đến giới trẻ?. Do đó, vì tình yêu thương dành cho người trẻ cũng như bất kỳ ai khác bị cám dỗ tự tử, chúng ta phải mạnh mẽ và kiên trì phản đối chất độc văn hóa này.
* * *
Khi đọc thông tin về bản báo cáo của CDC tại Hoa Kỳ, cho dù có những khác biệt về văn hoá, về lối nghĩ, về lối sống, … nhưng có lẽ cũng là dịp để chúng ta suy tư, phản tỉnh đối với những tình huống có thể xảy ra cho giới trẻ của chúng ta.
– Liệu những thanh thiếu niên, nhất là các trẻ nữ, của chúng ta có gặp phải những thách đố như vậy chăng?
– Nếu có, thì đâu là nguyên nhân của các xu hướng đáng lo ngại ấy?
– Nếu có, thì làm sao để chúng ta có thể nhận biết, cảm thông, đồng hành, và nâng đỡ các em?
Hơn nữa, khi các em phải đối diện với khủng hoảng, thì với tư cách là Kitô hữu, liệu chúng ta có thể làm gì để quan tâm, trao đổi và truyền đạt cho các em, một cách rõ ràng và xác tín, những lý do để tin tưởng, hy vọng, và sống ý nghĩa cuộc đời mình như là những người được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng giống hình ảnh của Ngài, được Đức Kitô yêu thương cứu chuộc bằng chính cái chết và sự phục sinh của Người?
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (02. 5. 2023)
Để lại một phản hồi