Diễn văn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại (10.06.2023)

Sáng ngày mồng 10.06.2023, Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại với chủ đề “Không đơn độc” (#NotAlone) đã được khai mạc tại Quảng trường Thánh Phêrô, và đồng thời tại 8 quảng trường khác trên thế giới.

Được tổ chức bởi Quỹ Fratelli Tutti của Vatican, Đền thờ Thánh Phêrô, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện và Bộ Truyền thông, Hội nghị có sự hiện diện của khoảng 30 người đã nhận giải Nobel và của nhiều đại diện đang dấn thân trong các tổ chức Giáo hội và xã hội.

Không chỉ khai mạc, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh đã đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô ký Tuyên bố về Tình Huynh đệ nhân loại do các tham dự viên Hội nghị cùng nhau soạn thảo.

Vì vừa trải qua cuộc phẫu thuật, nên Đức Thánh Cha không thể tham dự Hội nghị như dự kiến, do đó, Bài diễn văn của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Mauro Gambetti, tổng quản của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô và là chủ tịch của Quỹ Fratelli Tutti tuyên đọc và được phát trực tiếp.

Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:

HỘI NGHỊ THẾ GIỚI VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ NHÂN LOẠI
“KHÔNG ĐƠN ĐỘC” (#NOTALONE)

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Bảy, 10.06.2023

Anh chị em thân mến, chào buổi chiều!

Mặc dù không thể trực tiếp chào đón anh chị em, nhưng tôi xin chào mừng và hết lòng cảm ơn vì sự hiện diện của anh chị em. Tôi rất vui khi có thể cùng với anh chị em tái khẳng định ước muốn về tình huynh đệ và hòa bình trên thế giới. Một tác giả đã đặt trên môi miệng Thánh Phanxicô Assisi những lời này: “Thiên Chúa hiện diện ở nơi mà anh chị em của Ngài hiện diện” (E. Leclerc, La Sapienza di un povero). Thật vậy, thiên đàng mời gọi chúng ta cùng nhau bước đi trên trái đất, tái khám phá chính mình như anh chị em và tin vào tình huynh đệ như động lực nền tảng cho cuộc hành hương của chúng ta.

Trong Thông điệp Fratelli Tutti, tôi đã viết rằng: “Tình huynh đệ mang lại điều gì đó tích cực hơn cho tự do và bình đẳng” (số 103), bởi vì bất cứ ai coi người khác như anh chị em thì đều thấy nơi người đó một khuôn mặt chứ không phải một con số. Người khác luôn là “ai đó” có phẩm giá và đáng được tôn trọng, chứ không phải “thứ gì đó” để sử dụng, bóc lột hoặc vứt bỏ. Trong thế giới bị tàn phá bởi bạo lực và chiến tranh, thì cải tiến và điều chỉnh là chưa đủ. Chỉ có một giao ước xã hội và tinh thần vĩ đại xuất phát từ trái tim và tập trung vào tình huynh đệ mới có thể khôi phục lại tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của phẩm giá con người như là cốt lõi của các mối tương quan.

Đây là lý do tại sao tình huynh đệ không cần những lý thuyết suông mà cần những cử chỉ cụ thể và những quyết định chung làm cho nó trở thành một nền văn hóa hòa bình. Do đó, câu hỏi chúng ta phải tự vấn không phải là xã hội và thế giới có thể cho tôi điều gì, mà là tôi có thể cho anh chị em mình điều gì. Khi trở về nhà, chúng ta hãy nghĩ đến một số cử chỉ cụ thể của tình huynh đệ mà chúng ta có thể thực hiện: hòa giải với các thành viên trong gia đình, bạn bè và hàng xóm, cầu nguyện cho những người làm tổn thương chúng ta, nhận ra và giúp đỡ những người túng thiếu, nói những lời bình an ở trường học, đại học hoặc trong xã hội, “xức dầu” cho những người cảm thấy cô đơn bằng sự gần gũi của chúng ta…

Chúng ta cần cảm thấy mình được kêu gọi xoa dầu thơm dịu dàng trong các mối tương quan giữa các cá nhân cũng như giữa các dân tộc đã bị băng hoại. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi vì hô vang “không chiến tranh”, nhân danh Thiên Chúa và nhân danh mọi người nam nữ đang khao khát hòa bình. Tôi nhớ những câu thơ của Giuseppe Ungaretti. Giữa chiến tranh, nhà thơ thấy cần phải nói về những người anh em của mình như “Lời run rẩy / trong đêm / Chiếc lá vừa mới nhú”. Tình huynh đệ thật mong manh và quý giá. Anh chị em là mỏ neo của sự thật trong biển bão tố của những xung đột gieo rắc dối trá. Kêu gọi anh chị em là nhắc nhở những người đang chiến đấu, và tất cả chúng ta, rằng tình huynh đệ gắn kết chúng ta mạnh hơn hận thù và bạo lực. Thật vậy, tình huynh đệ hiệp nhất tất cả mọi người trong cùng một nỗi đau. Chính từ đây, chúng ta bắt đầu và bắt đầu lại, từ cảm thức “cùng nhau cảm nhận”, một tia lửa có thể thắp lại ánh sáng để chấm dứt màn đêm của những xung đột.

Tin rằng người khác là anh chị em và chào đón họ như vậy không phải là vô nghĩa mà là điều cụ thể nhất mà mỗi chúng ta có thể làm được. Thật vậy, điều này có nghĩa là giải thoát bản thân khỏi sự nghèo nàn khi tin rằng mình là con một trên thế giới này. Đồng thời, điều này có nghĩa là chọn vượt ra ngoài tư duy của những đối tác hoặc cộng sự, những người ở bên nhau chỉ vì lợi ích cá nhân. Điều này cũng có nghĩa là biết vượt lên trên giới hạn của những ràng buộc huyết thống hoặc sắc tộc, vốn chỉ nhìn nhận những điểm tương đồng và loại bỏ sự khác biệt. Tôi đang nghĩ đến dụ ngôn người Samari (x. Lc 10, 25-37), người đã dừng lại với lòng trắc ẩn trước người Do Thái đang cần được giúp đỡ. Nền văn hóa của họ trái ngược nhau, lịch sử của họ khác biệt nhau, và các khu vực của họ thù địch với nhau; nhưng đối với người Samari này, người đàn ông bị thương đang nằm bên vệ đường và nhu cầu của người đàn ông đó chính là ưu tiên hàng đầu.

Khi mọi người và xã hội chọn lựa tình huynh đệ, thì các chính sách cũng thay đổi: Con người một lần nữa được ưu tiên hơn lợi nhuận; và ngôi nhà chung mà tất cả chúng ta đang sống thay cho môi trường bị khai thác vì tư lợi. Công việc được trả mức lương cân xứng, lòng hiếu khách trở thành sự thịnh vượng, cuộc sống trở thành hy vọng, công lý mở ra cho sự đền bù, và ký ức về tội ác đã gây ra được chữa lành trong cuộc gặp gỡ giữa các nạn nhân và thủ phạm.

Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em đã tổ chức cuộc gặp gỡ này và đã mang lại sức sống cho “Tuyên bố về tình huynh đệ nhân loại”, được soạn thảo sáng nay bởi những người đoạt giải Nobel lỗi lạc hiện diện nơi đây. Tôi tin rằng Tuyên bố cung cấp cho chúng ta “ngữ pháp về tình huynh đệ” và là một hướng dẫn hữu hiệu để sống và làm chứng cho tình huynh đệ ấy mỗi ngày một cách cụ thể. Anh chị em đã hợp tác rất tốt, và tôi cảm ơn anh chị em rất nhiều! Hãy để những gì chúng ta trải nghiệm hôm nay trở thành bước đầu tiên trên hành trình và có thể khởi xướng một tiến trình của tình huynh đệ. Tôi gửi lời chào với lòng biết ơn và trìu mến đến những ai đang qui tụ tại các quảng trường được liên kết từ nhiều thành phố khác nhau trên khắp thế giới, điều này minh chứng cho sự phong phú của sự đa dạng lẫn khả năng trở thành anh chị em của nhau ngay cả khi chúng ta không ở gần nhau, như đã từng xảy ra với tôi. Hãy tiếp tục tiến bước!

Tôi muốn lưu lại nơi anh chị em với một hình ảnh, đó là hình ảnh một cái ôm. Như là kết quả của buổi chiều hôm nay được ở bên nhau, tôi mong anh chị em hãy giữ trong trái tim và ký ức ước muốn ôm lấy những người nam nữ trên toàn thế giới để cùng nhau xây dựng một nền văn hóa hòa bình. Thật vậy, hòa bình cần tình huynh đệ và tình huynh đệ cần gặp gỡ. Ước gì cái ôm được trao và nhận hôm nay, được tượng trưng bởi quảng trường mà anh chị em đang gặp gỡ, trở thành một cam kết trong cuộc sống và một lời ngôn sứ về niềm hy vọng. Tôi cũng ôm lấy anh chị em và, khi lặp lại lời cảm ơn của mình, thì tận thâm tâm, tôi muốn nói rằng: Tôi ở bên anh chị em!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (10. 6. 2023)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*