KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Chúa nhật 12 Thường niên năm A
Chúa nhật, 25.06.2023
CHỈ NÊN SỢ ĐIỀU ĐÁNG SỢ
Vatican News
Trưa Chúa nhật, 25/6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa nhật 12 Thường niên năm A (Mt 10,26.28).
Bài huấn dụ ngắn của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em, chúc Chúa Nhật tốt lành!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ba lần lặp lại với các môn đệ: “Anh em đừng sợ” (Mt 10:26.28.31). Trước đó một chút, ngài đã nói với họ về những cuộc bách hại mà họ sẽ phải trải qua vì Tin Mừng, một thực tế vẫn còn đang diễn ra: thật vậy, ngay từ những ngày đầu tiên, Giáo hội đã biết, cùng với những niềm vui, có nhiều cuộc bách hại. Có vẻ nghịch lý: việc loan báo Nước Thiên Chúa là một thông điệp hòa bình và công lý, dựa trên tình bác ái huynh đệ và sự tha thứ, nhưng lại gặp phải sự chống đối, bạo lực và bách hại. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói đừng sợ: không phải vì mọi thứ sẽ tốt đẹp trên thế giới, nhưng vì đối với Chúa Cha, chúng ta thật quý giá và không có gì tốt đẹp sẽ bị mất đi. Do đó, Người bảo chúng ta đừng để mình bị chết đứng bởi nỗi sợ hãi, mà đúng hơn hãy sợ hãi một điều khác, một điều duy nhất. Đâu là điều Chúa Giêsu nói chúng ta phải sợ?
Chúng ta tìm hiểu điều này qua một hình ảnh mà Chúa Giêsu sử dụng hôm nay: đó là hình ảnh “Gehenna” (xem câu 28). Thung lũng “Gehenna” là nơi mà cư dân Giêrusalem biết rõ: đó là bãi rác lớn của thành phố. Chúa Giê-su đề cập đến điều đó để nói rằng nỗi sợ thực sự là vứt bỏ mạng sống của mình. Đây là điều Chúa Giêsu nói: “Vâng, anh em hãy sợ điều đó.” Người muốn nói rằng: chúng ta không cần phải quá sợ khi chịu những hiểu lầm và chỉ trích, sợ mất uy tín và lợi ích kinh tế để trung thành với Tin Mừng, nhưng đúng hơn điều đáng sợ là lãng phí cuộc sống của chúng ta để theo đuổi những thứ tầm thường, không mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Và điều này quan trọng đối với chúng ta. Thật vậy, ngay cả ngày nay, người ta có thể bị cười nhạo hoặc bị phân biệt đối xử nếu không tuân theo một số mô hình thời thượng nhất định, tuy nhiên, những mô hình này thường lại đặt những cái thứ yếu vào trung tâm: ví dụ sự vật hơn là con người, hiệu suất hơn là các mối tương quan. Hãy lấy một số ví dụ. Tôi đang nghĩ đến những bậc cha mẹ cần phải làm việc để nuôi sống gia đình, nhưng không thể chỉ sống vì công việc: họ cần thời gian cần thiết để ở bên con cái. Tôi cũng đang nghĩ đến một linh mục hay một nữ tu: họ phải dấn thân phục vụ, nhưng không quên dành thời gian để ở với Chúa Giêsu, nếu không, họ sẽ rơi vào tinh thần thế tục và đánh mất ý thức về con người của mình. Và bên cạnh đó, tôi nghĩ đến một người trẻ có hàng ngàn dấn thân và đam mê: trường học, thể thao, nhiều sở thích khác nhau, điện thoại di động và mạng xã hội, nhưng họ cần gặp gỡ mọi người và biến ước mơ lớn thành hiện thực mà không lãng phí thời gian vào những việc khác trôi qua và không để lại dấu ấn gì.
Anh chị em thân mến, tất cả những điều này liên quan đến một số sự từ bỏ khi chúng ta đối diện với các thần tượng về hiệu quả và chủ nghĩa tiêu thụ, nhưng điều đó là cần thiết để không bị mất hút trong những thứ mà sau đó bị vứt bỏ, như đã xảy ra ở Gehenna. Và ngược lại, nơi Gehenna ngày nay, người ta thường bỏ rơi con người: hãy nghĩ đến những người rốt cùng, thường bị coi là phế thải và những đồ vật không mong muốn. Sống đúng với những gì quan trọng thì có cái giá phải trả; phải trả giá khi đi ngược dòng, thoát khỏi những điều kiện của tư duy thông thường, trả giá với việc bị gạt sang một bên bởi những người sống “theo chiều gió”. Nhưng điều đó không quan trọng. Chúa Giêsu nói: điều quan trọng là đừng vứt bỏ điều tốt đẹp nhất: mạng sống. Đừng vứt bỏ mạng sống. Đó là điều duy nhất làm chúng ta phải sợ.
Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi sợ điều gì? Có phải là do không có điều mình thích? Không đạt được những mục tiêu mà xã hội đặt ra? Về sự phán xét của người khác? Hay vì không đẹp lòng Chúa và không đặt Tin Mừng của Người lên hàng đầu? Xin Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ, Mẹ Khôn Ngoan, giúp chúng ta khôn ngoan và can đảm trong những chọn lựa của chúng ta.
—
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha diễn tả sự đau buồn về bạo lực dẫn đến cái chết của nhiều người tại nhà tù nữ Támara ở Honduras. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người qua đời và gia đình của họ. Ngài xin Đức Trinh Nữ Suyapa, Mẹ của Honduras, giúp những trái tim biết mở ra cho sự hoà giải và tạo không gian cho sự chung sống huynh đệ, ngay cả bên trong nhà tù.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những ngày này kỷ niệm 40 năm mất tích của Emanuela Orlandi, một công dân Vatican. Trong dịp này, ngài diễn tả sự gần gũi với gia đình, trên hết là người mẹ và cầu nguyện cho bà. Ngài cũng nghĩ đến cả gia đình của Orlandi, những người phải chịu nỗi đau mất tích một người thân yêu.
Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Để lại một phản hồi