Đức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn

Trong bài diễn văn trước chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại vườn Trung tâm Văn hoá Belém, Đức Thánh Cha nói Ngày Giới trẻ Thế giới là một cơ hội để cùng nhau xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, tập trung vào ba điểm: môi trường, tương lai và tình huynh đệ.

Sau khi thăm hữu nghị tổng thống cộng hoà tại Điện Quốc gia Belém, Đức Thánh cha đến vườn Trung tâm Văn hoá Belém cách đó 1,1 km để gặp đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Trong diễn văn trước khoảng 1.000 người, trước hết  Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn vì sự đón tiếp dành cho ngài, và niềm vui vì được đến Lisbon, thành phố của sự gặp gỡ của nhiều dân tộc và nền văn hóa. Lisbon như là thủ đô của thế giới.

Tiếp đến, đi từ vị trí địa lý của Lisbon, trong nhiều thế kỷ, được cho là nơi tận cùng của trái đất, thành phố phản ánh sự ôm ấp của đại dương và hương thơm của biển cả như lời ca mà người Bồ Đào Nha thích hát: “Lisbon toả hương thơm của hoa và biển cả”, Đức Thánh Cha nói: “Biển không chỉ là yếu tố cảnh quan, nhưng là tiếng gọi đã vang dội vào tâm hồn mỗi người Bồ Đào Nha, như một nữ thi sĩ đã thốt lên: biển xô bờ, biển không đáy, biển vô tận’, và một thi sĩ khác cầu nguyện: ‘Lạy Chúa của biển cả xin ban thêm sóng cho chúng con, Chúa của đất đai xin ban thêm biển cho chúng con’. Đứng trước đại dương, người Bồ Đào Nha suy tư về những không gian bao la của tâm hồn và về ý nghĩa của cuộc sống chúng ta trên đời. Và tôi cũng vậy, lấy cảm hứng từ hình ảnh đại dương, muốn chia sẻ vài suy tư”.

Đức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền Bồ Đào Nha

Đại dương mời gọi ngước nhìn hướng tới vô tận và ôm lấy con người

Đức Thánh Cha lần lượt suy tư từng điểm có mối liên hệ đến Lisbon.

Trước hết, ngài nói theo thần thoại cổ điển, Oceanus là con của trời cao (Uranus): sự bao la của trời khiến con người phải ngước nhìn và hướng tới sự vô tận. Nhưng đồng thời, Oceanus là con của đất (Gea), do đó mời gọi chúng ta ôm lấy toàn thế giới trong đó có con người với dự dịu dàng. Thật vậy, đại dương không chỉ kết nối các dân tộc và quốc gia, nhưng còn kết nối các vùng đất và lục địa; do đó Lisbon, thành phố của đại dương, nhắc lại tầm quan trọng của tổng thể, nghĩ về các biên giới như các khu vực tiếp xúc, không phải là các biên giới ngăn cách. Chúng ta biết rằng ngày nay những câu hỏi lớn mang tính toàn cầu, nhưng chúng ta thường cảm thấy khó trả lời chúng một cách chính xác bởi vì đối diện với những vấn đề chung, thế giới bị chia rẽ, hoặc ít nhất là không đủ gắn kết, không có khả năng cùng nhau đối diện với những gì đang đe doạ chúng ta. Dường như những bất công trên hành tinh, chiến tranh, khủng hoảng khí hậu và di cư diễn ra nhanh hơn khả năng và cả ý chí để cùng nhau đối diện với những thách đố này.

Đức Thánh Cha và Tổng thống

Lisbon nơi Hiệp ước cải cách liên minh được ký kết

Đức Thánh Cha tiếp tục nói nhắc đến Hiệp ước cải cách Liên minh châu Âu đã được ký kết tại Lisbon vào năm 2007. Hiệp ước xác định “mục tiêu của Liên minh là thúc đẩy hoà bình, các giá trị của châu Âu và hạnh phúc của người dân”, đồng thời khẳng định rằng “trong mối quan hệ với phần còn lại của thế giới […], góp phần vào hòa bình, an ninh, sự phát triển bền vững của Trái đất, tình liên đới và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, thương mại tự do và công bằng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ quyền con người” (điều 3,5). Theo Đức Thánh Cha, đây là tinh thần của tổng thể, được thúc đẩy bởi giấc mơ châu Âu của một chủ nghĩa đa phương rộng lớn hơn chứ không chỉ là bối cảnh phương Tây.

Đức Thánh Cha chào dân chúng

Lisbon thủ đô cực Tây của lục địa châu Âu cần mở ra con đường gặp gỡ

Trở lại vị trí địa lý là thủ đô cực Tây của lục địa châu Âu, Đức Thánh Cha cho rằng Lisbon gợi lại sự cần thiết phải mở ra những con đường gặp gỡ rộng lớn, như Bồ Đào Nha đã làm, đặc biệt với các quốc gia thuộc các châu lục khác có cùng ngôn ngữ. Ngài hy vọng Ngày Giới trẻ Thế giới, đối với “Lục địa già”, là một động lực hướng tới sự mở ra phổ quát. Bởi vì thế giới cần châu Âu, châu Âu đích thực. Thế giới cần vai trò của châu Âu như một cây cầu và người kiến ​​tạo hòa bình ở phần phía đông thế giới, ở Địa Trung Hải, ở châu Phi và Trung Đông. Chỉ bằng cách này, châu Âu mới có thể đóng góp phần cụ thể của riêng mình trên trường quốc tế, dựa trên khả năng mà châu Âu đã thể hiện trong thế kỷ trước, sau hậu quả của các cuộc xung đột thế giới, để đạt được sự hòa giải và hiện thực hóa giấc mơ xây dựng ngày mai với kẻ thù hôm qua, khởi xướng các con đường đối thoại và hòa nhập, phát triển một chính sách ngoại giao hòa bình nhằm dập tắt những xung đột và giảm bớt căng thẳng, có thể nắm bắt những dấu hiệu bớt căng thẳng và đọc giữa những đường quanh co nhất.

Dân chúng chào đón Đức Thánh Cha

Châu Âu được mời gọi sử dụng tài năng để dập tắt xung đột và thắp sáng hy vọng

Đi vào tình hình thực tế của châu Âu và thế giới, Đức Thánh Cha nhận định, trong đại dương lịch sử, chúng ta đang chèo thuyền trong một thời điểm bão tố và thiếu những con đường dũng cảm để đi đến hòa bình. Ngài nói: “Nhìn Âu châu với tình cảm chân thành, trong tinh thần đối thoại vốn là nét đặc trưng của châu lục, chúng ta có thể hỏi: các bạn đang đi về đâu, nếu các bạn không cống hiến những con đường hòa bình cho thế giới?”.

Đức Thánh Cha nói ngài mơ về một châu Âu, trái tim của phương Tây, nơi sử dụng tài năng của mình để dập tắt xung đột và thắp sáng hy vọng; một châu Âu biết tìm lại tâm hồn trẻ trung của mình, mơ về sự vĩ đại của tổng thể và vượt lên trên những nhu cầu trước mắt; một châu Âu bao gồm các dân tộc và con người, không chạy theo lý thuyết và thực dân ý thức hệ.

Đức Thánh Cha tiếp tục mời gọi mọi người tự vấn: “Chúng ta hãy tự hỏi: Các bạn đang đi về đâu, châu Âu và phương Tây, với việc người già bị loại bỏ, những bức tường bằng dây thép gai, nhiều người chết trên biển và những chiếc nôi trống rỗng? Các bạn sẽ đi về đâu nếu trước những điều xấu xa của cuộc sống, các bạn đưa ra những phương thuốc vội vàng và sai lầm, chẳng hạn như dễ dàng tiếp cận cái chết, một giải pháp thuận tiện có vẻ ‘ngọt ngào’, nhưng thực ra lại cay đắng hơn nước biển?”

Các bạn trẻ chào đón Đức Thánh Cha

Ngày Giới trẻ Thế giới là một cơ hội để cùng nhau xây dựng

Trước thực tế này, Đức Thánh Cha hướng mọi người hy vọng nơi giới trẻ. Ngài nói: “Một biển những người trẻ đang đổ về thành phố hiếu khách này. Tôi muốn bảy tỏ lòng biết ơn Bồ Đào Nha vì đã làm việc vất vả và nỗ lực quảng đại trong việc tổ chức một sự kiện phức tạp, nhưng đầy hy vọng. Như một câu nói của địa phương: ‘Bên cạnh người trẻ, chúng ta không già đi’. Những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới, những người nuôi dưỡng ước muốn hiệp nhất, hòa bình và tình huynh đệ, thúc giục chúng ta biến ước mơ tốt đẹp của họ thành hiện thực. Họ xuống đường, không phải để hét lên giận dữ, nhưng chia sẻ hy vọng Tin Mừng. Và nếu ngày nay chúng ta đang chứng kiến ở nhiều nơi có bầu khí phản đối và bất mãn, mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy và thuyết âm mưu, thì Ngày Giới trẻ Thế giới là một cơ hội để cùng nhau xây dựng. Nó khơi dậy khát vọng tạo ra điều mới lạ, cùng nhau ra khơi và cùng nhau hướng tới tương lai. Chúng ta được nhắc nhở những lời táo bạo của Pessoa ‘Ra khơi là cần thiết, sống thì không […]; điều quan trọng là tạo ra’. Vì vậy, chúng ta hãy quyết tâm với sự sáng tạo để xây dựng cùng nhau! Tôi muốn đề xuất ba địa điểm xây dựng hy vọng mà tất cả chúng ta có thể làm việc cùng nhau: môi trường, tương lai và tình huynh đệ”.

Đức Thánh Cha và một em bé

Xây dựng hy vọng qua môi trường, tương lai và tình huynh đệ

Ngài lần lượt quảng diễn từng điểm:

Môi trường. Bồ Đào Nha cùng với châu Âu đã có những đóng góp đáng kể trong việc bảo vệ thụ tạo. Nhưng ở cấp độ toàn cầu, vấn đề vẫn còn vô cùng nghiêm trọng: các đại dương đang nóng lên và đáy đại dương phơi bày sự xấu xí của việc chúng ta đã làm ô nhiễm ngôi nhà chung. Chúng ta đang biến nguồn dự trữ lớn của sự sống thành bãi rác thải nhựa. Đại dương nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống con người được kêu gọi để hòa hợp với một môi trường lớn hơn chúng ta, một môi trường phải được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận, và quan tâm đến lợi ích của các thế hệ trẻ. Làm sao chúng ta có thể tuyên bố chúng ta tin vào giới trẻ nếu chúng ta không tạo cho họ một không gian lành mạnh để xây dựng tương lai?

Tương lai là công trường xây dựng thứ hai. Và tương lai là những người trẻ. Nhưng họ đang phải đối diện với nhiều yếu tố làm họ nản lòng: thiếu việc làm, nhịp sống đương đại làm chóng mặt, chi phí sinh hoạt tăng, khó khăn trong việc tìm nhà và đáng lo ngại hơn nữa là sợ lập gia đình và sinh con. Ở châu Âu và nói chung ở phương Tây, chúng ta đang chứng kiến ​​sự suy giảm đáng buồn của đường cong nhân khẩu học: tiến bộ dường như đang được đo bằng sự phát triển của công nghệ và sự thoải mái cá nhân, trong khi tương lai đòi hỏi phải đảo ngược tình trạng giảm tỷ lệ sinh và sự suy giảm ý chí sống. Một nền chính trị tốt có thể làm được rất nhiều điều trong việc này, có thể tạo ra hy vọng. Đó không phải là nắm quyền lực, nhưng là trao cho mọi người khả năng hy vọng. Hơn bao giờ hết, ngày nay, người ta kêu gọi điều chỉnh sự mất cân bằng kinh tế của một thị trường tạo ra của cải nhưng không phân phối được, tước đoạt nguồn tài nguyên và an ninh của con người. Một lần nữa, đời sống chính trị được thách đố để tự coi mình là người tạo ra sự sống và quan tâm đến người khác. Chính trị được kêu gọi thể hiện tầm nhìn xa bằng cách đầu tư vào tương lai, vào gia đình và con cái, và bằng cách thúc đẩy các liên minh liên thế hệ không xoá bỏ quá khứ nhưng tạo nên mối liên kết giữa người trẻ và người già. Điều này được khuyến khích bởi cảm giác saudade, trong ngôn ngữ người Bồ Đào Nha thể hiện một nỗi nhớ, khát khao về một điều tốt đẹp vắng bóng, chỉ được tái sinh khi tiếp xúc với cội nguồn của mình. Theo nghĩa này, giáo dục là điều cần thiết, giáo dục không chỉ có thể truyền đạt kiến thức kỹ thuật để phát triển kinh tế, nhưng còn nhằm tạo nên phần trẻ của lịch sử, để truyền lại một truyền thống, đánh giá cao nhu cầu tôn giáo của con người và thúc đẩy tình bạn xã hội.

Tình huynh đệ. Công trường xây dựng sau cùng của niềm hy vọng là tình huynh đệ. Ở nhiều vùng của Bồ Đào Nha, chúng ta gặp được cảm giác gần gũi và tình liên đới rất sống động. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của một quá trình toàn cầu hóa đưa chúng ta đến gần nhau hơn nhưng không mang lại cho chúng ta sự gần gũi huynh đệ, tất cả chúng ta được mời gọi vun trồng ý thức cộng đồng, bắt đầu bằng sự quan tâm đến những người sống bên cạnh chúng ta. Bởi vì, như Saramago đã lưu ý, “điều mang lại ý nghĩa thực sự cho cuộc gặp gỡ là sự quan tâm đến người khác, và chúng ta phải đi một chặng đường dài để đạt được cái ở gần”. Thật đẹp biết bao khi chúng ta nhận ra chúng ta là anh chị em và cùng theo đuổi công ích, bỏ lại đằng sau những xung đột và quan điểm khác biệt! Ở đây cũng vậy, chúng ta tìm thấy một mẫu gương nơi những người trẻ, với những lời cầu xin hòa bình và khát vọng sống, thúc đẩy chúng ta phá bỏ những bức tường ngăn cách được dựng lên nhân danh những quan điểm và niềm tin khác nhau. Tôi đã gặp nhiều người trẻ khao khát được xích lại gần nhau. Tôi nghĩ đến sáng kiến ​​Missão País, một sáng kiến dẫn dắt hàng ngàn người trẻ trải nghiệm tình liên đới truyền giáo ở những vùng ngoại vi, đặc biệt là ở những ngôi làng trong nước, đi thăm nhiều người già neo đơn. Tôi muốn cám ơn và khuyến khích họ, cùng với nhiều người quan tâm đến những người khác trong xã hội Bồ Đào Nha, Giáo hội địa phương, nơi đã làm rất nhiều điều tốt đẹp, tránh xa ánh đèn sân khấu. Tất cả chúng ta hãy cảm thấy được kêu gọi cùng nhau, trong tình huynh đệ, để mang lại hy vọng cho thế giới chúng ta đang sống và cho đất nước tuyệt đẹp này. Chúa chúc lành cho Bồ Đào Nha!

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*