Tôi viết bài này cho bạn và cho chính tôi nữa. “Nên thánh sao khó quá?” – Tôi cảm thấy như vậy. Lý do là tôi cần từ bỏ nhiều điều để bước vào con đường trọn hảo của Đức Giêsu. Nói cách khác, tôi muốn làm thánh, nhưng phải dễ dàng hoặc cần rất nhiều ơn của Chúa. Kinh nghiệm cho thấy, nên thánh cũng dễ nhưng cũng khó. Còn ơn Chúa luôn luôn có để giúp chúng ta nên thánh.
Khi suy nghĩ về chủ đề này, tôi nhớ đến tài liệu rất quý mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết cho những ai muốn nên thánh: Tông huấn “Gaudete et exsultate – Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ”. Khi đọc Tông huấn này, tôi thêm tinh thần để sống thánh thiện hơn trong chính hoàn cảnh cụ thể của mình.
- Nên thánh không phải là ý tưởng mơ hồ
Ngay từ đầu, Đức Giáo hoàng nhắc lại ơn gọi của tất cả chúng ta là ơn gọi nên thánh. Với bí tích Thánh tẩy, chúng ta trở nên con cái Chúa. Mỗi người được Thiên Chúa mời gọi nên người con tốt trong ánh mắt của Thiên Chúa. Thực tế trong Giáo hội đã, đang và sẽ có rất nhiều con Chúa là những vị thánh. Bởi đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến thực tế này: Các Thánh ngay bên cạnh chúng ta. Chẳng hạn thấy một người tốt lành đang hăng say phục vụ anh chị em của mình. Người ấy đang trở nên thánh. Hoặc nói như ví dụ của Đức Giáo hoàng:
“Sự thánh thiện trong những bậc cha mẹ đang dưỡng dục con cái mình với rất nhiều tình mến, trong những người chồng và những người vợ đang làm việc vất vả để nuôi sống gia đình, trong các bệnh nhân, trong những vị nữ tu luống tuổi nhưng vẫn vui tươi” (Gaudete et exsultate, số 7).
Nhất là khi chúng ta nhớ đến một vị thánh nào đó. Nhân đức của họ dĩ nhiên là tốt lành, nhưng một sự thật là họ cũng sống như chúng ta. Nghĩa là cuộc đời các thánh cũng gặp những khó khăn; họ phải chiến đấu để nên con cái Chúa, làm chứng cho Thiên Chúa trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Thử nhớ lại chính vị thánh mà chúng ta chọn làm bổn mạng. Họ từng là một vị thánh giữa đời thường. Họ ý thức Thiên Chúa kêu gọi họ trở nên thánh thiện. Chúng ta cũng được mời gọi như thế. Thực vậy, Giáo hội mời gọi mỗi người trên mọi nẻo đường của mình, hãy trở nên thánh “người này theo cách này, nhưng người kia thì theo cách khác”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh cho chúng ta sự thật này: Nên thánh không phải là chuyện độc quyền. Nghĩa là ai cũng có thể nên thánh và được mời gọi nên thánh giữa đời. Trong nhãn quan thần học về sự thánh thiện của Đức Giáo hoàng, nên thánh rất đơn giản. Tôi trích ở đây hai chỉ dẫn cụ thể mà Đức Giáo hoàng đã viết trong Tông huấn này:
- Không nói hành nói xấu
Đức Giáo hoàng gợi ý cho chúng ta về tiến trình nên thánh từ những hành động thật nhỏ. Ví dụ như một người phụ nữ đi ra chợ để mua sắm; tại đó, bà gặp một người hàng xóm và bắt đầu nói chuyện với bà ta, và bà ta rồi phê bình lung tung. Mặc dầu vậy, người phụ nữ ấy vẫn nhủ thầm trong lòng rằng: “Không, tôi sẽ không nói xấu về bất cứ ai nữa!” Đó là một bước để tiến gần tới sự thánh thiện. Về tới nhà, con của bà muốn nói cho bà biết về những điều tưởng tượng của nó, và dù rằng bà đang rất mệt, nhưng bà vẫn ngồi xuống bên cạnh con mình và lắng nghe nó với tất cả sự kiên nhẫn và tình mến. Đó là sự hy sinh tiếp theo, nó giúp người ta nên thánh.
Ví dụ thứ hai, Đức Giáo hoàng trích câu chuyện nên thánh của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Trong lao tù biệt giam, Đức Hồng Y đã quyết định: “Tôi sống trong khoảnh khắc này và lấp đầy nó bằng tình mến”; và cách thức để làm cho việc đó trở thành cụ thể, là như sau: “Coi mỗi ngày là một cơ hội để thực hiện những điều nhỏ bé với một cách thức vĩ đại.” Kể cả sau này, Đức Hồng Y không bao giờ càm ràm, nói xấu về những người đã gây đau khổ cho ngài!
Hai ví dụ trên đây cho thấy họ đã sống theo lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán” (Mt 7,1). Hoặc, “các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con” (Mt 5,43-44). Lý do là Thiên Chúa muốn chúng ta hãy nên thánh (1Tx 4,3).
- Chu toàn bổn phận của chính mình
Tôi thường rơi vào cám dỗ này: mình phải làm điều gì vĩ đại để nên thánh, chẳng hạn như tử đạo. Không! Chúa không mời gọi tôi đi tìm cái chết. Những vị thánh tử vì đạo cũng không đi tìm cái chết. Họ vì tình yêu và sẵn lòng làm chứng cho Thiên Chúa, nên họ sẵn lòng chết để cho Danh Chúa được cả sáng.
Trước thời đại tục hóa như hiện nay, dường như Chúa mời gọi tôi tử đạo theo một cách khác. Ngôn ngữ thiêng liêng gọi là “tử đạo trắng” mà Đức Giáo Hoàng ví dụ ở đây: Bạn được gọi để sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng việc vui sống trọn lời cam kết của bạn. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng đời sống yêu thương và chăm sóc cho chồng hoặc vợ mình, như Đức Kitô yêu thương và chăm sóc Hội Thánh. Bạn đang làm việc kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc liêm chính và hết khả năng năng để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hay là ông bà ư? Hãy nên thánh bằng việc kiên trì giáo dục con cháu cách thức bước theo Chúa Giêsu. Bạn đang nắm giữ một địa vị quyền bính ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc phục vụ cho công ích và từ bỏ tư lợi.
Những ví dụ trên chỉ nên thánh khi chúng ta nối kết chúng với Thiên Chúa. Vì lý do này, liền sau đó Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến “sứ mạng của chúng ta trong Chúa Kitô” (X. số 19-24). Khi trăn trở điều này cũng là lúc chúng ta đang nguyện cầu. Nói một cách khác, nếu không trăn trở nên thánh, không quan tâm đến đời sống thiêng liêng, thì tôi cũng rất khó cầu nguyện. Thiên Chúa và Giáo hội muốn đẩy mỗi người về chân trời thánh thiện. “Hãy để cho mình được biến đổi, hãy để cho mình được canh tân bởi Chúa Thánh Thần, để điều đó trở nên có thể, cũng như để cho sứ mạng đầy giá trị của bạn không gặp trở ngại” (số 24).
Ước gì tôi và bạn đừng quên mình đang được mời gọi nên thánh, mỗi ngày một chút…!
- Kẻ thù của sự thánh thiện
Tôi thường rơi vào cám dỗ này: “Ôi, tôi là kẻ có tội, không xứng đáng nên thánh!” Trong khi đó, Thiên Chúa “không thua” những người có tội với lòng sám hối ăn năn, nghĩa là họ muốn sống tốt hơn. Thiên Chúa chỉ “bó tay” với những người không có tinh thần cầu tiến. Không vị thánh nào không có quá khứ, chẳng tội nhân nào mà không có tương lai.
Từ kinh nghiệm trên đây, Đức Giáo hoàng chỉ ra hai kẻ thù khiến chúng ta khó nên thánh: Ngộ Đạo Thuyết (Gnostizismus), và thuyết Pelagius. Tông huấn không đi vào phân tích lịch sử của hai thuyết này; nhưng thay vào đó, Đức Giáo hoàng chỉ ra hai thuyết này hoạt động một hình thức khác trong thời đại của chúng ta.
- Thuyết ngộ giáo
Thuyết này được diễn tả theo ngôn ngữ hiện nay theo kiểu: Thế gian là chốn đọa đày. Chúng ta phải thoát tục, rời xa thế giới, loại bỏ những gì là phàm tục để hướng đến thế giới thánh thiêng. Người cực đoan hơn cho rằng: “Không có chuyện thánh thiện trong xã hội này, trong công việc làm ăn, trong những chuyện hằng ngày đều nhuốm mùi tội lỗi.” Họ muốn tách bạch chuyện đạo và chuyện đời. Muốn nên thánh, họ phải thoát đời, phải học hành, dấn thân sâu vào thế giới thiêng liêng như những thần học gia. Trước thực trạng này, Thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo tất cả những ai có khả năng học cao biết rộng trong Giáo hội, trước cơn cám dỗ muốn nâng niu “một cảm giác ưu việt nào đó trên các tín hữu khác”.
Hiểu theo lời nhắc nhớ trên, Giáo hội khuyến khích chúng ta: ai cũng có thể nên thánh! Nói cách khác, nên thánh không phải là nhãn hàng xa xỉ, nhưng là ân huệ dành cho hết thảy mọi người. Hoặc như nhận xét của thánh Phanxicô Assisi và Thánh Antôn Padua: “Cơn cám dỗ xúi người ta biến kinh nghiệm Kitô giáo thành một bộ sưu tập của những suy diễn thiêng liêng, mà rốt cục chúng sẽ làm cho chúng ta tránh xa sự tươi sáng của Tin Mừng.”
- Chủ nghĩa Pelagius hiện tại
Thuyết này cho rằng tôi muốn nên thánh mà thậm chí không cần Thiên Chúa giúp. Ý chí đóng vai trò quan trọng hơn cả ân sủng của Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng diễn tả điều này bằng một cụ từ: “Một ý chí thiếu khiêm tốn”. Muốn nên thánh là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là: nên thánh với một tinh thần khiêm tốn. Nói cách khác, ân sủng của Thiên Chúa phải đóng một vai trò quan trọng. “Người ta được chọn không phải vì muốn hay vì chạy vạy, nhưng vì được Thiên Chúa thương xót” (Rm 9,16), và cũng quên mất rằng, “Ngài đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19).
Để lướt thắng hai kẻ thù trên đây, Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta để ý đến các nhân đức đối thần. Lý do là những nhân đức này luôn lấy Thiên Chúa làm đối tượng và nguyên lý. Đức Mến đứng trong trung tâm điểm của các nhân đức ấy. Điều thực sự đáng kể, như Thánh Phaolô nói, chính là “Đức Tin hành động nhờ Đức Ái” (Gl 5,6). Chúng ta được kêu gọi hãy lưu tâm tới Đức Ái: “Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu thương thì đã chu toàn Lề Luật […]. Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8.10). “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Gl 5,14) (x. số 60).
Dựa trên ba nhân đức trên, Đức Giáo Hoàng khuyến khích chúng ta dám đi ngược dòng đời để nên thánh. Cụ thể Ngài nhắc đến những Mối phúc thật như là kim chỉ nam để dẫn chúng ta trên con đường nên thánh. Những mối phúc này đều có thể nhận diện trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chẳng hạn:
– Khả năng chịu đựng, sự kiên nhẫn và sự dịu hiền (số 112-121),
– Niềm vui và yêu thích sự hài hước (số 122-128),
– Can đảm và nhiệt thành (số 129-139),
– Trong sự hiệp thông (số 140-146)
– và Cầu nguyện liên lỷ ( số 147-157).
- Tạm kết
Chắc không phủ nhận nên thánh là đích đến của phận người, nhưng cũng lắm gian truân. Thật may vì chúng ta có Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu vẫn đang cầu nguyện cho mỗi người chúng ta:
“Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con. Con cầu nguyện cho họ” (Ga 17,1-11).
Để lời cầu nguyện trên được trọn vẹn, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta cộng tác. Hoặc nói như lời của Đức Giáo Hoàng ở cuối Tông huấn này, chúng ta cần: chiến đấu, tỉnh thức và biện phân.
Nếu có nhiều giờ hơn, bạn có thể đọc những trang của Tông huấn này, như lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:
“Cha hy vọng rằng, những trang sách này sẽ giúp ích cho toàn thể Giáo hội trong việc cố gắng thúc đẩy niềm mong muốn nên thánh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài khơi lên trong chúng ta một niềm đại khát khao nên thánh để tôn vinh Thiên Chúa hơn. Chúng ta hãy khuyến khích nhau trong ý nguyện đó. Và như thế, chúng ta sẽ chia sẻ một niềm hạnh phúc mà thế gian không thể cướp mất được của chúng ta” (số 177).
Để lại một phản hồi