TRIẾT LÝ GIÁO DỤC
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Năm học mới sắp bắt đầu, câu hỏi về triết lý giáo dục lại được bàn tới. Người Công giáo cũng có thể tự hỏi có một triết lý giáo dục Công giáo không, và nếu có, triết lý ấy ra sao. Chắc chắn là có và triết lý ấy được hàm chứa trong những văn kiện chính thức của Giáo Hội như Tuyên ngôn về Giáo dục Gravissimum Educationis (GE), ban hành ngày 25-10-1965; Tông thư Ex Corde Ecclesiae của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành năm 1990; và những tài liệu khác. Dựa trên các tài liệu đó, có thể nhận diện những đường nét chính trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về giáo dục.
1. Giáo dục trong viễn tượng Phúc-Âm-hóa
Trước khi về trời, mệnh lệnh lớn nhất, nếu không nói là duy nhất, Chúa Giêsu trao lại cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Ngay trong mệnh lệnh của Chúa Giêsu, giảng dạy đã gắn liền với sứ mệnh loan báo Tin Mừng, cho nên giáo dục là thành phần thiết yếu của sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Giáo Hội Công giáo ý thức điều đó rất rõ, vì thế trong suốt lịch sử Giáo Hội, ở khắp mọi nơi, Giáo Hội luôn dấn thân cách tích cực vào công việc cao quý này.
Trong khung cảnh tục hóa ngày nay, có nguy cơ là nội dung đó bị lãng quên và câu hỏi về căn tính của giáo dục Công giáo lại được đặt ra. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2008, tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, Đức Bênêđictô XVI đã gặp gỡ các viện trưởng và đại diện các đại học, các trường Công giáo, và đã có bài diễn văn nổi tiếng. Trong đó, ngài khẳng định: “Mọi hoạt động của Giáo Hội khởi đi từ sự nhận biết rằng Giáo Hội là người cưu mang sứ điệp bắt nguồn từ chính Thiên Chúa: trong sự tốt lành và khôn ngoan của Chúa, Ngài đã quyết định mặc khải chính mình và mục đích ẩn giấu của thánh ý Ngài (x. Ep 1,9; Dei Verbum, 2). Một đàng, Thiên Chúa mong muốn Ngài được nhận biết, và đàng khác, ước vọng sâu xa nơi trái tim con người muốn nhận biết chân lý, cả hai làm thành bối cảnh cho việc con người tìm kiếm ý nghĩa của đời sống”.
Từ tiền đề đó, ngài khẳng định: “Căn tính của một trường hoặc đại học Công giáo không chỉ là vấn đề về số sinh viên Công giáo trong trường. Đây là vấn đề xác tín: Chúng ta có thật sự tin rằng chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà huyền nhiệm về con người mới được sáng tỏ (x. Gaudium et Spes, 22)? Chúng ta có sẵn sàng dấn thân bằng tất cả con người – lý trí và ý chí, tâm tư và tình cảm – cho Thiên Chúa không? Chúng ta có chấp nhận chân lý Đức Kitô mặc khải không? Đức tin có trở nên cụ thể và sống động trong trường học của chúng ta không? Đức tin đó có được thể hiện mạnh mẽ về mặt phụng vụ, bí tích, qua cầu nguyện, hoạt động bác ái, quan tâm đến công bằng xã hội, tôn trọng tạo thành của Thiên Chúa không? Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới thật sự làm chứng rằng chúng ta là ai và phục vụ điều gì”.
2. Nền giáo dục với tầm nhìn nhân vị
Phẩm giá con người, nhân vị, là những khái niệm nền tảng trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công giáo (x. Compendium of the Social Doctrine of the Church, 105-151). Hiến chế Gaudium et Spes đã bắt đầu bằng những suy tư nhân học, phân tích về con người, làm nền tảng cho những giáo huấn về gia đình, xã hội, cũng như những vấn đề lớn của thế giới : “Tiêu điểm chính của tất cả những gì Công Đồng trình bày là con người, dĩ nhiên là con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí” (GS số 3). Giáo huấn xã hội sẽ khai triển theo cùng một hướng.
Cũng thế, tầm nhìn về con người như một nhân vị là tầm nhìn định hướng hoạt động giáo dục. Nói cách khác, nền tảng của triết lý giáo dục là triết lý về con người. Giáo dục Công giáo có mặt trong nhiều môi trường văn hóa và xã hội khác nhau. Tại nhiều nơi, nền giáo dục Công giáo được đánh giá cao, nhưng lại có những nơi nền giáo dục này bị triệt hạ cách phũ phàng. Nhưng dù ở đâu chăng nữa, tầm nhìn nền tảng của giáo dục Công giáo vẫn là tầm nhìn nhân vị (personalistic vision) : “Mục tiêu của nền giáo dục chân chính là đào tạo con người như một nhân vị, hướng đến lý tưởng của bản thân cũng như lợi ích của các cộng đồng mà họ là thành viên và sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành” (GE, 1). Tầm nhìn này không chỉ ngưng lại trên bình diện lý thuyết nhưng cần được thể hiện trong cơ cấu tổ chức học đường, không nhằm mục đích chống lại những nền văn hóa hoặc tôn giáo khác, nhưng để đối thoại với họ.
3. Quyền giáo dục và quyền được giáo dục
Chính từ tầm nhìn về con người như một nhân vị mà Giáo Hội đòi hỏi quyền giáo dục và quyền được giáo dục: “Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, dựa vào phẩm giá của nhân vị, đều có quyền lợi bất khả di nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục có thể đáp ứng cho lý tưởng của mỗi cá nhân, thích hợp với khả năng, phái tính, một nền giáo dục vừa thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, vừa mở rộng cộng đồng huynh đệ với các dân tộc khác, để phát huy tiến trình hiệp nhất và hòa bình đích thực trên thế giới” (GE, 1).
Quyền giáo dục của cha mẹ: Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu. Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho tất cả các cộng đồng (GE, 3). Vì thế, cha mẹ phải được thật sự tự do trong việc chọn lựa trường học cho con cái (số 6).
Trách nhiệm của Nhà nước: Mọi hình thức độc quyền trong lãnh vực học vấn đều trái nghịch với quyền tự nhiên của con người, cản trở sự phát triển và phổ biến văn hóa, làm tan loãng bầu khí thuận hòa giữa các công dân, và đi ngược lại chủ trương đa nguyên hiện đang thịnh hành tại nhiều xã hội (số 6).
Trách nhiệm của Giáo Hội: “Giáo Hội có quyền thành lập và điều hành các trường học thuộc các cấp các ngành, như Huấn Quyền đã từng xác nhận qua nhiều văn kiện trước đây, đồng thời cũng nhắc lại rằng việc thực thi quyền lợi ấy sẽ đóng góp rất nhiều cho việc thăng tiến tự do lương tâm, bảo vệ những quyền lợi của cha mẹ cũng như giúp cho nền văn hóa được phát triển” (số 8).
4. Nền giáo dục toàn diện
Cũng từ tầm nhìn nhân vị, giáo dục Công giáo là nền giáo dục có tính toàn diện, quan tâm đến mọi chiều kích của nhân vị. Quan niệm phổ biến ngày nay về giáo dục học đường là cung cấp cho sinh viên, học sinh khả năng và kỹ năng cần thiết để có thể bước vào thị trường lao động và đời sống xã hội. Nghĩa là một tầm nhìn thuần túy kinh tế và xã hội. Dù mục tiêu trên là cần thiết, Giáo Hội cho rằng chưa đủ. Cần cung cấp cho học viên một nền giáo dục toàn diện và đào tạo con người toàn diện, tức là “đào tạo cả cái đầu, đôi tay và trái tim (head, hands, heart): bảo tồn và phát triển mối liên kết giữa học vấn, hành động, và cảm nhận theo nghĩa cao quý nhất. Bằng cách đó, anh chị em có thể cống hiến không những chương trình học tuyệt vời mà còn cung cấp một tầm nhìn vững vàng về đời sống được cảm hứng từ Đức Kitô” (ĐGH Phanxicô, Address to the Global Researchers Advancing Catholic Education Project, 2022).
– Toàn diện xác hồn: Phát triển hài hòa những khả năng thể lý, luân lý và tinh thần, để dần dần có được ý thức trách nhiệm đầy đủ hơn.
– Tính xã hội: Chuẩn bị thích hợp với đời sống xã hội…hội nhập cộng đồng, cởi mở khi đối thoại với tha nhân và góp phần thực hiện công ích: “Giáo dục Công giáo thúc đẩy chúng ta xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bằng việc dạy sống chung, liên đới huynh đệ và hòa bình” (Ibid).
– Tính độc đáo: Tôn trọng từng con người, thúc đẩy học viên tự ý thức, tự giáo dục.
– Tính siêu việt: Giúp học viên mở rộng lòng trí trước huyền nhiệm của thiên nhiên và thế giới: “Là những nhà giáo dục Công giáo, anh chị em được kêu gọi vun trồng sự khao khát Chân, Thiện, Mỹ vốn có trong trái tim mỗi người, để mọi người có thể học cách yêu sự sống và mở ra với sự sống tròn đầy” (Ibid).
5. Nền giáo dục phục vụ chân lý
Giáo dục là sự phục vụ chân lý (diakonia of truth). Vấn đề là chân lý nào? Chân lý khách quan và tuyệt đối hay chân lý chủ quan và tương đối? Đây là vấn đề lớn của thời đại ngày nay như Đức Bênêđictô XVI nhận định : “Ngày nay có một lực cản đặc biệt đáng ngại trong việc giáo dục, đó là sự hiện diện rộng khắp của chủ nghĩa tương đối trong xã hội và văn hóa. Chủ trương này không nhìn nhận điều gì là vững vàng, cuối cùng tiêu chuẩn tối thượng duy nhất là cái tôi và những ước muốn của nó. Và ẩn dưới dáng vẻ của tự do, nó lại biến thành ngục thất cho mỗi người vì nó ngăn cách con người với nhau, khóa chặt mỗi người trong cái tôi ích kỷ của mình”. Ngài còn dùng cụm từ đã trở thành nổi tiếng “sự độc tài của chủ nghĩa tương đối” để diễn tả bộ mặt của thời đại. Độc tài vì nó chỉ chấp nhận quan điểm cho rằng chọn lựa chủ quan của mỗi người đều có giá trị như nhau, và vì thế, phủ nhận những cách nhìn khác.
Giáo Hội phục vụ chân lý khách quan là chân lý vượt lên trên cái chủ quan và riêng lẻ để vươn đến cái phổ quát và tuyệt đối. Chính chân lý đó mới là nền tảng hướng dẫn đời sống, những chọn lựa và hành động của con người xét như một nhân vị: “Không phải cái praxis tạo nên chân lý nhưng chính chân lý mới là nền tảng của praxis”.
Cũng ở đây xuất hiện vấn đề lớn là tương quan giữa đức tin và lý trí cũng như sự đối thoại giữa thần học và khoa học, để làm chứng cho tính duy nhất của mọi chân lý: “Việc nghiên cứu trong mọi ngành học, nếu được thực hiện cách khoa học thực sự và phù hợp với những quy tắc luân lý, sẽ không bao giờ xung khắc với đức tin. Bởi lẽ những thực tại trần thế và những mối quan tâm của đức tin đều phát xuất từ cùng một Thiên Chúa. Sự tương tác của hai lãnh vực trong việc tìm kiếm chân lý sẽ dẫn đến lòng yêu mến chính chân lý, và góp phần vào sự hiểu biết toàn diện hơn về ý nghĩa của đời sống con người và mục đích công trình tạo dựng của Thiên Chúa” (Ex Corde Ecclesiae, số 17).
6. Sự quân bình giữa nội dung và phương pháp
Trong nhiều thập niên qua, người ta đi từ thái cực này sang thái cực khác. Trước kia, chú trọng đến “học vẹt” (repetitive learning), không thúc đẩy sự tham gia tích cực của học viên, cũng không phát huy sự tò mò và tính sáng tạo. Ngày nay nhấn mạnh đến học bằng nghiên cứu và giải quyết vấn đề (research and problem-solving), nhờ đó học viên không chỉ đón nhận cách thụ động nhưng phát huy khả năng suy tư, nghiên cứu, làm việc nhóm…Tuy nhiên đôi khi người ta đi xa đến chỗ coi “phương pháp” quan trọng hơn nội dung. Hệ quả là chỉ chú trọng đến những gì hữu dụng trước mắt (những đòi hỏi kinh tế, xã hội) mà không biết gì đến những điều cần thiết cho con người xét như một nhân vị. Nhìn chung tại Việt Nam, các ngành khoa học tự nhiên phát triển đang khi khoa học nhân văn và xã hội vắng bóng học viên…cũng như trong chương trình học, có thể chỉ thuần túy là kỹ thuật chuyên ngành mà không cung cấp kiến thức tổng quát.
Vì thế, cần chú trọng đến cả nội dung và phương pháp. Giáo viên phải biết chắt lọc những yếu tố cơ bản của di sản văn hóa được tích lũy qua mọi thời và trình bày cho học viên cách thích hợp.
7. Sự liên kết giữa các ngành học và nghiên cứu
Theo Thánh Gioan Phaolô II, sự toàn diện của tri thức là một tiến trình không bao giờ hoàn tất. Hơn thế nữa, sự bùng nổ kiến thức trong những thập niên gần đây, cùng với sự phân chia kiến thức cách cứng ngắc theo những ngành nghiên cứu riêng lẻ, càng làm cho nhiệm vụ này khó khăn hơn. Vì thế cần phải tiến đến một tổng hợp các kiến thức, chỉ như vậy mới có thể đáp ứng khát vọng chân lý vốn được ghi khắc trong tâm khảm con người.
Do đó Giáo Hội khuyến khích việc nghiên cứu liên ngành. Mỗi ngành học đều được dạy cách hệ thống và theo phương pháp riêng của mình, đồng thời việc nghiên cứu liên ngành, với sự hỗ trợ của triết học và thần học, sẽ giúp cho sinh viên có được tầm nhìn hữu cơ về thực tại và phát triển ước muốn liên tục thăng tiến tri thức. Thần học đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm tổng hợp này. Thần học phục vụ các ngành học khác trong việc tìm kiếm ý nghĩa, không những bằng cách giúp các ngành thấy được những tác động của nó trên con người và xã hội, nhưng còn mang đến một tầm nhìn và định hướng vốn không có trong phương pháp luận của các ngành học. Ngược lại, sự tương tác này làm cho thần học thêm phong phú, giúp thần học hiểu thế giới hơn và làm cho nghiên cứu thần học gần gũi với nhu cầu hiện nay hơn (x. Ex Corde Ecclesiae, số 16-19).
8. Vai trò của môi trường giáo dục
Môi trường giáo dục là bầu khí mà giảng viên và học viên tạo nên ở nhà trường. Bầu khí này được kiến tạo chủ yếu qua tương quan liên vị giữa giảng viên và học viên cũng như giữa học viên với nhau, qua sự tận tụy và chứng tá sống động của các giảng viên đối với thiện ích của học viên.
Không gian văn hóa có thể khác nhau nhưng một số nét chính của bầu khí này vẫn là những đòi hỏi cần thiết để có môi trường giáo dục đích thực:
– Tôn trọng phẩm giá và sự độc đáo của mỗi cá nhân (do đó, không chấp nhận khuynh hướng coi học viên chỉ là những con số trong đám đông quần chúng).
– Tạo điều kiện cho người trẻ phát triển những tiềm năng của họ.
– Quân bình về mọi mặt nhận thức, tình cảm, xã hội, nghề nghiệp, đạo đức, thiêng liêng.
– Cổ võ bầu khí cộng tác và liên đới, không chủ trương loại trừ và cô lập.
– Mở rộng tâm trí trong hành trình tìm kiếm chân lý, không giới hạn chân lý theo tầm nhìn ý thức hệ.
– Tôn trọng ý tưởng của người khác, mở ra với đối thoại thay vì độc đoán.
9. Vai trò của nhà giáo dục
Nhà giáo được xem là những nhân vật chính trong nền giáo dục Công giáo. Vì thế Giáo Hội mong ước các nhà giáo được chuẩn bị thật chu đáo cả về lãnh vực chuyên môn cũng như kiến thức sư phạm, đồng thời họ cần thi hành nhiệm vụ trong tinh thần cộng tác với nhau cũng như với phụ huynh. Các nhà giáo phải giúp sinh viên của mình biết tự làm việc và đồng hành với các em, kể cả khi các em đã ra trường.
Từ góc độ đức tin, việc giáo dục trở thành việc tông đồ của các nhà giáo, và với tinh thần tông đồ, họ sẽ làm chứng cho vị Tôn sư duy nhất là Đức Kitô bằng cả cuộc sống và lời giảng dạy (x. GE số 8).
Gần 50 năm qua, Giáo hội tại Việt Nam không được phép mở trường dạy học, ngoại trừ các nhà trẻ. Thế nhưng Giáo hội vẫn thi hành sứ mạng giáo dục tại các chủng viện và học viện cũng như trong môi trường mục vụ của các giáo xứ. Do đó, những chỉ dẫn của Giáo Hội về giáo dục vẫn rất cần thiết cho chúng ta, để thi hành sứ vụ tốt hơn và sẵn sàng góp phần tích cực, hiệu quả hơn nữa khi cánh cửa giáo dục học đường mở rộng hơn cho Giáo Hội.
Nguồn: giaophanmytho.net
Để lại một phản hồi