Tân Giám mục Phụ tá ở Thổ Nhĩ Kỳ muốn là cầu nối giữa Giáo hội và Thổ Nhĩ Kỳ

Cha Antuan Ilgit, Dòng Tên, Giám mục Phụ tá Hạt Đại diện Tông tòa Anatolia ở Thổ Nhĩ Kỳ (Padre Antuan Ilgit)

Ngày 28/8/2023, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Cha Antuan Ilgit, dòng Tên, làm Giám mục Phụ tá Hạt Đại diện Tông tòa Anatolia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cha Ilgit cho biết cha đang chuẩn bị sống sứ vụ bằng cách trao lại những gì cha đã nhận được: lòng bác ái, sự bình an, niềm an ủi và hy vọng.

Cho đến nay, Cha Ilgit làm Tổng Đại diện và Chưởng ấn của Hạt Đại diện này. Với bổ nhiệm này, Cha Ilgit sẽ trở thành Giám mục thứ hai gốc Thổ Nhĩ Kỳ, sau vị thứ nhất là Đức Tổng Giám mục Julio Murat, hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Na Uy.

Giáo hội Công giáo Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 35 ngàn tín hữu Công giáo, chiếm 0,05% dân số. Các tín hữu theo các nghi lễ Latinh, Byzantine, Armeni và Canđê. Giáo hội Thổ Nhĩ Kỳ nghi lễ Latinh gồm có Tổng Giáo phận Izmir và hai Hạt Đại diện Tông tòa Anatolia và Istanbul. Theo niên giám Tòa Thánh năm 2023, Hạt Đại diện Tông tòa Anatolia có 2.750 tín hữu, với 2 linh mục phụ trách 7 cộng đoàn. Điều hành Đại diện Tông tòa Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ là Đức cha Paolo Bizzeti, dòng Tên, người Ý, năm nay 76 tuổi, ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm vào năm 2015 sau khi vị tiền nhiệm của ngài là Đức cha Luigi Padovese, một tu sĩ người Ý dòng Capuchino, bị sát hại bởi tài xế của ngài.

Tiểu sử Giám mục Phụ tá tân cử của Hạt Đại diện Tông tòa Anatolia 

Đức Giám mục Phụ tá tân cử của Hạt Đại diện Tông tòa Anatolia Antuan Ilgit sinh tại Herbruck, nước Đức, vào tháng 6/1972. Sau đó ngài cùng cha mẹ chuyển về sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 1990, khi ở tuổi 18, lần đầu tiên ngài rời thành phố quê nhà Mersin ở vùng Cilicia cổ kính, đến thủ đô Ankara, nơi ngài bắt đầu học đại học với ước mơ trở thành một quan chức chính phủ hoặc học giả. Khi xe buýt dừng lại ở thành phố Tarsus, ngài vẫn chưa biết gì. Trang web “Những Người Bạn của Trung Đông” cho biết Chúa đã bước vào cuộc đời Cha Antuan ở Istanbul, nơi ngài theo học ngành cơ điện, đầu tiên là tại Nhà thờ Thánh Antôn, sau đó ở Bologna, tại nhà tĩnh tâm của các cha Dòng Tên ở Villa San Giuseppe.

Cha đã đậu bằng Hành chính công năm 1994. Sau khi tìm hiểu đời sống tu trì trong Dòng Capuchino một thời gian, năm 2005, cha vào tập viện của Dòng Tên (Tỉnh dòng Ý). Cha được thụ phong linh mục vào năm 2010. Sau đó cha được gửi sang Mỹ để tiếp tục học tập và đậu Tiến sĩ Thần học Luân lý tại Trường Thần học và Mục vụ của Đại học Boston.

Chia sẻ câu chuyện của mình với Vatican News, Cha Ilgit cho biết cha đang chuẩn bị sống sứ vụ bằng cách trao lại những gì cha đã nhận được: lòng bác ái, sự bình an, niềm an ủi và hy vọng. Cha chia sẻ: “Trong thảm kịch của trận động đất, bi kịch đã đoàn kết chúng tôi trong sự sống và trong cái chết, chúng tôi thực sự có thể, cả với những người anh em Hồi giáo và Chính Thống giáo, đoàn kết và cộng tác.” Cha hy vọng sẽ tiếp tục đi trên con đường này.

** Thưa cha, cha đón nhận tin bổ nhiệm này như thế nào?

– Tôi đang làm tuần Linh thao hàng năm ở Malta, trong một cộng đoàn Dòng Tên, và tôi nhận được tin này. Tôi cảm ơn Đức Thánh Cha đã tin tưởng tôi. Thực ra, ngài không chỉ tin tưởng nơi tôi mà còn nơi giới trẻ Thổ Nhĩ Kỳ.

** Cha phụ trách vấn đề mục vụ giới trẻ và ơn gọi cho Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ. Cha muốn nói gì với họ?

– Rằng họ không bao giờ được đặt ra giới hạn cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Đặc biệt sau trận động đất, những người trẻ của chúng tôi có xu hướng dừng lại khi gặp khó khăn, họ nhìn thấy tương lai của mình bị phá hủy. Tôi nói rằng họ là những viên đá sống mà nhờ đó chúng ta có thể xây dựng lại Giáo hội.

** Những cuộc gặp gỡ nào mang tính quyết định và ý nghĩa nhất trong cuộc đời và hành trình đức tin của cha?

– Hành trình của tôi trong Dòng Tên bắt đầu nhờ hai tu sĩ Dòng Tên mà tôi đã gặp ở Ankara trong thời gian học tập. Nhìn thấy sự chuẩn bị của họ, cũng như sự đơn sơ và khiêm nhường của họ, tôi cũng muốn dành cả cuộc đời mình trong Dòng Tên, phục vụ mọi người với sự chuẩn bị tốt. Sau đó là cuộc gặp gỡ quan trọng với Đức cha Bizzeti, một con người tự do và giải phóng. Nó đã thay đổi cuộc đời tôi và khiến tôi ngày càng bị thuyết phục hơn về cuộc hành trình mà tôi đang thực hiện với ánh nhìn gắn chặt vào Chúa. Sau đó, tôi cũng có cơ hội được gặp Đức Thánh Cha nhiều lần, một trong số đó là khi tôi làm thông dịch viên giữa ngài và Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, và cuộc gặp gỡ này chính là điều tôi mong muốn bây giờ: một cầu nối giữa đất nước tôi và Giáo hội.

** Hình ảnh này thật đẹp… việc xây những cầu nối ở một vùng đất bị tàn phá bởi trận động đất có ý nghĩa gì? Bắt đầu lại từ đầu có nghĩa là gì?

– Tôi đã ở Ý nhiều năm, cho đến hai năm trước, tôi đang giảng dạy tại Khoa Thần học ở Napoli. Trong hai năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi nhận thấy được sự đón tiếp từ chính phủ và chính quyền. Bất cứ khi nào chúng tôi cần bất cứ điều gì, họ luôn sẵn sàng. Mong muốn được hợp tác mang lại cho tôi rất nhiều hy vọng. Bạn chỉ cần nuôi dưỡng ước muốn này là có thể sống trong bình an và thanh thản. Về mặt này, chúng tôi đã có kinh nghiệm kể từ trận động đất rằng chúng tôi có thể giúp đỡ lẫn nhau.

** Cho đến nay tình hình ở các khu vực bị ảnh hưởng thì thế nào?

– Chúng tôi phải xây dựng lại nhà thờ chính tòa. Cho đến nay chúng tôi đã cố gắng thực hiện thiết kế. Sau lễ tấn phong Giám mục của tôi, chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc. Trong khi đó, thông qua Caritas Anatolia, chúng tôi đang giúp đỡ mọi người, những người tị nạn, tìm một nơi cho họ, một nghề nghiệp, trên hết là để họ ở lại đây. Khu vực Iskenderun, Antiokia, Tarsus trên thực tế rất quan trọng đối với Kitô giáo, và hiện nay các tín hữu đã phần nào lan rộng ở Thổ Nhĩ Kỳ, mong muốn cùng với Giám mục của chúng tôi là đưa họ ở lại nơi xuất xứ của họ. Chúng tôi cần cung cấp cho họ một nơi ở đàng hoàng và đảm bảo cho việc học tập của những người trẻ.

** Trong cuộc đời mình, cha đã trực tiếp trải nghiệm ý nghĩa của việc xuất cư. Cha đã trở lại Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần và bây giờ phục vụ với tư cách là Giám mục. Trải nghiệm của cha với tư cách là một người di cư sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự gần gũi của cha với những người di cư ngày nay?

– Cuộc đời là một cuộc hành trình không ngừng nghỉ và cuộc đời tôi cũng luôn như vậy. Như thánh Inhaxiô nói, cuộc sống là một cuộc hành hương và nó sẽ luôn như vậy cho đến giây phút cuối cùng. Cuộc hành trình của tôi đang tiếp tục với một số điểm dừng rất thú vị và tươi đẹp. Tôi nói rằng Chúa có sự sáng tạo tuyệt vời. Tôi tò mò không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào và tôi sẽ gặp phải bao nhiêu điều bất ngờ nữa. Tôi cầu chúc một hành trình vui tươi cho những người được giao phó cho chúng tôi chăm sóc. Tôi muốn tiếp tục sống cuộc đời mình như một cuộc hành trình, tin tưởng rằng Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta. Ước muốn mà tôi mang trong lòng là hỗ trợ những người tị nạn trẻ tuổi để họ có thể nhìn thấy khuôn mặt của Chúa trong hoàn cảnh họ đang sống. Tôi thực sự chắc chắn rằng chúng ta sẽ biết rằng, tất cả cùng nhau, những người Thổ Nhĩ Kỳ, những người mới nhập đạo, những Kitô hữu bản xứ, những người trẻ, những người tị nạn, tất cả cùng nhau chúng ta sẽ có thể đứng dậy và xây dựng lại cuộc sống của mình.

** Con biết là cha rất thích từ “phụ tá”, phải không ạ?

– Đúng, tôi đã tra nghĩa trong từ điển. Đó là để hỗ trợ, giúp đỡ. Tôi sẽ giúp Đức cha Bizzeti, người cha thiêng liêng của tôi, người mà tôi đã cùng phân định để gia nhập Dòng Tên. Ngài đã mở ra cho tôi những chân trời mà chúng tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng được. Tôi vui mừng và vinh dự được giúp đỡ Hạt Đại diện Anatolia thông qua ngài và cả Giáo hội Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì trong hai năm qua, tôi là linh mục Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và phục vụ toàn bộ Thổ Nhĩ Kỳ.

** Điều này cũng đưa chúng ta trở lại với ý nghĩa sâu thẳm và sâu xa nhất của thừa tác vụ của các Mục Tử để được hiểu chính xác như một sự phục vụ dân chúng, chứ không phải là một công việc chiếm giữ các chức vụ…

– Ở Thổ Nhĩ Kỳ không có rủi ro như vậy, tôi có thể nói… Ở đây, tất cả những người đến với Giáo hội của chúng tôi đều đã làm việc trên tinh thần này. Tôi thực sự muốn nhắc lại điều Đức cha Padovese đã viết cho tôi nhiều năm trước rằng ngài luôn mong muốn tôi quay lại đây. Ngài nói: “Bây giờ là lúc con trở về Thổ Nhĩ Kỳ và trao lại tất cả những gì con đã nhận được: lòng bác ái, hòa bình, an ủi, hy vọng.” Tôi cảm thấy muốn làm điều này. Để đồng bào của tôi làm việc vì hòa bình, trao hy vọng và làm việc trong tình yêu thương bác ái.

** Cha có ý định đóng góp thế nào cho việc đối thoại liên tôn?

– Tôi lấy bằng tiến sĩ để làm việc đặc biệt trong lĩnh vực đạo đức sinh học, trong bối cảnh đối thoại liên tôn. Tôi luôn khẳng định rằng chúng ta có nhiều điểm chung, đặc biệt là về việc bảo tồn sự sống từ khi sinh ra cho đến khi kết thúc. Tôi luôn nhấn mạnh khía cạnh này. Trải qua thảm kịch của trận động đất, tôi đã xác nhận được khía cạnh này. Tôi thấy rằng trong thảm kịch chúng tôi đã gắn kết với nhau trong cuộc sống và trong cái chết, chúng tôi thực sự có thể đoàn kết và cộng tác với cả những người anh em Hồi giáo và những người anh em Chính Thống giáo của chúng tôi. Đây là cách tôi quan niệm đối thoại liên tôn trong cuộc sống. Chúng ta cũng có thể tiếp tục thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau ở cấp độ học thuật, nhưng chúng ta có nhiều cơ hội để duy trì sự đoàn kết.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*