04.09.2023
THỨ HAI TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 4,16-30
Lời Chúa:
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. (Lc 4,21)
Câu chuyện minh họa:
Một tổng thống có những cuộc thăm viếng thường xuyên những người lính tại một bệnh viện. Ông đi từ phòng này tới phòng khác, khích lệ và cảm thông với những bệnh nhân. Ông đến cạnh một anh lính trẻ đang hấp hối và hỏi: “Này bạn, tôi có thể giúp gì cho bạn?”
Anh nhìn lên và diễn tả điều ao ước: “Ngài sẽ viết thư cho mẹ tôi giúp tôi được không?”
Ông đồng ý: “Tôi sẽ viết” và yêu cầu lấy giấy bút. Ông ngồi cạnh giường và viết những gì anh đọc cho. Viết xong, ông quay lại nói: “Tôi sẽ gởi thư này ngay sau khi rời khỏi văn phòng. Và bây giờ còn điều gì khác tôi có thể làm không?”
Anh ngước nhìn, ngập ngừng, và cuối cùng buột miệng: “Ngài có thể ở lại với tôi? Tôi muốn ngài nắm tay tôi”.
Ông nắm tay anh cho đến khi anh chết vài giờ sau đó.
Suy niệm:
Bước vào cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Ngài vào hội đường đọc sách thánh, rao giảng Lời Chúa. Những lời giảng của Ngài như một đấng có uy quyền, được mọi người tôn vinh, và thán phục. Ngài rao giảng về một sự giải thoát: tha cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân. Lời rao giảng ấy, một cách nào đó cũng gợi cho chúng ta một sứ vụ loan báo Tin mừng, chúng ta có bổn phận đem đến cho người khác một sự giải thoát, mang lại hạnh phúc cho người đau khổ, an ủi những tâm hồn lạnh lẽo… Đó là cách chúng ta phát họa chân dung của Đức Kitô giữa cuộc sống này.
Xin cho Lời Chúa được ứng nghiệm nơi cuộc đời của mọi Kitô hữu, để nhiều người được nhận biết Chúa và đón nhận Tin mừng.
05.09.2023
THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 4,31-37
Lời Chúa:
“Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì Lời của Người có uy quyền”. (Lc 4,32)
Câu chuyện minh họa:
Một người đưa tin đến một lâu đài cũ kỹ và anh lấy búa gõ cửa. Không ai trả lời. Anh lại gõ và chỉ có tiếng vang dội lại. Nhưng anh biết có người trong nhà, anh nhìn thấy họ qua cửa sổ. Giận sôi lên, anh cầm búa và lấy hết sức giáng mạnh vào cửa hai ba chục lần.
Một khuôn mặt cau có ngó qua lỗ then cửa và lịch sự hỏi xem người khách muốn vào không.
Vị khách nói như mê sảng: “Này ông, tôi vào được không? Chẳng lẽ ai muốn vào cũng phải gõ như tôi?”.
– Ồ, ông biết đấy: Có nhiều trẻ ở xung quanh đến đây, chúng gõ cửa một vài lần rồi bỏ chạy, nên chúng tôi biết là không cần để ý đến chúng. Nhưng khi nghe ông gõ cửa, tôi thực sự thấy ông muốn vào. Vì thế tôi ra mở cửa.
Suy niệm:
Qua câu chuyện trên chúng ta nhận thấy được rằng người đưa tin này thật sự muốn vào nhà, nên đã kiên trì đứng gõ cửa cho đến khi cánh cửa được mở ra; còn những đứa trẻ chỉ gõ cửa nhưng không mong cũng không cần thiết cánh cửa có mở ra hay không, cũng giống như Lời Chúa được rao giảng cho nhiều người nhưng chỉ những tâm hồn biết lắng nghe và ao ước lắng nghe mới nghe được và đón nhận.
Khi Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ám, là lúc Ngài biểu lộ quyền năng của Ngài. Chúa Giêsu không giảng suông nhưng Ngài luôn làm những gì Ngài rao giảng; vì thế, dân chúng kinh ngạc khi thấy những dấu lạ Ngài thực hiện. Ngài đem đến cho dân chúng sự kinh ngạc, có lẽ đây là bước đầu để dẫn họ đến đức tin. Những lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm ảnh hưởng rất nhiều trên dân chúng, nhưng Ngài không dừng lại ở những lời tán dương ca tụng, Ngài còn dành thời giờ để cầu nguyện, tiếp xúc, gặp gỡ Chúa Cha. Qua đó Chúa dạy chúng ta một bài học cho sứ vụ tông đồ: luôn giữ liên lạc với Chúa, trung thành với Chúa trong sứ mạng.
Lạy Chúa, xin cho con luôn hăng say rao giảng Tin mừng của Chúa, và luôn biết kết hợp với Chúa trong cầu nguyện để những gì con nói và làm đều hợp với thánh ý Ngài. Amen.
06.09.2023
THỨ TƯ TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 4,38-44
Lời Chúa:
“Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất…”. (Lc 4,39)
Câu chuyện minh họa:
Tại một xứ nhỏ ở một miền quê nước Pháp, có một người đàn ông ngoài 50 tuổi bị chứng bất toại. Chân không đi đứng gì được và hai tay cũng không làm gì được hơn. Suốt ngày ông chỉ biết than thân trách phận. Mặc dù ông không phải là người công giáo nhưng cha sở thỉnh thoảng đến thăm ông và mời gọi nhiều người đến thăm, chia sẻ và giúp đỡ ông. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện đến săn sóc cho ông. Mỗi Chúa nhật có một thiếu nhi đến đọc chuyện cho ông nghe, kể chuyện vui cho ông bớt cô đơn. Sau một thời gian, ông xin lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Ông nói: “Thưa Cha, trước đây con không tin có Chúa, nhưng từ ngày con được Cha đến thăm, được bác sĩ giúp đỡ, các em giúp vui, con cảm thấy mình như gặp được Thiên Chúa, và chính Chúa đã gởi Cha, bác sĩ và các em đến với con và bày tỏ tình thương đối với con. Con tin như thế”.
Suy niệm:
Cử chỉ nhỏ có thể giúp chúng ta gần nhau hơn, nó như một sức mạnh gắn kết tình người. Chúa Giêsu đã dùng cử chỉ cúi xuống, ra lệnh cho cơn sốt và bà mẹ vợ ông Simon lại được khỏi bệnh. Ngài đã cúi xuống và nâng dậy một con người chỉ bằng hành động nhỏ, và một lời ra lệnh đầy quyền uy. Sáng sớm, Ngài lại tiếp thêm năng lượng bằng việc tiếp xúc, gặp gỡ Chúa Cha. Ngài không bị chìm sâu trong công việc hay bị nhận chìm trong những lời khen ngợi, ca tụng. Qua đó, Ngài dạy chúng ta không nên dừng chân ở một nơi nào, nhưng luôn ra đi vì sứ mạng của chúng ta là rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng thế giới.
Xin cho con biết hăng say rao giảng Tin mừng của Chúa không mỏi mệt, luôn dấn thân cho tha nhân và năng kết hiệp với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, để mọi việc con làm đều vinh danh Chúa.
07.09.2023
THỨ NĂM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 5,1-11
Lời Chúa:
“Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. (Lc 5,5)
Câu chuyện minh họa:
Một ngày kia, tôi đón tăc-xi ở thành phố Đài Bắc, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bên trong cửa băng ghế sau của xe một dòng chữ “Bạn có thể tìm thấy một vài quyển sách nói về tôn giáo phía sau ghế bạn ngồi, trong lúc xe chạy xin mời bạn đọc chúng. Nếu bạn thích, khi rời xe, bạn có thể mang theo”.
Tôi thấy đàng trước bác tài cũng đặt một tượng thánh nhỏ. Tôi hỏi bác:
– Bác tài ơi, xin vui lòng nói cho tôi biết, các hành khách có thật sự quan tâm đến những cuốn sách đạo của bác không?
– Ồ, có chứ. Có người đọc, có người lấy đi luôn nữa.
Tôi hỏi tiếp:
– Bác cảm thấy thế nào?
– Thật sung sướng anh à. Anh biết không, tôi không có nhiều giờ để đi nhà thờ, tôi luôn chạy trên đường phố. Đây là cách làm việc tông đồ của tôi. Tôi rất sung sướng được làm hai việc một lúc: tài xế, và loan báo Tin mừng, không cần phải làm thêm giờ. Đây là một nghề tuyệt vời.
Suy niệm:
Bức tranh trên bờ hồ Ghennêxarét thật đẹp, khi những người nghe Chúa Giêsu giảng chen lấn nhau để đến gần Chúa, Ngài đã làm cho các môn đệ chứng kiến mẻ cá lạ khi các ông thả cá bên phải mạn thuyền như lời Chúa truyền. Trước mẻ cá lạ như thế, các môn đệ đã không khỏi ngạc nhiên, và đã bỏ thuyền, lưới mà theo Chúa. Giờ đây các ông đi trên con thuyền rao giảng Tin mừng, mà người chủ thuyền là Chúa Giêsu. Trong bản văn Tin mừng chúng ta còn thấy một thái độ của Phêrô là: sấp mình dưới chân Đức Giêsu và nhìn nhận ông là người tội lỗi. Có lẽ đây cũng là đức tính cần thiết cho người môn đệ. Nhận ra mình tội lỗi, yếu đuối để được Chúa nâng đỡ, và luôn sống phó thác vào Chúa.
Hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta bước theo Chúa trên hành trình rao giảng Tin mừng, quảng đại đáp lại lời mời gọi làm chứng cho Chúa. Ngài chỉ cần chúng ta thả lưới, và Ngài sẽ thực hiện những mẻ cá lạ trong cuộc đời chúng ta. Vậy còn lý do gì mà chúng ta không thả lưới?
Xin cho con biết ra khơi với Chúa, để mang về cho Chúa những tâm hồn cần Chúa xót thương, những “con cá” đang ngày đêm mong chờ đến với Chúa.
08.09.2023
THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria
Mt 1,1-16.18-23
Lời Chúa:
“Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu…”. (Mt 1,21)
Câu chuyện minh họa:
Tại sa mạc Phi Châu, ngày kia tu sĩ Caréttô nghe biết một cô gái mới 14 tuổi đời mà đã được gả bán cho một chàng trai. Trong khi chờ đợi ngày cưới, cô gái ấy vẫn tiếp tục đi kín nước và làm những công việc nội trợ bình thường. Thời gian trôi qua, hai năm sau vị tu sĩ kia sực nhớ bèn hỏi xem đám cưới đã được tổ chức như thế nào? Và ông bố đã tỏ ra bối rối không muốn trả lời.
Cuối cùng, một người đầy tớ đã cho vị tu sĩ hay:
– Cô gái ấy đã bị bóp cổ chết chỉ vì đã có thai trước khi về nhà chồng. Danh dự gia đình đòi cô phải chết như vậy.
Suy niệm:
Thân phận của cô gái trong câu chuyện trên cũng phần nào nói lên con người chúng ta, mỗi khi phạm tội là mỗi lần chúng ta bị giết chết như vậy. Nhưng Thiên Chúa đã phục hồi địa vị của chúng ta bằng việc cho Đức Mairia sinh hạ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã xin vâng vô điều kiện, sống khiêm nhường phó thác trong bàn tay Chúa quan phòng.
Chúng ta là những người con của Mẹ, cũng hãy noi gương Mẹ đón nhận mọi biến cố của cuộc đời, và tin rằng Chúa sẽ thực hiện mọi sự tốt đẹp trong chương trình của Chúa nơi chúng ta.
Xin cho con biết mau mắn xin vâng như Mẹ trong mọi biến cố, và trong suốt cuộc đời. Amen.
09.09.2023
THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,1-5
Lời Chúa:
“Con Người làm chủ ngày sabat”. (Lc 6,5)
Câu chuyện minh họa:
Trong kinh điển Phật giáo, có ghi lại câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một người giàu có và tham lam nọ bỗng thấy tiền bạc của cải của mình biến thành tro bụi. Người đó đau buồn đến độ không còn thiết gì đến ăn uống nữa. Hay tin ông đau liệt, một người bạn tìm đến thăm. Sau khi đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, người bạn đã nói như sau: “Anh đã không biết sử dụng của cải của anh. Chính vì thế mà anh càng thu tích, thì của cải của anh càng trở thành tro bụi. Xin anh hãy nghe lời khuyên sau đây của tôi: anh hãy đưa cả đống tro bụi vào hiệu buôn của anh. Anh ngồi trên đó và rao bán cho mọi người”.
Người giàu có làm theo lời khuyên của người bạn. Ông ngồi trên đống tro và rao hàng. Có người hỏi tại sao ông bán tro, ông trả lời như sau: “Ðây là tất cả tài sản của tôi”.
Một ngày kia, có một em bé gái mồ côi đi qua trước cửa hiệu. Em nghèo nhưng trong lòng không hề vương vấn đối với của cải. Thấy người giàu có ngồi trên đống tro, em bé mới nói: “Thưa ngài, ngài không biết là ngài đang bán vàng và bạc đó sao?”. Ngạc nhiên trước lời nói chân thành của em bé, người đàn ông mới thành khẩn van xin: “Xin cháu hãy chỉ cho chú biết đâu là vàng, đâu là bạc trong đống tro này?”. Ðứa bé đưa tay bốc lên một nắm tro. Tức khắc vàng hiện lên trên đôi tay em trước sự ngạc nhiên của người giàu có.
Suy niệm:
Tro không thể thành vàng được, và vàng cũng không trở thành tro được nhưng mỗi chúng ta có cách nhìn khác nhau về sự vật. Cũng như ngày sabat không phải để làm cớ cho con người mà để giải thoát con người. Chúa Giêsu luôn ưu tiên sự sống hơn lề luật, vì lề luật được đặt ra là để phục vụ con người. Người cảm được cơn đói, nên thông cảm khi thấy các môn đệ bứt lúa. Ngài mang đến một ý nghĩa mới cho ngày sabat, ngày của sự giải thoát và sự hiện diện của Chúa Phục sinh, ngày gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, ngày sabat là ngày chúng ta đến hiệp dâng thánh lễ để tiếp xúc, gặp gỡ Chúa trong tinh thần hiệp thông và trong tâm tình con thảo chứ không vì lề luật buộc.
Xin giúp con sống triệt để lời mời gọi của Chúa để những gì con nói, con làm đều vì lòng yêu mến Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Để lại một phản hồi