HIỆP HÀNH: CÙNG ĐI VỚI CHÚA KITÔ
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Từ hai năm nay, hiệp hành trở thành thuật ngữ quen thuộc trong giới Công giáo, và ai cũng hiểu hiệp hành là “cùng đi với nhau”. Mới đây, đọc bài viết về hiệp hành trên tờ National Catholic Register, tôi thấy có một điều rất quan trọng mà có lẽ người Công giáo chưa ý thức đủ.
Bài viết trình bày ý kiến của Đức cha Manuel Nin, Giám mục Công giáo Hi Lạp Byzantine. Ngài phân tích từ syn-odality được dịch sang tiếng Việt là hiệp hành. Từ này bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp, trong đó tiếp đầu ngữ syn có nghĩa là “cùng, với”. Tuy nhiên, tiếp đầu ngữ syn trong tiếng Hi Lạp không có ý nói đến hành trình hay con đường, nhưng nói đến một ai đó mà ta cùng đi và hoàn tất hành trình. Đấng đó chính là Chúa Kitô, Ngài nối kết và mang chúng ta đến với nhau. Thế nên ý nghĩa của hiệp hành (synodality) không chỉ là “cùng đi với nhau” nhưng trước hết là “cùng đi với Chúa Kitô”. Từ đó, ngài đưa ra định nghĩa về hiệp hành là “Hành trình của tất cả mọi người đã chịu Phép Rửa trong Chúa Kitô, lắng nghe Phúc Âm của Chúa, cử hành đức tin, đón nhận ân sủng trong các Bí tích, kể cả qua anh chị em của mình – hành trình được hướng dẫn và đồng hành bởi các mục tử, cùng nhau bước theo dấu chân của Đấng là con đường, sự thật và sự sống” (Edward Pentin, National Catholic Register 28/08/2023).
Nhận xét này không thể không làm cho chúng ta liên tưởng đến câu chuyện hai môn đệ trên đường về Emmaus (Lc 24,13-35). Hai người trong nhóm môn đệ cùng đi với nhau trên đường từ Giêrusalem về Emmaus. Trên đường đi, họ trò chuyện với nhau mà lòng nặng trĩu ưu phiền. Thế rồi có người khách lạ “tiến đến gần và cùng đi với họ”. Người khách ấy lắng nghe tâm sự của hai môn đệ về chuyện ông Giêsu Nazarét tốt lành và tài giỏi, mà lại bị kết án tử hình và chịu đóng đinh trên thập giá, rồi bây giờ lại có tin đồn là Ngài vẫn sống. Lúc ấy, người khách lạ mới dựa vào Sách Thánh, giải thích cho hai ông những gì liên quan đến ông Giêsu Nazarét. Nghe người khách lạ giải thích, lòng các ông bừng cháy và khi cùng ngồi ăn tối, thấy người khách lạ cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ, hai ông mới nhận ra đó là Thầy của mình, nhưng Ngài biến mất.
Hai môn đệ “cùng đi với nhau” và “cùng đi trên một con đường” đấy chứ, nhưng con đường ấy dệt bằng những suy nghĩ của loài người, làm cho các ông bế tắc, chìm ngập trong chán nản và thất vọng. Chỉ khi cùng đi với Chúa, nhờ Lời của Ngài và sự bẻ bánh, con đường ấy mới chan chứa niềm vui và trở thành đường sự thật và đường sự sống.
Cũng vậy, nếu hiệp hành chỉ là “cùng đi với nhau”, thì hiệp hành – cụ thể là Thượng hội đồng sắp nhóm họp vào tháng 10, có nguy cơ trở thành Nghị viện với những suy nghĩ, tính toán của phe này, nhóm nọ, vận động cho lập trường của mình chiến thắng. Chỉ khi hiệp hành được hiểu là cùng đi với Chúa Kitô, Hội Thánh mới thực sự là Hội Thánh hiệp hành như Chúa mong muốn.
Có thể chúng ta nhìn nhận điều đó trên lý thuyết nhưng vẫn không quan tâm đủ trong thực tế. Người ta kể chuyện một cha xứ tổ chức kiệu Thánh Thể rất long trọng. Đi được nửa đường, bỗng thầy giúp lễ nói nhỏ với cha xứ, “Hình như cha quên không đặt Mình Thánh Chúa vào hào quang”! Cha xứ khựng lại một chút rồi nói: “Ừ…nhưng không sao, cứ đi tiếp đi”.
Đừng tường đó chỉ là chuyện tiếu lâm nhà đạo. Dịp Năm Thánh 2000 với rất nhiều tổ chức rầm rộ, Đức hồng y Giacomo Biffi của Tổng giáo phận Bologna cảnh báo về nguy cơ “che mờ, kể cả quên mất Đấng vốn là lý do duy nhất cho chúng ta mừng Năm Thánh”. Phải chăng vì thế mà mới đây, trên chuyến bay từ Mông Cổ về Rôma, khi được hỏi về Thượng hội đồng sắp tới, Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến bầu khí cầu nguyện trong Thượng hội đồng: lắng nghe phát biểu, rồi cầu nguyện, và cứ thế…
Nguồn: giaophanmytho.net
Để lại một phản hồi