Sáng ngày 11. 09, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp phái đoàn của Đức Thượng phụ Baselios Marthoma Mathews III, Giáo chủ Giáo hội Chính Thống Syria Malankara nhân chuyến viếng thăm Vatican.
Sau đây là nội dung bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG DỊP TIẾP ĐỨC THƯỢNG PHỤ BASELIOS MARTHOMA MATHEWS III, GIÁO CHỦ GIÁO HỘI CHÍNH THỐNG SYRIA MALANKARA
Thứ hai, ngày 11. 09. 2023
Thưa Đức Thượng phụ,
Tôi xin cám ơn Đức Thượng phụ vì những lời tốt đẹp cũng như chuyến viếng thăm Kinh thành của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, nơi ngài đã từng sống và học tập và giờ đây ngài đến với tư cách là Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Malankara Syria đáng kính. Thưa Đức Thượng phụ, tôi xin phép nói rằng: tại đây, ngài đang ở nhà ngài, như một người Anh em yêu quý và được chờ đợi từ lâu.
Cùng với Đức Thượng phụ, trước hết tôi muốn tạ ơn Chúa vì những mối liên kết đã được xây dựng trong những thập niên gần đây. Việc nối lại tình hữu nghị giữa các Giáo hội của chúng ta, sau nhiều thế kỷ xa cách, đã bắt đầu từ Công đồng Vatican II, mà Giáo hội Chính thống Malankara Syria đã cử một số quan sát viên đến tham dự. Vào thời điểm đó, Thánh Phaolô VI đã gặp Giáo chủ Baselios Augen I tại Bombay vào năm 1964. Giờ đây, việc ngài đến đây trùng với dịp kỷ niệm 40 năm chuyến viếng thăm đầu tiên tới Roma của một vị Giáo chủ thuộc Giáo hội yêu quý của ngài, Đức Thượng phụ Baselios Marthoma Mathews I thực hiện vào năm 1983, người mà ba năm sau, Thánh Gioan Phaolô II đã đến thăm tại Nhà thờ Mar Elia ở Kottayam. Năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 10 năm vòng ôm huynh đệ của tôi với vị tiền nhiệm của ngài, Đức Thượng phụ Baselios Marthoma Paulose II, người mà tôi đã hân hạnh được đón tiếp vào đầu triều đại giáo hoàng của tôi, vào tháng 9.2013.
Hôm nay, khi chào đón ngài và các thành viên trong phái đoàn cao quý của ngài, tôi muốn gửi lời chào huynh đệ đến các giám mục, giáo sĩ và tín hữu của Giáo hội Chính thống Malankara Syria, vốn có nguồn gốc từ lời rao giảng của Thánh Tông đồ Tôma, vị thánh mà trước sự hiện diện của Đấng Phục Sinh đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28). Trong cầu nguyện và kinh ngạc, lời tuyên xưng này công bố vương quyền cứu độ và thiên tính của Đức Kitô, củng cố đức tin chung của chúng ta. Chính với đức tin này mà tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau cử hành dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên tại Nicaea. Tôi muốn tất cả chúng ta cùng nhau cử hành ngày này.
Đức tin của Thánh Tôma không thể tách rời khỏi trải nghiệm của thánh nhân về những vết thương trên Thân Mình Đức Kitô (x. Ga 20, 27). Những chia rẽ xảy ra trong suốt lịch sử giữa các Kitô hữu chúng ta là những vết thương đau đớn giáng trên Thân Mình Đức Kitô là Giáo Hội. Chính chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến những hậu quả này. Nhưng, nếu chúng ta cùng nhau chạm vào những vết thương này; nếu, giống như Thánh Tông Đồ, chúng ta cùng nhau tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta; và nếu, với lòng khiêm nhường, chúng ta tín thác trong sự kính sợ trước ân sủng của Người, chúng ta có thể đẩy nhanh chặng đường dài của ngày rất được mong đợi, khi đó, với sự trợ giúp của Người, chúng ta sẽ cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua trên cùng một bàn thờ. Chớ gì ngày này mau xảy ra!
Trong khi chờ đợi, thưa người anh em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trong lời cầu nguyện thanh tẩy chúng ta, trong đức ái hiệp nhất chúng ta, và trong đối thoại đưa chúng ta đến gần nhau hơn. Tôi đặc biệt nghĩ đến việc thành lập Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại giữa các Giáo hội của chúng ta, điều đã dẫn đến một thoả thuận mang tính lịch sử về Kitô học, được công bố vào Lễ Hiện Xuống năm 1990. Đây là một Tuyên bố chung khẳng định rằng nội dung đức tin của chúng ta vào mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể là như nhau, mặc dù về cách diễn đạt có những khác biệt về thuật ngữ và cách nhấn mạnh đã nảy sinh trong trong suốt lịch sử. Tuyên bố đã phát biểu một cách đáng ngưỡng mộ rằng, “những khác biệt này có thể cùng tồn tại trong cùng một sự hiệp thông và do đó không cần và không nên chia rẽ chúng ta, nhất là khi chúng ta rao giảng Đức Kitô cho anh chị em chúng ta trên khắp thế giới theo cách mà họ có thể hiểu dễ dàng hơn”. Việc rao giảng Đức Kitô hiệp nhất thay vì chia rẽ; lời rao giảng chung của Chúa chúng ta Phúc âm hoá chính cuộc hành trình đại kết.
Kể từ Tuyên bố chung, Ủy ban đã họp ở Kerala hầu như hàng năm và đã mang lại kết quả, thúc đẩy sự hợp tác mục vụ vì lợi ích thiêng liêng của Dân Chúa. Đặc biệt, tôi muốn nhớ lại với lòng biết ơn các thỏa thuận năm 2010 về việc sử dụng chung các nơi thờ phượng và nghĩa trang, cũng như về khả năng các tín hữu của một trong hai Giáo hội, trong một số trường hợp, có thể nhận phép xức dầu bệnh nhân. Đây là những thỏa thuận tuyệt vời. Tôi chúc tụng Chúa vì công việc của Ủy ban, tập trung trước hết vào đời sống mục vụ, vì đại kết mục vụ là con đường tự nhiên dẫn đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Như tôi đã có dịp nói với Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống Đông phương, mà Giáo hội của ngài cũng đã là thành viên kể từ khi thành lập vào năm 2003, “Đại kết luôn luôn có đặc tính mục vụ”. Chính bằng việc tiến bước mang tính huynh đệ trong việc loan báo Tin Mừng và chăm sóc cụ thể đối với các tín hữu mà chúng ta nhận ra mình là đàn chiên lữ hành duy nhất của Đức Kitô. Với nhãn quan này, tôi hy vọng rằng các thỏa thuận mục vụ giữa các Giáo hội của chúng ta, vốn có chung di sản tông đồ, có thể được mở rộng và phát triển, nhất là ở những khu vực mà tín hữu là thiểu số hoặc hải ngoại. Tôi cũng rất vui mừng vì sự tham gia tích cực của ngài trong các chuyến viếng thăm học tập dành cho các linh mục và tu sĩ trẻ do Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo tổ chức hàng năm, những chuyến thăm góp phần vào sự hiểu biết tốt hơn giữa các mục tử. Điều này rất quan trọng.
Trên hành trình hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn của chúng ta, có một lộ trình quan trọng khác là con đường hiệp hành, mà Đức Thượng phụ đã đề cập đến trong bài diễn văn. Cách đây mười năm, cũng tại Roma, vị Tiền nhiệm của ngài đã tuyên bố: “Sự tham gia của các đại diện của Giáo hội Chính thống Malankara vào tiến trình công đồng của Giáo hội Công giáo kể từ Công đồng Vatican II, có tầm quan trọng cơ bản đối với việc phát triển sự hiểu biết lẫn nhau”. Tôi rất vui khi một Đại biểu huynh đệ của Giáo hội của ngài sẽ tham dự phiên họp sắp tới của Thượng Hội đồng Giám mục. Tôi tin chắc rằng chúng tôi có thể học được nhiều điều từ kinh nghiệm hiệp hành lâu đời của Giáo hội của ngài. Theo một nghĩa nào đó, phong trào đại kết đang góp phần vào tiến trình hiệp hành đang diễn ra của Giáo hội Công giáo, và tôi hy vọng rằng đến lượt mình, tiến trình hiệp hành có thể đóng góp cho phong trào đại kết. Thật ra, Hiệp hành và Đại kết là hai lộ trình cùng tiến tới, cùng một mục tiêu chung, đó là sự hiệp thông, vốn có nghĩa là một chứng tá hiệu quả hơn của các Kitô hữu “để thế gian có thể tin” (Ga 17, 21). Chúng ta đừng quên – và tôi nói điều này với tín hữu Công giáo – rằng nhân vật chính của Thượng Hội đồng là Chúa Thánh Thần, chứ không phải chúng ta.
Chính vì lý do này mà Chúa đã cầu nguyện trước lễ Phục Sinh, và thật tuyệt vời khi cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ tiếp tục bằng lời cầu nguyện. Xin Thánh Tôma Tông đồ cầu bầu cho hành trình hiệp nhất và chứng tá của chúng ta. Thánh tích của ngài được lưu giữ tại Tổng giáo phận Lanciano-Ortona, mà đại diện ở đây có Đức Tổng Giám mục Emidio Cipollone. Xin cảm ơn sự hiện diện của Đức Tổng. Khi Chúa cho xem những vết thương của Người, Thánh Tôma đã chuyển từ trạng thái hoài nghi sang tin tưởng bởi những gì thánh nhân nhìn thấy. Chớ gì việc chúng ta cùng nhau chiêm niệm Chúa chịu đóng đinh và phục sinh dẫn tới việc chữa lành hoàn toàn những vết thương trong quá khứ của chúng ta, để vượt thắng mọi khoảng cách và hiểu lầm, hầu Đức Kitô có thể xuất hiện trước mắt chúng ta, “Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta” (x. Ga 20, 28), Đấng mời gọi chúng ta nhận ra và tôn thờ Người tại một bàn thờ Thánh Thể duy nhất. Chúng ta hãy cầu nguyện xin cho điều này sớm xảy ra. Xin cảm ơn!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (11. 09. 2023)
Để lại một phản hồi