Phụng vụ, phương thức cầu nguyện giúp mở mắt tâm hồn của chúng ta

Một thành viên của Dòng Nữ Tu Sự Sống cầu nguyện trong Thánh lễ Các Thánh Anh Hài ngày 28 tháng 12 năm 2020,

tại Nhà thờ Các Thánh Anh Hài ở Thành phố New York. (Ảnh: Gregory A. Shemitz/CNS.)

PHỤNG VỤ, PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN GIÚP MỞ MẮT TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA

LM Jeffrey F. Kirby

Mỗi Kitô hữu phải nhận ra tiếng gọi cầu nguyện bên trong cõi lòng của họ khi chịu phép rửa tội. Tiếng gọi cầu nguyện là có thật và có tính thúc bách khẩn cấp đối với mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn biết Thiên Chúa và đường lối của Ngài, chúng ta phải cầu nguyện. Các Kitô hữu phải là một dân tộc cầu nguyện.

Giáo hội luôn đồng hành và khích lệ chúng ta. Để khuyến khích, Giáo hội đề xuất những phương thức cầu nguyện khác nhau. Các phương thức cầu nguyện là những phác thảo hoặc khuôn mẫu về những cách thế chúng ta có thể trò chuyện với Thiên Chúa hằng sống.

Có nhiều phương thức cầu nguyện và nhiều phương thức khác nhau trong kho tàng thiêng liêng của Giáo hội. Một phương thức gắn liền nhất với việc thờ phượng công khai của Giáo hội được gọi là phương thức phụng vụ. Phương thức phụng vụ khai thác chiều sâu hoạt động của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ thánh.

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy chúng ta: “Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, là hiện tại hoá hy tế duy nhất của Người, và dâng hy tế duy nhất đó cách bí tích, trong phụng vụ của Hội Thánh là Thân Thể Người. Trong tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta đều thấy, sau các lời tường thuật về việc Chúa thiết lập Thánh Thể, một kinh nguyện được gọi là kinh Tưởng Niệm” (số 1362).

Chúa Thánh Thần đang tái hiện hy lễ lịch sử duy nhất của Chúa Giêsu trên bàn thờ trong phụng vụ thánh. Chúa Thánh Thần “hiện tại hóa” hy lễ của Chúa. Khi Chúa Thánh Thần tái hiện hy lễ, người được rửa tội được mời gọi nhớ lại hy tế. Hy tế Thánh Thể là việc tưởng niệm Chúa, nhưng từ ngữ tưởng niệm phải được hiểu theo kinh thánh và phụng vụ trong bối cảnh thích hợp của nó.

Sách Giáo Lý giải thích: “Theo ý nghĩa của Thánh Kinh, tưởng niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố của quá khứ, nhưng còn là công bố các kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người. Khi cử hành phụng vụ về các biến cố này, chúng hiện diện và được hiện tại hoá một cách nào đó. Dân Israel hiểu về việc mình được giải thoát khỏi Ai Cập theo cách như vậy: Mỗi lần lễ Vượt Qua được cử hành, các biến cố thời Xuất Hành lại hiện diện trong ký ức của các tín hữu, để họ điều chỉnh cuộc sống của mình cho phù hợp với các biến cố đó” (số 1363).   

Khi cách hiểu này về việc tưởng niệm được áp dụng đặc biệt cho Hy lễ Thánh Thể, phần cuối sách Giáo lý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tưởng niệm đó và dạy chúng ta: “Việc tưởng niệm trong Giao Ước mới mang một ý nghĩa mới. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, thì cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện: Hy tế mà Đức Kitô dâng lên một lần cho mãi mãi trên thập giá, luôn luôn được hiện tại hoá” (số 1634).

Việc tưởng niệm Chúa Kitô cũng là việc tưởng niệm của chúng ta. Đó không chỉ đơn thuần là một hồi ức hoài niệm mà còn là sống lại chân thực cảm nghiệm đó. Chúng ta đang ở trên đồi Canvê với Chúa Giêsu. Chúng ta ở đó với Mẹ Maria và Thánh Gioan.

Bằng cách áp dụng phương thức phụng vụ, trong Thánh lễ hoặc đôi lúc ngoài Thánh lễ, chúng ta cho phép mình vén bức màn lên và cố gắng cảm nghiệm thực tại trọn vẹn của Hy tế Thánh Thể. Sống trong không gian và thời gian, toàn bộ hành động thiêng liêng đều siêu vượt và vô hình trước mắt phàm nhân của chúng ta. Bằng cách sử dụng phương thức phụng vụ, chúng ta mở rộng tầm mắt tâm linh của mình và – thông qua việc sử dụng trí tưởng tượng tâm linh – chúng ta để cho Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đến gần hơn với việc trở thành một phần của hy lễ thánh.

Thực tại của Hy tế Thánh Thể luôn ở đó. Nhận thức của chúng ta đôi khi có thể bị thiếu sót. Tâm trí và cõi lòng của chúng ta có thể bị chia trí và chúng ta có thể ở hàng chục nơi khác nhau và do đó bỏ lỡ lời mời gọi tưởng niệm – nhớ lại những gì Chúa đã và đang làm cho chúng ta và cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Và vì vậy, khi tham dự Thánh lễ hoặc chuẩn bị cho Thánh lễ hoặc khi cố gắng mở rộng những ân sủng của Thánh lễ vào cuộc sống của chúng ta, chúng ta bắt đầu dùng đến phụng vụ như một phương thức. Chúng ta không chỉ nhìn thấy một linh mục ở bàn thờ. Tâm linh của chúng ta bắt đầu tạo ra đồi Canvê. Chúng ta nhìn thấy những tảng đá và những viên đá. Chúng ta nghe thấy tiếng la hét và chế nhạo. Chúng ta nếm được mùi bụi bẩn phảng phất trong không khí. Chúng ta có thể chạm vào cây thập giá đẫm máu, hay thân mình thánh thiêng bị xé nát của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể ngửi thấy mùi bùn đất trên thân mình Chúa. Chúng ta tạo ra cảnh tượng đóng đinh Chúa. Chúng ta để cho trí tưởng tượng thiêng liêng của mình nhận ra – làm cho biến cố thánh thiêng ấy trở nên thực hơn đối với chúng ta, theo suy nghĩ, hoặc cảm nhận cá nhân của mình – và cho phép chúng ta hiểu mình đang ở đâu và điều gì đang xảy ra khi phụng vụ thánh được Giáo hội trình bày và cử hành.

Phụng vụ là phương thức có thể trở thành nguồn mạch lớn lao giúp hoán cải và đổi mới. Thật quá dễ dàng để mình bị mắc kẹt trong thế giới vật chất và chỉ nhìn thấy mọi sự dưới dạng biểu hiện vật chất của chúng. Chúng ta có thể đi dự Thánh lễ nhưng lại bỏ lỡ toàn bộ việc trình bày lại Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa, bởi vì bằng cách nào đó, chúng ta đã bị mắc kẹt trong sự biểu hiện theo chiều ngang về thực tại cao cả và siêu nhiên. Cách diễn tả theo các mối tương quan hàng ngang này vẫn còn thiếu sót và làm cho khả năng gặp gỡ Thiên Chúa của chúng ta trở nên giảm sút.

Ngày nay, phụng vụ là phương thức cần thiết khi chúng ta cố gắng hiểu Hy tế Thánh Thể có ý nghĩa gì và tại sao phụng vụ lại quan trọng đối với chúng ta và đối với cuộc hành trình chúng ta bước theo Chúa.

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: cruxnow.com (10.09.2023)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*