SACERDOS VICTIMA
Hằng năm, Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam mừng kính trọng thể Các Thánh Tử đạo Việt Nam vào ngày 24 tháng 11. Đây cũng là ngày Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum về việc thiết lập Hàng giáo phẩm Việt Nam (năm 1960). Hai sự kiện liên kết với nhau làm nổi bật ý nghĩa câu nói thời danh của Tertuliano: “Máu Các Thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”; và cử hành lễ truyền chức linh mục vào ngày này cũng làm nổi bật ý nghĩa sacerdos victima.
Trong Cựu Ước cũng như trong các tôn giáo khác, tư tế và tế vật tách biệt nhau, chẳng hạn trong thời Cựu Ước, của lễ các tư tế dâng lên Thiên Chúa là chiên, bò. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài là vị Thượng tế đã dâng chính mình làm của lễ đền tội chúng ta: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7). Chúa Giêsu vừa là tư tế (sacerdos) vừa là tế vật (victima), và tác giả thư Do Thái kết luận: “Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (10,10).
Hy lễ ấy được thể hiện cách trọn vẹn trên thập giá và Bí tích Thánh Thể là một hy tế vì là tưởng niệm cuộc Vượt qua của Đức Kitô (SGLHTCG, 1364). Hơn ai hết, khi cử hành Thánh lễ, linh mục hành động in persona Christi (trong cương vị Đức Kitô), vì thế linh mục được mời gọi sống ý nghĩa tư tế và tế vật trong cuộc đời mình. Ý nghĩa đó được thể hiện rõ nét ngay trong nghi thức truyền chức linh mục. Đức giám mục trao chén và đĩa thánh cho tân chức và nói: “Con hãy nhận lễ vật của Dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu Thánh giá Chúa”. Theo đó, khi dâng Thánh lễ, linh mục không chỉ đọc lời truyền phép như một công thức vô hồn, nhưng phải “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).
Đức giám mục trao chén thánh cho tân linh mục
Sự cam kết sống đời độc thân vì Nước Trời là dấu chỉ cụ thể cho sự hiến dâng ấy. Đức Tổng giám mục Stanislaw Gadecki, nguyên Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba Lan, thành viên Bộ Giáo lý đức tin, diễn tả sâu sắc về ý nghĩa đời độc thân thánh hiến nơi các linh mục: “Độc thân là dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy chúng ta thực sự tin vào thực tại và chân lý Thiên Chúa. Đó là kho báu đích thực của Hội Thánh. Có lẽ vì thế các văn sĩ Kitô thời xưa gọi độc thân là “tử đạo trắng”. Giống như tử đạo, độc thân là dấu chỉ niềm tin mạnh mẽ vào vị thế tuyệt đối của Thiên Chúa trong đời sống. Đời sống người độc thân là dấu chỉ rõ ràng cho thấy Thiên Chúa là viên ngọc quý, viên ngọc duy nhất mà nếu không có, chúng ta không thể sống. Thiên Chúa là tất cả những gì chúng ta cần. Tính triệt để của việc từ bỏ hình thái đẹp đẽ nhất của tình yêu – tức là hôn nhân, gia đình – là dấu chỉ nói lên rằng Thiên Chúa là sự tuyệt đối cần thiết cho tất cả chúng ta để hoàn thành vận mệnh con người. Ai là người chỉ cho chúng ta thấy chân lý đó nếu không phải là các linh mục, mục tử trong cộng đoàn?” (Catholicworldreport.org).
Nếu độc thân thực sự là dấu chỉ sự tận hiến cho Thiên Chúa thì đời sống độc thân ấy cũng phải gắn liền với sự phục vụ Dân Chúa: “Qua nếp sống độc thân, các linh mục cho mọi người thấy rằng các ngài muốn hoàn toàn dấn thân để thực thi phận vụ đã được trao phó, là đính ước các tín hữu với vị Phu quân duy nhất và hiến dâng họ cho Đức Kitô” (Presbyterorum ordinis 16).
Sống độc thân trọn đời không phải là điều dễ dàng và ngày nay nhiều người cho là không thể thực hiện. Linh mục biết rõ những khó khăn ấy, đồng thời ý thức đây là một hồng ân Thiên Chúa ban, vì thế phải khiêm tốn và kiên trì cầu xin ơn trung thành. Đồng thời phải cộng tác với ơn Chúa bằng sự tuân giữ những kỷ luật trong đời sống thiêng liêng và các quy tắc khổ hạnh đã được thừa nhận theo kinh nghiệm của Hội Thánh.
Hội Thánh kêu gọi không chỉ các linh mục mà cả các tín hữu “hãy yêu chuộng ơn độc thân cao quý của đời linh mục, và hãy cầu xin Thiên Chúa luôn rộng tay ban phát dồi dào ân huệ này cho Hội Thánh của Ngài” (Ibid., 16).
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Để lại một phản hồi