Sáng thứ Tư ngày mồng 10.01, Đức Thánh Cha đã dành cho thành viên của Hiệp hội DIALOP (Transversal Dialogue Project) buổi kiếp kiến riêng.
Là một dự án thúc đẩy và hỗ trợ cuộc đối thoại của những người có thiện chí, đặc biệt là giữa Kitô hữu và những người theo chủ nghĩa Xã hội/ Marxist, Hiệp hội DIALOP ra đời vào năm 2014 sau cuộc gặp giữa Đức giáo hoàng Phanxicô với Alexis Tsipras, khi đó là chủ tịch đảng Syriza và sau này là thủ tướng Hy Lạp; Walter Baier, chủ tịch Đảng Cánh tả Châu Âu; và Franz Kronreif của Phong trào Focolare.
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ phái đoàn DIALOP (Hình: Vatican Media)
Với sự tham gia của các học giả, chính trị gia, nhà hoạt động và sinh viên của một số nước Âu châu, Hiệp hội nhằm hình thành và phát triển một Đạo đức xã hội chung qua việc áp dụng các nguyên tắc của Phê bình xã hội Marxist và Học thuyết xã hội của Giáo hội để tạo ra sự thay đổi thực sự và biến thế giới thành một nơi sinh sống tốt đẹp hơn.
Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
LỜI CHÀO MỪNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC THÀNH VIÊN HIỆP HỘI DIALOP
Phòng cạnh Hội trường Phaolô VI
Thứ Tư, ngày mồng 10 tháng 01 năm 2024
Các bạn thân mến, xin chào anh chị em!
Tôi hân hoan chào mừng anh chị em, là những người đại diện cho DIALOP, mà trong nhiều năm qua, đã dấn thân thúc đẩy công ích thông qua việc đối thoại giữa những người theo chủ nghĩa Xã hội/Marxist và Kitô hữu. Quả là một chương trình tuyệt vời!
Một nhà văn Mỹ Latinh từng viết rằng: con người có hai con mắt, một mắt bằng thịt và một mắt bằng thủy tinh. Với con mắt thứ nhất, người ta thấy những gì họ nhìn; với con mắt còn lại, người ta thấy những gì họ mơ ước. Đừng bao giờ đánh mất khả năng ước mơ! Hiện nay, trong một thế giới bị chia cắt bởi chiến tranh và sự phân cực, chúng ta có nguy cơ mất đi khả năng mơ ước. Người Argentina chúng tôi thường nói, “no te arrugues”, có nghĩa là “đừng chùn bước”. Đây cũng là lời mời gọi tôi muốn gửi tới anh chị em: Đừng chùn bước, đừng bỏ cuộc, và đừng ngừng mơ ước về một thế giới tốt đẹp hơn. Vì chính trong trí tưởng tượng mà khả năng mơ ước, trí thông minh, trực giác, trải nghiệm và ký ức lịch sử kết hợp với nhau khiến chúng ta sáng tạo, nắm bắt cơ hội, và chấp nhận rủi ro. Qua dòng thời gian, đã có những ước mơ vĩ đại về tự do và bình đẳng, về nhân phẩm và tình huynh đệ, phản ánh giấc mơ của chính Thiên Chúa, đã tạo ra những đột phá và tiến bộ. Với suy nghĩ này, tôi muốn đề xuất 3 thái độ mà tôi tin là hữu ích đối với những nỗ lực của anh chị em: can đảm phá vỡ khuôn mẫu, quan tâm đến những người yếu thế, và đề cao tính hợp pháp.
Trước hết, can đảm phá vỡ khuôn mẫu để mở ra những cách thức mới trong đối thoại. Trong một thời điểm bị đánh dấu bởi những xung đột và chia rẽ ở nhiều cấp độ khác nhau, chúng ta đừng bỏ qua những gì vẫn có thể thực hiện được để xoay chuyển tình thế. Thay vì những cách tiếp cận cứng nhắc gây chia rẽ, chúng ta hãy trau dồi thảo luận và lắng nghe với con tim rộng mở. Đồng thời không loại trừ bất cứ ai trên bình diện chính trị, xã hội hay tôn giáo, để sự đóng góp của mỗi người, theo đặc thù cụ thể của mình, có thể được đón nhận một cách tích cực trong các tiến trình thay đổi vốn gắn liền với tương lai của chúng ta.
Thứ đến, quan tâm tới những người yếu thế. Thước đo của một nền văn minh có thể được nhìn thấy qua cách đối xử với những người dễ bị tổn thương nhất – chúng ta không quên những chế độ độc tài lớn, chúng ta nghĩ đến chủ nghĩa Quốc xã, đã loại bỏ và giết hại những người dễ bị tổn thương nhất: người nghèo, người thất nghiệp, người vô gia cư, người nhập cư, người bị bóc lột, và tất cả những người bị nền văn hóa vứt bỏ biến thành rác thải. Đây là một trong những điều tồi tệ nhất. Một chính sách thực sự phục vụ con người không thể để mình bị các cơ chế tài chính và thị trường điều khiển. Tình liên đới không chỉ là một nhân đức luân lý mà còn là một yêu cầu của công lý, đòi hỏi phải chỉnh đốn những sai lệch và thanh lọc ý định của các hệ thống bất công, cũng như thông qua những thay đổi căn bản về quan điểm trong việc chia sẻ những thách đố và nguồn lực giữa các cá nhân và giữa các dân tộc. Đó là lý do tại sao tôi thích gọi những người tham gia vào lĩnh vực này là “những thi sĩ xã hội”, bởi vì thơ là sự sáng tạo, và ở đây vấn đề là đưa sự sáng tạo phục vụ xã hội nhằm giúp xã hội trở nên nhân văn hơn và huynh đệ hơn. Đừng sợ thơ ca, thơ ca và sáng tạo. Chúng ta đừng quên khả năng ước mơ này.
Cuối cùng là tính hợp pháp. Những gì đã đề cập trên đây đều nhằm kêu gọi sự dấn thân chống lại thảm họa tham nhũng, lạm dụng quyền lực, và coi thường luật pháp. Thật vậy, chỉ với sự trung thực và liêm chính thì những mối tương quan lành mạnh mới có thể được thiết lập và chúng ta mới có thể hợp tác một cách tự tin và hiệu quả trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Các bạn thân mến, tôi cám ơn anh chị em vì sự dấn thân đối thoại. Luôn luôn rất cần có sự đối thoại, vì thế, xin đừng sợ hãi! Tôi cầu nguyện cho anh chị em và cầu chúc anh chị em có được sự khôn ngoan và can đảm trong công việc của mình vì một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Nguyện xin Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô luôn truyền cảm hứng và soi sáng những nỗ lực và hoạt động của anh chị em. Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (10. 01. 2024)
Để lại một phản hồi