Trong tháng đầu năm 2024, Đức Giáo hoàng Phanxicô có hai diễn văn quan trọng: một là Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới năm 2024; hai là diễn văn trước Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh.
Hai diễn văn có nội dung khác nhau. Sứ điệp Ngày hòa bình thế giới có chủ đề Trí tuệ nhân loại và hòa bình, còn diễn văn trước Ngoại giao đoàn nói đến nhiều vấn đề: chiến tranh, văn hóa sự sống, truyền thông, di dân… tuy nhiên cả hai diễn văn có một điểm chung là nói đến mối tương quan giữa các tiến bộ khoa học kỹ thuật và những giá trị đạo đức.
Thế kỷ XXI chứng kiến những tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bực mang lại hạnh phúc và sự sống cho con người, chẳng hạn những tiến bộ y học và việc chữa lành bệnh tật, những tiến bộ về truyền thông kỹ thuật số và những thay đổi trong mọi lãnh vực đời sống con người. Đồng thời chính những tiến bộ ấy cũng đang làm cho đời sống căng thẳng hơn và đặt ra cho thế giới nhiều vấn nạn hơn.
Về chiến tranh, các tiến bộ kỹ thuật giúp người ta sản xuất những vũ khí tối tân nhất có sức hủy diệt khủng khiếp, gây ra biết bao đau thương trên thế giới: “Việc theo đuổi các công nghệ mới nổi trong lãnh vực được gọi là Hệ thống vũ khí tự động gây chết người, bao gồm cả việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chiến tranh, là nguyên nhân chính gây lo ngại về đạo đức. Hệ thống vũ khí tự động không bao giờ có thể là chủ thể chịu trách nhiệm về mặt đạo đức”.
Về truyền thông, “Những tiến bộ đáng kể về kỹ thuật truyền thông, nhất là trong lãnh vực kỹ thuật số, cung cấp những cơ hội đáng phấn khởi cũng như những nguy hiểm trầm trọng”, có thể là nguồn của gặp gỡ và đối thoại trên lộ trình dẫn tới hòa bình và cũng có thể trở thành “phương tiện gây chia rẽ và gian dối, fake news”.
Về Y học, những tiến bộ y khoa giúp chữa lành bệnh tật nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề, chẳng hạn mang thai mướn (surrogacy) là “sự vi phạm trầm trọng phẩm giá phụ nữ và trẻ em” vì khai thác hoàn cảnh khó khăn và nhu cầu vật chất của phụ nữ nghèo, đồng thời biến trẻ thơ thành món hàng mua bán. Cũng những tiến bộ y khoa ấy, đặc biệt tại phương Tây, đang trở thành phương thế phục vụ “sự lan rộng của văn hóa sự chết, nhân danh lòng thương cảm giả tạo để chối từ trẻ thơ, người già và người bệnh”.
Chính ở đây vấn đề đạo đức cần được đặt ra: Đâu là những giá trị nhân văn đang định hướng những tiến bộ khoa học kỹ thuật? Phải chăng là sự công bằng, văn hóa sự sống, minh bạch, hòa nhập… hay ngược lại? Con người là chủ thể quyết định và điều hành máy móc hay máy móc điều khiển con người?
Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Khả năng độc quyền của con người trong việc phán đoán và ra quyết định về mặt đạo đức không chỉ là một tập hợp phức tạp các thuật toán, và khả năng này không thể bị quy giản thành việc lập trình cho một cỗ máy, dù nó “thông minh” đến đâu đi nữa thì nó vẫn chỉ là một cỗ máy” (Sứ điệp Hòa bình, 6). Vì vậy, “Cần suy nghĩ thấu đáo ở mọi mức độ, quốc gia và quốc tế, chính trị và xã hội, để bảo đảm rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo là để phục vụ con người, thúc đẩy chứ không cản trở những tương quan liên vị, tình huynh đệ, suy tư phê phán và khả năng phân định”. Ngài cũng lặp lại điều này trong diễn văn cho Ngoại giao đoàn: “Điều thiết yếu là sự phát triển kỹ thuật phải được tiến hành theo hướng đạo đức, tôn trọng tính trung tâm của con người vốn không thể bị thay thế bằng những thuật toán hay máy móc”.
Trong thế giới phát triển như hiện nay, việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật là điều tự nhiên. Vấn đề là làm sao để việc sử dụng ấy phù hợp với những giá trị đạo đức và mang lại ích lợi thực sự cho bản thân và cộng đồng. Vì thế diễn văn của Đức giáo hoàng không chỉ dành riêng cho các nhà lãnh đạo thế giới nhưng còn cần thiết cho mỗi người tín hữu.
Để lại một phản hồi