BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA
LỄ DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH
NGÀY THẾ GIỚI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN LẦN THỨ 28 (02.02.2024)
TINH THẦN CHỜ ĐỢI CHÚA
Chiều thứ Sáu mồng 02.02, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh, cũng là Ngày Quốc tế Đời sống Thánh hiến, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô với sự đồng tế của Đức Hồng Y João Braz de Aviz –Bộ trưởng Bộ Đời sống Thánh hiến và Tu đoàn Đời sống Tông đồ–, quý Hồng y, Giám mục và linh mục, cùng với sự tham dự của khoảng 5.500 tín hữu, đặc biệt là các tu sĩ nam nữ. Sau đây là nội dung Bài giảng Thánh lễ của Đức Thánh Cha:
Trong khi muôn dân mong chờ ơn cứu độ của Chúa thì các ngôn sứ đã loan báo việc Người sẽ đến. Như ngôn sứ Malachi công bố: “Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Ðiện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến” (3,1). Ông Simeon và bà Anna là hình ảnh và hình tượng của sự mong đợi này. Khi nhìn thấy Chúa tiến vào đền thờ của Người, và được Chúa Thánh Thần soi sáng, họ nhận ra Người nơi Hài nhi mà Đức Maria đang ẵm trên tay. Họ đã chờ đợi Người suốt cuộc đời: Ông Simeon, “người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông” (Lc 2,25); bà Anna, người “không rời bỏ Đền thờ” (Lc 2,37).
Thật tuyệt vời cho chúng ta khi nhìn vào hai vị lão thành này, những người đang kiên nhẫn chờ đợi, tỉnh thức trong tinh thần và kiên trì cầu nguyện. Tâm hồn họ luôn tỉnh thức, như ngọn đuốc luôn cháy sáng. Dù tuổi đã cao nhưng tâm hồn họ vẫn trẻ trung. Họ không để mình bị thời gian làm tiêu hao, vì mắt họ luôn hướng về Thiên Chúa trong niềm mong đợi (x. Tv 145,15). Họ gắn bó với Chúa trong sự chờ đợi, luôn luôn chờ đợi. Trên hành trình cuộc đời, họ đã trải qua những khó khăn và thất vọng, nhưng họ không nhượng bộ trước thất bại: họ không “dập tắt” hy vọng. Và vì thế, khi chiêm ngưỡng Hài Nhi, họ nhận ra rằng thời gian đã viên mãn, lời tiên tri đã được ứng nghiệm, Đấng mà họ tìm kiếm và mong đợi, Đấng Messia của muôn dân, đã đến. Bằng việc tỉnh thức chờ đợi Chúa, họ có khả năng chào đón Người trong sự xuất hiện mới mẻ của Người.
Thưa anh chị em, việc chờ đợi Thiên Chúa cũng rất quan trọng đối với chúng ta, và đối với hành trình đức tin của chúng ta. Mỗi ngày Chúa đến thăm chúng ta, nói với chúng ta, tỏ mình ra theo những cách bất ngờ, và vào lúc cuối cuộc đời và thời gian, Người sẽ đến. Đây là lý do tại sao chính Người khuyên chúng ta hãy tỉnh thức, cảnh giác, và kiên trì chờ đợi. Thật vậy, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chúng ta là rơi vào “giấc ngủ của tinh thần”, để trái tim ngủ quên, làm tê liệt tâm hồn, khóa chặt niềm hy vọng trong những góc tối của thất vọng và buông xuôi.
Tôi nghĩ đến các anh chị em được thánh hiến và hồng ân mà anh chị em là; Tôi nghĩ đến mỗi chúng ta, những Kitô hữu ngày nay: Liệu chúng ta có còn khả năng sống trong sự chờ đợi không? Chẳng phải đôi khi chúng ta quá chú tâm vào chính mình, vào sự vật, và vào nhịp sống mãnh liệt của cuộc sống hằng ngày đến mức quên mất Thiên Chúa là Đấng luôn đến sao? Chẳng phải chúng ta quá mê mẩn những việc lành của mình, thậm chí có nguy cơ biến đời sống tu trì và Kitô hữu thành “nhiều việc phải làm” và xao nhãng việc tìm kiếm Chúa hàng ngày sao? Chẳng phải đôi khi chúng ta lại chẳng mạo hiểm hoạch định cho đời sống cá nhân và cộng đoàn bằng việc tính toán cơ hội thành công, thay vì vun trồng hạt giống nhỏ được giao phó cho chúng ta với niềm vui và khiêm tốn, với sự kiên nhẫn của những người gieo hạt mà không đòi hỏi gì, và của những người biết chờ đợi thời điểm và những điều bất ngờ của Thiên Chúa sao? Chúng ta phải nhìn nhận rằng, đôi khi chúng ta đã mất khả năng chờ đợi. Điều này là do nhiều trở ngại khác nhau, và trong số đó, tôi muốn nêu bật hai trở ngại.
Trở ngại thứ nhất khiến chúng ta mất khả năng chờ đợi là sự lơ là đời sống nội tâm. Đây là điều xảy ra khi sự mệt mỏi lấn át sự ngạc nhiên, khi thói quen thay thế lòng nhiệt thành, khi chúng ta mất đi sự kiên trì trên hành trình tâm linh, khi những trải nghiệm tiêu cực, những xung đột, hoặc những kết quả tưởng chừng như chậm đến, khiến chúng ta trở thành những con người cay đắng và oán giận. Thật không tốt nếu cứ nghiền ngẫm về sự cay đắng, bởi vì trong một cộng đoàn tu trì, cũng như trong bất kỳ cộng đoàn và gia đình nào, những người cay đắng với “khuôn mặt ủ dột” làm cho bầu khí trở nên nặng nề; họ dường như có dấm trong lòng. Khi đó cần phải tìm lại ân sủng đã mất: nghĩa là quay trở lại, và nhờ một đời sống nội tâm mãnh liệt, trở về với tinh thần khiêm nhường vui tươi, và lòng biết ơn thầm lặng. Điều này được nuôi dưỡng bằng việc tôn thờ, bằng việc làm của đầu gối và của con tim, bằng lời cầu nguyện cụ thể phấn đấu và chuyển cầu, có khả năng khơi dậy lòng khao khát Thiên Chúa, tình yêu thuở ban đầu, sự kinh ngạc của ngày đầu tiên, và hương vị của sự chờ đợi.
Trở ngại thứ hai là việc thích nghi với lối sống thế tục mà cuối cùng sẽ thế chỗ của Tin Mừng. Thế giới của chúng ta là một thế giới thường chạy với tốc độ chóng mặt, đề cao “mọi thứ và ngay lập lức”, đắm chìm trong chủ nghĩa tích cực và tìm cách xua đuổi nỗi sợ hãi và lo lắng của cuộc sống trong các đền thờ ngoại giáo của chủ nghĩa tiêu thụ hoặc trong thú tiêu khiển bằng mọi giá. Trong bối cảnh như vậy, khi sự thinh lặng bị loại bỏ và mất đi, thì việc chờ đợi không còn là điều dễ dàng, vì nó đòi hỏi một thái độ thụ động lành mạnh, một sự can đảm để sống chậm lại, không để mình bị các hoạt động lấn át, dành chỗ trong tâm hồn mình cho hành động của Thiên Chúa. Đây là những bài học của kinh nghiệm thần bí Kitô giáo. Vậy chúng ta hãy cẩn thận để tinh thần thế tục không xâm nhập vào các cộng đoàn tu trì, vào đời sống Giáo hội, và vào hành trình của mỗi chúng ta, nếu không, chúng ta sẽ không sinh hoa kết trái. Đời sống Kitô hữu và sứ mạng tông đồ cần có trải nghiệm của sự chờ đợi, trưởng thành trong cầu nguyện và sự trung thành hằng ngày, để giải thoát chúng ta khỏi huyền thoại về tính hiệu quả, khỏi nỗi ám ảnh về năng suất, và trên hết, khỏi ý định nhốt Thiên Chúa vào những phạm trù của chúng ta, bởi vì Ngài luôn đến một cách khó lường, vào những lúc chúng ta không ngờ tới, và theo những cách mà chúng ta không mong đợi.
Như nhà thần bí và triết gia người Pháp Simone Weil đã nói, chúng ta là cô dâu chờ đợi chàng rể đến vào ban đêm, và: “Vai trò của người vợ tương lai là chờ đợi…. Khao khát Thiên Chúa và từ bỏ mọi thứ khác, chỉ duy điều này có thể cứu độ chúng ta” (Waiting for God, Milan 1991, 196). Thưa anh chị em, chúng ta hãy vun trồng trong cầu nguyện tinh thần chờ đợi Chúa và học “tính thụ động tốt lành của Thánh Thần”: nhờ đó, chúng ta sẽ có thể mở lòng đón nhận sự mới mẻ của Thiên Chúa.
Giống như ông Simeon, chúng ta cũng hãy ôm vào lòng Hài Nhi, vị Thiên Chúa của những điều mới mẻ và ngạc nhiên. Bằng việc chào đón Chúa, quá khứ mở ra cho tương lai, những gì cũ kỹ trong chúng ta mở ra cho những điều mới mẻ mà Ngài đánh thức. Và chúng ta biết rằng điều này không hề dễ dàng, bởi vì, trong đời sống tu trì cũng như trong đời sống của mọi Kitô hữu, thật khó để chống lại “sức mạnh của những điều cũ”. “Thật không dễ để sự già nua trong chúng ta đón nhận một đứa trẻ – chào đón cái mới trong sự cũ kỹ của chúng ta – … Sự mới mẻ của Thiên Chúa tự thể hiện như một đứa trẻ, và chúng ta, với tất cả những thói quen, sợ hãi, nghi ngờ, lo lắng và đố kỵ của mình – chúng ta hãy nghĩ đến sự đố kỵ –, hãy đối diện với đứa trẻ này. Liệu chúng ta sẽ ôm lấy đứa trẻ, chào đón đứa trẻ, và nhường chỗ cho đứa trẻ này chăng? Liệu sự mới mẻ này có thực sự đi vào cuộc sống của chúng ta hay chúng ta sẽ cố gắng kết hợp cái cũ và cái mới, cố gắng để làm cho sự hiện diện của sự mới mẻ của Thiên Chúa làm phiền mình ít nhất có thể?” (C.M. Martini, Something So Personal. Meditations on Prayer, Milan 2009, 32-33).
Thưa anh chị em, những câu hỏi này là dành cho chúng ta, cho mỗi chúng ta, cho cộng đoàn của chúng ta, và cho Giáo hội. Giống như ông Simeon và bà Anna, chúng ta hãy thao thức, hãy để cho Thánh Thần thúc đẩy. Nếu giống như các ngài, chúng ta hãy sống sự chờ đợi trong việc chăm sóc đời sống nội tâm của mình và sống phù hợp với phong cách Tin Mừng; nếu giống như các ngài, chúng ta hãy sống trong sự chờ đợi, sẽ ôm lấy Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng và niềm hy vọng của cuộc đời chúng ta.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (02. 02. 2024)
Để lại một phản hồi