Đức Thánh Cha Phanxicô và Ucraina, sự gần gũi hàng ngày với sự tử đạo của một dân tộc

Đã có nhiều lời kêu gọi hòa bình và vô số sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô, người mà trong suốt hai năm không bao giờ quên cầu nguyện và hỗ trợ một quốc gia bị kéo vào cơn “điên cuồng” của chiến tranh.

​Một lời cầu nguyện không ngừng và chân thành để cầu xin hòa bình ở Ucraina: đó là lời cầu nguyện mà Đức Thánh Cha chưa bao giờ ngừng dâng lên Chúa trong hai năm xung đột đang diễn ra này bởi vì “chiến tranh luôn là một thất bại, luôn luôn là một thất bại”. Một “thất bại thực sự của con người”, bởi vì “chỉ có nhà sản xuất vũ khí mới ‘chiến thắng’”. “Bị giày xéo” là một tính từ đau đớn mà Đức Thánh Cha thường dùng để định nghĩa về đất nước mà tiếng gầm rú của bom đạn vẫn tiếp tục vang lên kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022. Kể từ ngày khủng khiếp đó, “với trái tim tan nát”, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho hòa bình vào mọi dịp có thể.

Nhiều Ngày Cầu nguyện đã được kêu gọi trong hai năm này: ngày đầu tiên bắt đầu từ ngày 26 tháng 1 năm 2022, khi căng thẳng giữa Nga và Ucraina chưa bùng nổ hoàn toàn, nhưng đã gây ra nhiều lo ngại. Lần cầu nguyện và ăn chay thứ hai diễn ra sau đó vài tháng, vào ngày 2 tháng 3: đó là Thứ Tư Lễ Tro và Đức Thánh Cha xin các tín hữu “hãy cảm thấy tất cả là anh em” để “cầu xin Thiên Chúa chấm dứt chiến tranh”. Đức Thánh Cha dâng lời cầu xin tương tự với Mẹ Thiên Chúa vào ngày 25 tháng 3 năm 2022, khi chủ sự cử hành sám hối tại đền thờ Thánh Phêrô, với hành động thánh hiến cho Trái Tim Vẹn sạch của Đức Maria: chống lại một “cuộc chiến tàn khốc” gây ra đau khổ, sợ hãi và mất tinh thần ở nhiều người, “cần có sự hiện diện của Thiên Chúa và sự chắc chắn về ơn tha thứ của Thiên Chúa”. Năm sau đó, vào ngày 27 tháng 10 năm 2023, một Ngày sám hối, ăn chay và cầu nguyện khác đã được thực hiện và trong ngày đó ​​Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu xin sự giúp đỡ của Đức Maria để đạt được hòa bình: “Chúng con cầu xin lòng thương xót, lạy Mẹ của lòng thương xót; cầu xin hòa bình, lạy Nữ hoàng hòa bình! Xin hãy đánh động tâm hồn những người bị kẹt trong hận thù, hoán cải những người châm ngòi và kích động xung đột. Xin lau khô nước mắt trẻ em, trợ giúp những người cô đơn và người già, hỗ trợ những người bị thương tích và bệnh tật, bảo vệ những người phải rời bỏ quê hương và những người thân yêu nhất của họ, an ủi những người chán nản, làm sống lại niềm hy vọng”.

Hai năm qua của Ucraina được đánh dấu bằng những cột mốc bi thảm, những sự kiện kinh hoàng và chết chóc: ngày 24 tháng 4 năm 2022 là Lễ Phục sinh theo lịch Giuliano, nhưng cũng đúng hai tháng sau khi cuộc xung đột bùng nổ. Một lần nữa, Đức Thánh Cha – sau khi đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng – đã yêu cầu mọi người “gia tăng  cầu nguyện cho hòa bình và hãy can đảm để nói rằng hòa bình là có thể”. Hai tháng sau, vào ngày 5 tháng 6, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cuộc chiến ở Ucraina đạt đến “bước ngoặt” kịch tính kéo dài một trăm ngày. Và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời kêu gọi của mình về “các cuộc đàm phán thực sự, các cuộc đàm phán cụ thể để có lệnh ngừng bắn và một giải pháp bền vững”. Ngài nói: “Chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu tuyệt vọng của những người đang đau khổ, chúng ta hãy tôn trọng sự sống con người”, bởi vì chiến tranh là “một cơn ác mộng, một sự phủ nhận giấc mơ của Thiên Chúa”.

Trong khi đó nhiều tháng trôi qua và tin tức quốc tế không ngừng viết những trang cay đắng đầy nước mắt và sự hủy diệt. Tháng xung đột thứ sáu bắt đầu vào ngày 24 tháng 8 năm 2022, một cột mốc quan trọng khác đối với Ucraina. Và chính đất nước này là nơi Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ đến vào cuối buổi Tiếp kiến ​​chung sáng thứ Tư: “Chiến tranh là sự điên rồ”, ngài nhấn mạnh, trong khi cầu nguyện cho các tù nhân, người bị thương, trẻ em, người tị nạn và “nhiều người vô tội” đang phải trả giá cho sự điên rồ này. Tháng 11 đến và đánh dấu chín tháng chiến tranh: nhân dịp này, Đức Thánh Cha viết một lá thư cho dân tộc Ucraina, gọi họ là “dân tộc cao quý và tử đạo”, đảm bảo với họ về sự gần gũi của ngài “bằng trái tim và lời cầu nguyện” và đưa ra lời cảnh báo có giá trị cho mọi dân tộc: “Đừng quen thuộc với chiến tranh”.

Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, Đức Thánh Cha không ngừng đưa ra lời kêu gọi về việc “làm im tiếng vũ khí” và chấm dứt “cuộc chiến vô nghĩa”. Vào ngày 24 tháng 2 năm 2023, đúng một năm sau khi xung đột bùng nổ, Đức Thánh Cha đã tham dự buổi chiếu bộ phim tài liệu “Freedom on Fire: Ukraine’s Fight for Freedom”, do đạo diễn Evgeny Afineevsky giới thiệu tại Vatican. Ngài nói: “Hôm nay là một năm của cuộc chiến này, chúng ta hãy nhìn vào Ucraina, hãy cầu nguyện cho người dân Ucraina và hãy mở lòng với nỗi đau. Chúng ta đừng xấu hổ khi đau khổ và khóc lóc, vì chiến tranh là sự hủy diệt”.

Nhiều tháng trôi qua, một mùa hè nữa lại đến, vẫn còn dưới bom đạn. Đức Thánh Cha không bao giờ quên tình hình nhân đạo khó khăn ở Ucraina, càng trở nên trầm trọng hơn do sáng kiến​​vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen bị đình trệ. Trong buổi đọc kinh Truyền tin ngày 30 tháng 7 năm 2023, Đức Thánh Cha nhắc nhở thế giới rằng “chiến tranh phá hủy mọi thứ, kể cả lúa mì” và điều này thể hiện “một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với Thiên Chúa”, “bởi vì lúa mì là món quà của Người để nuôi sống nhân loại”. Do đó, ngài kêu gọi lắng nghe “tiếng kêu của hàng triệu anh chị em đang đói khát”, một tiếng kêu “thấu đến trời”.

“Chiều kích tử đạo” của Ucraina cũng được Đức Thánh Cha nhắc lại vào ngày 6 tháng 9 năm 2023, trong buổi tiếp kiến các giám mục của Thánh Hội đồng Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina. Sự gần gũi và tham gia chia sẻ là những cảm xúc được Đức Thánh Cha bày tỏ, cùng với “nỗi đau vì cảm giác bất lực mà người ta trải qua khi đối mặt với chiến tranh”. Trên hết vì một trong những kết quả đáng buồn nhất của nó đó là “tước đi nụ cười của trẻ em”. Vào đầu năm 2024, trong lá thư gửi Đức Tổng Giám mục trưởng của Kyiv-Halych, Sviatoslav Shevchuk, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ những cảm xúc quan ngại tương tự đối với “một tình huống ngày càng trở nên tuyệt vọng”. Ngài hy vọng rằng tình hình ở Ucraina không trở thành “một cuộc chiến bị lãng quên” và cộng đồng quốc tế dấn thân “trong việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình”.

Lời kêu gọi tương tự cũng vang lên vào ngày 8 tháng 1 năm nay, trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh: “Thật không may, sau gần hai năm chiến tranh ở quy mô rộng lớn, nền hòa bình mà nhiều người mong muốn vẫn chưa thể tìm được chỗ đứng trong các tâm trí và trái tim, bất chấp vô số nạn nhân và sự tàn phá to lớn. Chúng ta không thể để kéo dài cuộc xung đột mà ngày càng trở nên khốc liệt, gây tổn hại cho hàng triệu người, nhưng cần chấm dứt thảm kịch đang diễn ra thông qua đàm phán, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ngoài việc cầu nguyện và kêu gọi, Đức Thánh Cha còn đích thân hành động nhân danh hòa bình, nhằm gần gũi với cả hai bên liên quan: vào ngày 25 tháng 2 năm 2022, ngài đã đến trụ sở Đại sứ quán Liên bang Nga cạnh Tòa Thánh để bày tỏ mối lo ngại của ngài về sự bùng nổ của chiến tranh. Vài ngày sau, vào ngày 16 tháng 3, ngài đã có cuộc điện đàm với Đức Thượng phụ Kirill của Mátxcơva và toàn nước Nga, cùng nhau “ngăn chặn ngọn lửa” của cuộc chiến, được thúc đẩy “bởi mong muốn, như các mục tử của dân tộc của họ, chỉ ra con đường hòa bình”. Và trong nhiều tháng, Đức Thánh Cha cũng đã có một số cuộc trò chuyện qua điện thoại với tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky, người được ngài tiếp kiến ​​vào tháng 5 năm 2023.

Những nỗ lực của Đức Thánh Cha nhằm chấm dứt xung đột cũng được thấy qua việc ​​Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng Giám mục Bologna và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đã viếng thăm với tư cách là đặc phái viên của Đức Thánh Cha tại Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ba sứ mạng diễn ra vào năm 2023 với niềm hy vọng mà Đức Thánh Cha không bao giờ mất đi; đó là chúng ta có thể khởi đầu “những con đường dẫn đến hòa bình”.

Hai vị Hồng y khác – Chánh Cơ quan Từ thiện của Đức Thánh Cha, Konrad Krajewski, và Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Michael Czerny – được Đức Thánh Cha cử đến Ucraina với tư cách là đại diện của ngài để mang lại tình liên đới và gần gũi với những người tị nạn và nạn nhân của chiến tranh. Vào tháng 5 năm 2023, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đã đến thăm Vorzel, Irpin và Bucha, nơi ngài đã cầu nguyện trước ngôi mộ tập thể gần nhà thờ Chính Thống giáo Thánh Anrê. Một cử chỉ để nhắc lại, theo bước Đức Thánh Cha, “sự tàn bạo và khốc liệt của chiến tranh”.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*