Sống Mùa Chay: từ tội nhân đến thánh nhân

Lm. Nicholas Sheehy, LC

Bạn đã bao giờ nghĩ về 5 Mầu nhiệm Sự Sáng của chuỗi Mân Côi đến từ đâu chưa? Bạn có tin rằng những Mầu nhiệm này có nguồn gốc từ một người từng là linh mục trong đạo thờ satan không? Đây là một chuyện hoàn toàn có thật. Thánh Gioan Phaolô II, trong Tông thư Rosarium Virginis Mariae năm 2002, đã giới thiệu cho chúng ta Chân phước Bartolo Longo ((1841-1926), và cũng là người đứng đằng sau Mầu nhiệm Sự Sáng này. Câu chuyện về sự hoán cải của ngài có thể dễ dàng khiến chúng ta giật mình.

Bartolo Longo sống ở miền nam nước Ý trong thế kỷ XIX gần Pompeii. Sau khi mẹ qua đời vào năm 1851, Longo dần dần rời xa đức tin Công giáo của mình. Khi học luật tại Đại học Naples, anh bị hút vào phong trào không những chỉ chối bỏ đức tin, nhưng còn nhiệt tình gia nhập một nhóm ngoại giáo Thời đại Mới mà sau đó họ đã “phong chức” cho anh trở thành một linh mục theo đạo thờ satan. Từ đây, Longo tham gia vào các buổi lễ chiêu hồn, bói toán và các cuộc truy hoan. Không hài lòng với việc chỉ thực hành tôn giáo mới của mình, Longo cảm thấy điều quan trọng là phải công khai chế nhạo Kitô giáo và làm mọi thứ trong khả năng của mình để lật đổ ảnh hưởng của Công giáo. Anh thậm chí còn thuyết phục nhiều người Công giáo khác rời bỏ Giáo hội và tham gia vào các nghi lễ huyền bí (Angelo Stagnaro, Catholic Online).

Đứa Con Hoang Đàng

Mặc dù Longo xa rời đức tin nhưng phần lớn gia đình vẫn tiếp tục cầu nguyện cho anh được ơn hoán cải. Thiên Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của họ và người con hoang đàng kiêm luật sư này đã trở thành một kiến trúc sư và người xây dựng, trong việc tái thiết Vương cung thánh đường Đức Mẹ rất Thánh Mân Côi nguy nga ở Pompeii. Thành phố được biết đến vì sự tàn phá hoàn toàn vào thế kỷ thứ I sau đó đã trở thành thành trì cho lòng sùng kính và hành hương Đức Mẹ. Sau khi thoát khỏi vực sâu tội lỗi, Longo đã trở thành một tông đồ vĩ đại của đức tin Công giáo và phát triển lòng sùng kính mạnh mẽ đối với Kinh Mân Côi.

Thiên Chúa có thể dùng những người bất toàn để thực hiện những việc vĩ đại.

Thiên Chúa có thể dùng những người bất toàn và những tội nhân khét tiếng để làm những việc lớn lao. Mặc dù chắc chắn Thiên Chúa vẫn có thể kêu gọi những người thánh thiện làm những điều vĩ đại, nhưng Ngài muốn kêu gọi những người tội lỗi và biến họ thành những vị thánh. Điều này giúp chúng ta thêm tin tưởng và hy vọng khi sống Mùa Chay – vốn là thời gian được dành đặc biệt cho việc Cầu nguyện, Ăn chay  Bố thí.

Hầu hết chúng ta nghĩ về ông Nôê như một nhân vật trong Kinh thánh bằng tranh dành cho trẻ em và nhớ đến câu chuyện về chiếc tàu, trận lụt và cầu vồng. Tuy nhiên, dù là tội nhân nhưng Nôê cũng là một trong những tổ phụ vĩ đại của Cựu Ước.

Giao ước với ông Nôê có hiệu lực trong suốt thời gian của các dân tộc (X. Lc 21,24), cho tới khi Tin Mừng được loan báo một cách phổ quát. Thánh Kinh tôn kính một số vĩ nhân của “các dân tộc”, như “Abel, người công chính”, vua tư tế Melchisêđê (X. St 14,18), ông này là hình bóng của Đức Kitô (X. Dt 7,3), hoặc các người công chính “Nôê, Đaniel và Job” (Ed 14,14). Như vậy Thánh Kinh nói lên mức độ thánh thiện cao vời mà những người sống theo Giao ước Nôê có thể đạt tới, đang khi mong đợi Đức Kitô “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52) (Sách Giáo Lý Công Giáo, 58).

Thiên Chúa kêu gọi Nôê

Nếu đọc Sáng thế ký các chương 5-9, chúng ta nhận thấy những sa sút đạo đức và sự trụy lạc rõ ràng trong gia đình Nôê. Làm sao ông có thể là người được chọn để tiếp tục lịch sử cứu độ của Thiên Chúa? Chẳng phải bạn cần một gia đình hoàn hảo để theo Chúa đó sao? Thiên Chúa dùng những chương này để dạy chúng ta điều gì đó có thể giúp chúng ta trong Mùa Chay này: đó là chúng ta không cần phải hoàn hảo mới bắt đầu con đường hoán cải. Thực ra, việc chúng ta bắt đầu lại tiến trình này mỗi năm cho thấy rằng chẳng ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hoán cải, nhưng Ngài hiểu rằng tất cả chúng ta vẫn còn trong một công trình đang tiến triển.

Nôê đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ, mặc dù chính ông cũng cần được cứu độ. Thiên Chúa mạc khải qua ông câu chuyện của chính chúng ta. Liệu có ai trong chúng ta không cần ơn cứu độ? Liệu ai trong chúng ta là người hoàn hảo rồi? Điều tuyệt vời là Giáo Hội được thiết lập cho con người, vốn yếu đuối, và thậm chí là tội nhân chứ không phải cho các thiên thần. Giáo Hội không phải là bến đỗ dành cho những người hoàn hảo, mà là bệ phóng cho những tội nhân trở thành thánh nhân. Với Mùa Chay, Thiên Chúa một lần nữa mời gọi chúng ta bước vào thời gian cầu nguyện và sám hối để có thể tiến tới mục tiêu của mình: Sự thánh thiện.

Lời kêu gọi nên thánh phổ quát

Sự thánh thiện duy nhất được vun trồng bởi tất cả những ai biết hành động nhờ Thần Khí Thiên Chúa, và khi biết vâng phục tiếng nói của Chúa Cha và thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, họ bước theo Đức Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác Thập Giá, để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người. Vì thế, tuỳ theo ân huệ và phận vụ riêng của mình, mỗi người phải nhất quyết tiến tới trên đường đức tin sống động, một đức tin khơi dậy đức cậy và hoạt động nhờ đức ái (Hiến chế Lumen Gentium, 41).

Tin Mừng Mc 1,12-15 nhắc nhớ chúng ta rằng: Chúa Giêsu đã trải qua 40 ngày trong sa mạc, ăn chay và bị ma quỷ cám dỗ, nhằm chuẩn bị cho sứ mạng vĩ đại với lời mời gọi hoán cải: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (c. 15).

Mỗi Mùa Chay, Giáo hội luôn mời gọi chúng ta thật tâm thực thi việc cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Riêng năm nay, Đức giáo hoàng Phanxicô tuyên bố sẽ tập trung vào việc cầu nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025, nên chúng ta sẽ dành ưu tiên cho việc cầu nguyện.

Việc Ông Nôê và Chân phước Bartolo Longo đã thực hiện thành công tiến trình chuyển đổi từ tình trạng tội lỗi sang thánh thiện chắc hẳn sẽ là một gợi ý khả thi về những gì chúng ta có thể thực hiện để sống trọn vẹn ý nghĩa của Mùa Chay. Vậy thì,

– Tại sao chúng ta lại không dành chút thời gian mỗi ngày cầu nguyện về việc làm sao để đảm nhận và hoàn tất vai trò của mình trong lịch sử cứu độ?

– Chúng ta sẽ chọn để sống Mùa Chay này như thế nào để có thể bắt đầu như một tội nhân và kết thúc như một thánh nhân?

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chuyển ngữ từ: patheos.com (19. 02. 2024)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*