Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho nhân viên của Đài phát thanh và truyền hình Ý năm 2024

Sáng thứ Bảy ngày 23.3, tại Đại Thính đường Phaolô VI, Đức giáo hoàng Phanxicô tiếp hàng ngàn nhân viên của đài phát thanh và truyền hình công cộng của Ý, nhân dịp kỷ niệm kép 100 năm phát thanh và 70 năm truyền hình. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC NHÀ QUẢN LÝ VÀ NHÂN VIÊN CỦA ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH Ý (RAI – ITALIAN RADIO TELEVISION)

Đại Thính Đường Phaolô VI
Thứ Bảy, ngày 23 tháng 03 năm 2024

Các bạn thân mến, xin chào và chào mừng anh chị em!

Tôi xin chào CEO, Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị, các nhà quản lý, các phóng viên, các nhân viên, các nghệ sĩ, các kỹ thuật viên, và gia đình của anh chị em. Thật là tuyệt vời khi anh chị em hiện diện nơi đây với tư cách là một cộng đoàn lớn. Tôi rất vui được gặp anh chị em và chúc anh chị em dịp kỷ niệm vui vẻ!

Bảy mươi năm truyền hình, một trăm năm phát thanh: một sinh nhật kép, một đàng mời gọi anh chị em nhìn lại lịch sử của mình, vốn gắn bó chặt chẽ với lịch sử Ý; và đàng khác, thách thức anh chị em nhìn về phía trước, nhìn về tương lai, và nhìn về vai trò mà anh chị em sẽ đảm nhận trong một thời điểm vẫn đang được xây dựng, nơi mỗi cuộc sống ngày càng được kết nối với người khác ở cấp độ toàn cầu. Thêm vào đó, chúng ta đang ở Vatican, và nhiều người trong anh chị em biết rõ những nơi này, bởi vì kể từ khi thành lập, RAI luôn theo sát bước chân của Người kế vị Thánh Phêrô.

Tuy nhiên, trong ngần ấy năm, RAI không chỉ là nhân chứng của ​​những tiến trình thay đổi trong xã hội mà còn là nhân vật chính khi góp phần xây dựng nên những tiến trình đó. Thật vậy, các phương tiện truyền thông ảnh hưởng đến căn tính của chúng ta theo chiều hướng tốt hơn, cũng như xấu đi. Và đây chính là ý nghĩa của việc phục vụ công chúng mà anh chị em thực hiện. Vì vậy, tôi muốn cùng anh chị em suy tư một cách cẩn thận về hai từ này – phục vụ  công chúng – bởi vì hai từ này mô tả rất rõ nền tảng sứ mạng của anh chị em: truyền thông như một món quà cho cộng đoàn.

Từ đầu tiên tôi sẽ tập trung vào nhiều hơn là phục vụ. Đây là một từ mà chúng ta thường giản lược theo nghĩa công cụ, cuối cùng khiến việc phục vụ bị nhầm lẫn với việc được phục vụ, và sự cống hiến nhầm lẫn với việc lợi dụng.

Tuy nhiên, công việc của anh chị em trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, trên tinh thần cởi mở phổ quát, bằng một hành động có khả năng thể hiện xuyên suốt khắp lãnh thổ mà không trở thành chủ nghĩa địa phương, biết tôn trọng và đề cao phẩm giá của mỗi người. Sự đóng góp cho sự thật và công ích đòi hỏi những đặc nét rõ ràng trong các lĩnh vực thông tin, giải trí, văn hóa, và công nghệ.

Trong lĩnh vực thông tin, phục vụ về cơ bản có nghĩa là tìm kiếm và quảng bá sự thật, toàn bộ sự thật, chẳng hạn như chống lại sự lan truyền tin giả và những mưu đồ không trung thực của những kẻ tìm cách tác động đến dư luận về mặt ý thức hệ, nói dối và phá hoại cơ cấu xã hội.

Sự thật thì không thay đổi, sự thật thì hài hòa, và sự thật không thể bị chia rẽ bởi tư lợi.

Sự thật có nghĩa là tránh bất kỳ sự cắt giảm sai lệch nào, hãy nhớ rằng sự thật là “bản giao hưởng” và nó được nắm bắt tốt nhất bằng việc học biết lắng nghe nhiều giọng khác nhau – như trong một dàn hợp xướng – thay vì lúc nào cũng hét lên ý tưởng của riêng mình. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này.

Ngoài ra, phục vụ còn có nghĩa là phục vụ quyền của công dân có được thông tin chính xác, được truyền tải một cách không thành kiến, không đưa ra kết luận vội vàng nhưng dành thời gian cần thiết để thấu hiểu, suy tư, và đấu tranh chống lại sự ô nhiễm nhận thức, bởi vì thông tin cũng phải mang tính “sinh thái”, tức là nhân tính.

Cuối cùng, phục vụ còn có nghĩa là bảo đảm tính đa nguyên tôn trọng các ý kiến và nguồn khác nhau, bởi vì, như Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định, “sự thật … ngay cả khi nó đã đạt được – và điều này chỉ có thể xảy ra một cách giới hạn và không hoàn hảo – thì cũng không bao giờ có thể áp đặt cho người khác. Sự thật được đề xuất chứ không bao giờ áp đặt. Việc tôn trọng lương tâm của người khác, trong đó phản ánh hình ảnh của chính Thiên Chúa (x. St 1,26-27), có nghĩa là chúng ta chỉ có thể đề xuất sự thật cho người khác, người mà sau đó có trách nhiệm chấp nhận nó” (Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 35, ngày 01.01.2002). Vì vậy, tôi mời gọi anh chị em hãy trau dồi đối thoại, dệt nên những sợi dây hiệp nhất, và để trau dồi đối thoại thì cần phải lắng nghe. Nhiều khi chúng ta thấy rằng lắng nghe là chuẩn bị đưa ra câu trả lời: đó không phải là lắng nghe đúng nghĩa, vì đó là chỉ suy nghĩ về lập trường của mình mà không tiếp nhận lập trường của người khác.

Tuy nhiên, sự phục vụ công chúng của anh chị em không chỉ liên quan đến thông tin. Tính đa nguyên cũng liên quan đến ngôn ngữ truyền thông. Tôi nghĩ đến điện ảnh, tiểu thuyết, phim truyền hình nhiều tập, chương trình văn hóa và giải trí, thể thao, chương trình dành cho trẻ em. Về vấn đề này, trong thời đại chúng ta, tuy giàu có về kỹ thuật nhưng đôi khi lại nghèo nàn về tính nhân văn, điều quan trọng là phải thúc đẩy việc tìm kiếm cái đẹp, khơi dậy động lực của tình liên đới, bảo vệ tự do, làm việc để mọi biểu đạt nghệ thuật có thể giúp mọi người thăng hoa, suy tư, biểu cảm, mỉm cười và thậm chí khóc vì xúc động, để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, một viễn cảnh về điều tốt đẹp, một ý nghĩa không nhượng bộ trước điều xấu xa.

Về mặt kỹ thuật và công nghệ, có rất nhiều vấn đề được đặt ra cho chúng ta. Đặc biệt, ngày nay “cần phải hành động mang tính phòng ngừa, bằng cách đề xuất các mô hình quy định đạo đức, để ngăn chặn các tác động có hại, phân biệt đối xử và bất công về mặt xã hội, của việc sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo và để chống lại việc lạm dụng chúng nhằm mục đích giảm tính đa nguyên, phân cực dư luận hoặc trong việc tạo ra một tư tưởng duy nhất” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 58, ngày 24.01.2024).

Vì vậy, tất cả điều này có liên quan đến phục vụ. Bây giờ chúng ta đến từ thứ hai: công chúng. Trước hết, tính công chúng nêu bật rằng công việc của anh chị em gắn liền với công ích, nghĩa là ích lợi của tất cả mọi người chứ không chỉ của một số người. Điều này trước tiên liên quan đến việc dấn thân để quan tâm và đưa ra tiếng nói, nhất là cho những người rốt hết, những người nghèo nhất, những người không có tiếng nói, và những người bị gạt ra bên lề.

Ngoài ra, tính công chúng cũng bao hàm ơn gọi trở thành một khí cụ để phát triển kiến thức, giúp con người phản ánh chứ không xa lánh, – đi vào lĩnh vực hoạt động – mở ra những nhãn quan mới về thực tại và không nuôi dưỡng những bong bóng thờ ơ tự mãn, giáo dục người trẻ biết mơ ước lớn lao, với tâm trí và đôi mắt rộng mở. Từ này có thể khiến chúng ta sợ hãi – mơ ước. Đừng bao giờ đánh mất khả năng mơ ước mà hãy mơ những giấc mơ lớn!

Theo nghĩa này, toàn bộ hệ thống truyền thông ở cấp độ toàn cầu cần phải được khơi dậy và khuyến khích để thoát ra khỏi chính mình, để tự vấn, để nhìn xa hơn, và vượt lên trên. Và đây là trách nhiệm anh chị em không thể trốn tránh nếu muốn duy trì mức độ truyền thông cao. Anh chị em không cần phải theo đuổi việc đánh giá xếp hạng đến mức làm tổn hại đến nội dung: mà đúng hơn, thông qua sản phẩm của mình, hãy xây dựng một nhu cầu rộng rãi về chất lượng. Xét cho cùng, truyền thông, chính khi là cuộc đối thoại vì thiện ích của tất cả mọi người, có thể đóng một vai trò cơ bản trong thời đại chúng ta cũng như trong việc tái tạo các giá trị quan trọng về mặt xã hội như quyền công dân và sự tham gia.

Anh chị em thân mến, RAI đi vào rất nhiều, gần như là tất cả ngôi nhà ở Ý mỗi ngày, và thật tốt đẹp khi nghĩ rằng sự hiện diện của RAI không phải như một “bài diễn thuyết của người cái gì cũng biết”, không phải vậy, mà như một nhóm bạn đến gõ cửa để gây bất ngờ, và đừng quên điều này: truyền thông đích thực luôn là một sự ngạc nhiên, nó làm anh chị em ngạc nhiên! Anh chị em mong đợi điều gì đó và điều đó làm mình ngạc nhiên; mang lại sự ngạc nhiên, gây ngạc nhiên. Hãy gõ cửa để bầu bạn, để chia sẻ niềm vui nỗi buồn, để thúc đẩy sự hiệp nhất và hòa giải, lắng nghe và đối thoại trong gia đình và ngoài xã hội, để thông tin và cũng để lắng nghe với sự tôn trọng và khiêm tốn. Tôi khuyến khích anh chị em bước đi trên lộ trình này, nó thật là đẹp!

Tôi nài xin phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên anh chị em, phó thác từng anh chị em cho sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria Rất Thánh. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (23. 03. 2024)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*