Lễ Dầu (28.03.2024) – Linh mục ăn năn thống hối

Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, 28.03.2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ Truyền Dầu tại Đền thờ Thánh Phêrô. Đồng tế với Đức Thánh cha, có 45 hồng y, 40 giám mục và khoảng 2.000 linh mục, cùngi sự tham dự của khoảng 2.500 giáo dân. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng Thánh lễ của Đức Thánh Cha:

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

Lễ Dầu

(28.03.2024)

LINH MỤC ĂN NĂN THỐNG HỐI

Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người” (Lc 4, 20). Đoạn Tin Mừng này thật ấn tượng. Nó luôn khiến chúng ta hình dung ra khung cảnh, tưởng tượng khoảnh khắc im lặng trong đó mọi ánh mắt đều tập trung vào Chúa Giêsu, trong sự ngạc nhiên xen lẫn ngờ vực.

Tuy nhiên, chúng ta biết chuyện gì xảy ra tiếp theo. Sau khi Chúa Giêsu vạch trần những kỳ vọng sai lầm của dân chúng, họ “phẫn n” (Lc 4,28), đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành. Quả thật là họ chăm chú nhìn Chúa Giêsu, nhưng lòng họ không sẵn sàng thay đổi trước lời của Người. Vì thế họ đã bỏ lỡ cơ hội của đời mình.

Nhưng tối nay, Thứ Năm Tuần Thánh, lại diễn ra một sự giao thoa những cái nhìn khác nhau. Nhân vật chính là Phêrô, vị Mục tử đầu tiên của Giáo hội chúng ta. Thoạt đầu, Phêrô cũng không chấp nhận những lời “vạch trần” mà Chúa đã nói với ông: “Anh sẽ chối Thày ba lần” (Mc 14,30). Kết quả là Phêrô “mất ánh nhìn” Chúa Giêsu và chối Người lúc gà gáy.

Nhưng sau đó, khi “Chúa quay lại nhìn” Phêrô, ông “sực nhớ lời Chúa đã bảo ông […] Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22, 61-62). Đôi mắt Phêrô đẫm lệ, chảy ra từ một trái tim bị tổn thương, đã giải thoát ông khỏi những quan niệm và biện minh sai lầm. Những giọt nước mắt cay đắng đó đã thay đổi cuộc đời ông.

Trong nhiều năm, giáo huấn và hành động của Chúa Giêsu đã không lay chuyển Phêrô khỏi những kỳ vọng, giống như những kỳ vọng của người dân Nazareth. Phêrô cũng đang mong đợi một Đấng Messia chính trị và quyền năng, mạnh mẽ và quyết đoán. Bị vấp phạm khi nhìn thấy Chúa Giêsu bất lực và thụ động khi bị bắt giữ, Phêrô tuyên bố: “Tôi không biết ông ấy!” (Lc 22,57). Và đúng là Phêrô đã không biết Chúa Giêsu. Phêrô sẽ chỉ bắt đầu biết Chúa Giêsu khi mà, vào thời điểm đen tối của sự chối Thày của mình, ông đã rơi những giọt nước mắt xấu hổ và những giọt nước mắt ăn năn. Phêrô sẽ thực sự biết Chúa Giêsu khi “buồn vì Người hỏi tới ba lần: ‘Anh có yêu mến Thầy không?’”, Phêrô để cho cái nhìn của Chúa Giêsu hoàn toàn xuyên thấu con người mình. Để rồi, từ việc nói: “Tôi không biết ông ấy”, Phêrô đã có thể nói: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự” (Ga 21,17).

Anh em linh mục thân mến, việc chữa lành con tim của Phêrô, việc chữa lành vị Tông đồ, và việc chữa lành vị mục tử diễn ra khi, ông đau buồn và ăn năn thống hối, để cho mình được Chúa Giêsu tha thứ. Sự chữa lành này xảy ra qua những giọt nước mắt, qua tiếng khóc cay đắng, và qua nỗi đau buồn dẫn đến việc tái khám phá tình yêu. Đây là lý do tại sao tôi muốn chia sẻ với anh em vài suy tư về một khía cạnh thường bị bỏ quên nhưng lại rất cần thiết của đời sống tâm linh. Ngay cả từ ngữ tôi sử dụng hôm nay cũng hơi lỗi thời, nhưng tôi tin rằng rất đáng để suy ngẫm. Đó là từ: ăn năn thống hối.

Nguồn gốc của thuật ngữ này đề cập đến sự nhức nhối: Thống hối là một “một vết đâm vào trái tim”, một vết đâm gây đau đớn khiến những giọt nước mắt ăn năn tuôn rơi. Một tình tiết khác về cuộc đời của Thánh Phêrô có thể giúp chúng ta giải thích điều đó. Trái tim của Phêrô bị đâm thấu bởi ánh nhìn và lời nói của Chúa Giêsu phục sinh vào ngày Lễ Ngũ Tuần, được thanh tẩy và tràn đầy lửa Thánh Thần, Phêrô đã công bố với cư dân Giêrusalem: “Ðức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Ðức Chúa và làm Ðấng Kitô” (x. Cv 2,36). Những người đang lắng nghe Phêrô nói, khi nhận ra sự ác họ đã làm và sự cứu độ mà Chúa tuôn đổ trên mình, đều “đau đớn trong lòng” (Cv 2,37).

Sự ăn năn thống hối là thế này: đó không phải là cảm giác tội lỗi khiến chúng ta suy sụp, hoặc bị ám ảnh bởi sự bất xứng của mình, mà là một “sự đâm thấu” có ích giúp thanh luyện và chữa lành tâm hồn. Một khi nhận ra tội lỗi của mình, tâm hồn chúng ta được mở ra để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần, nguồn nước sự sống tuôn trào trong chúng ta và khiến chúng ta rơi lệ. Những ai sẵn sàng “gỡ bỏ mặt nạ” và để cho ánh nhìn của Thiên Chúa xuyên thấu tâm hồn mình sẽ nhận được món quà là những giọt nước mắt này, đó là những giọt nước thánh khiết nhất sau những giọt nước của Phép Rửa. Anh em linh mục thân mến, đây là điều hôm nay tôi muốn cầu chúc cho anh em. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ việc khóc vì chính mình có nghĩa là gì. Đó không phải là việc khóc lóc tủi thân, như chúng ta thường bị cám dỗ làm. Chẳng hạn, điều này xảy ra khi chúng ta thất vọng hoặc buồn phiền vì không đạt được những gì mình kỳ vọng, thất vọng khi chúng ta cảm thấy bị hiểu lầm, điều này có thể đến từ anh em trong hàng linh mục hoặc bề trên. Hoặc khi có một niềm vui kỳ quặc và bệnh hoạn, thì chúng ta buồn phiền trong sự nghiền ngẫm về những điều sai trái đã mắc phải, cảm thấy tiếc cho bản thân, tin chắc rằng chúng ta không được đối xử như chúng ta đáng được nhận hoặc lo sợ rằng tương lai sẽ có thêm những bất ngờ khó chịu. Như Thánh Phaolô dạy chúng ta, đây là “nỗi ưu phiền của thế gian”, trái ngược với “nỗi ưu phiền do ý Thiên Chúa”.

Trái lại, khóc cho chính mình có nghĩa là nghiêm túc ăn năn vì tội lỗi của mình đã làm Chúa buồn lòng; đó là nhận ra rằng chúng ta luôn mắc nợ Thiên Chúa; đó là thừa nhận rằng mình đã lạc khỏi lộ trình thánh thiện, và không trung thành với tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống vì chúng ta. Khóc cho chính mình có nghĩa là nhìn vào bên trong bản thân và ăn năn về sự vô ơn và thiếu kiên định của mình, đồng thời đau buồn thừa nhận sự dối trá, thiếu trung thực, và đạo đức giả của mình. Thưa anh em, thói đạo đức giả của giáo sĩ là điều chúng ta thường xuyên sa vào. Chúng ta cần chú ý tới thực tế này. Và một lần nữa hướng ánh nhìn về Chúa Giêsu chịu đóng đinh và để cho tình yêu của Người chạm đến chúng ta, một tình yêu luôn tha thứ và nâng đỡ, không bao giờ giờ phụ lòng mong đợi của những ai trông cậy vào Người. Vì thế, nước mắt tuôn trào xuống má chúng ta, và thanh tẩy tâm hồn chúng ta.

Thực vậy, sự thống hối đòi hỏi nỗ lực nhưng mang lại bình an; không gây lo âu nhưng là nguồn chữa lành tâm hồn, vì sự thống hối có tác dụng như một loại thuốc xoa dịu những vết thương tội lỗi, chuẩn bị chúng ta đón nhận sự vỗ về của Chúa, Đấng biến đổi tâm hồn khi nó “tan nát dày vò” (Tv 51,19), mềm lòng đến rơi nước mắt. Do đó, việc thống hối là liều thuốc giải độc cho chứng “xơ cứng tim”, chứng cứng lòng mà Chúa Giêsu thường lên án (x. Mc 3,5; 10,5). Thật vậy, nếu không ăn năn và đau buồn, trái tim sẽ xơ cứng: trước hết, nó trở nên cứng nhắc, thiếu khoan dung với các vấn đề thường ngày, và thờ ơ với mọi người, sau đó trở nên lạnh lùng, dửng dưng và lãnh đạm, rồi cuối cùng trở thành một trái tim bằng đá. Tuy nhiên, giống như những giọt nước có thể làm mòn đá, thì nước mắt cũng có thể dần dần làm dịu đi những trái tim chai cứng. Bằng cách này, một “nỗi buồn tốt lành” sẽ dẫn đến sự ngọt ngào một cách kỳ diệu.

Khi đó chúng ta có thể bắt đầu hiểu tại sao các vị thầy về đời sống tu đức lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống hối. Thánh Biển Đức nói rằng “chúng ta nên xưng thú những tội lỗi trong quá khứ của mình với Thiên Chúa hàng ngày trong cầu nguyện với nước mắt và tiếng rên rỉ”, và khẳng định rằng khi cầu nguyện, “chúng ta được nhậm lời không phải vì nói quá nhiều mà vì tâm hồn trong sạch và những giọt nước mắt ăn năn thống hối của mình”.  Nếu đối với Thánh John Chrysostom, một giọt nước mắt cũng có thể dập tắt được ngọn lửa tội lỗi , thì Gương Chúa Giêsu khuyên dạy: “Hãy hết lòng thống hối”, bởi vì “qua sự bất cẩn và coi nhẹ những thiếu sót của mình, chúng ta thường không cảm nhận được nỗi buồn trong tâm hồn mình” . Sự thống hối là phương thuốc bởi vì nó cho chúng ta thấy sự thật về bản thân mình, để chiều sâu phàm nhân tội lỗi của chúng ta có thể bộc lộ một thực tế vô cùng lớn lao hơn về việc chúng ta được ân sủng tha thứ – niềm vui được tha thứ. Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Thánh Isaac Nineveh nói rằng: “Ai quên đi sự lớn lao của tội lỗi của mình là quên đi sự vĩ đại của lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mình” .

Anh chị em thân mến, chắc chắn rằng mọi sự canh tân nội tâm đều xuất phát từ cuộc gặp gỡ giữa nỗi khốn cùng phàm nhân của chúng ta và lòng thương xót của Thiên Chúa, và sự canh tân này phát triển qua sự nghèo khó về tinh thần, một điều giúp Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên phong phú. Ở đây cũng vậy, chúng ta có thể nghĩ đến giáo huấn của nhiều vị thầy tu đức, trong đó một lần nữa, có những lời của Thánh Isaac:

Người thừa nhận tội lỗi của mình… thì cao trọng hơn người khiến kẻ chết sống lại qua lời cầu nguyện. Người khóc suốt một giờ vì tội lỗi của mình thì vĩ đại hơn người phục vụ cả thế giới bằng sự chiêm niệm… Người được ban cho biết chính mình thì cao trọng hơn người được nhìn thấy các thiên thần” .

Thưa anh em linh mục, chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự vấn xem lòng sám hối và nước mắt đóng vai trò gì trong việc xét mình và cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi liệu năm tháng trôi qua, nước mắt của chúng ta có tăng thêm hay không. Theo lẽ tự nhiên, càng lớn chúng ta càng ít khóc. Tuy nhiên, trong đời sống tâm linh, chúng ta được mời gọi trở nên giống trẻ thơ (x. Mt 18,3): nếu chúng ta không khóc, chúng ta sẽ thoái hoá và tâm hồn bị già nua, trong khi những ai đạt được lời cầu nguyện đơn sơ và sâu sắc hơn, được đặt nền tảng trên sự tôn thờ và kinh ngạc trước sự hiện diện của Thiên Chúa, thì phát triển và trưởng thành. Họ ngày càng ít bám vào chính mình và ngày càng gắn bó với Đức Kitô hơn, và trở nên nghèo khó trong tinh thần. Được như thế, họ cảm thấy gần gũi hơn với người nghèo, vốn là những người được Thiên Chúa yêu quý hơn cả. Như Thánh Phanxicô đã viết trong di chúc của ngài, những người mà chúng ta từng giữ khoảng cách giờ đây đã trở thành những người bạn đồng hành thân yêu của chúng ta . Và vì vậy, những ai có lòng thống hối thì ngày càng cảm thấy mình là anh chị em hơn với tất cả mọi tội nhân trên thế giới, không tỏ ra vẻ bề trên với những lời phán xét gay gắt, nhưng tràn đầy ước muốn cháy bỏng thể hiện tình yêu thương và bù đắp.

Anh em thân mến, một khía cạnh khác của lòng sám hối là tình liên đới. Một tâm hồn ngoan nguỳ, được giải thoát bởi tinh thần các Mối Phúc Thật, sẽ tự nhiên có khuynh hướng thực hành lòng sám hối đối với người khác. Thay vì cảm thấy tức giận và phẫn nộ trước những sai lầm mà anh chị em phạm phải, thì lại khóc vì tội lỗi của họ. Ở đây, diễn ra một kiểu đảo ngược, trong đó khuynh hướng tự nhiên là khoan dung với chính mình và cứng nhắc với người khác bị đảo ngược, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta trở nên nghiêm khắc với chính mình và có lòng thương xót với người khác. Chúa tìm kiếm tiên vàn nơi những người được thánh hiến cho Ngài, vốn là những người nam nữ than khóc tội lỗi của Giáo Hội và thế giới, trở thành những người chuyển cầu thay cho tất cả mọi người. Biết bao chứng nhân anh hùng trong Giáo Hội chỉ cho chúng ta con đường này! Chúng ta hãy nghĩ tới các đan sĩ sa mạc, ở cả phương Đông và phương Tây; nơi lời cầu bầu liên lỉ, giữa những tiếng rên rỉ và nước mắt của Thánh Gregory Narek; nơi lễ dâng hiến của Phanxicô dành cho Tình yêu không được đón nhận; và nơi rất nhiều linh mục, chẳng hạn như Cha xứ Ars, người sống sám hối vì ơn cứu độ của người khác. Anh em thân mến, đây không phải là thơ ca mà là chức linh mục!

Anh em linh mục thân mến, từ chúng ta, những mục tử của Chúa, Chúa không muốn sự phán xét hà khắc mà là tình yêu và nước mắt đối với những ai lạc lối. Nếu tâm hồn chúng ta cảm thấy thống hối, thì những hoàn cảnh khó khăn, đau khổ và thiếu đức tin mà chúng ta gặp hàng ngày sẽ khiến chúng ta đáp lại không phải bằng sự lên án nhưng bằng sự khoan dung và lòng thương xót. Chúng ta cần được giải thoát khỏi sự khắc nghiệt và kết án, khỏi sự ích kỷ và tham vọng, khỏi sự cứng nhắc và bất mãn biết bao, để phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, và tìm thấy nơi Ngài sự bình an che chở khỏi mọi giông bão đang hoành hành xung quanh chúng ta! Chúng ta hãy cầu nguyện, cầu bầu và rơi lệ cho người khác; chúng ta hãy để cho Chúa thực hiện những điều kỳ diệu của Người. Và chúng ta đừng sợ hãi, vì chắc chắn, Người sẽ làm chúng ta ngạc nhiên!

Tác vụ của chúng ta sẽ hỗ trợ việc này. Ngày nay, trong một xã hội tục hóa, chúng ta có nguy cơ trở nên rất tích cực, nhưng đồng thời lại cảm thấy bất lực, kết quả là chúng ta mất đi nhiệt huyết và rơi vào cám dỗ “bỏ cuộc”, khép kín trong sự phàn nàn và quên rằng Thiên Chúa cao cả vượt lên trên mọi vấn đề của chúng ta. Nếu điều này xảy ra, chúng ta trở nên cay đắng, cáu kỉnh, dèm pha, và phàn nàn về mọi chuyện. Nhưng ngược lại, khi sự cay đắng và thống hối thay vì nhắm tới thế gian lại tập trung vào chính tâm hồn mình, thì Chúa sẽ không quên thăm viếng chúng ta và nâng chúng ta dậy. Đây chính là điều mà sách Gương Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta:

Đừng mang việc của người khác vào trong mình, cũng như đừng xen vào việc của bề trên. Thay vào đó, hãy luôn canh chừng bản thân và nhất là đưa ra lời cảnh báo cho chính mình trước những người khác, ngay cả những người mình thân thiết. Đừng buồn phiền nếu không nhận được sự ưu ái của loài người; mà hãy buồn phiền vì bạn không cư xử với sự quan tâm và thận trọng xứng hợp” .

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một khía cạnh thiết yếu khác: đó là việc thống hối không hẳn là kết quả công việc của chúng ta, nhưng đúng hơn, là một ân sủng và ân sủng này phải được tìm kiếm trong cầu nguyện. Sám hối là một hồng ân của Thiên Chúa, và là hoa trái của tác động của Chúa Thánh Thần. Để giúp nuôi dưỡng tinh thần sám hối, tôi xin chia sẻ hai lời khuyên nhỏ. Trước hết, chúng ta hãy ngừng nhìn cuộc sống và ơn gọi của mình từ góc độ hiệu quả và tức thời, cũng như không bị cuốn vào những nhu cầu và kỳ vọng hiện tại; thay vào đó, chúng ta hãy nhìn mọi thứ theo chiều hướng rộng hơn của quá khứ và tương lai.

Về quá khứ, bằng việc nhớ lại sự thành tín của Thiên Chúa – Thiên Chúa là Đấng thành tín –, nhớ đến sự tha thứ của Ngài, và bám chặt vào tình yêu của Ngài; về tương lai, bằng cách hướng tới mục tiêu vĩnh cửu mà chúng ta được mời gọi để đạt tới, mục đích tối hậu của cuộc đời chúng ta. Thưa anh em, việc mở rộng tầm nhìn giúp chúng ta mở rộng tâm hồn, thúc đây chúng ta dành thời gian cho Chúa và trải nghiệm lòng thống hối. Lời khuyên thứ hai được rút ra từ lời khuyên thứ nhất: Hãy tái khám phá sự cần thiết phải trau dồi việc cầu nguyện không như điều bắt buộc và chức năng, nhưng tự do, thanh thản và lâu dài. Thưa anh em, đời sống cầu nguyện của anh em thế nào? Chúng ta hãy trở lại với việc thờ phượng. Anh em có quên thờ phượng Chúa không? Chúng ta hãy trở lại với việc cầu nguyện của con tim. Chúng ta hãy lặp lại: Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Chúng ta hãy cảm thức sự cao cả của Thiên Chúa ngay cả khi chúng ta nhận thấy sự thấp hèn của chúng ta như những tội nhân, để mở rộng tâm hồn và để đón nhận sức mạnh từ ánh mắt chữa lành của Ngài. Khi đó, chúng ta sẽ tái khám phá sự khôn ngoan của Mẹ Giáo Hội thánh thiện, luôn dẫn dắt chúng ta cầu nguyện với lời kêu cầu của người nghèo đang kêu xin: Lạy Chúa, xin mau đến phù trợ con!

Anh em thân mến, cho phép tôi kết thúc bằng việc trở lại với Thánh Phêrô và những giọt nước mắt của ngài. Bàn thờ đặt trên mộ ngài không thể không khiến chúng ta nghĩ đến biết bao lần chúng ta, những linh mục, hằng ngày đọc rằng: “Hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”, làm thất vọng và buồn lòng Đấng yêu thương chúng ta đến độ biến bàn tay của chúng ta thành khí cụ cho sự hiện diện của Người. Vì vậy, thật tốt khi lặp lại những lời nguyện mà chúng ta thường đọc thầm: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối,” và một lần nữa: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy”. Thưa anh em, sự chắc chắn mà Lời Chúa ban cho chúng ta hôm nay an ủi chúng ta trong mọi sự: đó là Chúa, Đấng được thánh hiến bằng việc xức dầu (x. Lc 4,18), đã đến “để băng bó những tấm lòng tan nát” (Is 61,1). Vì vậy, nếu tấm lòng tan nát nó sẽ được Chúa Giêsu băng bó và chữa lành. Các anh em linh mục thân mến, xin cảm ơn vì tấm lòng cởi mở và ngoan nguỳ của anh em. Xin cảm ơn vì những nỗ lực và những giọt nước mắt của anh em. Xin cảm ơn vì anh em  mang đến sự kỳ diệu của lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy luôn luôn tha thứ. Hãy thương xót. Hãy mang lòng thương xót của Thiên Chúa đến với anh chị em chúng ta trong thế giới hôm nay. Các anh em linh mục thân mến, xin Chúa an ủi, thêm sức và ban thưởng cho anh em. Cảm ơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (28. 03. 2024)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*