Bài chia sẻ về cuộc gặp gỡ quốc tế các cha xứ cho thượng hội đồng về hiệp hành

Tại sao có cuộc gặp gỡ quốc tế các cha xứ?

Trong phiên họp thứ I của Thượng Hội đồng về hiệp hành tại Roma tháng 10/2023, một số tham dự viên đã góp ý rằng: Các cha xứ đang ở tuyến đầu của Giáo hội, trực tiếp làm mục vụ và thực thi hiệp hành. Nhưng lại thiếu tiếng nói của các cha xứ trong Thượng Hội đồng. Vì thế Bộ Giáo sỹ đã tổ chức Cuộc gặp gỡ quốc tế các cha xứ đến từ các Hội đồng Giám mục và các Nghi lễ để nói lên kinh nghiệm và góp ý cho Thượng Hội đồng về hiệp hành trong Giáo hội.

Có 199 linh mục từ 99 quốc gia đã tụ họp tại Trung tâm tĩnh tâm Fraterna Domus, Sacrofano ở ngoài Roma trong 5 ngày (28/4 – 02/5/2024). Ngày 02/5/2024 kết thúc với buổi gặp Đức Thánh Cha và Thánh lễ tại Đền thờ thánh Phê-rô. Con số cha xứ đến từ các quốc gia được ấn định theo con số các giáo phận. Quốc gia có 25 giáo phận trở xuống được cử 1 cha xứ; trên 25 giáo phận thì được đề cử 2 cha xứ và có các cha xứ đại diện cho mỗi nghi lễ Đông phương. Cha Giu-se Lê Quang Việt (Tổng Giáo phận Sài Gòn) và Cha Anphongsô Phạm Hùng được Hội đồng Giám mục Việt Nam cử đi dự cuộc gặp gỡ này như đại diện cho các cha xứ ở Việt Nam.

Nội dung cuộc họp: làm thế nào để trở thành một Giáo hội địa phương hiệp hành?

Cuộc họp có 3 ngày làm việc chính thức với chương trình dày đặc và kéo dài. Các tham dự viên được chia thành 18 nhóm nhỏ theo ngôn ngữ (7 nhóm tiếng Anh, 5 nhóm tiếng Ý, 3 nhóm tiếng Pháp và 3 nhóm tiếng Tây Ban Nha), mỗi nhóm có một điều phối viên. Mỗi ngày làm việc đi theo một cấu trúc tương tự như phiên họp tháng Mười 2023: Đầu tiên các tham dự viên nghe các nhà thần học và chuyên viên giới thiệu, thuyết trình theo chủ đề của ngày, sau đó sử dụng phương pháp “Đối thoại trong Thánh thần” để cầu nguyện, thảo luận, phát biểu và lắng nghe. Cuối ngày làm việc, mỗi nhóm sẽ làm bản đúc kết và chia sẻ đúc kết đó cho cả hội nghị để mọi người cùng nghe và phát biểu thêm. Bản đúc kết mỗi ngày của mỗi nhóm làm việc được chuyển về Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng để tham khảo dùng cho Văn kiện làm việc của phiên họp Thượng Hội đồng tháng 10 sắp tới.

Chủ đề ngày 1: Hiệp hành đang diễn ra thế nào trong các giáo xứ, giáo phận?

Ngày làm việc này tập trung vào “Khuôn mặt của Giáo hội hiệp hành.” Khởi đầu Đức Hồng Y Mario Grech – Tổng Thư ký, các nhà thần học và chuyên viên Thượng Hội đồng đã thuyết trình về hiệp hành (đồng nghị). Hiệp hành được hiểu:

 “là các Ki-tô hữu cùng bước đi với nhau trong sự hiệp thông với Chúa Ki-tô cho sứ vụ của Giáo hội để tiến về Nước Chúa đồng hành với cả nhân loại. Hiệp hành liên quan đến mọi lãnh vực của đời sống Giáo hội, với lắng nghe, đối thoại, biện phân cộng đoàn và tạo nên đồng thuận như diễn tả Chúa Ki-tô hiện diện trong Thánh Thần. Mỗi người sẽ sẽ quyết định theo bổn phận của mình.” (Bản đúc kết Thượng Hội đồng, số 1).

Các vị thuyết trình nhấn mạnh vai trò các cha xứ trong hiệp hành: “Không có các giám mục thì không có Thượng Hội đồng và chúng tôi có thể nói: Không có Thượng Hội đồng nếu không có các cha xứ.” Chúng ta có thể hiểu theo nghĩa các cha xứ là những người làm mục vụ trực tiếp với các tín hữu và cộng tác thi hành các tác vụ tông đồ của giám mục. Họ nhấn mạnh đến mỗi giáo xứ là sứ vụ (missio) của Giáo hội trong thế giới có Chúa hiện diện, mặc dù không thể có giáo xứ nào hoàn hảo. Hiệp hành trong giáo xứ hay giáo phận là làm việc theo mạng lưới hay đội ngũ.

Theo các báo cáo của nhóm làm việc, hầu hết các tham dự viên cho biết kinh nghiệm của họ về hiệp hành cho đến nay là tích cực, dù gặp một số trở ngại trong tiến trình Thượng Hội đồng 2021-2024 tại địa phương. Một nhóm tiếng Anh nói rằng các buổi lắng nghe “ở cấp giáo xứ như một nơi để giáo dân trút giận, phàn nàn về tình trạng nhận thức của Giáo hội, hoặc phàn nàn vì họ đã bị tổn thương bởi Giáo hội. Nhưng chúng tôi thấy rằng đây là những cơ hội để cùng đi với mọi người và lắng nghe, để đồng hành cùng họ trong những tổn thương của họ.”

Một số nhóm đã đề cập đến khó khăn trong việc truyền đạt cho linh mục và giáo dân hiệp hành (tính đồng nghị) là gì. Ở một số quốc gia, thuật ngữ Synodality “hiệp hành” rất khó được chấp nhận, rất khó để cung cấp cho giáo dân một sự hiểu biết đúng đắn về hiệp hành, nhưng sử dụng khái niệm “cuộc hành trình” được mọi người chấp nhận và hiểu dễ dàng hơn.

Một số phát biểu rằng: Hiệp hành không phải là khái niệm mới mẻ mà là một đặc tính của Giáo hội và giờ đây được tái khám phá và đào sâu. Hiệp hành là cách thức hiện hữu của Giáo hội để truyền giáo, mang lại sức sống và năng động cho Giáo hội. Hội thánh đã sống hiệp hành từ khởi đầu được diễn tả trong sách Tông đồ Công vụ, Giáo hội đã lắng nghe tiếng phàn nàn của những bà góa và người gốc Hy Lạp trong cộng đoàn rằng họ không được đối xử công bằng (TĐCV 6). Hay trường hợp những người gốc Pha-ri-siêu đề nghị với các tông đồ phải buộc những Ki-tô hữu gốc dân ngoại giữ luật Do Thái. Ý kiến của họ không bị coi thường mà được đón nhận và tính đồng nghị được thể hiện bằng Hội nghị của các tông đồ và các kỳ mục tại Jerusalem (TĐ CV 15) để bàn thảo trong sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Một số nói đến hiệp hành là mời gọi và bao gồm, lắng nghe và đồng hành với những người đang không tham gia vào đời sống Giáo hội hay họ không được tôn trọng và quan tâm. Câu chuyện người mù ăn xin ở Giê-ri-cô trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 18 nói về những người mà tiếng kêu của họ không được mọi người lắng nghe, coi như sự phiền toái và bắt họ im đi vì họ bị coi thường. Nhưng Chúa Giê-su đã lắng nghe những tiếng kêu bị coi thường và tiếng nói của những người ở ngoài lề cộng đoàn. Chúa cho gọi người mù lại, chữa lành anh và anh đã đi theo Chúa, nhập đoàn môn đệ Chúa. 

Các cuộc thảo luận nói đến tầm quan trọng của đào tạo về hiệp hành cho mọi thành phần trong Hội thánh – từ các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân – để giáo dân được chuẩn bị tốt hơn hầu đảm nhận một số trách nhiệm mà các linh mục thường phải gánh vác. Hãy để các phụ nữ tham gia những công việc không liên quan đến chức thánh vì tất cả Ki-tô hữu đều chung một phẩm giá như nhau bắt nguồn từ Phép Rửa.

Não trạng giáo sĩ trị đã được đề cập đến. Một số linh mục coi giáo dân như công dân hạng 2 hay người ta gọi linh mục “ướp trong tủ kính” và “linh mục trong viện bảo tàng,” để nói đến những vị thiếu hoạt động trong sứ vụ và giao tiếp với dân chúng, ngăn cản sự hiệp hành trong giáo xứ. Bí tích Thánh Thể là khuôn mẫu của hiệp hành, mọi người đã chịu Phép Rửa cùng vây xung quanh bàn tiệc của Chúa, lãnh nhận cùng ân sủng là sự sống Chúa Ki-tô phục sinh. Các cha xứ phải trở nên khiêm nhường và cùng bước đi với giáo dân trong sứ vụ của Hội thánh tại giáo xứ.

Nhiều linh mục nhấn mạnh rằng hiệp hành đòi hỏi linh mục phải dành nhiều thời gian hơn với giáo dân. Nhóm nói tiếng Tây Ban Nha cho biết khó khăn ở nhiều quốc gia Âu Mỹ là thiếu linh mục và họ phải làm việc quá tải. Một linh mục Tây Ban Nha chia sẻ: ngài phải chăm sóc cho 43 nhà thờ. Đồng thời, nỗi khó khăn và lo âu chung của các cha là làm sao các tín hữu đến nhà thờ. Tình trạng giáo dân đến nhà thờ quá thấp và là những người lớn tuổi ở Âu Mỹ, tạo nên khó khăn đưa họ tham gia hiệp hành trong sứ vụ của giáo xứ. Một cha xứ ở Lithunia đang coi sóc 2 giáo xứ có 2.000 giáo dân, nhưng chỉ có 20 người đi lễ Chúa Nhật ở một nhà thờ và 100 người ở nhà thờ kia.

Chủ đề ngày 2: Thế nào là một giáo xứ hiệp hành?

Ngày thảo luận thứ hai đào sâu chủ đề giáo xứ hiệp hành như thế nào: “Tất cả các môn đệ là những người truyền giáo” Các tham dự viên suy tư về số 8 của Bản đúc kết phiên họp Thượng Hội đồng tháng 10 năm 2023:

Thay vì nói: Giáo hội có sứ vụ, chúng tôi khẳng định: Giáo hội là sứ vụ. Bí tích khai tâm Ki-tô giáo làm cho tất cả môn đệ Chúa Ki-tô mang trách nhiệm cho sứ vụ của Giáo hội. Giáo dân nam nữ, tu sĩ và thừa tác viên có chức thánh đều có phẩm giá như nhau. Họ lãnh nhận những nhiệm vụ, đặc sủng, ơn gọi khác nhau nhưng đều được nuôi dưỡng bởi cùng một Thánh Thần và xây dựng cho một thân thể duy nhất của Chúa Kitô. Tất cả họ là môn đệ, là thừa sai. Việc thực hành đồng trách nhiệm là điều căn bản cho hiệp hành và cần thiết ở mọi cấp độ Giáo hội.”

Các linh mục được yêu cầu suy tư về cách họ đã nhận ra các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ khác nhau đang diễn ra trong các giáo xứ và giáo phận của mình, cũng như những gì các giáo xứ đã đóng góp cho sứ mệnh của giáo phận. Có những đóng góp tích cực, nhưng cũng có thử thách từ những nhóm, hay cá nhân khác nhau trong giáo xứ. Vấn đề là làm thế nào để biện phân những tiếng nói khác nhau trong giáo xứ. Làm thế nào để xử sự với tiếng nói hay đóng góp tiêu cực cho sự hiệp nhất. Liên quan đến câu hỏi này, vào ngày cuối cùng, Đức Thánh Cha đã nói đến những xung đột bất hòa trong giáo xứ thường bắt đầu từ những tiếng thì thào (whisper). Ngài khuyên các cha xứ: Hãy gặp và nói riêng với người sai trái, đừng thì thào nói qua người thứ ba. Nếu không hãy giữ điều đó cho riêng mình.

Các báo cáo của nhóm làm việc vẽ ra một bức tranh về phương thế mà các mục tử hy vọng hiệp hành sẽ diễn ra lâu dài trong các giáo xứ của mình. Một “giáo xứ hiệp hành” được mô tả là một ngôi nhà cho các nhà truyền giáo – là giáo dân và cha xứ – nơi họ có thể cùng nhau phân định các đặc sủng và ơn gọi truyền giáo khác nhau của họ. Một nhóm tiếng Anh viết: “Tin tưởng vào các đặc sủng được ban cho giáo xứ của mình sẽ giải phóng các cha khỏi gánh nặng tự mình làm mọi thứ.” Các cha xứ phải trở nên khiêm nhường, đồng hành và phục vụ trong lãnh đạo nhưng cũng như một thành viên của giáo xứ.

Một nhóm tiếng Anh khác nhận định: “Để trở nên một Giáo hội đồng nghị, chúng ta phải tìm cách đưa giáo dân của chúng ta vào những vai trò mới, bao gồm cả vai trò lãnh đạo trong giáo xứ. Chúng ta cần giúp đào tạo và dạy giáo lý cho các tín hữu để họ có thể phát triển và trở thành những nhà truyền giáo trong cộng đoàn của họ”.

Nhóm tiếng Ý viết: “Vai trò của linh mục chúng tôi là sẵn sàng đồng hành cùng giáo dân”. “Thái độ này là cần thiết để giáo dân cảm thấy rằng họ là những nhân vật chính trong Giáo hội, có trách nhiệm, và do đó thực sự được kêu gọi truyền giáo”. Sự hiệp hành đòi hỏi một sự trưởng thành “để cho giáo dân hợp tác với chúng ta. Đó không phải là một sự nhượng bộ mà các mục tử dành cho một số người, nhưng đúng hơn là đánh giá cao phẩm giá của họ như những người đã được rửa tội và công nhận các đặc sủng của họ.”

Các tham dự viên cũng đưa ra ưu tư như: “Làm thế nào chúng ta có thể biến giáo xứ thành một trường học cho các đặc sủng, để mọi người có thể đóng vai trò của mình trong bản hòa nhạc symphony?” Một nhóm nói tiếng Anh hỏi: “Làm thế nào để chúng ta giúp mọi người phân định các ân sủng và đặc sủng của họ? Ngoài hội đồng giáo xứ thì có cần phải có thêm những cơ cấu mới cho đồng nghị trong giáo xứ? Nếu vậy, những cơ cấu này nên là gì?” Các linh mục giáo xứ đã đề cập đến một số mô hình mà họ đã thực hiện, như các khóa truyền giáo, các nhóm cầu nguyện và đón nhận “các linh đạo mới” và các phong trào giáo dân tiếp cận với những người ở bên lề xã hội. Họ “giúp chúng tôi đi đến nơi mà mục tử không thể đi, vùng ngoại vi mà Đức Giáo hoàng đã kêu gọi.”

Một nhóm nói tiếng Anh đã đánh giá cao những đóng góp của các nữ tu “thường mang lại cảm giác mẫu tử cho giáo xứ mà không ai trong các linh mục có thể cho đi, và điều đó được các tín hữu đánh giá cao. Cần phải tìm vai trò cho phụ nữ trong giáo xứ vượt ra ngoài vai trò khuôn mẫu của việc giặt giũ vệ sinh hoặc cắm hoa. Các công việc khác cũng quan trọng như những vai trò đó. Nên có một thừa tác vụ dành cho phụ nữ ở cấp giáo phận”.

Các nhóm cũng thảo luận về ý nghĩa của việc trở thành một “linh mục hiệp hành.” Họ nhấn mạnh hai nhu cầu chính đối với “sự hoán cải cộng đoàn” giáo xứThứ nhất, các cha cần thiết phải cầu nguyện với giáo dân, để giáo dân thấy các mục tử của họ cầu nguyện và đặt nền tảng công việc mục vụ trong lời cầu nguyện.

Điều thứ hai, giữa các linh mục cần phải thực thi hiệp hành với nhau, xây dựng các mạng lưới mối quan hệ mạnh mẽ giữa các linh mục. Một số nhóm đã đề cập đến tác động tích cực của hiệp hành như giúp các cha đỡ cô đơn, tránh tiêu hao suy sụp vì quá tải mục vụ và ôm nhiều việc.

Nhóm Tây Ban Nha viết: “Các linh mục phải tụ họp thường xuyên để cầu nguyện và hỗ trợ lẫn nhau. Các giám mục phải ưu tiên chăm sóc các linh mục của mình để họ có thể chăm sóc cho đoàn chiên được trao phó.” Một linh mục châu Mỹ Latinh phàn nàn rằng: “Tôi chịu chức được 30 năm mà chưa bao giờ nghe Đức cha hỏi tôi: Cha có khỏe không?”

Chủ đề ngày 3: Cùng nhau phân định: tạo nên những mối quan hệ và xây dựng cộng đoàn

Ngày thứ ba tập trung vào kinh nghiệm của các linh mục về “cùng nhau phân định” – phân định cộng đoàn; đó là sự phân định ở trong các Thượng Hội đồng, các ban mục vụ giáo phận và như các Hội đồng Mục vụ giáo xứ. Ban Tổ chức đưa ra số 18 của Tài liệu đúc kết phiên họp Thượng Hội đồng tháng 10 năm 2023 để suy tư:

“Là thành viên trong dân trung thành của Thiên Chúa, tất cả những ai đã lãnh nhận phép rửa đều đồng trách nhiệm cho sứ vụ, tùy theo ơn gọi, khả năng và kinh nghiệm của mình. Mọi người đều đóng góp để hình dung và biện phân những bước để cải cách cộng đoàn và Giáo hội. Mục đích của Hiệp hành là sứ vụ. Đồng trách nhiệm là cho sứ vụ: chúng ta tập hợp nhân danh Chúa Kitô, sự tập hợp này giải thoát các cộng đoàn khỏi giới hạn quan liêu, logic thế gian và quyền lực, làm cho sự đồng hành sinh hoa trái.”

Các chuyên viên đã nhấn mạnh ý nghĩa của từ synodality, từ gốc Hy Lạp synodos, nghĩa là đoàn dân (Assembly). Giáo hội là đoàn dân Thiên Chúa. Đặc tính hiệp hành (synodality) là bản chất của Hội thánh nên khi hiểu Hội thánh là sứ vụ nghĩa là cả đoàn dân Thiên Chúa, tất cả các môn đệ đều gánh vác sứ vụ của Hội thánh. Sứ vụ của Hội thánh là 3 nhiệm vụ không tách rời: Rao giảng lời Chúa, cử hành bí tích và bác ái. Đó là sứ vụ hướng ra bên ngoài và bên trong Hội thánh. Vì thế hiệp hành được diễn tả cụ thể là: Hiệp thông, tham gia và truyền giáo.

Việc chuyển hóa từ “bảo trì sang truyền giáo” có thể là một thách thức đối với những nhóm của giáo xứ hay giáo phận chuyên lập kế hoạch và tổ chức mà không có sự dấn thân ra đi. Một nhóm tiếng Anh nhận định “những tổ chức đó cần phải được thấm nhuần ân sủng của Chúa Thánh Thần qua đó sự phân định thiêng liêng diễn ra. Nếu không, các cuộc họp và tụ tập gắn liền với các nhóm như vậy trở nên trì trệ và thói quen đơn điệu.”

Ngoài việc làm sinh động lại các nhóm hiệp hành hiện có (như HĐMV giáo xứ, hiệp hội tông đồ), chúng ta cần có những cấu trúc hiệp hành mới, nhưng phải luôn cảnh tỉnh rằng các cấu trúc hiệp hành chỉ là một phương tiện để truyền giáo mà không kết thúc ở những cấu trúc này. Các giáo xứ và giáo phận cần tái tập trung nỗ lực cho sứ vụ và truyền giáo.

Một số tham dự viên bày tỏ sự cần thiết là cả mục tử và giáo dân tìm cách phân định cùng nhau. Nhưng một làm việc nhóm nói tiếng Ý cảnh tỉnh rằng: sự biện phân cộng đồng (cùng nhau) không có nghĩa đó chỉ là lý luận đơn thuần của con người.

Một số nhóm đã đặt câu hỏi: Làm thế nào để biện phân giữa tác động của Chúa Thánh Thần và ý tưởng riêng con người? Các chuyên viên trả lời: Sự biện phân cùng nhau phải dựa vào Truyền Thống sống động của Hội Thánh và niềm vui là yếu tố tích cực biểu hiện sự tác động của Thánh Thần. Các tham dự viên cũng nhìn nhận sự hiệp hành không chỉ ở cấp độ giáo xứ giữa giáo dân và cha xứ mà còn phải xây dựng một mạng lưới cùng làm việc giữa giám mục với linh mục và những lãnh đạo giáo dân.

3. Thư của Đức Thánh Cha cho các cha xứ ngày 02/5/2024

Trước hết Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn và quý trọng đối với các cha xứ những vị đang làm mục vụ trong các hoàn cảnh và nơi chốn khác nhau với những thách đố và khó khăn khác nhau. Ngài viết: “Giáo hội không thể tiếp tục sứ vụ nếu không có sự cống hiến và phục vụ mục tử của anh em. Vì vậy, trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn và quý trọng đối với công việc quảng đại mà anh em thực hiện hàng ngày, gieo hạt giống Tin Mừng trên mọi loại đất (x. Mc 4,1-25). Ngài nói đến tầm quan trọng của hiệp hành trong các giáo xứ: “Chúng ta sẽ không bao giờ trở thành một Giáo hội hiệp hành truyền giáo nếu các giáo xứ không làm cho sự tham gia của tất cả những người đã chịu Phép rửa vào sứ mạng duy nhất, là loan báo Tin Mừng, trở thành nét đặc trưng trong đời sống của họ. Nếu các giáo xứ không có tính hiệp hành và truyền giáo thì Giáo hội cũng sẽ không hiệp hành”. Các cha xứ biết rõ những gì từ bên trong đời sống Dân Chúa, nên theo Đức Thánh Cha, Giáo hội không biết hiệp hành thế nào và khởi sự lộ trình này làm sao nếu không có cha xứ.

Ngài nhấn mạnh: “Hiệp hành là lộ trình mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba.” Đức Thánh Cha mời gọi các cha xứ “hãy đón nhận lời mời gọi này của Chúa để trở thành những người xây dựng một Giáo hội hiệp hành và truyền giáo, đồng thời hãy nhiệt thành cống hiến hết mình trong tiến trình này.”

Để được như vậy, Đức Thánh Cha khuyên các cha xứ 3 điều:

Hãy có một tình phụ tử đích thực

Với cảm thức đức tin, hãy khám phá những đặc sủng phong phú và đa dạng của giáo dân, từ ơn nhỏ bé nhất đến ơn cao cả nhất” (Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Thừa tác vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis, 9), vốn là những điều không thể thiếu đối với việc loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh và bối cảnh của con người…. Anh em sẽ trải nghiệm niềm vui được trở thành những người cha đích thực, những người không thống trị người khác nhưng khơi dậy những tiềm năng lớn lao và quý giá nơi mọi người, nam cũng như nữ.”

Hãy phân định cộng đồng

Đức Thánh Cha mời gọi các cha xứ thực hành phương pháp “đối thoại trong Thánh Thần”, phương pháp đã giúp ích rất nhiều trong tiến trình Thượng Hội đồng. Ngài nói: “Việc phân định là yếu tố then chốt trong hoạt động mục vụ của một Giáo hội hiệp hành bởi vì… Điều này cho phép chúng ta nhận ra rõ hơn các đặc sủng hiện diện trong cộng đoàn, giao phó một cách khôn ngoan các nhiệm vụ và tác vụ, hoạch định các dự án mục vụ dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, vượt lên trên những chương trình hoạt động thuần túy.”

Hãy có sự hiệp thông

Các cha xứ hãy sống trong tinh thần chia sẻ với giám mục của mình và anh em linh mục. “Chúng ta không thể là những người cha đích thực nếu chúng ta trước hết không phải là con cái và anh em. Và chúng ta không thể truyền cảm hứng cho sự hiệp thông và tham gia vào các cộng đoàn được ủy thác cho chúng ta nếu trước hết chúng ta không sống những điều này giữa chúng ta”. Ngài nói rằng chỉ bằng cách này chúng ta mới đáng tin cậy và hành động của chúng ta không phá đi những gì người khác đã xây dựng.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh khi đề nghị các cha xứ “hãy trở thành những môn đệ, những thừa sai của hiệp hành.” “Hãy thúc đẩy sự suy tư về việc canh tân thừa tác vụ của cha xứ theo tư duy hiệp hành và truyền giáo.”

4. Kết luận

Để kết luận con xin đưa ra vài gợi ý suy tư như sau:

Synodality (được dịch ra tiếng Việt là hiệp hành hay đồng nghị) là khái niệm mới mẻ với Giáo hội tại Việt Nam mặc dầu chúng ta đã sống tinh thần này như một đặc sủng của Hội Thánh từ sự hiệp thông, tính công giáo và liên đới. Chúng ta đã có những Hội đồng mục vụ, những vị lãnh đạo giáo dân điều hành giáo xứ, giáo họ và cộng đoàn trong những thời khó khăn vắng bóng linh mục. Nhiều giáo dân tích cực tham gia vào đời sống giáo xứ và Hội thánh. Nhưng điều mà Đức Phanxicô đang nhấn mạnh ở đây là mọi tín hữu cùng đồng trách nhiệm trong sứ vụ và truyền giáo. Hiệp hành là mời gọi, bao gồm, đồng hành với các tín hữu cả những người không được quan tâm hay đang đặt mình bên ngoài Giáo hội. Đức Thánh Cha nhắc nhở các mục tử: Giáo hội là Đoàn dân lữ hành không phải là đoàn dân hoàn thiện, nên anh em đừng loại trừ người khác. Ngài đã đưa ra tấm gương về một linh mục mà ngài ngưỡng mộ: một linh mục đã làm mục vụ cho các gái điếm và cha này bị các linh mục xa lánh và Đức Giám mục không hài lòng với ngài. Vị linh mục đã gặp và trả lời Đức Cha: “Những cô gái điếm kia là thuộc đoàn chiên của Đức Cha và Đức Cha có nghĩa vụ chăm sóc mục vụ cho họ. Con làm những công việc này là thay cho Đức Cha.”

Hiệp hành cũng mời gọi chúng ta có cái nhìn rộng hơn và cao hơn về vị trí và đặc sủng của giáo dân hay tu sĩ không có chức thánh, đặc biệt là phụ nữ trong Giáo hội tại Á châu. Chúng ta cần nhớ đến đặc sủng cao quý mà Thánh Thần ban cho các tín hữu: sensus fidelium – cảm thức đức tin, bản năng đức tin để nhận đâu là chân lý, đâu là sai lầm nơi các tín hữu, vì họ đã uống lấy Thánh Thần trong Phép rửa. Lịch sử đã minh chứng như vậy. Ví dụ, thời lạc giáo Arius ở thế kỷ 3, 4 A.D., Chúa Thánh Thần không ở với biết bao nhiêu giám mục và linh mục bắc Phi đang theo học thuyết Arius, nhưng Chúa Thánh Thần lại ở với các tín hữu và họ nhận thức đó là lạc giáo.

Hiệp hành giúp chúng ta sống tinh thần của Công đồng Vatican II: Giáo hội là Đoàn Dân Thiên Chúa. Có những nơi nhiều giáo dân không thuận với cha xứ, thậm chí coi cha xứ là đối thủ khi ngài khởi xướng những chương trình mới hay những thay đổi. Phải chăng phương pháp hiệp hành (đồng nghị) cùng biện phân cộng đồng, tham khảo ý kiến giáo dân và đạt đồng thuận sẽ làm cha xứ tránh lạm quyền, giảm bớt gánh nặng cho ngài và giúp duy trì sự hiệp thông giáo xứ?

Trong cuộc gặp gỡ vừa qua, các chuyên viên và thuyết trình viên nhấn mạnh đến việc mở ra cho Chúa Thánh Thần và thay đổi cấu trúc Giáo hội. Các tham dự viên đã phản ánh: “Hiệp hành được nhiều người đón nhận, nhưng không phải tất cả mọi người.” Những người có phản ứng tiêu cực với hiệp hành vì họ lo ngại rằng: Không biết chủ trương hiệp hành sẽ đưa Giáo hội đến đâu? Phải chăng rồi chân lý sẽ là những gì được bỏ phiếu và được đa số chấp nhận như đã xảy ra ở Giáo hội Anh Giáo và Tin Lành? Đó có thể cũng là những ưu tư của chúng ta. Các chuyên viên đã trả lời: Chúng ta phải mở ra Thánh Thần, cho những điều mới mẻ. Đức Thánh Cha khẳng định không biết hiệp hành sẽ đưa Giáo hội đến đâu, nhưng như Abraham, Giáo hội phải ra đi và tin tưởng vào Chúa dẫn dắt. Trong thư gửi các cha xứ ngài viết: “Đấng đã kêu gọi và thánh hiến chúng ta, hôm nay mời gọi chúng ta lắng nghe Thánh Thần của Ngài và tiến bước theo hướng mà Ngài chỉ cho chúng ta. Chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng: Ngài sẽ không để chúng ta thiếu ân sủng của Ngài. Trên đường đi, chúng ta sẽ khám phá ra làm thế nào để giải thoát tác vụ của mình khỏi những điều khiến chúng ta mệt mỏi chán nản, đồng thời tái khám phá cốt lõi đích thực nhất của tác vụ này, đó là công bố Lời Chúa và quy tụ cộng đoàn bằng việc bẻ bánh.” Giáo hội không thể hiệp hành – đi cùng nhau – nếu không có sự hiệp nhất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội được hiêp nhất cho và trong sứ vụ.

Ngày nay, hiệp hành thường được đề cập để áp dụng cho giáo xứ, Giáo phận và Giáo hội hoàn vũ, nhưng hiệp hành trước tiên phải được áp dụng cho các gia đình là Giáo hội tại gia. Gia đình cần được Chúa Thánh Thần soi sáng để cùng nhau bước đi với Chúa Kitô, trong hiệp nhất yêu thương, sống bí tích hôn nhân, phục vụ sự sống, tham gia vào đời sống Giáo hội và truyền giáo. Không có gia đình hiệp hành thì cũng không có giáo xứ hiệp hành. 

Hiệp hành (đồng nghị) không phải là phương thế để Giáo hội uốn mình theo thế gian cho hợp thời, không phải là phương thế để Giáo hội chuyển hóa mình sao cho được thế gian chấp nhận, nhưng hiệp hành cần thiết để Giáo hội chuyển hóa mình sao cho Giáo hội có thể dễ dàng đi vào và ở trong thế gian, mà không thuộc về thế gian, để truyền giáo như Chúa muốn, để thế gian tin rằng Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến (X. Ga 17: 16-21).

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội là Mẹ chúng ta được hiệp hành và bình an. Chúng ta, các linh mục, hãy trở nên những nhà thừa sai của hiệp hành cho và trong sứ vụ của Giáo hội như Đức Thánh Cha kêu gọi.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (25.05.2024)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*