ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 28 tháng 12 năm 2011
Anh chị em thân mến,
Chương này được trình bày trong bầu không khí Giáng Sinh, thấm nhuần niềm vui thân mật trong việc ra đời của Đấng Cứu Độ. Chúng ta vừa cử hành mầu nhiệm này, và tiếng vọng của nó còn vang lên trong các nghi thức Phụng vụ trong suốt những ngày này. Đó là một mầu nhiệm ánh sáng mà con người mọi thời đại có thể sống lại trong đức tin và cầu nguyện. Chính nhờ cầu nguyện mà chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa một cách thân mật và sâu xa. Vì lý do đó, khi nhớ lại chủ đề về cầu nguyện mà tôi đang triển khai trong các chương trước, giờ đây tôi muốn mời anh chị em suy niệm về vai trò của cầu nguyện trong đời sống Thánh Gia tại Nadarét. Quả thật, gia đình Nadarét là một trường học cầu nguyện, nơi đó chúng ta học cách lắng nghe, suy niệm và thấm nhuần ý nghĩa sâu xa của việc Con Thiên Chúa tỏ mình ra, đem lại mẫu gương cho chúng ta qua Mẹ Maria, cha thánh Giuse và Đức Giêsu.
Diễn từ của thánh Phaolô VI trong chuyến viếng thăm Nadarét vẫn còn đáng nhớ. Thánh nhân đã nói rằng, nơi trường học của Thánh Gia Nadarét, “chúng ta hiểu sự cần thiết của việc đào luyện thiêng liêng, nếu chúng ta muốn thực hành giáo huấn của Tin Mừng và trở thành những môn đệ Đức Kitô.” Và ngài nói thêm: “Trước hết, nó dạy chúng ta thinh lặng. Ôi! Điều đó sẽ tái sinh trong chúng ta lòng quý trọng sự thinh lặng, bầu không khí tuyệt vời và không thể thiếu được của tinh thần: trong khi chúng ta bị điếc tai bởi rất nhiều tiếng ồn ào, âm thanh và tiếng nói rền vang trong thời đại điên cuồng và hỗn loạn của cuộc sống hiện đại. Ôi sự thinh lặng Nadarét, dạy chúng ta phải kiên quyết trong những ý tưởng tốt lành, theo đuổi đời sống nội tâm, sẵn sàng lắng nghe những linh hứng bí mật của Thiên Chúa và những lời khuyên nhủ của các bậc thầy chân chính” (Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Diễn văn ở Nazareth, ngày 05.01.1964).
Chúng ta có thể thu lượm được nhiều hiểu biết về cầu nguyện và về mối tương quan với Thiên Chúa của Thánh Gia từ các trình thuật của Tin Mừng về thời thơ ấu của Đức Giêsu. Chúng ta có thể bắt đầu với việc dâng Đức Giêsu trong đền thờ. Thánh Luca cho chúng ta biết rằng Mẹ Maria và thánh Giuse: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22). Như tất cả các gia đình Do Thái tuân giữ Lề Luật, cha mẹ Đức Giêsu đi lên đền thờ để thánh hiến con đầu lòng cho Thiên Chúa và để dâng lễ hy sinh. Được đánh động bởi lòng trung thành vời những quy định của Lề Luật, các ngài đi từ Bêlem lên Giêrusalem cùng với con trẻ Giêsu, khi ấy được bốn mươi ngày tuổi. Thay vì một con chiên con một tuổi, các ngài dâng lễ vật của những gia đình nghèo, là một cặp chim bồ câu non. Cuộc hành hương của Thánh Gia là một cuộc hành hương đức tin, dâng hy lễ, một biểu tượng của cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa, mà Mẹ Maria và cha thánh Giuse đã chiêm ngưỡng nơi Hài Nhi Giêsu, Con mình.
Việc chiêm ngưỡng Đức Kitô có khuôn mẫu vô song nơi Mẹ Maria. Dung mạo Chúa Con thuộc về Mẹ một cách đặc biệt, vì Người đã được hình thành trong chính cung lòng Mẹ, có những nét giống con người của Mẹ. Không ai đã dấn thân trong việc chiêm ngắm Đức Giêsu một cách tận tụy bằng Mẹ Maria. Cái nhìn tâm hồn của Mẹ đã tập trung vào Người ngay từ giây phút Truyền Tin, khi Mẹ thụ thai Người nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần; trong những tháng ngày sau đó, Mẹ cảm thấy sự hiện diện của Người mỗi ngày một gia tăng, cho đến ngày Giáng sinh của Người, khi mắt Mẹ có thể ngắm nhìn, bằng sự dịu hiền của người Mẹ, dung mạo người Con của Mẹ, trong khi bọc con trong tã vải và đặt trong máng cỏ.
Những kỷ niệm về Đức Giêsu, được in đậm trong tâm trí Mẹ, đánh dấu từng phút giây trong đời Mẹ. Mẹ sống với ánh nhìn chiêm ngắm Đức Kitô và Mẹ giữ kỹ từng lời của Người. Thánh Luca nói: “Về phần mình Mẹ Maria giữ tất cả những điều này, suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19) và theo cách này, ngài mô tả thái độ của Đức Mẹ trước Mầu Nhiệm Nhập Thể, một thái độ kéo dài suốt đời Mẹ: giữ kỹ tất cả những điều này, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Thánh sử Luca làm cho chúng ta biết tâm hồn và đức tin của Mẹ, (x. Lc 1,45), niềm hy vọng và sự vâng phục của Mẹ (x. Lc 1,38), trên hết là đời sống nội tâm và cầu nguyện của Mẹ (x. Lc 1,46-56) cùng sự tự nguyện gắn bó với Đức Kitô của Mẹ (x. 1,55).
Và tất cả những điều này phát sinh từ hồng ân Chúa Thánh Thần là Đấng ngự xuống trên Mẹ (x. 1,35) cũng như Người sẽ ngự xuống trên các Tông đồ theo lời hứa của Đức Kitô (x. Cv 1,8). Hình ảnh này của Đức Maria được thánh Luca trình bày cho chúng ta thấy Mẹ như một mẫu gương cho mọi tín hữu, những người yêu mến và so sánh lời nói của Chúa Giêsu với hành động của Người, một sự so sánh luôn dẫn đến sự thăng tiến trong việc hiểu biết về Chúa Giêsu hơn. Theo thánh Gioan Phaolô II (x. Tông thư Rosarium Virginis Mariae), chúng ta có thể nói rằng, lời cầu nguyện của Kinh Mân Côi được lấy mẫu từ Đức Maria, vì nó hệ tại ở việc chiêm ngắm những Mầu Nhiệm của Đức Kitô trong sự kết hợp tinh thần với Mẹ của Chúa.
Khả năng để sống nhờ việc chiêm ngắm Thiên Chúa của Đức Mẹ Maria, như Mẹ đã làm, là điều hay lây. Người đầu tiên có kinh nghiệm này là thánh Giuse. Tình yêu khiêm tốn và chân thành của thánh nhân đối với vị hôn thê của mình, và quyết định kết hợp đời mình với đời của Đức Maria, cũng đã lôi cuốn và dẫn đưa thánh nhân, “người công chính” (Mt 1,19), đi vào tương quan mật thiết đặc biệt với Thiên Chúa. Quả thật, cùng với Mẹ Maria – và trên hết, với Đức Giêsu – thánh Giuse đã bước vào một hành trình mới trong mối tương quan với Thiên Chúa, đón rước Chúa vào trong cuộc đời mình, tham gia vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, bằng cách thực thi thánh ý Thiên Chúa. Sau khi đã tín thác tuân theo những chỉ thị của sứ thần, “đừng sợ nhận Maria làm vợ”(Mt 1,20) – thánh Giuse đã nhận Đức Maria làm của mình và chia sẻ cuộc sống của mình đối với Đức Maria, thánh nhân thực sự đã tự hiến hoàn toàn cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu, và điều này đã dẫn thánh nhân tới việc đáp trả trọn vẹn với ơn gọi mà mình đã nhận được.
Như chúng ta biết, Tin Mừng không ghi lại một lời nào của thánh cả Giuse: Thánh nhân là một con người của tĩnh lặng, nhưng trung tín, hiện diện liên tục và tích cực. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng thánh Giuse, cũng như bạn trăm năm của mình, và trong sự hòa hợp mật thiết với Mẹ, sống những năm vui hưởng thời thơ ấu và niên thiếu của trẻ Giêsu, cùng sự hiện diện của Người trong gia đình các ngài. Thánh Giuse hoàn toàn làm tròn vai trò làm cha về mọi khía cạnh. Chắc chắn rằng thánh Giuse đã cùng Mẹ Maria giáo dục trẻ Giêsu trong việc cầu nguyện. Một cách đặc biệt, ngài đem trẻ Giêsu cùng đi với mình đến hội đường trong ngày Sabát, cũng như lên Giêrusalem vào những dịp đại lễ của dân Israel. Theo truyền thống Do Thái, chắc chắn thánh Giuse đã phải hướng dẫn gia đình cầu nguyện trong đời sống thường nhật, vào buổi sáng, buổi tối và bữa ăn, cũng như những cuộc cử hành đại lễ tôn giáo. Như vậy, trong nhịp điệu của tháng ngày qua đi tại Nadarét, giữa nơi cư ngụ đơn giản và xưởng mộc của thánh Giuse, con trẻ Giêsu đã học được cách hài hòa giữa cầu nguyện và lao động, và cũng học được cách dâng lên Thiên Chúa những lao nhọc trong việc kiếm lương thực cần thiết cho gia đình.
Và cuối cùng, một khung cảnh khác nữa mà chúng ta thấy Thánh Gia Nadarét đã quy tụ với nhau cầu nguyện: như chúng ta đã từng nghe, khi lên 12 tuổi, Đức Giêsu đã cùng cha mẹ đi lên Đền thờ Giêrusalem. Như thánh sử Luca nhấn mạnh, điều này xảy ra trong bối cảnh của cuộc hành hương: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2,41-42).
Việc đi hành hương chính là một cách diễn tả tôn giáo vừa được lời cầu nguyện nuôi dưỡng, lại vừa dưỡng nuôi cho việc cầu nguyện. Ở đây chúng ta đang nói về cuộc hành hương lễ Vượt Qua, và thánh sử đã cho chúng ta thấy rằng gia đình Đức Giêsu tham dự mỗi năm để các ngài có thể tham gia vào các nghi lễ trong Thành Thánh. Gia đình Do Thái, như gia đình Kitô giáo, cầu nguyện trong bầu không khí thân mật của ngôi nhà, mà cũng cầu nguyện với cộng đoàn – coi mình như phần tử của dân Thiên Chúa lữ hành – và cuộc hành hương diễn tả một cách chính xác việc dân Thiên Chúa đang trên một cuộc hành trình. Lễ Vượt Qua là trung tâm và tột đỉnh của tất cả, cùng liên quan đến chiều kích gia đình cũng như chiều kích Phụng vụ và thờ phượng công cộng.
Trong cảnh Đức Giêsu lên 12 tuổi, lời đầu tiên của Đức Giêsu cũng được ghi lại: “Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Sau ba ngày tìm kiếm, cha mẹ Người tìm thấy Người trong Đền thờ đang ngồi giữa các vị thầy vừa lắng nghe họ vừa hỏi họ những câu hỏi (x. Lc 2,46). Khi được hỏi tại sao Người đã làm điều ấy với cha và mẹ Người, Người trả lời rằng Người chỉ làm điều mà một người Con nên làm: đó là, được ở gần Chúa Cha. Bằng cách này, Người đã ám chỉ ai là Cha thật của Người, nhà thật của Người là gì, rằng Người đã không làm gì kỳ lạ hoặc không vâng lời. Người ở lại nơi mà Chúa Con đã ở, nghĩa là, gần Chúa Cha, và Người nhấn mạnh Cha của Người là ai.
Từ “Cha” là trọng tâm của câu trả lời này và toàn thể mầu nhiệm của Kitô học xuất hiện. Do đó, từ này mở ra mầu nhiệm; nó là chìa khóa của mầu nhiệm về Đức Kitô, Chúa Con là ai, và nó cũng mở ra chìa khóa về mầu nhiệm của chúng ta như những Kitô hữu — chúng ta là những người con trong Chúa Con. Đồng thời, Đức Giêsu dạy chúng ta làm thế nào để thành con cái – chính là bằng cách ở với Chúa Cha trong cầu nguyện. Mầu nhiệm của Kitô học, mầu nhiệm của đời Kitô hữu, là gắn bó mật thiết và được thiết lập trên cầu nguyện. Đức Giêsu một ngày nào đó sẽ dạy các môn đệ của Người cầu nguyện, bằng cách bảo họ: khi các con cầu nguyện, hãy thưa “Lạy Cha”. Dĩ nhiên, đừng chỉ nói bằng lời, mà nói bằng cuộc sống của mình, hãy học hơn bao giờ hết để nói với toàn thể con người của mình: “Lạy Cha”, do đó anh em sẽ thành những người con thật sự trong Chúa Con, những Kitô hữu đích thực.
Ở đây, khi Đức Giêsu vẫn còn hoàn toàn là một phần tử của đời sống của gia đình Nadarét, điều quan trọng cần lưu ý là sự vang dội mà việc nghe tiếng “Cha” từ miệng Đức Giêsu gây ra trong lòng Mẹ Maria và thánh Giuse, [nghe Người] mặc khải và nhấn mạnh Chúa Cha là ai, và nghe lời này phát ra từ miệng của Người trong ý thức của Con Một, Đấng trong câu chuyện này đã muốn ở lại ba ngày trong đền thờ, “nhà của Chúa Cha.”
Từ đó, chúng ta có thể tưởng tượng, cuộc sống trong Thánh Gia đã được tràn đầy hơn với lời cầu nguyện, vì từ trái tim của Trẻ Giêsu – và sau đó từ thiếu niên và thanh niên – ý nghĩa sâu sắc này của mối tương quan với Chúa Cha không ngừng tuôn ra, và được Đức Mẹ Maria và thánh Giuse suy nghĩ trong lòng. Cảnh này cho chúng ta thấy hoàn cảnh thật sự là bầu không khí được ở cùng Chúa Cha. Vì vậy, gia đình Nadarét là mô hình đầu tiên của Giáo hội, trong đó được tập họp chung quanh sự hiện diện của Đức Giêsu và nhờ sự hòa giải của Người – tất cả mọi người sống mối liên hệ con thảo cùng Chúa Cha, là điều cũng biến đổi các mối liên hệ giữa con người với nhau.
Các bạn thân mến, vì những khía cạnh khác nhau mà tôi đã vắn tắt vạch ra trong ánh sáng của Tin Mừng, Thánh Gia là biểu tượng của Giáo hội tại gia, là Giáo hội được mời gọi cùng nhau cầu nguyện. Gia đình là Giáo hội tại gia và phải là trường học cầu nguyện đầu tiên. Trong gia đình, trẻ em – từ tuổi thơ ấu nhất – có thể học cảm nhận về Thiên Chúa, nhờ sự dạy dỗ và gương sáng của cha mẹ: sống trong một bầu không khí được đánh dấu bởi sự hiện diện của Thiên Chúa. Một nền giáo dục Kitô giáo đích thực không thể không quan tâm đến kinh nghiệm về cầu nguyện. Nếu chúng ta không học cách cầu nguyện trong gia đình, thì sẽ khó mà lấp đầy được chỗ trống này. Và vì lý do này mà tôi muốn mời gọi anh chị em tái khám phá vẻ đẹp của việc cùng nhau cầu nguyện như một gia đình ở trường của Thánh Gia Nadarét. Bằng cách này, anh chị em sẽ thật sự trở nên đồng tâm nhất trí, một gia đình thật sự.
Trích từ: Tác phẩm “Cầu nguyện” của Đức Bênêđictô XVI
Bản dịch của Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Để lại một phản hồi