Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI – Bài 25: Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu

Trên Núi Cây Dầu, Đức Giêsu mang ý chí con người trở lại với lời “xin vâng” hoàn toàn cùng Thiên Chúa. Nơi Người, ý chí tự nhiên được hội nhập cách trọn vẹn vào chiều hướng mà Ngôi Vị Thiên Chúa ban cho nó.

Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 01.02.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 25: Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 01 tháng 02 năm 2012

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn nói về lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu tại Gétsêmani. Khung cảnh của trình thuật trong Tin Mừng về lời cầu nguyện này thật là đặc biệt quan trọng. Đức Giêsu đi đến Núi Cây Dầu sau Bữa Tiệc Ly, trong khi cùng các môn đệ cầu nguyện. Thánh sử Máccô thuật lại rằng: “Sau khi đã hát một bài thánh ca, các ngài ra đi đến Núi Cây Dầu” ( Mc 14,26).

Điều này chắc hẳn nói đến việc hát một số Thánh vịnh Ngợi khen Hallel Psalms ), những Thánh vịnh tạ ơn Thiên Chúa đã giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ và cầu xin Người giúp đỡ giữa những thử thách và đe dọa luôn luôn mới của thời đại. Con đường dẫn đến vườn Cây Dầu đầy những lời diễn tả của Đức Giêsu, làm cho người ta cảm nhận được cái chết của Người đã gần kề, và tiên báo việc phân tán của các môn đệ.

Khi đến khu vực Núi Cây Dầu, cũng trong đêm đó Đức Giêsu đã chuẩn bị cho việc cầu nguyện riêng. Nhưng lần này một điều gì mới lạ xảy ra: Người có vẻ như không muốn ở một mình. Thánh Máccô nói trong nhiều trường hợp Đức Giêsu thường tránh những đám đông và các môn đệ của Người, và ở lại “một nơi thanh vắng “ (x. Mc 1,35) hoặc lên “núi” ( Mc 6,46). Tuy nhiên, trong vườn Cây Dầu, Người đã bảo Phêrô, Giacôbê và Gioan ở gần với Người hơn. Các ông là những môn đệ được mời gọi ở cùng Người trên núi Biến Hình (x. Mc 9,2-13). Sự gần gũi này của ba ông khi Người cầu nguyện trong vườn Cây Dầu là điều đáng kể. Ngay cả đêm đó, Đức Giêsu sẽ cầu nguyện “một mình” với Chúa Cha, vì mối liên hệ của Người với Chúa Cha là mối liên hệ duy nhất và độc đáo: mối liên hệ của Con Một Chúa Cha. Quả thật, có thể nói rằng, suốt đêm ấy không ai có thể thực sự đến gần Chúa Con là Đấng đến với Chúa Cha trong căn tính độc nhất vô nhị của Người.

Tuy nhiên, dù Đức Giêsu đi “một mình” đến nơi mà Người đã dừng lại để cầu nguyện, muốn rằng ít ra là ba người trong các môn đệ ở gần đó, trong một mối tương quan gần gũi với Người hơn. Đó là một sự gần gũi về không gian, một yêu cầu liên đới trong lúc Người cảm thấy cái chết đã gần kề, nhưng nhất là một sự gần gũi trong cầu nguyện, để một cách nào đó, bày tỏ sự đồng cảm với Người, vào lúc Người chuẩn bị chu toàn thánh ý Chúa Cha cho đến cùng; và là một lời mời gọi mỗi môn đệ đi theo Người trên đường Thập giá. Ở đây thánh sử Máccô kể lại rằng: “Rồi Người đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức” ( Mc 14,33-34).

Trong những lời nói với ba ông này, một lần nữa, Đức Giêsu tự diễn tả bằng ngôn ngữ của Thánh vịnh: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” là một cụm từ của Thánh vịnh 43 ( Tv 43,5). Quyết tâm “đến nỗi chết được” nhắc đến một tình trạng được kinh nghiệm bởi rất nhiều sứ giả của Thiên Chúa trong Cựu Ước và được diễn tả trong lời cầu nguyện của họ. Quả thật, thông thường khi theo đuổi sứ vụ được Thiên Chúa trao phó có nghĩa là gặp phải thù nghịch, tẩy chay và bách hại. Ông Môsê đã cảm thấy một thử thách bi thảm khi ông dẫn dắt dân Israel trong hoang địa, và ông đã thưa cùng Thiên Chúa. “Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn, ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải khổ nữa!” ( Ds 11,14-15).

Ngay cả đối với ngôn sứ Êlia, việc phục vụ Thiên Chúa và dân Người không phải là dễ dàng. Sách I Các Vua kể lại: “Còn ông thì đi một ngày đường trong sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” ( 1V 19,4).

Những lời mà Đức Giêsu nói với ba môn đệ, những người mà Chúa muốn ở gần Chúa khi Người cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu, cho thấy Người cảm thấy sợ hãi và đau khổ thế nào trong “Giờ” này, sự cô đơn cuối cùng và sâu thẳm mà Người trải qua trong giờ phút mà kế hoạch của Thiên Chúa đang được thực hiện. Sự sợ hãi và thống khổ của Đức Giêsu gồm tóm tất cả sự kinh hoàng của con người trước cái chết của mình, sự chắc chắn của việc không thể tránh được nó và nhận thức được sức nặng của sự dữ đang ăn mòn sự sống của chúng ta.

Sau khi yêu cầu ba môn đệ ở lại đó canh thức trong cầu nguyện, “chỉ một mình” Đức Giêsu hướng về Chúa Cha. Thánh sử Máccô kể lại rằng: “Đi xa hơn nữa, Người sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được” ( Mc 14,35). Đức Giêsu sấp mình xuống đất, là một tư thế cầu nguyện diễn tả sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa, tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa. Cử chỉ ấy được lặp lại ở phần đầu của việc cử hành Cuộc Thương Khó vào Thứ Sáu Tuần Thánh, khi khấn dòng trong đan viện cũng như khi truyền chức phó tế, linh mục và giám mục, trong lời cầu nguyện và bằng cả thân xác, để diễn tả sự phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, sự tín thác mà người ta đặt nơi Chúa. Rồi Đức Giêsu xin Chúa Cha rằng, nếu có thể được, thì xin cho mình qua khỏi giờ này. Đó không chỉ là sự sợ hãi và thống khổ của một người trước khi chết, nhưng còn là một biến động nội tâm của Con Thiên Chúa, Đấng thấy sức nặng của sự dữ khủng khiếp mà Người phải tự mình gánh lấy để thắng vượt nó, để xóa bỏ quyền lực sự dữ.

Các bạn thân mến, trong cầu nguyện, chúng ta cũng thế, cần phải có khả năng mang đến trước Thiên Chúa những vất vả của mình, những đau khổ từ một số hoàn cảnh sống, một số ngày sống, và quyết tâm theo Người hàng ngày của mình, để làm các Kitô hữu, cùng cả sức nặng của sự dữ mà chúng ta nhìn thấy trong và chung quanh mình, để Người ban cho chúng ta hy vọng, làm cho chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Người, và ban cho chúng ta một tia sáng trên hành trình của cuộc sống.

Đức Giêsu tiếp tục cầu nguyện: “Abba! Cha ơi! Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo điều con muốn, mà làm điều Cha muốn!” ( Mc 14,36). Trong lời khẩn xin này, có ba đoạn được tỏ lộ. Trước hết có hai dụng ý trong lời mà Đức Giêsu thưa cùng Thiên Chúa: “Abba! Cha ơi!” ( Mc 14,36a). Chúng ta biết rằng từ Abba  là tiếng Aram, được một em bé dùng để gọi cha nó, và như thế, nó diễn tả mối liên hệ của Đức Giêsu với Chúa Cha, một mối liên hệ ân cần, yêu thương, tin tưởng và phó thác. Trong phần giữa của lời cầu khẩn là yếu tố thứ hai: ý thức về sự toàn năng của Chúa Cha – “Abba! Cha ơi! Cha làm được mọi sự” – giới thiệu một lời cầu xin mà trong đó một lần nữa bày tỏ thảm kịch của ý chí nhân loại nơi Đức Giêsu khi đối diện với cái chết và sự dữ: “Xin cất chén này xa con”. Nhưng chính câu nói thứ ba trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu là câu nói quyết định, trong đó ý chí nhân loại hoàn toàn tuân theo ý Chúa Cha. Quả thật, Đức Giêsu đã kết thúc bằng cách mạnh mẽ thưa rằng: “Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” ( Mc 14,36c). Trong sự hiệp nhất của Chúa Con với Ngôi Vị Thiên Chúa, ý muốn nhân loại tìm thấy sự thực hiện cách tròn đầy của nó trong việc phó thác “con” cho “Cha” của Chúa Cha, Đấng được gọi là Abba, một cách hoàn toàn.

Thánh Maximô Conffesor đã xác quyết rằng, từ giây phút tạo dựng con người nam nữ, ý chí của con người hướng về ý chí của Thiên Chúa và chính trong lời “xin vâng” với Thiên Chúa mà ý chí của con người được thật sự tự do hoàn toàn và được thể hiện. Chẳng may, vì tội lỗi, lời “xin vâng” này với Thiên Chúa đã biến đổi thành ngược lại: Ađam và Eva đã nghĩ rằng câu trả lời “không” với Thiên Chúa là tột đỉnh của tự do, là sự viên mãn của cuộc đời.

Trên Núi Cây Dầu, Đức Giêsu mang ý chí con người trở lại với lời “xin vâng” hoàn toàn cùng Thiên Chúa. Nơi Người, ý chí tự nhiên được hội nhập cách trọn vẹn vào chiều hướng mà Ngôi Vị Thiên Chúa ban cho nó. Đức Giêsu đã sống cuộc đời của Người theo trọng tâm của Ngôi Vị của Mình: là Con Thiên Chúa. Ý chí nhân loại của Người được lôi kéo vào việc cái “tôi” của Chúa Con, là Đấng phó thác hoàn toàn cho Chúa Cha.

Như thế, Đức Giêsu nói với chúng ta rằng chỉ trong việc làm cho ý muốn của mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, thì con người đạt được sự cao cả đích thực của mình, trở thành “thần linh”; chỉ khi ra khỏi chính mình, chỉ khi ở trong lời “xin vâng” với Thiên Chúa, thì ý muốn được hoàn toàn tự do của Ađam, cũng là của tất cả chúng ta, mới được hiện thực. Đó là điều Đức Giêsu đã làm tròn trong vườn Ghétsimani: qua việc chuyển ý muốn nhân loại sang ý muốn của Thiên Chúa, con người đích thực được sinh ra, và vì thế chúng ta được cứu chuộc.

Sách Toát Yếu Giáo Lý Giáo hội Công giáo dạy rõ ràng: “Trong cơn hấp hối nơi vườn Gétsêmani, cũng như qua những lời cuối cùng trên Thập giá, lời cầu nguyện của Đức Giêsu mặc khải thẳm sâu lời cầu nguyện trong tình con thảo của mình. Đức Giêsu chu toàn ý định yêu thương của Chúa Cha và mang lấy trên mình Người tất cả âu lo của nhân loại, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu của lịch sử cứu độ. Người dâng lên Chúa Cha, Ðấng đón nhận những lời cầu nguyện ấy và đáp lại một cách vượt quá điều mong đợi, qua việc làm cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại” [Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 543]. Quả thật, “không có chỗ nào khác trong Kinh Thánh chúng ta có thể nhìn sâu vào mầu nhiệm của Đức Giêsu bằng trong lời cầu nguyện trên Núi Cây Dầu” [cf.  Jesus of Nazareth , II, 2011, Ignatius Press, San Francisco, p. 157].

Anh chị em thân mến, mỗi ngày trong Kinh Lạy Cha chúng ta cầu xin Chúa, “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” ( Mt 6,10). Như thế, chúng ta nhìn nhận rằng có một ý muốn của Thiên Chúa với chúng ta và cho chúng ta, ý Thiên Chúa trong cuộc đời ta, mà càng ngày càng trở nên điểm tham chiếu của ý muốn chúng ta và của chính chúng ta. Qua đó chúng ta nhận ra rằng “trời” là nơi mà ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện, và rằng “đất” chỉ trở thành “trời” — là nơi có sự hiện diện của tình yêu, lòng nhân từ, chân lý và vẻ đẹp của Thiên Chúa — khi nào thánh ý Thiên Chúa được thể hiện dưới đất.

Trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha, trong đêm khủng khiếp và tuyệt vời ấy của Vườn Cây Dầu, “đất” đã trở thành “trời”; “đất” nơi ý chí nhân tính của Người, bị rúng động bởi sự sợ hãi và sầu khổ, đã được gánh lấy bởi ý chí của thiên tính, để ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện dưới đất. Và điều này cũng rất quan trọng trong lời cầu nguyện của chúng ta: chúng ta phải học cách càng ngày càng phó thác cho Sự Quan Phòng của Thiên Chúa, xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để thoát ly chính mình, để nói lại lời “xin vâng” của chúng ta, để lặp lại câu “xin cho ý Cha thể hiện”, để làm cho ý muốn của chúng ta phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, Đó là một lời cầu nguyện chúng ta phải xin mỗi ngày, vì không phải là luôn dễ dàng để phó thác chính mình cho thánh ý Thiên Chúa, để lặp lại lời “xin vâng” của Đức Giêsu, lời “xin vâng” của Mẹ Maria. Những trình thuật của Tin Mừng về vườn Gétsêmani cho thấy một cách đau đớn rằng ba môn đệ được Đức Giêsu chọn để ở gần Người, không thể tỉnh thức với Người để chia sẻ lời cầu nguyện của Người, trong việc gắn bó của Người với Chúa Cha, và các ông đã bị giấc ngủ đè bẹp. Các bạn thân mến, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta khả năng tỉnh thức với Chúa trong cầu nguyện, thực thi thánh ý Thiên Chúa mỗi ngày, ngay cả khi Người nhắc đến Thập giá, để sống trong sự mật thiết ngày càng gia tăng với Chúa, để mang xuống trên “đất” một chút “trời” của Thiên Chúa.

Trích từ: Tác phẩm “Cầu nguyện” của Đức Bênêđictô XVI

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*