Đức Thánh Cha Phanxicô thăm hữu nghị tổng thống và thủ tướng Singapore

Sáng thứ Năm ngày 12/9, ngày thứ hai chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Singapore. Vào lúc 8 giờ 35’ giờ địa phương, từ Trung tâm tĩnh tâm “Thánh Phanxicô Xaviê”, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Toà nhà Quốc hội, cách đó khoảng 20,5 km, để gặp tổng thống và thủ tướng Singapore.

Toà nhà Quốc hội

Toà nhà Quốc hội

Toà nhà Quốc hội của Singapore còn được gọi là Toà nhà Quốc hội mới, nằm ở trung tâm thành phố, gần sông Singapore và gần các toà nhà chính phủ khác. Ra đời để giải quyết những vấn đề về không gian của vị trí cũ, cấu trúc toà nhà bao gồm ba khối mới.

Toà nhà này không chỉ là nơi diễn ra các cuộc tranh luận của quốc hội, nhưng còn là trung tâm nghiên cứu và gặp gỡ của các thành viên quốc hội, đồng thời là nơi được các sinh viên và công chúng quan tâm.

Lối vào chính có hàng cọ dọc hai bên cùng với đài phun nước. Khu phức hợp mới còn bao gồm khán phòng 170 chỗ ngồi, một thư viện, một dãy các phòng họp, và các loại phòng khác. Bãi đậu xe dưới lòng đất để lại không gian phía trên với cảnh tươi đẹp và khu vườn rộng 2.770 m2.

Đức Thánh Cha tại Toà nhà Quốc hội

Nghi thức đón tiếp Đức Thánh Cha

Vào lúc 9 giờ, Thánh Cha đến Toà nhà Quốc hội và được Tổng thống Cộng hoà chào đón để dự lễ nghi đón tiếp chính thức, với tất cả các nghi thức ngoại giao.

Nghi thức đón tiếp được bắt đầu bằng tiếng kèn chào mừng của đoàn quân nhạc. Sau đó, đoàn quân nhạc lần lượt trỗi quốc thiều của Vatican và Singapore.

Hiện diện trong nghi thức tiếp đón này có các đại diện của chính phủ Singapore và phái đoàn của Tòa Thánh cũng như các lãnh đạo Giáo hội tại Singapore.

Sau nghi thức chào cờ, Tổng thống giới thiệu phái đoàn chính phủ Singapore. Tiếp đó là phái đoàn của Vatican.

Sau lễ nghi đón tiếp chính thức, Đức Thánh Cha dùng thang máy lên Phòng Temasek để hội kiến riêng với Tổng thống, và sau đó với Thủ tướng Singapore .

Tổng thống Singapore

Đức Thánh Cha và Tổng thống

Tổng thống Cộng hoà Singapore là ông Tharman Shanmugaratnam, sinh năm 1957. Ông đã hoàn thành các chương trình học chuyên ngành về kinh tế, quản trị công. Ông trở thành thành viên của Đảng Hành động Nhân dân vào năm 2001. Trước khi được bầu làm Tổng thống Singapore với vòng đầu tiên với hơn 70% phiếu thuận, ông Shanmugaratnam đã từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng và sau đó là Thủ tướng.

Thủ tướng Sinpapore

Thủ tướng Singapore là ông Wong Shyun Tsai, sinh năm 1972 tại Singapore. Ông đã tốt nghiệp ngành kinh tế và quản trị công. Trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào ngày 15/5 vừa qua, ông Wong đã giữ một số các chức vụ như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore. 

Sau khi hội kiến riêng với Tổng thống và Thủ tướng, vào lúc 10 giờ 15’, Đức Thánh Cha đến Nhà hát của Trung tâm Văn hoá Đại học của “Đại học Quốc gia Singapore” cách đó khoảng 10 km để gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Đức Thánh Cha gặp cựu Thủ tướng Singapore

Đức Thánh Cha Phanxicô và cựu Thủ tướng

Sau khi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha trở lại Trung tâm tĩnh tâm “Thánh Phanxicô Xaviê”. Tại đây vào lúc 12 giờ, ngài gặp riêng cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) và gia đình.

Cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long, con trai Thủ tướng đầu tiên của đất nước, Lý Quang Diệu, sinh năm 1952 tại Singapore. Ông đã tốt nghiệp chuyên ngành toán học và hành chính công. Trước khi tham gia chính trường, ông phục vụ trong lực lượng vũ trang của đất nước, đạt cấp bậc thiếu tướng. Ông trở thành thành viên của Đảng Hành động Nhân dân năm 1984. Ông Lý Hiển Long làm Thủ tướng Singapore trong ba nhiệm kỳ, 2010, 2015 và 2020.

Ông Lý Hiển Long được biết đến là người đã lãnh đạo Singapore chuyển mình thành cường quốc tài chính quốc tế và điểm du lịch hàng đầu. Xuất thân trong gia đình làm chính trị và xây dựng được hình ảnh thân thiện, uyên bác, ông Lý được nhiều người dân Singapore yêu mến. Ông đứng đầu trong bảng xếp hạng khảo sát chính trị gia được ủng hộ nhiều nhất và khu vực bầu cử của ông luôn nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong các cuộc bỏ phiếu.

Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long được ghi nhận giúp lèo lái đất nước vượt qua một số cuộc suy thoái, khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19. Với tầm nhìn của người đứng đầu đất nước, ông Lý Hiển Long đã giúp đảo quốc sư tử khẳng định được vị thế của mình khi là nơi đặt trụ sở châu Á của các tập đoàn đa quốc gia, thu hút vốn đầu tư khổng lồ từ các nhà tư nước ngoài.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*