“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22
Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.
Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.
Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.
2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.
3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.
Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16
“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.
Trích thư gửi tín hữu Do Thái.
Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 1Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 35-45
“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Ðó là lời Chúa.
BÀI 1: ANH EM KHÔNG NHƯ THẾ
Suy Niệm
Xem ra Nhóm Mười Hai, nhóm môn đệ nòng cốt,
lại là những người có nhiều tham vọng về quyền lực.
Sau khi Thầy Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ hai,
họ đã tranh cãi xem ai là người lớn nhất (Mc 9,33-34).
Sau khi Thầy loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ ba,
họ lại bất hòa về chuyện ghế ngồi (Mc 10,35-41).
Thầy Giêsu không dạy học trong lớp, với phấn và bảng.
Thầy dạy từ những chuyện xảy ra hàng ngày trong nhóm.
Từ những chuyện không vui,
Thầy uốn nắn các môn đệ với một sự tinh tế lạ lùng
và một sự kiên nhẫn đáng thán phục.
Giacôbê và Gioan là hai môn đệ được Thầy ưu ái.
Cùng với Phêrô, họ làm nên một bộ ba đặc biệt.
Chỉ họ có mặt khi Thầy hoàn sinh con ông Gia-ia,
và khi Thầy biến hình trên núi (Mc 5,37; 9,2).
Sau này chỉ họ được theo sát Thầy ở Vườn Dầu (Mc 14,33).
Phải chăng vì thế mà họ muốn vận động
để xin Thầy những chỗ ngồi cao hơn anh em?
Có vẻ họ theo Thầy vì mong Thầy lên làm vua,
để được Thầy chia sẻ vinh quang và quyền lực.
Rõ ràng họ xa lạ với con đường hẹp mà Thầy sắp đi.
Họ còn đứng ngoài, chưa vào được thế giới của Thầy.
Tuy buồn, nhưng Thầy vẫn điềm đạm khi hỏi:
“Các anh muốn Thầy làm cho các anh điều gì?”
Thầy vẫn tự chủ và bao dung khi trách mắng:
“Các anh không biết các anh xin gì?”
Thầy không đáp lại ngay lời xin ngồi hai bên tả hữu,
nhưng lại đưa ra một thách đố cho hai ông:
“Các anh có dám uống chung một chén với Thầy,
và chịu chung một phép rửa với Thầy không?”
Chén ấy là chén đắng của khổ nhục và cái chết
khiến Thầy hãi hùng xao xuyến (Mc 14,36).
Chén ấy là chén máu Thầy trên bàn Tiệc Ly,
khi Thầy trao cho các môn đệ cùng uống (Mc 14,23-24).
Phép rửa là cuộc Khổ nạn Thầy sắp chịu.
Thầy Giêsu mời hai ông cùng chịu phép rửa với Thầy,
cùng Thầy được dìm mình xuống nước,
nghĩa là cùng Thầy trải qua cái chết khổ đau.
Hai môn đệ mơ chỗ cao khi Thầy làm vua ở trần gian.
Nhưng Thầy Giêsu chẳng bao giờ làm vua ở đời này.
Vào ngày tận thế, Ngài sẽ ngự đến như một vị Vua
ngự trên ngai vinh quang trong Nước Thiên Chúa.
Lúc đó nhóm Mười Hai là những kẻ theo Ngài
cũng sẽ ngự trên ngai do Chúa Cha chuẩn bị (Mt 19,28).
Thầy Giêsu chẳng những dạy Giacôbê và Gioan,
Thầy còn dạy cho cả Nhóm Mười Hai cách lãnh đạo.
Có cách lãnh đạo của các người làm lớn ngoài đời.
Họ dùng uy, dùng quyền mà thống trị và cai quản dân.
“Nhưng giữa anh em, thì không như vậy !”
Có một kiểu lãnh đạo khác trong cộng đoàn tín hữu,
lãnh đạo kiểu phục vụ cho anh chị em.
Người làm lớn, làm đầu thì phải là đầy tớ cho mọi người.
Như thế Thầy Giêsu đã cho ta thấy hình ảnh
của Hội thánh mà chúng ta cần xây dựng.
Nơi đây trẻ em được đón tiếp, phụ nữ được tôn trọng.
Nơi đây không có tham vọng về quyền lực, chức tước,
vì biết rằng tất cả chỉ là phương tiện để phục vụ.
Nơi đây có những mục tử tận tụy,
và dám hiến mạng sống mình cho đàn chiên.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tính hiệp hành.
Ngài mời mọi thành phần dân Chúa cùng nhau lắng nghe,
đối thoại, cầu nguyện và phân định,
can đảm để nói, khiêm tốn để nghe, vượt qua mọi thành kiến.
Nhờ đó Hội Thánh có được sự hiệp nhất và niềm vui,
lôi kéo được nhiều người đến gia nhập.
Cầu Nguyện
Lạy Thiên Chúa,
nơi con có biết bao ước mơ,
bao khát vọng mong chờ.
Có những ước mơ đã thành hiện thực.
Cũng có những ước mơ mãi chưa tròn.
Nhưng dù được toại nguyện hay không,
con vẫn luôn hy vọng nơi Chúa.
Con biết rằng Chúa chẳng bao giờ để con một mình,
và thế nào Chúa cũng vuông tròn những điều Chúa hứa.
Ngay cả khi mọi chuyện có vẻ không đi theo đường của con,
con tin chúng vẫn đi theo đường của Chúa,
và rốt cuộc đường của Chúa là đường tốt nhất cho con.
Lạy Chúa, xin củng cố niềm hy vọng nơi con,
nhất là khi những ước mơ của con không thành hiện thực.
Xin cho con đừng quên rằng
Tên của Chúa là Tình Yêu. Amen.
(Henry Nouwen)
BÀI 2: ĐẦY TỚ VÀ NÔ LỆ
Suy Niệm
Ghế tượng trưng cho địa vị, quyền lực và quyền lợi,
nên ghế là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Ghế trưởng phòng, ghế giám đốc, ghế đại biểu…
Tất cả nỗ lực dồn vào việc có một ghế,
sau đó là giữ ghế, hay tìm cách lên ghế cao hơn.
Ngay cả những người đã bỏ mọi sự để theo Chúa
cũng bị ám ảnh bởi những chiếc ghế danh dự.
Chính lúc Ðức Giêsu nói đến cái chết gần kề của mình,
thì Gioan và Giacôbê lại xin được ngồi hai bên tả hữu.
Có vẻ họ không bắt được tần số của Thầy!
Thanh tẩy mình khỏi tội lỗi không khó lắm.
Nhưng thanh tẩy mình khỏi nhân đức và công trạng của mình
thì khó hơn bội phần.
Hai môn đệ đã từ bỏ những điều rất cao quý,
nhưng bây giờ lại muốn kiếm chút lợi lộc
từ chính sự từ bỏ và phục vụ của mình.
Họ dám lên tiếng đòi hỏi Ðức Giêsu:
"Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con điều chúng con xin."
Thái độ bực tức của mười môn đệ còn lại
có thể bắt nguồn từ một sự ganh tỵ ngấm ngầm.
Nhiều môn đệ cũng ước mơ hai ghế tả hữu.
Ðức Giêsu kéo hai ông ra khỏi tham vọng và đam mê
để đưa họ trở về với thực tại gai góc sắp đến.
Họ muốn được chung phần với Ngài trong vinh quang,
nhưng liệu họ có dám thông phần với Ngài trong đau khổ?
Uống chung chén đắng Thầy sắp uống,
chịu chung phép Rửa Thầy sắp chịu
là chấp nhận bị dìm sâu xuống dòng nước khổ đau.
Thật ra được ngồi hai bên tả hữu Thầy trong vinh quang
đâu phải là phần thưởng để trả công cho người bền chí.
Trung tín theo Chúa đến cùng đã là phần thưởng rồi.
Chúng ta không giữ đạo để đòi một chỗ thật cao,
nhưng mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa.
Người đứng đầu, người làm lớn, người có quyền
thường dễ có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách.
Chức vụ và quyền lực trở thành phương tiện phục vụ bản thân.
Ðó là lối lãnh đạo dễ thấy nơi người đời.
Ðức Giêsu không chấp nhận chuyện đó nơi Hội Thánh:
"Nơi anh em thì không như vậy."
Ngài đề xướng một lối lãnh đạo mới.
Ai muốn làm lớn, làm đầu trong Hội Thánh
phải trở nên đầy tớ và nô lệ cho mọi người.
Ðức Giêsu mời chúng ta làm một cuộc cách mạng lớn,
không phải chỉ là đổi ngôi, mà là đổi lòng.
Tận diệt trong tim những tham vọng ăn trên ngồi trước.
Ðức Giêsu không ủng hộ một xã hội hay Giáo Hội vô tổ chức,
nhưng Ngài coi lãnh đạo là khiêm nhường phục vụ.
Phục vụ là động từ tóm kết toàn bộ đời Ðức Giêsu.
Ngài đến trần gian để phục vụ, sống như người phục vụ,
và chết như dấu chứng lớn nhất của phục vụ trong yêu thương.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Ðức Giêsu chết để chuộc ta khỏi cảnh nô lệ. Ngài tự nguyện trở nên nô lệ để giải phóng ta. Theo bạn, con người hôm nay vẫn nô lệ cho những điều gì? Ðâu là những hình thức nô lệ mới của thế kỷ 21?
2. “Lãnh đạo là phục vụ”. Câu này khá quen thuộc với chúng ta. Bạn nghĩ sống khẩu hiệu này có khó không? Tại sao?
Cầu Nguyện
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Để lại một phản hồi