Mùa Xuân trong Kinh Thánh

Mùa xuân mời gọi ta hãy đến với Chúa để được Người giải thoát khỏi mọi hình thức nô lệ đang kìm kẹp ta. Mùa xuân cũng nhắc nhớ ta về những ân phúc Người đã không ngừng ban tặng để ta biết sống trong tâm tình cảm tạ mỗi ngày.

Mùa Xuân là nụ cười của thiên nhiên, là ánh mắt dịu dàng của đất trời” (Victor Hugo). Thật vậy, khi xuân đến, cảnh sắc thiên nhiên trở nên sống động, đầy màu sắc và mang sức sống mãnh liệt. Bầu trời mùa xuân trong xanh. Những đám mây trắng bồng bềnh trôi nhẹ. Ánh nắng xuân dịu dàng rải vàng trên từng ngọn cỏ, cành cây, làm bừng lên vẻ tươi mới của vạn vật. Những loài hoa thi nhau khoe sắc: hoa đào hồng thắm, hoa mai vàng rực, cúc họa mi trắng tinh khôi… Tiếng chim ríu rít tạo nên khúc nhạc xuân vui tươi, rộn rã. Cảnh sắc của mùa xuân tạo nên một bức tranh đa sắc đa màu. Mùa xuân không chỉ đẹp nơi cảnh vật mà còn đẹp nơi lòng người. Đó là những mỹ từ mà các nhà văn, nhà thơ và những nghệ sĩ diễn tả về mùa xuân. Thế còn trong Kinh Thánh, mùa xuân đã được diễn tả như thế nào ? Ở đây chỉ xin nêu lên ba đặc điểm nổi bật về ý nghĩa của mùa xuân.

Thứ nhất, mùa xuân mời gọi con người loại bỏ các hình thức nô lệ để sống niềm vui được giải thoát. Cuộc sống con người tuy đẹp “như đoá hồng tươi nở giữa mùa xuân, như cây huệ mọc bên bờ nước, tựa chồi non Li-băng giữa mùa hè” (Hc 50,8), nhưng vẫn thường bị vây quanh bởi những hình thái của nô lệ, mà “sự nô lệ tồi tệ nhất là nô lệ tinh thần – khi một người bị ràng buộc bởi nỗi sợ và sự vô minh” (Johann Wolfgang von Goethe). Sống trong cảnh nô lệ bên Ai Cập, dân Chúa cần điều gì nhất nếu không phải là sự giải thoát. Tác giả sách Diễm Ca đưa ra lời kêu gọi thiêng liêng mà Thiên Chúa gửi đến Israel:

Dậy đi em, bạn tình của anh,

người đẹp của anh, hãy ra đây nào !

Tiết đông giá lạnh đã qua,

mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.

Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây.

Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta” (Dc 2,10-12)

Hãy thức dậy để chạy trốn khỏi chế độ nô lệ ở Ai Cập. Mùa đông tiết lạnh và mùa mưa của nô lệ đã qua. Bây giờ là thời khắc của mùa xuân, mùa của giải thoát. Đối với các Kitô hữu sơ khai,“tiết đông giá lạnh, mùa mưa đã dứt”còn có nghĩa là sự chấm dứt thời của Luật Cựu ước vốn nghiêm ngặt để mở ra thời của Tin Mừng. Các tông đồ, các vị tử đạo, các thánh mọc lên như những bông hoa trên cánh đồng mới của Giáo hội.

Thêm vào đó, mùa đông cũng được hiểu là thời gian Chúa Giêsu chịu khổ nạn, còn mùa xuân nở hoa được ví như sự Phục sinh của Ngài. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu chính là mùa xuân giải thoát khỏi thần chết, đem lại sự sống vĩnh cửu và niềm hy vọng vô biên cho nhân loại. Như thế, đặc tính đầu tiên của mùa xuân chính là nói về sự giải thoát con người khỏi mọi hình thức nô lệ, khổ đau và sự chết.

Thứ hai, mùa xuân là thời khắc Thiên Chúa ban ơn phúc cho vạn vật và con người. Thật vậy, vào mùa xuân, đất nước Israel thỉnh thoảng mới có cơn mưa, gọi là mưa xuân. Nơi một đất nước mà phần lớn là đồi núi và hay gặp hạn hán, thì các trận mưa xuân thật quý giá biết bao. Tác giả sách Châm ngôn nhấn mạnh ý nghĩa thiêng liêng của mưa xuân như hồng ân Thiên Chúa : “Ơn vua ban xuống như mây đổ mưa xuân” (Cn 16,15). Thật khó có thể tìm thấy một hình tượng nào đem lại sự sống cho mùa màng, cho cây cối cho bằng mưa xuân.

Đối với Osê, ân phúc của Chúa không còn là cái gì đó chung chung nhưng là chính sự sống Người trao tặng cho nhân loại:

Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống ;

ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy,

và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người” (Os 6,2)

Trước hồng ân lớn lao ấy, thái độ của thụ tạo phải là nhận biết Thiên Chúa và nhận ra tác động của Người:

Chúng ta phải biết Đức Chúa, phải ra sức nhận biết Người ;

như hừng đông mỗi ngày xuất hiện,

chắc chắn thế nào Người cũng đến.

Người sẽ đến với chúng ta như mưa rào,

như mưa xuân tưới gội đất đai” (Os 6,3)

Mưa xuân là ơn Chúa ban không những để đổi mới và phục hồi đất đai hoa màu, mà còn là sự sống Người trao ban cho con người. Ân phúc Thiên Chúa ban là đặc điểm thứ hai mà tác giả Kinh Thánh đề cập tới khi quảng diễn về ý nghĩa của mùa xuân.

Thứ ba, mùa xuân biểu lộ sự trung tín của Thiên Chúa đối với dân Người. Khi Thiên Chúa ban ơn, là Người luôn thành tín giữ giao ước đã ký kết với con người.

Nếu các ngươi thật sự vâng nghe những mệnh lệnh Ta truyền cho các ngươi hôm nay, mà yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, và phụng thờ Người hết lòng hết dạ, thì Ta sẽ ban mưa cho đất các ngươi đúng mùa, mưa đầu mùa và mưa cuối mùa, và các ngươi sẽ thu hoạch lúa mì, rượu mới và dầu tươi của các ngươi” (Đnl 11,13-14)

Trước sự thành tín của Chúa, thái độ của con người phải là vui mừng hoan hỷ :

Hỡi con cái Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ

vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em,

chính Người đã ban cho anh em mưa đầu mùa

bởi vì Người thành tín” (Ge 2,23).

Không những thế, con người còn được mời gọi trở thành những “hạt mưa xuân” cho anh chị em mình. Ông Gióp là một ví dụ điển hình. Ông nhớ lại những tháng ngày ông sống bên Chúa và có Chúa ở với ông, ông đã trở thành niềm hy vọng cho các thanh niên, cho các vị cao niên cùng các thủ lãnh. “Họ chờ đợi tôi (ông Gióp) như chờ đợi mưa rào, mở miệng ra như để đón mưa xuân” (G 29,23). Khi có Chúa, người ta sẽ trở nên mùa xuân hy vọng cho người khác. Như vậy, con người có hoan hỷ và đem được niềm hy vọng cho người khác chính là nhờ sự trung tín của Thiên Chúa. Sự trung tín của Thiên Chúa là đặc điểm thứ ba mà tác giả sách Thánh dùng để chỉ ý nghĩa của mùa xuân.

Tóm lại, lần giở những trang Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy rằng mùa xuân không chỉ mang ý nghĩa vật chất, đem lại sự tươi mới cho đất đai hoa màu, mà còn chứa đựng giá trị tâm linh sâu sắc: sự giải thoát, ân phúc và sự trung tín. Tất cả đều đến từ Thiên Chúa: chính Người là mùa xuân giải thoát con người khỏi mọi hình thức nô lệ, ban ơn phúc tràn đầy trên vũ trụ, vì Người là Thiên Chúa trung tín dẫu con người nhiều phen bội bạc.

Mùa xuân mời gọi ta hãy đến với Chúa để được Người giải thoát khỏi mọi hình thức nô lệ đang kìm kẹp ta. Mùa xuân cũng nhắc nhớ ta về những ân phúc Người đã không ngừng ban tặng để ta biết sống trong tâm tình cảm tạ mỗi ngày. Đồng thời, mỗi người “hãy sống như mùa xuân, luôn sẵn sàng nở rộ bất chấp những cơn mưa” (Albert Camus) để trao cho đời một lời hy vọng, một con đường hy vọng và những dấu chỉ của hy vọng trên con đường lữ hành tiến về Mùa Xuân Vĩnh Cửu (x. Sắc lệnh Spes Non Confundit của Đức Giáo Hoàng Phanxicô).  

Lm. Giuse Nguyễn Xuân Phúc

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*