Để chuẩn bị cho Ngày Thế giới Truyền giáo sắp tới, Chúa Nhật 23/10, vào ngày 06/01, lễ Chúa Hiển Linh, Đức Thánh Cha đã gửi Sứ điệp có chủ đề “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Và trong thời gian qua, Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo (POM) đã đưa ra nhiều sáng kiến cho việc cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo.
Trong Sứ điệp, trước khi đi vào nội dung lời nhắn nhủ trên đây của Chúa Kitô cho các môn đệ, được nói đến trong sách Tông đồ Công vụ, Đức Thánh Cha nhắc đến ba kỷ niệm quan trọng trong năm 2022 này: kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Truyền bá Đức tin, nay là Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, 200 năm thành lập Hội Truyền bá Đức tin, Hội Thánh Nhi, và Hội thánh Phêrô Tông đồ, sau cùng là kỷ niệm 100 năm nâng ba hội này lên hàng Hội “Giáo hoàng”.
Đức Thánh Cha lần lượt diễn giải ý nghĩa của ba yếu tố tóm gọn ba nền tảng của đời sống và sứ vụ của các môn đệ: “Anh em sẽ là chứng nhân về Thầy”, “Cho đến tận cùng trái đất”, và “anh em sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần”.
Về yếu tố thứ nhất, “Anh em sẽ là chứng nhân về Thầy”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là điểm chủ yếu, là trung tâm giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ, đứng trước sứ vụ của họ trên thế giới. Tất cả các môn đệ sẽ là chứng nhân của Chúa Giêsu, nhờ Thánh Thần mà họ sẽ nhận lãnh, dù họ đi đâu hay ở đâu. Ngài viết: “Cũng như Chúa Kitô là vị đầu tiên được sai đi, nghĩa là thừa sai của Chúa Cha (Ga 20,21), và với tư cách đó, Người là “chứng nhân trung thành” (Kh 1,5). Cũng vậy, mỗi Kitô hữu được kêu gọi trở thành thừa sai và chứng nhân của Chúa Kitô. Giáo hội, cộng đồng các môn đệ của Chúa Kitô, không có sứ mạng nào khác ngoài việc loan báo Tin mừng cho thế giới, làm chứng về Chúa Kitô”.
Giải nghĩa yếu tố nền tảng thứ hai, “cho đến tận cùng trái đất”, Đức Thánh Cha nhắc rằng các môn đệ đầu tiên mở rộng sứ vụ truyền giáo theo sự hướng dẫn quan phòng của Chúa chứ không với mong muốn chiêu dụ tín đồ. Khi bị bắt bớ, họ mang Tin Mừng đến những miền đất mới. Loan báo Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất”, theo Đức Thánh Cha, đây cũng là thách đố đối với các Kitô hữu ngày nay trong việc loan báo Chúa Kitô cho những người chưa gặp Chúa.
Điểm cuối cùng, “anh em sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần”. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng cũng như “không ai có thể nói ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu không được Thánh Thần tác động (1 Cr 12,3), không Kitô hữu nào có thể làm chứng trọn vẹn và chân thực về Chúa Kitô, nếu không được Thánh Thần giúp đỡ. Vì thế, mỗi môn đệ thừa sai của Chúa Kitô được kêu gọi nhìn nhận tầm quan trọng cơ bản tác động của Chúa Thánh Thần, sống với Chúa trong đời sống thường nhật và liên tục lãnh nhận sức mạnh và sự soi sáng từ Chúa. Đúng hơn, chính trong lúc ta cảm thấy mệt mỏi, thiếu nghị lực, lạc hướng, chúng ta hãy nhớ chạy đến cùng Thánh Thần trong kinh nguyện, Đấng có một vai trò chủ yếu trong đời sống truyền giáo, và để cho mình được Chúa bồi dưỡng, củng cố. Thánh Thần như là nguồn mạch thần linh không bao giờ cạn của năng lượng và niềm vui mới mẻ trong việc chia sẻ sự sống của Đức Kitô cho người khác”.
Sáng kiến truyền giáo
Theo tinh thần Sứ điệp của Đức Thánh Cha, trong thời gian qua, Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo (POM) đã đưa ra nhiều sáng kiến cho việc cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo.
Giáo hội Mông Cổ
Cụ thể, Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo đã hỗ trợ để văn phòng mục vụ của Hạt phủ doãn Tông toà Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ, được thiết lập và tiếp tục hoạt động. Hiện nay, tại văn phòng này có ba nữ giáo dân người Mông Cổ đang làm việc trong các hoạt động điều phối và tổ chức các lớp đào tạo giáo lý viên, các lớp giáo lý, dịch các tài liệu Giáo hội sang tiếng Mông Cổ, chuẩn bị các buổi gặp gỡ của cộng đoàn Công giáo trong Hạt phủ doãn, và quản lý các hoạt động về truyền thông.
Trên đây là một trong nhiều hoạt động của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo trong thời gian qua. Tổ chức này cam kết bảo đảm và hỗ trợ đời sống và cơ cấu của các Giáo hội địa phương, đặc biệt các Giáo hội trẻ và đang trong quá trình ổn định, trong các lãnh thổ thuộc Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc.
Tại Mông Cổ, cô Chamingerel, với tên rửa tội là Rufina, đang là người điều phối của văn phòng mục vụ, chia sẻ: “Chúa Giêsu đã mở mắt và con tim tôi. Văn phòng là một điểm kết nối cho tất cả các giáo xứ và các nhà truyền giáo, tất cả đang trên đường để xây dựng Nước Chúa giữa lòng châu Á”. Giống như Chamingerel, có hàng ngàn thanh niên, thiếu nhi, giáo lý viên, linh mục đã nhận được sự hỗ trợ trong hành trình đức tin và trong hoạt động mục vụ từ Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Nhờ mạng lưới ở các quốc gia, trong những ngày này, Tổ chức đã và tiếp tục chuẩn bị các sáng kiến nâng cao nhận thức về Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 96, sẽ được cử hành vào Chúa nhật 23/10 tới đây.
Hoạt động truyền giáo hướng đến mọi nơi
Đức Tổng Giám Mục Giovanni Pietro Dal Toso, Chủ tịch Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo giải thích: “Trong các quốc gia và các hoàn cảnh khác nhau, mỗi văn phòng giám đốc thúc đẩy linh hoạt truyền giáo. Ngày nay, công cuộc truyền giáo không chỉ hướng đến các quốc gia ở xa, nhưng ở khắp mọi nơi và theo mô hình vòng tròn, không còn chỉ liên kết với chuyển động bắc nam của thế giới. Hơn nữa, hoạt động truyền giáo ngày càng sử dụng nhiều các gia đình và các giáo dân thừa sai, như một hồng ân và nguồn lực cho các Giáo hội địa phương. Sứ vụ loan báo Tin Mừng không còn là đặc quyền của các linh mục, tu sĩ, nhưng dành cho tất cả các tín hữu trong mọi hoàn cảnh sống. Bởi vì mỗi người đã được rửa tội là một thừa sai”.
Nhằm giúp tinh thần chia sẻ đức tin nơi các tín hữu luôn được sống động và khẩn trương, Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo đã đưa ra một số sáng kiến:
Ở Nigeria, để giúp mọi thành phần tín hữu dễ dàng tiếp cận Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo, Tổ chức đã hỗ trợ dịch tài liệu sang bốn ngôn ngữ địa phương.
Ở Thuỵ Sĩ, với trọng tâm “các vị thánh ở ngay cửa nhà”, Tổ chức đã phát động sáng kiến “tìm Pauline”, để các tín hữu nhận ra những người đang sống theo mẫu gương của Pauline Jaricot, vị sáng lập “Hội Truyền bá Đức tin”, tiền thân của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, người vừa được phong chân phước tại Lyon bên Pháp vào ngày 22/5 vừa qua.
Ở Colombia, tạp chí truyền giáo địa phương tổ chức các buổi hội thảo về sự linh hoạt dành cho thiếu nhi, thanh thiếu niên, thanh niên, chủng sinh.
Giáo hội Đông Timor
Ở Đông Timor, quốc gia châu Á nhỏ bé, hoạt động truyền giáo năm nay hướng đến việc nâng cao nhận thức quan tâm đến các nhà tù, bệnh viện, nhà dưỡng lão. Cha Bento Barros Pereira, Giám đốc của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ở Đông Timor cho biết, sáng kiến truyền giáo này được kéo dài trong hai năm. Năm nay, sáng kiến đặc biệt nhắm đến các bạn trẻ, các trẻ em của Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo. Khẩu hiệu của chiến dịch năm nay được lấy cảm hứng từ lời Chúa “Hãy để trẻ em đến với Thầy, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Mc 10,14)
Chương trình cử hành bao gồm Thánh lễ, cầu nguyện với chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể. Các buổi gặp gỡ được chia thành nhiều phiên, mỗi phiên được hướng dẫn bởi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đông Timor, Đức cha Norberto de Amaral, một số giám đốc giáo phận và cha Bento Barros Pereira.
Chiến dịch cũng bao gồm các cuộc triển lãm dành riêng cho các em của Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo và cho Chân phước Pauline Jaricot. Những trải nghiệm “trong cánh đồng” đã có tác động lớn đến các tham dự viên khi họ đến thăm các địa điểm truyền giáo đặc biệt như nhà tù, bệnh viện và nhà hưu dưỡng. Giám đốc Tổ chức Truyền giáo của Giáo hội Đông Timor nhấn mạnh “Chiến dịch truyền giáo cũng nhằm làm sinh động sứ vụ bằng những hành động cụ thể. Ngày nay, với sự trợ giúp của ân sủng Chúa, chúng ta có thể tìm được sức mạnh để tiếp tục sứ vụ với nhiều động lực hơn. Điều quan trọng là phải cùng nhau bước đi, như các môn đệ, để sống sứ vụ loan báo Tin Mừng trong tinh thần phổ quát”.
Giáo hội Ý
Riêng tại Ý, cha Giuseppe Pizzoli, Giám đốc Tổ chức Missio của Hội đồng Giám mục Ý nhận định rằng, Ngày Thế giới Truyền giáo như là Ngày của Tình huynh đệ phổ quát của người Công giáo. Thực tế, ngay từ khi được thiết lập, năm 1926, ngày này là dịp để các Giáo hội truyền thống giúp đỡ các Giáo hội trẻ, các Giáo hội truyền giáo bằng lời cầu nguyện và hỗ trợ kinh tế. Hiện nay, Ngày này được cử hành trên toàn thế giới và không có sự phân biệt, và các Giáo hội trẻ cũng hiệp nhất cầu nguyện và đóng góp phần bé nhỏ của mình, như bà goá nghèo trong Tin Mừng. Đây chính là dấu hiệu tuyệt vời cho thấy sự tham gia của tình huynh đệ phổ quát của Giáo hội và cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Cha Giuseppe Pizzoli nói: “Chúng tôi hy vọng rằng Ngày này có thể nuôi dưỡng niềm tin tưởng mới nơi mọi người trong một thế giới huynh đệ hơn, không có sự phân biệt đối xử, khép kín, hiểu lầm và bất công. Trên hết, ngày này làm cho chúng ta vững tin về một thế giới không có xung đột và chiến tranh. Lắng nghe cuộc đời của các nhà truyền giáo đánh thức trong mỗi người ước vọng lớn lao của Thiên Chúa: làm cho nhân loại trở thành một đại gia đình. Chúng tôi gửi đến mọi người lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp của ngài: “Các môn đệ được yêu cầu sống đời sống cá nhân trong chìa khóa của sứ vụ. Các môn đệ được Chúa Giêsu sai đến thế giới không chỉ để thực hiện sứ vụ, nhưng còn và trên hết là để sống sứ vụ được uỷ thác; không chỉ làm chứng, nhưng còn và trên hết là trở thành chứng nhân của Chúa Kitô”.
Quỹ liên đới Toàn cầu
Trong Ngày Thế giới Truyền giáo, Quỹ liên đới Toàn cầu của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo sẽ tổ chức cuộc quyên góp trên tất các nhà thờ. Số tiền sẽ được Tổ chức phân phối công bằng cho các nhà truyền giáo ở năm châu lục, nhằm phục vụ cho hoạt động loan báo Tin Mừng, mục vụ, trường học, chủng viện, giáo lý.
Nhờ lòng quảng đại của các tín hữu Công giáo ở 120 quốc gia trên thế giới, sự hỗ trở đảm bảo dành cho tất cả, không có sự phân biệt. Trong năm 2021, số tiền được phân phối là 91 triệu 671 ngàn 762 euro.
Ngọc Yến
Nguồn: vaticannews.va/vi
Để lại một phản hồi