Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, CSF
- Đạo lý của người Việt Nam
Đối với người Việt Nam chúng ta, việc tôn kính ông bà tổ tiên rất được đề cao. Đề cao đến độ mà việc tôn kính đã trở thành đạo lý, lẽ sống: đạo ông bà, đạo hiếu, đạo thờ cúng tổ tiên.
Để đánh giá một người nào, người Việt chúng ta thường dựa vào cách đối xử của người đó với ông bà, cha mẹ. Thậm chí người ta còn coi việc báo hiếu trọng hơn việc đi tu:
Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.
Người Việt Nam tôn kính tổ tiên vì 2 lý do chính:
– Đạo lý uống nước nhớ nguồn: Chim có tổ, suối có nguồn, cây có cội, con người cũng có tổ tiên. Chúng ta biết ơn đấng sinh thành và dưỡng dục chúng ta.
– Đạo lý gia tộc: Vì huyết thống, xin tổ tiên phù trợ chúng ta. Đối với người Việt Nam, chết không phải là hết, nhưng người chết vẫn còn quanh quẩn bên người sống để che chở cho con cháu. Bởi đó, người Việt Nam thường khấn xin tổ tiên ông bà phù hộ cho con cháu. Và khi chết, người Việt Nam lại về với ông bà, tổ tiên.
Chúng ta nhớ ơn các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì các ngài đã sinh ra, dưỡng nuôi và giáo dục chúng ta nên người. Đối với người Việt Nam chúng ta, đây là công ơn lớn lao nhất mà chúng ta không thể nào quên được, vì:
Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.
Trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, có một người đã hỏi một nhà truyền giáo rằng: cha mẹ tôi đã chết và trước đây họ không theo đạo; như vậy, họ có được vào thiên đàng không? Nhà truyền giáo trả lời là không được (vì trước đây, Giáo hội chúng ta quan niệm rằng chỉ những ai rửa tội mới được vào thiên đàng). Người này đã nói với nhà truyền giáo rằng vậy tôi cũng không thể vào đạo được, vì nếu vào đạo tôi sẽ được hưởng hạnh phúc ở trên thiên đàng, còn cha mẹ tôi lại phải chịu đày đọa trong hỏa ngục. Như vậy, làm sao tôi có thể hưởng hạnh phúc trong khi cha mẹ thì phải đau khổ trầm luân…
Việc tôn kính tổ tiên vừa có tính cách gia đình, vừa có tính cách xã hội. Trong các gia đình, việc tôn kính tổ tiên được thực hành vào những dịp lễ như đám tang, lễ giỗ, lễ cưới, Tết Nguyên đán, và trong những dịp lễ khác. Trong những dịp lễ này, người trưởng trong gia đình thường đốt nhang để báo cáo với tổ tiên và xin tổ tiên phù hộ. Nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, khi tất cả con cháu tụ họp về đông đủ. Sau khi cúng trời đất là nghi thức dâng hoa, dâng quả, dâng nhang đèn cho tổ tiên, ông bà đã khuất và chúc thọ cho ông bà cha mẹ còn sống. Việc tôn kính này còn mở rộng ra ngoài xã hội: nhớ ơn những người có công dựng nước và giữ nước.
Việc tôn kính tổ tiên sẽ giúp cho con cái luôn sống thảo hiếu với cha mẹ, tạo ra được sự liên kết trong gia đình. Đối với xã hội, tôn kính tổ tiên là cách tốt nhất để tạo sự hòa hợp dân tộc, củng cố lòng yêu nước thương nòi, vì nó nhắc nhở mọi người về một nguồn gốc chung, cùng một giống nòi, dù khác biệt về tôn giáo, chính kiến hay vị trí xã hội.
- Giáo hội Công giáo và việc thờ cúng tổ tiên
Một số nhà truyền giáo trước đây không hiểu rõ việc thờ cúng này, coi đây như là một hình thức của lòng tin tôn giáo, nên đã tạo ra sự cấm đoán. Hậu quả là công việc truyền giáo ở Việt Nam đã không phát triển mạnh được. Và ngày nay, nó còn là một khó khăn rất lớn trong mục vụ và là một thách đố thực sự trong việc loan báo Tin mừng.
Việc cấm thờ cúng tổ tiên đã làm cho người Công giáo bị coi như những kẻ xa lạ trong chính đất nước của mình. Ngày nay, còn rất nhiều người ngoài Công giáo vẫn cho rằng người Công giáo bỏ ông bà, tổ tiên, không khói hương, không nhang đèn:
Lấy người Công giáo làm chi?
Chết thì ai cúng? Giỗ thì ai lo?
Lấy ai săn sóc mả mồ?
Lấy ai lo lắng bàn thờ Tổ Tiên?
Cũng vì nghĩ như vậy mà nhiều người không muốn theo đạo. Chúng ta phải làm sao để xua tan đi sự hiểu lầm này?
Thực ra người Công giáo vẫn kính nhớ ông bà tổ tiên, nhưng với cách thức khác người ngoài Công giáo. Giáo hội Công giáo có những ngày dành riêng để kính nhớ ông bà tổ tiên cũng như những người đã ly trần, và dành trọn tháng 11 để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Trong tháng này, người Công giáo đi viếng đất thánh; đọc kinh cầu nguyện; cắm hoa, hương nơi phần mộ những người thân yêu. Trong các thánh lễ an táng, lễ giỗ, lễ các đẳng, v.v… có các lời nguyện đặc biệt chỉ cho người qua đời. Người Công giáo Việt Nam dành đặc biệt ngày mùng 2 Tết để kính nhớ tổ tiên: viếng, sửa sang phần mộ, cắm hoa, hương và tham dự thánh lễ cầu cho ông bà tổ tiên. Đối với những người kết hôn, ngoài nghi thức ở nhà thờ, đôi tân hôn luôn có thêm nghi thức gia tiên để cảm tạ Thiên Chúa và tỏ lòng biết ơn các đấng sinh thành.
Người Công giáo biểu lộ niềm tin vào Ðức Kitô, Ðấng đã phục sinh từ cõi chết, Ðấng sẽ cho ông bà tổ tiên và những người đã qua đời cũng được phục sinh như Người và được hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng ta cũng nhớ đến các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vì các ngài đã có công đón nhận đức tin, sống đức tin một cách mãnh liệt và truyền lại cho ta. Các ngài đã đi mở đường rồi khai phá và xây dựng vùng đất này để ngày nay chúng ta có được nơi sinh sống, làm ăn và thờ phượng Chúa. Người tín hữu còn biết ơn biết bao vị thánh đã ra đi trước, đã làm đẹp lòng Chúa và đã được tôn vinh trên bàn thờ, trên trời.
Dĩ nhiên, việc thờ cúng tổ tiên có một số điều không phù hợp với đức tin Công giáo, như dâng cúng đồ ăn, tiền, đồ dùng cho người quá cố. Đây cũng là cách báo hiếu, vì nghĩ rằng người chết vẫn còn ăn uống và sử dụng đồ đạc như người sống. Nhưng người Công giáo tin rằng người chết thì không còn ăn uống được nữa. Từ năm 1964, HĐGMVN đã cho phép thi hành một số hình thức tôn kính dành riêng cho ông bà tổ tiên, vừa loại bỏ điều gì xem ra như là mê tín dị đoan. Theo đó, người Công giáo có thể có những bàn thờ tổ tiên trong gia đình; và trên bàn thờ này người ta có thể trưng những hình ảnh của tổ tiên; và trước những hình ảnh nầy, người ta có thể dâng hương và cúi mình tôn kính. Nhưng ngày nay, nhiều người Công giáo vẫn coi việc tôn tính tổ tiên như một điều cấm kỵ hoặc chỉ tôn kính cho có hình thức.
Việc tôn kính tổ tiên không chỉ là bổn phận tự nhiên, mà còn là đòi hỏi của Thiên Chúa. Thiên Chúa đòi buộc chúng ta: “Phải thảo kính cha mẹ”, và trong sách Xuất hành, Thiên Chúa còn ban luật rõ: “Kẻ nào đánh đập hoặc nguyền rủa cha mẹ mình, kẻ ấy tất phải chết”, “Hãy tôn kính cha mẹ để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” (Xh 20, 12; 21.15,17). Chúa Giêsu dạy: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15, 4). Thánh Phaolô cũng khuyên bảo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).
Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người.” (LG 17, 1) Thư chung của HĐGMVN đã định nghĩa Hội nhập văn hóa “là tìm ra những điểm gặp gỡ giữa Tin mừng và hồn dân tộc, để xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin ngày càng phù hợp hơn với nền văn hóa dân tộc.” (Thư chung 1998, số 13) Các Giám mục Việt Nam đã giải thích rõ hơn về mối quan hệ giữa Tin mừng và văn hóa Việt Nam và khuyến khích người Công giáo Việt Nam đem những giá trị của Tin mừng làm phong phú và thăng tiến những giá trị của văn hóa Việt Nam: “Yêu thương và hiệp nhất là đặc điểm của Tin mừng Chúa Giêsu Kitô và cũng là điểm gặp gỡ sâu xa nhất giữa Tin mừng và văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa vốn lấy nghĩa đồng bào và đạo hiếu trung làm nền tảng cho đạo đức xã hội.” (Thư chung 1998, số 5). Qua bản góp ý của HĐGMVN gởi cho Thượng Hội đồng Giám mục Châu Á, các Giám mục Việt Nam đã nhận định: “Với những đức tính như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong gia đình, với một tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm, người Việt Nam là một mảnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liêng hàm chứa trong Tin mừng… Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ Trung, chữ Hiếu và chữ Nhân rất gần với tinh thần của Kitô giáo: trung với Chúa, hiếu thảo với ông bà cha mẹ tổ tiên và nhân ái với mọi người.” “Muốn thế, một đàng chúng ta phải đào sâu Thánh kinh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của Đức tin, đàng khác phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước, để khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc. Rồi từ đó, chúng ta tận dụng những cái hay trong một kho tàng văn hóa mà xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả Đức tin phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên Quê hương và trong cộng đồng Hội thánh này.” (Thư chung 1980, số 11)
- Sự liên kết chặt chẽ giữa đức tin Công giáo và việc tôn kính tổ tiên.
Tại Việt Nam nói riêng và các dân tộc Á Đông nói chung, việc hiếu thảo với cha mẹ và tổ tiên là một bổn phận hết sức quan trọng. Do đó, trong việc hội nhập văn hóa, chúng ta cần chú trọng đến yếu tố văn hóa hết sức nền tảng này. Trong quá khứ, việc tôn kính tổ tiên được coi như là một hình thức của lòng tin tôn giáo, nên bị cấm. Xét cho cùng, việc tôn kính ông bà tổ tiên chỉ có tính cách văn hóa và luân lý trong đời sống xã hội và gia đình, chứ không có tính cách tôn giáo. Trong việc hội nhập văn hóa, chúng ta cần chú trọng đến yếu tố văn hóa hết sức nền tảng này, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến việc loan báo Tin mừng.
Người Á Châu có một cái nhìn tổng hợp và hài hòa về mọi thực tại. Nếu một tôn giáo nào không thích hợp với sự hài hòa này, nó sẽ bị tẩy chay. Tam giáo được chấp nhận ở Việt Nam vì họ đã biết tùy duyên hóa độ. Đặc biệt họ đã tiếp nhận việc tôn kính tổ tiên – tín ngưỡng nền tảng của dân tộc, rồi làm vững mạnh và phong phú nó. Do đó, những điều tốt đẹp của các tôn giáo này đã thấm nhuần vào nền văn hóa Việt Nam, trở thành hồn dân tộc.
Có nhiều điểm rất gần gũi và rất phù hợp với đức tin Công giáo như mối liên hệ giữa người sống và người chết, linh hồn bất tử, tin ở đời sau, đạo hiếu, đạo lý uống nước nhớ nguồn, cùng chung một nguồn gốc. Đây là những điểm gặp gỡ giữa Tin mừng và hồn dân tộc, giúp chúng ta xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin ngày càng phù hợp hơn với nền văn hóa dân tộc:
– Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa từ chính ông bà tổ tiên chúng ta:
Thật vậy, chúng ta có thể rao giảng về một Thiên Chúa, là chính Tổ Tiên của cả nhân loại, nguồn mọi tình phụ tử, “nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 14). Thiên Chúa đã sinh ra con người, ngài là Cha đầy lòng nhân ái, Ngài yêu thương, quan phòng và dưỡng nuôi chúng ta: “Cho dù người mẹ có quên con mình, thì Ta, Ta sẽ chẳng bao giờ quên ngươi” (Is 49, 15). Điều này đã được công đồng Vatican II quả quyết: “Mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên mặt địa cầu” (x. Cv 17,26). Thiên Chúa muốn tập họp nhân loại vào một gia đình chung, trong đó mọi người đối xử với nhau như anh chị em. Do đó, mọi người cũng phải có bổn phận hiếu thảo với Cha trên trời. Trong bản góp ý của HĐGMVN gởi cho Thượng Hội đồng Giám mục Châu Á, các Giám mục Việt Nam đã đề nghị giới thiệu Giáo hội như một gia đình của Thiên Chúa, trong đó Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em với nhau nhờ được liên kết với Người: ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, người ấy là anh chị em của Chúa Kitô (x. Mt 12, 50). Chúa Giêsu cũng khẳng định mọi người chỉ có một Cha trên trời (x. Mt 23, 9). Và Người nói với các môn đệ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em.” (Ga 20, 17) Người đã vâng lời Cha trên trời cho đến chết và hiếu thảo với cha mẹ trần thế, hằng vâng phục các ngài (x. Lc 2, 51). Cũng chính vì thế, một khuôn mặt Chúa Kitô hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11, 29), phản ánh một người Cha nhân hậu (x. Lc 6, 36), Đấng muốn qui tụ mọi người trong đại gia đình nhân loại mới, trong đó mọi người hiếu với Cha, yêu thương hòa hợp với anh em, dễ thu hút tâm hồn Châu Á.
– Về việc hiếu thảo với cha mẹ:
Người Công giáo còn phải hiếu thảo với cha mẹ vì Thiên Chúa là Cha chúng ta đã dậy như thế (giới răn thứ 4). Trong nền văn hóa toàn cầu ngày nay, nền tảng gia đình đang bị lung lay, Giáo hội cần đặc biệt bảo vệ và phát triển đạo hiếu, vì đó là một trong những yếu tố củng cố nền móng gia đình một cách hữu hiệu.
– Về mối liên hệ giữa người sống và người chết, sự sống ở kiếp sau, linh hồn bất tử: Người Việt Nam tin rằng chết không phải là hết, mà sinh thì (sống thật), sinh ký tử qui, người chết vẫn còn lảng vảng bên con cháu. Dựa vào niềm tin này, chúng ta có thể nói cho người ngoại giáo về tín điều các thánh thông công, sự sống đời đời…
Đó chính là những “hạt giống của Lời,” ánh sáng chân lý, được Thiên Chúa chuẩn bị cho người Việt Nam để đón nhận Tin mừng. Do đó, chúng ta cần lành mạnh hóa những điều tốt đẹp trong nghi lễ tôn kính tổ tiên này, nâng cao và kiện toàn chúng, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Nhờ đó, Tin Mừng mới dễ dàng đi vào lòng người hơn.
Chúng ta cần khuyến khích và cổ vũ cho việc tôn kính tổ tiên để có cùng một tâm tình với đồng bào của chúng ta và để tạo ra sự gần gũi, ruột thịt như nền văn hóa Việt Nam đã nhắc nhở chúng ta cùng chung một bào thai (đồng bào). Chúng ta cần gạn đục khơi trong, bài trừ những gì là mê tín dị đoan và thăng tiến những cái tốt, cái hay, cái đẹp trong nền văn hóa Việt Nam.
Việc tôn kính tổ tiên theo văn hóa Việt Nam được thực hành trong các gia đình vào những dịp lễ như đám tang, lễ giỗ, lễ cưới, Tết Nguyên đán,… Vì vậy, mỗi gia đình Công giáo nên có một bàn thờ tổ tiên, được đặt bên dưới bàn thờ Chúa, để nhắc nhở con cháu về đạo lý làm người, con cái thảo hiếu với cha mẹ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Trong những dịp lễ giỗ, những người Công giáo nên mời bạn bè, láng giềng, những người thuộc các tôn giáo khác đến để cùng cầu nguyện cho ông bà tổ tiên và chia sẻ bữa cơm thân mật. Việc hội nhập văn hóa liên quan đến thờ cúng tổ tiên trong những dịp lễ như Tết Nguyên Đán, giỗ tổ Hùng Vương, lễ cưới, lễ an táng, lễ giỗ, … cần được nghiên cứu và áp dụng trong gia đình và trong cả nhà thờ, để tạo ra sự gần gũi hơn với những người ngoài Công giáo. Đây cũng là những dịp tốt để người Công giáo loan báo Tin mừng, vì trong những dịp lễ này những người ngoài Công giáo thường đến chia sẻ với chúng ta niềm vui cũng như nỗi buồn.
Việc tôn kính tổ tiên vừa là bổn phận của chúng ta, vừa là cách để chúng ta giới thiệu về đạo chúng ta cho những người ngoại. Vì việc tôn kính tổ tiên sẽ giúp chúng ta dễ gần gũi, dễ hòa đồng với những người bên lương và qua đó, chúng ta có thể giới thiệu với họ một vị Thiên Chúa là Cha, đầy lòng thương xót, là tổ tiên của cả nhân loại. Tôn kính tổ tiên là cách tốt nhất để tạo sự hòa hợp dân tộc, củng cố lòng yêu nước thương nòi, vì nó nhắc nhở mọi người về một nguồn gốc chung, cùng một giống nòi, dù khác biệt về tôn giáo, chính kiến hay vị trí xã hội.
Nguồn: dongthanhgiavn.net (16.11.2022)
Để lại một phản hồi