Lời Chúa: Mt 3, 1-12
Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Ðừng tưởng có thể bảo mình rằng: chúng ta đã có tổ phụ Apraham. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Apraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”
Suy niệm:
Nước Trời đã gần, Ðấng Mêsia sắp đến:
đó là điều Gioan đã hô to trong hoang địa miền Giuđê.
Ðối với ông, Ðấng Mêsia thật là vị Thẩm phán đáng sợ.
Chính Ngài sẽ tách biệt người lành với kẻ dữ,
như người ta phân biệt thóc mẩy với thóc lép,
“thóc mẩy thì thu vào kho, thóc lép thì bỏ vào lửa.”
Ngày Ðấng Mêsia đến cũng là ngày Thiên Chúa thịnh nộ.
Rìu đã sẵn, cây không sinh quả thì bị chặt đi.
Người ta sẽ phải chịu phép rửa trong lửa hồng.
Chính vì thế Gioan khẩn trương mời gọi dân chúng sám hối.
Thực tế cho thấy
Ðức Giêsu không phải là Ðấng Mêsia kinh khủng như ông nghĩ.
Tuy nhiên lời mời gọi sám hối của Gioan
vẫn còn nguyên giá trị.
Chúng ta không sám hối vì bị đe dọa và sợ hãi,
nhưng vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương nơi Ðức Giêsu.
Mùa Vọng là mùa sám hối để đón Chúa đến.
Chúa đã đến âm thầm ở Bêlem.
Chúa sẽ đến khải hoàn vào ngày tận thế.
Chúa vẫn đang đến với chúng ta mỗi ngày
qua các bí tích và các biến cố lớn nhỏ.
Ðể chuẩn bị Hội Thánh mừng Năm Thánh 2000,
Ðức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho năm 1996
là Sám hối và Canh tân.
Sám hối là nhìn nhận mình đã gieo rắc bao gương mù
khiến khuôn mặt Ðức Giêsu trở nên khó tin.
Sám hối là tự vấn về những hành động gây chia rẽ
các anh em Kitô hữu với nhau.
Sám hối là ăn năn về những cử chỉ thiếu khoan dung,
về việc đôi khi dùng bạo lực
để bắt người khác chấp nhận chân lý.
Sám hối là nhìn nhận phần trách nhiệm của mình
trước bao sự ác của thế giới hôm nay.
Ðây không phải là việc của cá nhân,
nhưng là việc của cả Hội Thánh.
Một Hội Thánh có can đảm sám hối
là một Hội Thánh đang vươn tới sự thánh thiện.
Chúng ta cần nghe lại những lời nhắc nhở của Gioan.
Ông kéo chúng ta ra khỏi sự tự mãn:
“Ðừng tưởng mình có cha là Apraham.” (Mt 3,9)
Ðừng tưởng mình đương nhiên được vào Nước Trời.
Gioan mời mọi người xưng thú tội lỗi (Mt 3,6).
Sông Giođan đã thành nơi con người làm hoà với Thiên Chúa.
“Hãy dọn đường cho Chúa đến”
Hội Thánh và mỗi Kitô hữu là những con đường,
để Chúa đến với nhân loại
và để nhân loại đến với Chúa.
Ước gì đó là những con đường thẳng và phẳng phiu,
để ai cũng muốn đi và đi tới đích.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng giòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Để lại một phản hồi