10 Điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chúng ta học hỏi từ hang đá Giáng sinh

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng bằng cách tạo nên hang đá Giáng sinh, Thánh Phanxicô Assisi đã “thực hiện một công công cuộc truyền bá Phúc Âm vĩ đại”, điều vẫn tiếp tục lay động tâm hồn cho đến ngày nay.


ĐGH Phanxicô cử hành Thánh lễ Giáng Sinh tại Quãng trường Thánh Phêrô năm 2020 – Ảnh: Vatican Media

Vào năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành một Tông thư về ý nghĩa và tầm quan trọng của hang đá Giáng sinh. Ngài đã ký vào tài liệu Admirabile signum (“Dấu chỉ lạ lùng”), vào ngày 01 tháng 12 năm đó, tại Đền Chúa Giáng Sinh ở Greccio, một khu phố trên đồi ở vùng Lazio của Ý.

Việc lựa chọn Greccio mang nhiều có ý nghĩa, bởi vì chính vào năm 1223, Thánh Phanxicô Assisi đã tạo nên hang đá Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử.

Trong Tông thư, được nhiều người xem là một trong những văn kiện xúc động nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, Đức Giáo Hoàng hướng đến việc “khuyến khích truyền thống tốt đẹp của gia đình là chuẩn bị hang đá Giáng sinh trong những ngày trước Lễ Giáng Sinh.”

Dưới đây là 10 điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chúng ta học hỏi từ hang đá Giáng sinh, được rút ra từ Tông thư Admirabile signum.

  1. Hang đá Giáng sinh giống như một Tin Mừng sống động.Đức Giáo Hoàng viết rằng việc diễn tả về sự ra đời của Chúa Giêsu là“một lời loan báo cách đơn sơ và vui tươi về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa”. Hang đá Giáng sinh mời gọi tất cả những ai chiêm ngưỡng nó “ bước vào một cuộc hành trình thiêng liêng, được lôi cuốn bởi sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng đã làm người để gặp gỡ mọi người nam và nữ.”
  1. Phong tục này bắt nguồn từ trong Kinh Thánh.Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng hoạt cảnh Giáng sinh xuất hiện từ “các trang của Kinh Thánh”. Tin Mừng theo Thánh Luca kể rằng Đức Maria “hạ sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con trẻ, rồi đặt con trẻ nằm trong máng cỏ, vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ” (Lc 2,7). Máng cỏ là tâm điểm của hang đá Giáng sinh. Thật vậy, từ tiếng Ý để chỉ hang đá Giáng sinh là “presepe”, từ tiếng Latinh là “praesepium”, có nghĩa là “máng cỏ”.
  1. Truyền thống này được khai sinh từ một thị trấn khiêm tốn ở Ý.Thánh Phanxicô Assisi đã dừng chân tại Greccio vào tháng 11 năm 1223, có lẽ trên đường trở về từ Rôma sau khi nhận được sự phê chuẩn của Đức Giáo hoàng đối với bộ Luật dòng của ngài. Mười lăm ngày trước Lễ Giáng Sinh, Thánh Phanxicô đã nhờ một người đàn ông địa phương tên là Gioan trợ giúp ngài trong việc “tái hiện ký ức về hài nhi được sinh ra ở Bêlem, để có thể thấy bằng chính đôi mắt của tôi, sự nghèo khó thiếu thốn của hài nhi, cách Người nằm trong máng cỏ, và cách Người được đặt nằm trên một chiếc giường đệm cỏ với các con bò lừa đứng bên cạnh.” Vào ngày Lễ Giáng Sinh, các tu sĩ của ngài và những người từ khu vực xung quanh đã đến để cùng tham gia với Thánh Phanxicô trước một máng cỏ đầy cỏ khô, được canh chừng bởi một con bò và một con lừa.
  2. Hang đá Giáng sinh đầu tiên được nối kết với Bí tích Thánh Thể.Mô tả khung cảnh ở Greccio ngày hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tất cả những người có mặt đều trải qua một niềm vui mới mẻ và không thể diễn tả được khi hiện diện trước hang đá Giáng sinh. Sau đó vị linh mục đã long trọng cử hành Thánh lễ trước máng cỏ, chứng tỏ mối liên hệ giữa cuộc Nhập thể của Con Thiên Chúa và Bí tích Thánh Thể.” Đức Giáo Hoàng còn nói rằng không giống như ngày nay, lúc đó hang đá Giáng sinh vốn chẳng có bức tượng nào. Thay vào đó, “hang đá Giáng sinh đã được thực hiện và trải nghiệm bởi tất cả những người có mặt”.
  1. Hang đá Giáng sinh ban đầu đã truyền cảm hứng cho một thị kiến.Đức Giáo Hoàng nhớ lại rằng một trong những chứng nhân của hang đá Giáng sinh đầu tiên đã nhìn thấy “một thị kiến ​​tuyệt diệu.” Tôma Celano, người viết cuốn tiểu sử đầu tiên về Thánh Phanxicô, đã viết rằng “một trong những người có mặt đã nhìn thấy chính Chúa Giêsu Hài Đồng đang nằm trong máng cỏ”.
  1. Hang đá Giáng sinh là một phương tiện truyền bá Phúc Âm.Đức Giáo Hoàng nói rằng bằng cách tạo nên hang đá Giáng sinh, Thánh Phanxicô đã “thực hiện một công việc truyền bá Phúc Âm vĩ đại”, điều vẫn tiếp tục lay động tâm hồn cho đến ngày nay. Thánh nhân đã khám phá ra “một phương tiện đơn giản nhưng chân thực để diễn tả vẻ đẹp về đức tin của chúng ta”, điều mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được.

ĐGH Phanxicô xông hương hang đá Giáng sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô năm 2017 – Vatican Media

  1. Máng cỏ là dấu chỉ về tình yêu của Thiên Chúa.Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng các hang đá Giáng sinh gây được tiếng vang sâu sắc vì chúng biểu lộ tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa. Các hang đá Giáng sinh công bố rằng “Đấng Tạo Hóa của vũ trụ đã hạ mình xuống để đón lấy sự nhỏ bé của chúng ta.” Các hang đá Giáng sinh cuốn hút các giác quan và trí tưởng tượng, giúp mọi người “cảm nhận” và “chạm đến” sự nghèo khó mà Con Thiên Chúa đã đón lấy trong cuộc Nhập thể.
  1. Hang đá Giáng sinh chứa đựng một lời mời gọi phục vụ.Đức Giáo Hoàng nói rằng hang đá Giáng sinh chứa đựng một thông điệp sâu xa. Ngài viết: “Hang đá Giáng sinh mời gọi chúng ta dấn bước theo Người trên con đường khiêm nhường, khó nghèo, và từ bỏ bản thân, dẫn đi từ máng cỏ Bêlem cho đến thập giá. Hang đá Giáng sinh mời gọi chúng ta hãy gặp gỡ Người và phục vụ Người bằng cách bày tỏ lòng nhân từ đối với những người anh chị em túng thiếu nhất của chúng ta.”
  1. Ngay cả cảnh quang của hang đá Giáng sinh cũng chứa đựng ý nghĩa. Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng những diễn tả về biến cố Giáng sinh thường bao gồm “những tàn tích của các ngôi nhà hay công trình cổ xưa”. Ngài viết: “Hơn bất cứ điều gì, những tàn tích là dấu chỉ hữu hình của nhân loại sa ngã, của mọi thứ chắc chắn rơi vào cảnh đổ nát, suy tàn và thất vọng. Cảnh quang tuyệt đẹp này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là sự mới mẻ giữa một thế giới già cỗi, Người đã đến để chữa lành và tái thiết, để khôi phục thế giới và cuộc sống của chúng ta trở lại tình trạng huy hoàng thuở ban đầu.”
  1. Hang đá Giáng sinh nuôi dưỡng lòng sùng kính đối với Đức Maria và Thánh Giuse.Đức Giáo Hoàng nhận định rằng Đức Trinh Nữ Maria được biểu lộ như “một người mẹ đang chiêm ngưỡng con của mình và bày tỏ người con này cho mọi người đến viêng thăm”. Nơi Mẹ, “chúng ta thấy Mẹ Thiên Chúa không chỉ giữ Con của Mẹ cho riêng mình, nhưng mời gọi mọi người vâng theo lời Người và đem ra thực hành.” Thánh Giuse đứng bên cạnh Mẹ Maria, bảo vệ Mẹ và Chúa Hài Đồng. Hang đá Giáng sinh nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Giuse “luôn phó thác chính mình cho ý muốn của Thiên Chúa và đem ý muốn đó ra thực hành” và khuyến khích chúng ta làm theo.

Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

(giaophanvinhlong.net / Catholic News Agency)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*