Đức ông Owen F. Campion
Khi đề cập đến việc mất tầm nhìn về khu rừng vì mải đếm cây, mới đây, một chương trình phát thanh, dành cho khoa học nghiêm túc, đã suy đoán cả tiếng đồng hồ về ngôi sao đã hướng dẫn các Nhà Thông thái đến Belem, nơi họ gặp được Hài nhi Giêsu mới sinh.
Có phải ngôi sao là một sao chổi, chạy xuyên qua không gian vào thời điểm đó trong lịch sử? Đó có phải là một ngôi sao, phát nổ trong một siêu sự kiện thiên hà nào đó chăng? Đó có phải là sao Mộc, hay sao Thổ?
Câu chuyện về Lễ Hiển linh có thể dễ khiến chúng ta lang thang tìm hiểu và đặt ra vô số câu hỏi về các chi tiết của nó.
Suốt 2 thiên niên kỷ qua, nhiều Kitô hữu bị thu hút bởi nhiều câu hỏi: Những vị khách đó là ai? Một số người phỏng đoán rằng họ là những vị vua vì rõ ràng họ có đủ phương tiện và sự độc lập cá nhân để thực hiện một chuyến đi khó khăn như vậy. Trong khi những người khác nói rằng họ là những nhà thông thái hoặc học giả, bởi vì vào thời đó, thiên văn học rất quan trọng đối với việc học chính quy, và họ là những người biết được vị trí và sự chuyển động của các vật thể trên bầu trời.
Phúc âm, trong hầu hết các bản dịch hiện đại, gọi họ là các “Đạo sĩ”. Bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Latinh của Thánh Jerome (Vulgate), xuất bản năm 382, đề cập đến “magi ab oriente” – các Đạo sĩ từ phương Đông. Điều này đặt ra một câu hỏi khác: “Đạo sĩ” là ai, và là gì?
– Họ đã bắt đầu cuộc hành trình của mình từ đâu? Tin Mừng nói rằng những vị khách đến từ “phương Đông”. Địa lý đã thay đổi đáng kể ở khu vực đó của thế giới kể từ khi Chúa giáng sinh, nhưng phương Đông vẫn là phương Đông. Phải chăng đó là Syria hoặc Iran ngày nay?
– Có bao nhiêu người trong nhóm của họ? Truyền thống cho rằng có 3 người, vì 3 món quà đã được tặng cho Hài nhi Giêsu, đó là vàng, nhũ hương, và mộc dược.
Những câu hỏi luôn và vẫn bao quanh câu chuyện, như được trình bày trong chương trình phát thanh về ngôi sao. Nhưng đối với một người mong muốn tìm thấy Thiên Chúa và tìm cách thế để sống cuộc đời mình thì chẳng có câu hỏi nào tồn tại cả.
Trong tường thuật về chuyến đi của các nhà Thông thái đến Belem, thì bất kể câu hỏi là gì, Kinh Thánh luôn cung cấp một trong những cách hiểu sâu sắc nhất về tình yêu của Thiên Chúa và về những yếu tố sâu xa nhất của bản chất con người. Điều này cũng cho thấy, không có gì ngạc nhiên, khi lễ Hiển linh từ lâu đã rất quan trọng trong lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo.
Nếu gạt các câu hỏi sang một bên thì sứ điệp của Tin Mừng Matthêu là gì? Dù những vị khách đó là hoàng gia, học giả, hay là ai đi chăng nữa, thì họ cũng chỉ là những con người, giống như mỗi chúng ta. Họ muốn biết làm sao để sống cuộc đời cách tốt nhất, những mục tiêu cần đặt ra là gì, và điều quan trọng hơn cả là họ khám phá ra rằng, họ không thể tự mình có được tất cả các câu trả lời.
Truyền thống cho rằng họ là những người giàu có, vì họ mang theo những món quà quý giá. Nếu thực sự họ giàu có, thì sự giàu có ấy cũng chẳng thể đưa ra lời giải đáp cho những câu hỏi của họ, và thực, cũng chẳng thể giúp họ nguôi ngoai nỗi thất vọng. Việc tìm kiếm câu trả lời và tìm kiếm Thiên Chúa thì đòi hỏi suy nghĩ và hành động của chính họ, vì vậy họ đã thực hiện một cuộc hành trình dài, mà không biết sẽ dẫn mình đến đâu. Thực sự, họ đã rất mạo hiểm.
Yếu tố quan trọng là chính Thiên Chúa Toàn năng đã hướng dẫn họ. Ngài đặt “ngôi sao”, bất kể đó là gì, trên bầu trời để dẫn đường cho họ. Thiên Chúa cảnh báo họ đừng tin vào Hêrôđê xảo quyệt. Và, họ đã chọn đi theo ngôi sao, đi theo khát vọng của mình, và lưu tâm đến lời cảnh báo. Họ đã lắng nghe Thiên Chúa.
Cuối cùng, những câu hỏi của họ đã có lời giải đáp, và khát vọng của họ đã thành hiện thực. Họ tìm thấy mọi sự khi đến Bêlem, họ khám phá ra Đức Giêsu, “với thân mẫu là bà Maria” (Mt 2, 11).
Hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi: Hãy quên những câu hỏi, cho dù chúng có gay cấn hoặc hấp dẫn đến đâu. Tin Mừng Matthêu không mập mờ, không đánh đố khiến người đọc bối rối. Trái lại, Tin Mừng trình bày trực tiếp, rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề. Con người dù ở đâu, dù ở độ tuổi nào, dù giàu hay nghèo, dù ở vào hoàn cảnh hay điều kiện sống nào thì đều có giới hạn, và chẳng bao giờ có thể tự mình tìm ra tất cả các câu trả lời. Nếu có, thì không ít lần, con người bị trở thành nạn nhân của những kẻ bất lương, như Hêrôđê chẳng hạn; bị hao mòn bởi tư lợi, hoặc bị lạc lối bởi những cám dỗ phạm tội.
Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta trong bóng tối. Ngài hướng dẫn chúng ta, qua Mặc khải, qua Giáo hội, để đạt tới câu trả lời cho mọi câu hỏi: Đức Giêsu, “với thân mẫu là bà Maria”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (15. 12. 2022)
Để lại một phản hồi