Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức một cuộc tĩnh tâm tinh thần đại kết với các vị lãnh đạo Giáo hội từ Nam Sudan tại Vatican vào năm 2019. (Hình: Alamy)
John Ashworth
Từ ngày 03–5. 02. 2023, ba vị lãnh đạo Giáo hội: Đức Giáo hoàng Phanxicô; Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby của giáo phận Canterbury; và Mục sư Iain Greenshields, người điều hành Đại hội đồng của Giáo hội Scotland, sẽ có chuyến Hành hương Đại kết vì Hoà bình đến các miền đất và dân tộc Nam Sudan. Liệu hành trình đại kết này có tác động gì đối với quốc gia đang gặp khủng hoảng và đầy xung đột này không?
Hành trình đại kết của Sudan bắt đầu cách đây gần 60 năm, khi hai vị thừa sai nổi bật là Đức Tổng Giám mục Công giáo Agostini Baroni, và Giám mục Anh giáo Oliver Allison, phân định rằng khi đối diện với các chính sách Ả Rập hóa và Hồi giáo hóa của các chế độ nối tiếp nhau ở Khartoum, các Giáo hội Kitô sẽ phải hợp tác với nhau nếu họ muốn tồn tại. Trong một động thái thực tế hơn là thần học – thần học thực hành trong hành động – cùng với Giáo hội Trưởng lão, các ngài đã thành lập Hội đồng các Giáo hội Sudan (SCC– Sudan Council of Churches). Sau đó, Hội đồng này được Chính thống giáo và một số Giáo hội Tin lành tham gia.
Tinh thần đại kết này đã được đổi mới 20 năm sau trong cuộc nội chiến Sudan, khi chế độ Khartoum không cho phép Hội đồng các Giáo hội Sudan vượt qua chiến tuyến vào lãnh thổ do phong trào giải phóng vũ trang kiểm soát; vì vậy hai giám mục bản địa, Công giáo Paride Taban, và Anh giáo Nathaniel Garang, đã thành lập một chi nhánh, Tân Hội đồng các Giáo hội Sudan (New Sudan Council of Churches), để phục vụ các khu vực này.
Nhiều năm sau, một lần nữa, tại quốc gia mới độc lập Nam Sudan, Hội đồng các Giáo hội Nam Sudan (SSCC – the South Sudan Council of Churches) được thành lập. Chủ tịch của SSCC, Mục sư Thomas Tut Puot Mut, thủ lãnh Giáo hội Tin lành Trưởng lão Nam Sudan, nhấn mạnh: “Chúng tôi không phải là “các Giáo hội”. Chúng tôi là Giáo hội của Chúa Kitô ở Nam Sudan”. Phó chủ tịch hiện tại của SSCC là Đức Tổng Giám mục Công giáo Stephen Ameyu, và tổng thư ký là một linh mục Công giáo. Ở cả Sudan và Nam Sudan, Giáo hội Công giáo đã góp phần trong vai trò lãnh đạo của gia đình đại kết và cuộc hành hương đại kết sắp tới càng củng cố điều này mạnh hơn.
SSCC là tổ chức độc nhất có uy tín và thẩm quyền về mặt đạo đức. Trong suốt 22 năm nội chiến, khi không có chính phủ, không có xã hội dân sự, không có truyền thông, không có Liên Hiệp Quốc, không có tổ chức phi chính phủ, và thậm chí quyền lực của các thủ lĩnh và trưởng lão truyền thống đã bị xói mòn bởi các bằng hữu trẻ với khí giới, thì “Giáo hội của Đức Kitô” là tổ chức duy nhất có nhân sự và cơ sở hạ tầng luôn sát cánh với người dân. Ở đâu có dân chúng, ở đó có Giáo hội. Giáo hội không thể rút lui và bỏ lại mọi người khi tính mạng của nhân viên gặp nguy hiểm, như các cơ quan viện trợ thế tục đã phải làm.
Dưới nhiều hình thức, Giáo hội đã trở thành tổ chức thay thế cho chính phủ. Giáo hội cung cấp các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, và viện trợ nhân đạo, và ngay cả là sự bảo vệ ở một mức độ nào đó– Giáo hội có thể không có súng, nhưng hành động của các bên tham chiến thường được điều tiết bởi sự hiện diện của Giáo hội. Người dân Nam Sudan, không chỉ những người theo Kitô giáo, mà cả những người Hồi giáo, và những người theo tôn giáo truyền thống châu Phi, cũng thường tìm đến Giáo hội để được hướng dẫn và chỉ đạo.
Giáo hội ở Sudan và Nam Sudan luôn coi việc xây dựng hòa bình là một phần trong vai trò mục vụ của mình, từ rất lâu trước khi có bất kỳ tài liệu học thuật nào về chủ đề này, trước khi thành quả của Công đồng Vatican II và Giáo huấn Xã hội Công giáo được phổ biến rộng rãi, và trước khi Sáng kiến bất bạo động Công giáo (Catholic Nonviolence Initiative) nổi lên. Giáo hội tại đây đã học cách kiến tạo hòa bình trong công việc – trong tinh thần cầu nguyện phân định, dung nạp và bổ trợ, sử dụng những phương pháp hòa giải và hòa bình truyền thống bản địa, bên cạnh những giá trị phúc âm, và kỹ thuật xây dựng hòa bình hiện đại.
Năm 1972, Giáo hội – tổ chức duy nhất được cả chính phủ Hồi giáo ở phía bắc và những người miền nam chủ yếu không theo đạo Hồi tin tưởng – làm trung gian chấm dứt Nội chiến thứ I của Sudan. Trong cuộc Nội chiến thứ II, bắt đầu vào năm 1983, Giáo hội đã làm trung gian cho tiến trình hòa bình giữa người dân với nhau để hòa giải những người miền Nam đang gây chiến; tạo ra một diễn đàn đại kết quốc tế để vận động cho hòa bình; và, mặc dù chính thức bị loại khỏi các cuộc đàm phán, Giáo hội đã đóng một vai trò hậu trường mang tính xây dựng trong các cuộc đàm phán quốc gia cấp cao mà cuối cùng đã dẫn đến việc ký kết một Hiệp định Hòa bình Toàn diện vào năm 2005.
Kitô hữu mừng sự độc lập của Nam Sudan (Hình: Urban Christian News)
Mặc dù thỏa thuận này dẫn đến sự độc lập của Nam Sudan vào năm 2011, nhưng nó không dẫn đến hòa bình, và chỉ 2 năm sau khi giành được độc lập, một cuộc tranh giành quyền lực huynh đệ tương tàn giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó tướng Riek Machar dẫn đến một cuộc nội chiến mới tại quốc gia mới này. Các Tổng giám mục Công giáo và Anh giáo đã gặp họ và cầu xin họ tránh bạo lực, nhưng tiếng nói của các ngài không được lắng nghe. Trong vòng 48 giờ sau khi xung đột nổ ra ở thủ đô, các nhà lãnh đạo Giáo hội đại kết đã gặp nhau tại Toà tổng giám mục Công giáo – nơi chịu rủi ro cá nhân rất lớn vì giao tranh ác liệt đang diễn ra trên đường phố xung quanh- và đưa ra lời kêu gọi đầu tiên trong số rất nhiều lời kêu gọi chấm dứt bạo lực. Các ngài tiếp tục đưa ra lời kêu gọi, che chở và bảo vệ người dân phải di tản trong các nhà thờ, phân phát viện trợ nhân đạo, cung cấp sự hỗ trợ tinh thần và chữa lành vết thương cho đàn chiên đau khổ, và tận dụng mọi cơ hội để làm việc vì hòa bình. Điều này bao gồm các tiến trình hòa bình và hòa giải cộng đồng địa phương; những nỗ lực hậu trường với các thủ lãnh chủ chốt; hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình quốc tế; và một Kế hoạch hành động quốc gia vì hòa bình do SSCC lãnh đạo sau cuộc tĩnh tâm của các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Kigali vào năm 2015, nơi các ngài rất xúc động khi được trực tiếp nghe về trải nghiệm của Rwanda trong và sau cuộc diệt chủng năm 1994.
Các vị Tổng giám mục kế nhiệm của giáo phận Canterbury đã rất quan tâm đến các cuộc đấu tranh tại quốc gia mới này, đã đến thăm nhiều lần và Tổng giám mục Justin Welby không phải là ngoại lệ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón các nhà lãnh đạo của SSCC trong chuyến thăm Vatican vào năm 2016. Sau khi tham khảo ý kiến của Vatican và Giáo hội Scotland, vào năm 2019, Tổng giám mục Welby đã khởi xướng một cuộc Tĩnh tâm Đại kết cho các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt của Nam Sudan, do Đức Phanxicô tổ chức tại Roma. Vào thời điểm đó, đã có sự nhất trí là 3 nhà lãnh đạo Giáo hội toàn cầu sẽ đến thăm Nam Sudan để thực hiện một cuộc Hành hương Đại kết. Cuộc hành hương này đã bị trì hoãn bởi Covid và các yếu tố khác, sau đó được lên kế hoạch vào năm 2022, nhưng lại bị hoãn do tình hình sức khỏe của Đức giáo hoàng Phanxicô, nhưng giờ đây dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 02. 2023.
Liệu chuyến viếng thăm của các nhà lãnh đạo Giáo hội có giúp mang lại hòa bình cho Nam Sudan không? Dù có thế nào, thì chắc chắn đây sẽ là một sự khích lệ lớn lao về tinh thần và đạo đức đối với người dân, những người hằng cầu nguyện cho hòa bình và công lý. Tất cả các nhà chức trách dân sự đều là những người tự xưng là Kitô hữu, chẳng hạn như Tổng thống Salva Kiir là một người Công giáo thực hành; nhưng cho đến nay những lời kêu gọi của các vị lãnh đạo Giáo hội, cả quốc gia và toàn cầu, đều bị bỏ ngoài tai. Vào cuối buổi tĩnh tâm tại Roma năm 2019, sau khi chào bình an, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quỳ gối và hôn chân Tổng thống Salva Kiir, phó Tổng thống đối lập Riek Machar, và từng người trong ban lãnh đạo đất nước Nam Sudan. Nhưng thật đáng tiếc, cử chỉ van xin hòa bình vô cùng ý nghĩa và gây xúc động mạnh này của Đức Thánh Cha dường như không có tác dụng lâu dài đối với họ.
Đức Thánh Cha Phanxicô quỳ gối để hôn chân 3 vị lãnh đạo dân sự của Nam Sudan: Phó Tổng thống Rebecca Nyandeng De Mabior; Tổng thống Salva Kiir Mayardit, và Phó Tổng thống đối lập Taban Deng Gai tại Vatican, 11. 4. 2019 (Nguồn: Vatican Media qua AP)
Tổng thống Salva Kiir và phó Tổng thống Riek Machar đã đồng ý với một thỏa thuận hòa bình, và một chính phủ chia sẻ quyền lực đã được thành lập (một sự chia sẻ mà nhiều người dân địa phương gọi là “chia sẻ cướp bóc”). Giao tranh giữa các lực lượng vũ trang lớn đã giảm bớt, nhưng một số nhóm vũ trang từ chối ký thỏa thuận, và xung đột vẫn tiếp diễn giữa nhiều cộng đồng ở cấp địa phương, điều mà chính phủ và truyền thông quốc tế muốn coi là “xung đột bộ tộc”, nhưng không phải là không có liên quan đến các động lực chính trị quốc gia.
Trong khi đó, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo với cảnh nghèo đói, suy sụp kinh tế, không có luật pháp, không bị truy tố, cướp bóc và hãm hiếp, không có dấu hiệu chấm dứt. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do thiên tai, bao gồm 4 năm lũ lụt lan rộng trên toàn quốc. Ước tính khoảng 2/3 dân số 11,4 triệu người của Nam Sudan đang cần hỗ trợ nhân đạo. Các nhà lãnh đạo dân sự đã không thể hiện ý chí chính trị nào để thực hiện những thay đổi cần thiết nhằm mang lại công lý và hòa bình, và sau những tổn thương của quá nhiều năm chiến tranh, thậm chí họ không có khả năng thực hiện điều đó.
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Ameyu, Phó chủ tịch SSCC tin rằng “chuyến thăm của Đức Thánh Cha và các đồng sự của ngài là điều quan trọng để người dân Nam Sudan nghĩ về hòa bình và ổn định. Đó là thời điểm để người dân của chúng tôi nhận biết và sẵn sàng để cuối cùng có được hòa bình”. Luôn luôn có hy vọng, ngay cả giữa sự tuyệt vọng hiển nhiên, và Giáo hội là người cung cấp niềm hy vọng đó. Năm 2005, Giám mục Paride Taban đã thành lập “ngôi làng hòa bình” (Peace Village) tại Kuron, một trong những vùng xa xôi và hẻo lánh nhất của Nam Sudan, quy tụ các cộng đồng đang có chiến tranh với nhau bằng một linh đạo bất bạo động mà có lẽ có thể tóm gọn trong 8 từ và cụm từ mà ngài thích chia sẻ với mọi người: “Tôi yêu bạn; Tôi nhớ bạn; Xin cảm ơn; Tôi tha thứ; Chúng ta quên; Cùng nhau; Tôi sai; Tôi xin lỗi”.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội Nam Sudan tiếp tục thúc đẩy hòa bình và hòa giải ở mọi cấp độ. Từ Roma, cộng đồng Sant’Egidio tiếp tục môi giới cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ và các nhóm chưa ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực hiện tại. Và các nhà lãnh đạo của 3 Giáo hội lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở Nam Sudan tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ, khuyến khích và cam kết bất bạo động tích cực từ các nhà lãnh đạo Giáo hội toàn cầu, những người mà vào tuần tới, với cuộc Hành hương Đại kết vì Hoà bình, sẽ bày tỏ tình liên đới với những người dân đau khổ tại quốc gia này.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: godgossip.org (27. 01. 2023)
Để lại một phản hồi