LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Xh 17, 3-7
“Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống”.
Bài trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy”. Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: “Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi”. Chúa liền phán bảo Môsê: “Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là “Thử Thách”, vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: “Chúa có ở với chúng tôi hay không?”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!”
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!”
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!”
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”.
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!”
Bài Ðọc II: Rm 5, 1-2. 5-8
“Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 4, 42 và 15
Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng cứu chuộc thế gian; xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa.
Phúc Âm: Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42
“Mạch nước vọt đến sự sống đời đời”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).
Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.
Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.
Người đàn bà thưa: “Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM
Trong Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay, chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu gặp gỡ người phụ nữ xứ Samari. Chúng ta học được nơi Đức Giêsu cách gặp gỡ tha nhân. Và chúng ta cũng thấy bóng dáng mình nơi người phụ nữ.
Đức Giêsu đến với vùng đất dân ngoại
Đức Giêsu không ngại đi băng qua vùng Samari.
Nhiều người Do-thái tránh không đi qua vùng này,
vì đất của người Samari bị họ coi là ô uế.
Thật ra dân Samari trước đây cũng là người Do-thái,
nhưng họ đã sống chung đụng nhiều với dân ngoại.
Sau đó họ tách thành một dân riêng,
không thờ phượng Thiên Chúa ở Đền thờ Giêrusalem nữa,
nhưng ở trên ngọn núi Garidim.
Người Do-thái tỏ ra khinh bỉ và có thái độ thù nghịch với người Samari.
Tuy nhiên, Đức Giêsu không khinh dân Samari, hay coi đất của họ là ô uế.
Đức Giêsu vượt qua những ngăn cách về văn hoá, tôn giáo, quốc gia
Tại giếng của ông Gia-cóp, lúc giữa trưa nắng gắt,
Đức Giêsu mệt mỏi nên ngồi nghỉ chân (Ga 4,6).
Tình cờ có một phụ nữ Samari đến lấy nước.
Chuyện chị đi lấy nước một mình vào giờ này là chuyện lạ,
vì phụ nữ thường không ra giếng vào giữa trưa.
Đức Giêsu chủ động bắt chuyện với chị,
dù người Do-thái không giao thiệp với người Samari.
Hơn nữa, vào thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được tiếp xúc với người ngoài gia đình của mình.
Đức Giêsu dám gặp gỡ một phụ nữ, mà lại là một phụ nữ người Samari.
Hành động này của Ngài đã làm cho các môn đệ rất ngạc nhiên (Ga 4,27).
Đức Giêsu đến như một người cần giúp đỡ
“Chị cho tôi uống với !” (Ga 4,7).
Câu nói đầu tiên của Đức Giêsu với người phụ nữ Samari là một lời xin.
Ngài xin nước của chị vì Ngài khát.
Đức Giêsu không đến như một người có cái gì để cho,
nhưng đến như một người cần sự giúp đỡ.
Xin là cho thấy mình cần đến người khác, và tin vào lòng quảng đại của họ.
Chị phụ nữ này hẳn đã ngạc nhiên biết bao
khi thấy một người đàn ông Do-thái xin mình nước uống (Ga 4,9).
Đức Giêsu không hề coi nước giếng này là ô uế
bởi lẽ nó được kéo lên bởi một phụ nữ ô uế,
trên một vùng đất ô uế.
Lời xin khiêm hạ của Ngài đã làm cho cuộc đối thoại trở nên dễ dàng, cởi mở.
Đức Giêsu đi từ chuyện Ngài xin chị nước giếng
đến chuyện Ngài hứa cho chị một thứ nước khác : nước hằng sống,
nước uống vào sẽ muôn đời không còn khát nữa (Ga 4,14).
Đức Giêsu khơi dậy nơi chị lòng khao khát về thứ nước kỳ diệu ấy.
Cuối cùng, chính chị đã xin Ngài cho chị thứ nước đó,
vì chị tưởng đó là thứ nước giúp chị khỏi phải đi kéo nước nữa (Ga 4,15).
Đức Giêsu quan tâm đến đời sống riêng tư của người đối diện
Khi cuộc đối thoại đã tương đối cởi mở hơn,
Đức Giêsu gợi lên chuyện chồng con của chị.
Ngài cho thấy mình biết rõ hoàn cảnh khó khăn của chị.
Ngài thông cảm với việc chị đã có năm đời chồng,
và người chị đang chung sống cũng không phải là chồng của chị (Ga 4,18).
Hiểu biết chính xác về chị của một người xa lạ tình cờ gặp bên giếng
đã làm chị kinh ngạc.
Chị cảm thấy ông này không phải là một người Do-thái bình thường,
nhưng là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa (Ga 4,19).
Đức Giêsu bàn đến vấn đề người kia quan tâm
Khi bắt đầu tin rằng người đang nói với mình là một vị ngôn sứ,
chị lập tức chuyển câu chuyện sang đề tài tôn giáo.
Chị đặt vấn đề về nơi thờ phượng đích thật:
Nên thờ phượng ở Giêrusalem hay trên núi Ga-ri-dim (Ga 4,20)?
Đây là một đề tài tranh cãi giữa người Do-thái với người Samari.
Đức Giêsu đã soi sáng cho chị về một chuyện quan trọng hơn :
thế nào là việc thờ phượng đích thực dành cho Thiên Chúa (Ga 4,21-24).
Khi chị nói lên niềm mong chờ của chị, cũng là của những người Samari,
chờ Đấng Mêsia đến để Ngài mặc khải cho họ mọi sự,
thì Đức Giêsu đã cho chị biết :
“Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4,26).
Lần đầu tiên Đức Giêsu minh nhiên nhận mình là Đấng Mêsia.
Ngài không chỉ là một ngôn sứ như chị nghĩ.
Người phụ nữ Samari trở thành người loan báo Tin Mừng
Chúng ta không rõ chị tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia đến mức nào,
nhưng chắc chắn lòng chị đang cảm nếm một niềm vui khôn tả.
Chị hạnh phúc vì gặp được một người biết cả quá khứ và hiện tại của chị,
một người đón nhận tất cả thân phận phụ nữ của chị,
với những bóng tối và buồn đau.
Chính vì thế chị lập tức muốn chia sẻ niềm vui này cho dân thành của chị.
Để vò nước lại, chị vội vã đi về thành mà hô hào mọi người :
“Đến mà xem, có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.
Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao ?” (Ga 4,29).
Đây thật là một lời mời đầy phấn khởi và lôi cuốn.
Hãy đến mà gặp một con người biết tỏ tường mọi sự tôi đã làm.
Biết đâu ông ấy chính là Đấng Mêsia mà chúng ta hằng mong đợi ?
Nghe lời hô hào của chị, người dân đã ra khỏi thành để đến gặp Đức Giêsu.
Như thế từ một người được nghe Đức Giêsu loan báo Tin Mừng,
chị đã trở thành một người đi loan báo Tin Mừng cho người khác.
Chị đã có kinh nghiệm được gặp
và được nghe người đàn ông ngồi bên bờ giếng.
Nay chị cũng muốn mọi người trong thành
cũng có kinh nghiệm tương tự như mình : Hãy đến mà xem.
Chị đã thành công trong việc lôi kéo người ta đến với Đức Giêsu.
Nhiều người Samari đã đến gặp Đức Giêsu và tin vào Ngài,
vì họ tin vào lời làm chứng của người phụ nữ :
“Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm” (Ga 4, 39).
Ngay cả một người có đời sống không gương mẫu
cũng có thể đi loan báo Tin Mừng,
cũng có thể là trung gian cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và nhiều người khác.
Người phụ nữ làm trung gian để người khác gặp Đức Giêsu
Người vùng Samari đã tin vào Đức Giêsu
trước tiên là nhờ lời chứng của người phụ nữ.
Họ đã đến gặp trực tiếp Đức Giêsu, và cũng bị lôi cuốn bởi con người Ngài,
đến nỗi họ xin Ngài ở lại với họ (Ga 4, 40).
Hai ngày ở lại với dân Samari là hai ngày trò chuyện và lắng nghe.
Đức Giêsu đã trò chuyện với người phụ nữ bên bờ giếng,
bây giờ Ngài trò chuyện với dân vùng Samari tại chính thành phố của họ.
“Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa” (Ga 4,41).
Chị phụ nữ đã làm xong nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ giới thiệu Đức Giêsu.
Chị chấp nhận rút lui,
và hẳn chị rất vui sướng khi thấy người ta đến với Đức Giêsu và nghe lời Ngài.
Chị đâu có buồn khi người ta nói với chị :
“Chúng tôi tin, không còn phải vì lời chị kể nữa !
Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng
Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,42).
Người loan báo Tin Mừng có lúc phải rút lui
để cho Chúa và con người gặp nhau.
Lời loan báo của tôi có lúc phải nhường bước
để cho Lời của Chúa nói trực tiếp với lòng mỗi người.
Trân quý giá trị của mỗi cuộc gặp gỡ cá nhân
Chị phụ nữ Samari tin Đức Giêsu là một vị ngôn sứ.
Sau đó Đức Giêsu nhận mình là Đấng Mêsia.
Cuối cùng dân vùng Samari tin Đức Giêsu là Đấng cứu độ cho cả thế giới.
Tất cả khởi đi từ một cuộc gặp gỡ riêng tư bên bờ giếng, lúc chính ngọ.
Ai có ngờ một cuộc gặp gỡ nhỏ bé như thế
lại có thể đem đến một hoa trái lớn lao như vậy.
Chúng ta cần biết quý những cuộc gặp gỡ cá nhân,
coi đó như những bước chuẩn bị cho Đức Giêsu đến với một tập thể.
“Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái !” (Ga 4,35).
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn nói với chúng ta như thế.
Ngài chỉ cho chúng ta những đồng lúa chín vàng.
Đã có những người khác gieo trồng và làm lụng vất vả.
“Thầy sai anh em đi gặt những gì anh em đã không vất vả làm ra;
còn anh em lại được vào hưởng kết quả công lao của họ” (Ga 4,38).
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Để lại một phản hồi