Không chiêu dụ tín đồ, một nguyên tắc truyền giáo

Lm Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

“Làm sao cho nhiều người biết Thiên Chúa?” luôn là câu hỏi đau đáu của Giáo hội và nhất là của những nhà truyền giáo. Đã có rất nhiều bài phân tích cách thế rao truyền Tin mừng, giới thiệu Thiên chúa cho nhiều người ở mọi thời. Trong đó, Giáo hội Công giáo thường nhắc đến cụm từ then chốt này: “Truyền giáo nhưng không chiêu dụ tín đồ.” Cụ thể, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên nhấn mạnh đến cụm từ này. Mới đây nhất trong chuyến tông du Mông Cổ, ngài cũng đề cập đến cụm từ này. Thậm chí trong bối cảnh giáo hội Mông Cổ còn vô cùng non trẻ, nhưng không vì thế mà các nhà truyền giáo hối hả chiêu dụ nhiều người vào Giáo hội. Vậy đâu là nền tảng cho cụm từ đặc biệt này?

  1. Cách thức Chúa Phục sinh truyền giáo

Có lẽ lời mời gọi mạnh mẽ nhất mà các nhà truyền giáo tiên khởi nhận được đến từ chính Chúa Giêsu phục sinh. “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – πορευθέντες οὖν μαθητεύσατε πάντα τὰ ἔθνη, βαπτίζοντες αὐτοὺς εἰς ¹ τὸ ὄνομα τοῦ πατρὸς καὶ τοῦ υἱοῦ καὶ τοῦ ἁγίου πνεύματος (Mt 28,19). Về mặt ngữ pháp, thánh Matthêu dùng: μαθητεύσατε – làm cho…trở thành môn đệ. Tiếng Anh chỉ đơn thuần dịch: “make disciples of all nations”. Tôi thích bản dịch tiếng Việt hơn vì nó nói lên một tiến trình để một người chưa biết Chúa trở nên người con của Chúa.

Chắc chắn Thiên Chúa không buộc mọi người phải tin vào Người. Suốt cuộc đời rao giảng tin mừng, Đức Giêsu không chiêu dụ các tín đồ. Ngài lấy lời hằng sống mà chia sẻ cho những ai Ngài gặp gỡ. Ngài làm phép lạ, nêu gương sáng và nhất là dùng tình thương để cảm hoá tha nhân. Chính cung cách hành xử này mà nhiều người muốn đến với Ngài. Trước là để lắng nghe Đức Giêsu giảng dạy; sau là xin làm môn đệ của Ngài. Trên hành trình này, có những môn đệ đã bỏ cuộc vì những đòi hỏi của Tin mừng. Đức Giêsu không hề trách cứ hoặc loại trừ. Ngài tuyệt đối tôn trọng quyết định của từng người.

Nếu Đức Giêsu phục sinh không tuân thủ nguyên tắc truyền giáo trên đây, Ngài chỉ phán một lời là mọi người phải tin vào Chúa. Không! Thiên Chúa của chúng ta luôn tôn trọng tự do của từng người. Thậm chí có vị thánh ví von: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người.” (Thánh Augustinô). Điều này cũng đúng trong lãnh địa truyền giáo.

Phải nhìn nhận ở đây rằng: Tuy Thiên Chúa cần sự cộng tác của chúng ta, nhưng Ngài hằng làm việc để giúp chúng ta yêu mến Chúa. Nếu có mặt trong những năm tháng Đức Giêsu huấn luyện các tông đồ, chúng ta sẽ hiểu được thầy Giêsu đã trang bị những điều cần thiết cho các ngài. Ngoài việc ghi nhớ những lời dạy, Đức Giêsu luôn mời gọi các môn đệ yêu mến Thiên Chúa. Đức Giêsu phục sinh đã hỏi Phêrô đến ba lần: “Con có yêu mến thầy không?” (Ga 21,1-19). Cả ba lần Phêrô trả lời: “Có, thầy biết con yêu mến thầy”. Sau đó Đức Giêsu mới trao đàn chiên, trao cộng đoàn, trao cánh đồng truyền giáo cho ngài chăm sóc. Điều này có nghĩa là người truyền giáo cần lấy tình yêu Thiên Chúa làm ngọn đèn chỉ dẫn mình và cộng đoàn. Chỉ với tình yêu này, con người mới thích thú và tin theo Đức Giêsu

  1. Chứng tá trọng lượng hơn lời ngon ngọt

Với tình yêu Thiên Chúa, người truyền giáo biết những cách thế đến với muôn người. Tình yêu này sẽ giúp người truyền giáo không nóng vội, không áp bức người khác phải tin vào Thiên Chúa. Nói cách khác, tình yêu là hương thơm giúp những tâm hồn chưa biết Chúa dễ dàng nhận ra thế nào là Đạo, thế nào là trở nên người môn đệ của Chúa. Đó là những chứng nhân của Chúa giữa đời. Họ sống giữa dân và tôn trọng những nét văn hoá địa phương. Hoặc nói như cố giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Giáo hội không chiêu dụ tín đồ. Nhưng đúng hơn là Giáo hội phát triển nhờ sự thu hút.”

Về mặt tâm lý, người tốt thường được nhiều người yêu mến. Lý tưởng mà nói, những nhân chứng của Chúa cần nên người con ngoan của Chúa. Họ cần là những người tốt trước. Rồi với cái tốt này, những người xung quanh được thu hút và muốn làm quen. Họ muốn biết vì đâu mà người môn đệ có thể “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”.?

Về mặt đức tin, “lời nói như gió thoảng mây bay, gương bày như tay lôi kéo”, tôi chỉ tin khi tôi cảm thấy được thu hút. Sự thu hút của những chứng nhân tin mừng có thể nhận thấy nơi những tổ chức thiện nguyện, những cánh đồng mà họ hăng say phục vụ. Họ cũng là những con người bình thường với tình yêu phi thường. Họ làm chứng rằng Chúa phục sinh đang cho họ tình yêu để ra đi rao giảng tin mừng. Những chứng nhân của Chúa thu hút con người bằng vẻ đẹp của niềm vui, của bình an, hạnh phúc và kể cả những khổ đau họ sẵn lòng cam chịu.

Viết đến đây tôi nhớ đến lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Theo nghĩa này, chúng ta thấy Đức Giêsu sau khi nói: “làm cho môn dân trở thành môn đệ”, mới đề cập đến những lời giảng dạy: “Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20).

Nếu chỉ tuyên truyền hoặc hùng hồn giảng giải lời Chúa mà không sống tốt, thử hỏi mấy người tin vào Chúa. Đừng quên Đức Tin không phụ thuộc vào những lời giảng hùng hồn thuyết phục, nhưng dựa vào Đấng là tình yêu. Chính tình yêu của Chúa mới có sức thu hút các tâm hồn. Hiểu theo nghĩa này, mỗi nhà truyền giáo được mời gọi trở nên khuôn mặt dễ thương của Chúa Giêsu giữa đời, gần gũi với con người. Từ bối cảnh này, nhiều tâm hồn sẽ được thu hút bởi vẻ đẹp của Đức Giêsu phục sinh. Sẽ đến một giây phút nào đó, họ quyết định: “Tôi muốn trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Tôi muốn được rửa tội.”

  1. Vài chỉ dẫn của Giáo hội

Để tránh không chiêu dụ tín đồ, Giáo hội có nhiều chỉ dẫn để giúp mỗi tín hữu biết cách loan báo tin mừng.

Truyền giáo là một nhiệm vụ thánh thiêng

Thiên Chúa mong muốn và khao khát cứu độ con người. Giáo hội thôi thúc mọi thành phần dân Chúa thực thi sứ mạng này bằng cách: “Hãy để mình hiện diện với tất cả mọi người và cho mọi dân tộc”. Trong sứ mạng thánh thiêng này, mỗi người hướng đến đời sống chứng tá, gương mẫu, với lời giảng dạy, các bí tích và những phương thế trao ban ân sủng khác. Giáo hội sẽ không ngại mở ra con đường rộng thoáng và vững chắc giúp nhiều người tham dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhờ đó, họ được sống và sống dồi dào. (Ga 10,10).

Thấy mọi sự mới mẻ trong Đức Kitô

Có lẽ một trong những khó khăn của sứ mạng truyền giáo là vấn đề hội nhập vào tâm tư tình cảm, văn hóa và xã hội của từng người, từng sắc tộc trên thế giới. Về điểm này, Giáo hội đưa ra một chìa khóa để giúp người truyền giáo: “Tất cả những gì là chân lý và ân sủng được tìm thấy nơi các dân tộc như sự hiện diện ẩn khuất của Thiên Chúa […] bất cứ điều gì tốt đẹp đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những nghi lễ và văn hoá riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy bỏ, nhưng được chữa lành, thăng tiến và hoàn thiện để Thiên Chúa được tôn vinh.”

Đối thoại chứ đừng đối đầu

Trên đường trở về từ Mông Cổ, Đức giáo hoàng Phanxicô đưa ra chỉ dẫn này: “Loan báo Tin Mừng là bắt đầu đối thoại với văn hóa. Có việc Phúc Âm hóa văn hóa và có sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng, bởi vì các Kitô hữu cũng thể hiện những giá trị Kitô giáo của mình bằng nền văn hóa của chính dân tộc của họ. Điều này hoàn toàn trái ngược với một sự thuộc địa hóa tôn giáo.” Càng tôn trọng đối thoại, chúng ta càng nhận ra những giá trị của tin mừng, càng được nhiều người yêu mến, và hy vọng có nhiều người tin yêu nơi Thiên Chúa.

Ngoài ra, chúng ta có thể:

– Chia sẻ niềm vui nỗi buồn với những ai bạn gặp gỡ, biết rõ những ước vọng và những khó khăn của họ, cảm thông với họ trong nỗi lo âu về sự chết. Đối với những ai tìm kiếm hòa bình, Giáo hội muốn đưa ra lời giải đáp qua việc đối thoại huynh đệ, bằng cách mang lại cho họ sự bình an và ánh sáng phát xuất từ Tin mừng.

– Hãy can đảm hoạt động và cộng tác với mọi người để điều hành cách tốt đẹp các sinh hoạt kinh tế xã hội.

– Liên kết chặt chẽ với nhân loại trong cuộc sống và trong hoạt động, các môn đệ Chúa Kitô hy vọng sẽ trình bày một chứng tá đích thực về Chúa Kitô, và dấn thân hoạt động vì phần rỗi của họ, kể cả ở những nơi mà việc rao giảng về Chúa Kitô còn bị hạn chế.

– Với những bạn không cùng tôn giáo, người Công giáo cần tránh những thái độ dửng dưng, bài bác hay đối kháng. Hãy cùng nhau cộng tác trong lãnh vực xã hội và kỹ thuật cũng như văn hóa và tôn giáo. Chấp nhận những khác biệt vốn luôn có, để từ đó, chúng ta phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô với chính phong cách sống tốt lành.

Tạm kết

Có thể ai đó phản biện rằng: “Nếu không mạnh mẽ rao giảng tin mừng, xông pha thuyết phục các linh hồn, làm sao Giáo hội thêm đông số?” Lời phát biểu này dễ gây hiểu lầm. Thứ nhất, nếu bị số lượng cám dỗ, chúng ta dễ mất kiên trì để làm chứng cho Thiên Chúa. Thứ hai, thực tế lời chứng thu hút các tâm hồn nhất chỉ khi nó đụng chạm vào trái tim của họ. Nghĩa là họ cảm thấy và được Thiên Chúa thu hút. Cuối cùng, đừng quên Thiên Chúa mới là nhân tố chính để giúp người khác tin theo Đạo.

Thiên Chúa là trung tâm để nối kết Giáo hội với muôn người. Cụ thể Chúa Thánh Thần có sức hoạt động và thúc bách những tâm hồn chưa biết Chúa. Là những tín hữu, những nhà truyền giáo, chúng ta cộng tác hết mình, cần “lòng say mê rao giảng Tin mừng, tức là nhiệt tâm tông đồ. Đó là một chiều kích sống còn đối với Giáo hội: cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu thực sự được sinh ra là cộng đoàn tông đồ, truyền giáo, chứ không phải là chiêu dụ tín đồ. Chúng ta cần phân biệt điều này ngay từ đầu: truyền giáo không giống với chiêu dụ tín đồ.”

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*