Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn ngày 14/1/2024
ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỀ CÁC ĐÔI BẠN BẤT QUY TẮC: “CHÚA CHÚC LÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI”
Salvatore Cernuzio
Đức Phanxicô, được nhà báo người Ý Fabio Fazio phỏng vấn trong chương trình “Che tempo che fa” trên kênh Nove, đề cập đến Tuyên ngôn “Fiducia supplicans”: “Mọi người phải bước vào cuộc đối thoại với việc chúc lành và nhìn ra con đường mà Chúa đề nghị”. Về chiến tranh: “Tôi sợ leo thang chiến tranh.” Ngài nói về sự từ nhiệm: “Hiện tại, nó không phải là trung tâm suy nghĩ của tôi”. Ngài thông báo hai chuyến tông du, tới Polynesia vào tháng 8 và tới Argentina vào cuối năm.
Chúc lành cho tất cả mọi người, kể cả các đôi bạn “bất quy tắc”, noi gương Thiên Chúa là Đấng “nhân lành” chứ không là “người trừng phạt” và là Đấng “chúc lành cho mọi người”; “nỗi sợ hãi” về sự leo thang của chiến tranh và khả năng “tự hủy diệt” của loài người; xác nhận rằng ngài không có ý định từ chức và thông báo về hai chuyến tông du: đến Polynesia vào tháng 8 và về quê hương Argentina vào cuối năm. Đây là một số chủ đề được Đức Thánh Cha đề cập trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Fabio Fazio cho chương trình “Che tempo che fa” của Ý, phát sóng tối Chúa Nhật, ngày 14 tháng 1, trên kênh Nove. Vào năm 2021, ngài đã trả lời phỏng vấn cho chính chương trình nổi tiếng này (được phát sóng vào thời điểm đó trên RAI, truyền hình công cộng). Vào Chúa nhật, ngài đã thực hiện một cuộc phỏng vấn mới kéo dài gần một giờ để suy tư về các chủ đề liên quan đến các sự kiện hiện tại, những thách thức của thế giới, Giáo hội và triều đại giáo hoàng.
Chúc lành cho « tất cả mọi người, tất cả mọi người, tất cả mọi người »
Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi về Tuyên ngôn của Bộ Giáo lý Đức tin, Fiducia Supplicans, mở ra khả năng chúc lành cho các đôi bạn trong hoàn cảnh “bất quy tắc” liên quan đến luân lý Công giáo, bao gồm cả các cặp đồng giới. Một tài liệu đã gây ra những phản ứng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Đức Phanxicô nhận ra rằng “đôi khi các quyết định không được chấp nhận” nhưng thường “đó là vì người ta không biết”; sau đó ngài tái khẳng định nguyên tắc “todos, todos, todos” (“tất cả mọi người, tất cả mọi người, tất cả mọi người”) đã được phát biểu trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon: “Chúa chúc lành cho tất cả những ai đến, tất cả mọi người, tất cả mọi người. Chúa chúc lành cho tất cả những ai có khả năng chịu phép rửa, nghĩa là mọi người. Nhưng sau đó mọi người phải bước vào cuộc đối thoại với lời chúc lành của Chúa và xem Chúa đưa ra cho họ con đường nào. Nhưng chúng ta phải nắm tay họ và giúp đỡ họ trên hành trình này, chứ không phải lên án họ ngay từ đầu.”
Các cha giải tội tha thứ tất cả
Đó là “công việc mục vụ của Giáo hội” và đó là công việc “rất quan trọng” đối với các cha giải tội, những người mà Đức Phanxicô nhắc lại lời mời gọi “tha thứ tất cả” và đối xử với mọi người “bằng lòng nhân từ lớn lao”. Chính ngài, ngài tiết lộ, trong 54 năm làm linh mục, chỉ từ chối sự tha thứ một lần “do sự đạo đức giả của con người”: “Tôi luôn tha thứ mọi thứ, thậm chí, tôi có thể nói, khi biết rằng người này có lẽ sẽ tái phạm, nhưng Chúa tha thứ cho chúng ta. Xin giúp đừng tái phạm, hoặc ít tái phạm hơn, nhưng luôn tha thứ”. Đức Giám mục Rôma nhận xét rằng Chúa “không bị vấp phạm vì tội lỗi của chúng ta, bởi vì Ngài là người cha đồng hành với chúng ta”, đồng thời thừa nhận rằng ngài thích tin rằng địa ngục trống rỗng.
Nguy cơ chiến tranh
Một lần nữa, cũng như trong 100 ngày xung đột ở Trung Đông và trong gần hai năm xâm lược Ucraina này, Đức Thánh Cha đã lên án sự khủng khiếp của chiến tranh: “Đúng là kiến tạo hòa bình bao hàm những rủi ro, nhưng tiến hành chiến tranh lại bao hàm nhiều rủi ro hơn. Đằng sau các cuộc chiến tranh là hoạt động buôn bán vũ khí. Một nhà kinh tế nói với tôi rằng vào thời điểm hiện tại, những khoản đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận nhất, nhiều tiền nhất đều liên quan đến ngành công nghiệp vũ khí. Đầu tư để giết người”.
Lo ngại leo thang chiến tranh
Đức Phanxicô bộc lộ nỗi sợ hãi cá nhân: “Sự leo thang chiến tranh này làm tôi sợ hãi, vì nó dẫn đến những hành động hiếu chiến trên thế giới. Chúng ta tự hỏi nó sẽ kết thúc như thế nào. Với vũ khí nguyên tử ngày nay, thứ có thể hủy diệt mọi thứ. Chúng ta sẽ kết thúc bằng cách nào? Giống như con tàu của Nô-ê? Điều đó làm tôi sợ. Khả năng tự hủy diệt mà nhân loại có được ngày nay”.
Sự tàn ác đối với người di cư
Trong cuộc phỏng vấn, một chỗ cũng được dành cho chủ đề về những người di cư, mà ngài rất quan tâm, và cái ôm của ngài dành cho Pato, một thanh niên người Cameroon đã mất vợ và đứa con gái 6 tuổi vào năm ngoái, chết vì đói, nóng và cơn khát trên sa mạc giữa Tunisia và Libya. Đức Phanxicô đã tiếp anh vào tháng 11 năm ngoái tại nhà Thánh Mátta. “Có quá nhiều sự tàn ác trong cách đối xử với những người di cư này, kể từ khi họ rời quê hương cho đến khi đến châu Âu”, ngài than thở, nhắc lại tình cảnh bi thảm của nhiều người trong các trại tị nạn Libya và thảm kịch tháng 2 năm 2022 tại Cutro, trên bờ biển Calabria, miền nam nước Ý. Đức Thánh Cha nói: “Đúng là mọi người đều có quyền ở trong nhà của mình và có quyền di cư”, nhưng “xin vui lòng đừng đóng cửa”. Điều cần thiết là một chính sách di cư “được cân nhắc kỹ lưỡng” sẽ “giải quyết vấn đề người di cư” và “loại bỏ tất cả những tên mafia bóc lột người di cư”.
Cải cách
Sau đó, Đức Thánh Cha nói về những cải cách của Giáo hội. Ngài nói, cải cách đầu tiên trong số này cần được thực hiện là “cải cách tâm hồn”, trước cải cách các cơ cấu vốn “phải được giữ gìn, thay đổi, cải cách theo mục đích của chúng”. Nhưng điều đầu tiên cần làm là “thay đổi tấm lòng” và gột rửa nó khỏi ác ý và dục vọng, “một tật xấu phá hủy mọi mối quan hệ”.
Không có từ nhiệm, nhưng có tông du
Cuối cùng, câu hỏi không thể tránh khỏi về khả năng từ nhiệm đã được đặt ra, tuy nhiên “đó không phải là một suy nghĩ, cũng không phải mối quan tâm, thậm chí cũng không phải là mong muốn. Đó là một khả năng, dành cho tất cả các giáo hoàng, nhưng hiện tại nó không phải là trung tâm suy nghĩ, mối quan tâm và cảm xúc của tôi”. Để xác nhận lời nói của mình, Đức Phanxicô đã công bố hai chuyến đi được trình bày dưới dạng giả thuyết trong các cuộc phỏng vấn trước đó: Polynesia và Argentina. Tại Argentina – nơi ngài được tân tổng thống Javier Milei mời chính thức – người kế nhiệm thánh Phêrô có thể đến vào cuối năm: “Người dân ở đó đang đau khổ rất nhiều. Đây là thời điểm khó khăn cho đất nước. Khả năng tông du vào nửa cuối năm đang được xem xét, vì bây giờ có sự thay đổi của chính phủ, có những điều mới mẻ… Vào tháng 8, tôi phải có một chuyến đi đến Polynesia, một chuyến đi dài, và sau đó chúng tôi sẽ có một chuyến đi đến Argentina, nếu có thể. Tôi muốn đi đến đó. Mười năm là tốt rồi, tôi có thể đi đến đó.”
Tý Linh
(theo Salvatore Cernuzio, Vatican News)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (15.12.2023)
Để lại một phản hồi