Rực rỡ trắng tinh (25.02.2024 – Chúa Nhật Tuần 2 Mùa Chay, Năm B)

Bài Ðọc I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18

“Của hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”.

Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”. Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 115, 10 và 15. 16-17. 18-19

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

Xướng: 1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: “Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!” Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

2) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

3) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giêrusalem hỡi!

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-34

“Thiên Chúa không dung tha chính Con mình”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta?

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 17,5

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Phúc Âm: Mc 9,2-10

“Ðây là Con Ta rất yêu dấu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm 1: RỰC RỠ TRẮNG TINH

Vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9, các vị hoàng đế Byzantin
đã ra lệnh đập phá các ảnh tượng tôn giáo,
bởi họ tin rằng Kinh Thánh cấm không được tạc ảnh tượng.
Đầu thế kỷ thứ 8, thánh Gioan Đamascô đã chống lại chuyện này.
Ngài viết: “Vào thời xưa, Thiên Chúa không có hình có dạng,
nên không bao giờ có thể được vẽ ra.
Nhưng nay, khi Thiên Chúa đã mang xác thể,
trò chuyện với con người,
tôi sẽ vẽ một bức tranh theo Thiên Chúa mà tôi thấy.”
Nhờ khẳng định mạnh mẽ này của thánh nhân
mà ngày nay chúng ta có những ảnh tượng thánh.

Qua mầu nhiệm Nhập Thể, nơi con người Đức Giêsu,
Thiên Chúa vô hình đã có một khuôn mặt, một thân xác,
giống như bất cứ người nào trong chúng ta.
Các môn đệ đã rất quen với khuôn mặt ấy, thân xác ấy.
Họ đã có thời gian sống chung, trò chuyện và gặp gỡ
với người mà họ gọi là Thầy, là Rabbi !
Sáu ngày trước khi được Thiên Chúa hiển dung (x. Mc 9,2),
Thầy đã nói cho các môn đệ biết về tương lai của mình:
bị đau khổ, bị loại trừ, bị giết và sống lại.
Thầy cũng nói cho các môn đệ biết về tương lai của họ:
từ bỏ mình, vác thập giá, mất mạng sống để rồi tìm được lại.
Họ đã có dấu hiệu chùn bước khi nghe về tương lai u ám…
Chẳng ai để ý đến việc Thầy nói về phục sinh (Mc 8,31),
hay về việc Thầy sẽ đến trong vinh quang rực rỡ (Mc 8,38).

Hôm nay, Thầy dẫn ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao,
nơi Thầy quen gặp Cha, Đấng sai Thầy.
Chính nơi đây Thầy đã được Cha biến đổi hình dạng.
Không phải chỉ khuôn mặt, nhưng toàn bộ con người.
Cả con người Thầy rạng ngời ánh vinh quang thần linh.
Cả y phục của Thầy cũng mang sắc trắng của thiên giới.
Vị Thầy thân quen của họ như bước ra từ một thế giới khác.
Rồi có hai nhân vật đáng kính là Êlia và Môsê xuất hiện.
Các vị này trò chuyện với Thầy Giêsu.
Cảnh tượng linh thiêng này làm họ ngây ngất và hoảng sợ.
Đỉnh điểm của thị kiến này là tiếng nói phát ra từ đám mây.
Mây vừa che giấu, vừa tỏ bày sự hiện diện của Thiên Chúa.
Thiên Chúa trực tiếp nói với các môn đệ từ đám mây.
Ngài giới thiệu cho họ biết Thầy Giêsu của họ là ai.
Thầy không chỉ là Đấng Kitô như Phêrô tuyên xưng.
Thầy còn là Người Con yêu dấu của Thiên Chúa,
có tương quan thân thiết với Cha chẳng ai sánh bằng.
Hai ông Êlia và Môsê xuất hiện rồi lại biến đi.
Chỉ Thầy Giêsu còn ở lại, chỉ Thầy được gọi là Con yêu dấu.
Thiên Chúa Cha ra lệnh: Hãy lắng nghe Người (Mc 9,7).
Lắng nghe về định mệnh đang chờ đợi cả Thầy lẫn trò,
rồi chấp nhận và đi vào con đường Thiên Chúa dọn sẵn,
con đường hẹp, chẳng ai muốn đi,
nhưng lại dẫn đến sự sống, chứ không phải là ngõ cụt.

Bài Chúa Biến hình trên núi luôn được đọc vào Mùa Chay.
Đây là một hy vọng xanh ngát ngay giữa màu tím của phụng vụ.
Rồi cũng đến lúc Thầy trò phải xuống ngọn núi này
để lên núi Cây Dầu và núi Sọ.
Rồi có lúc ba môn đệ sẽ thấy
khuôn mặt xao xuyến của Thầy trong Vườn Dầu (Mc 14,33-34),
khuôn mặt đầy máu và thương tích trong cuộc Khổ nạn.
Nhưng Phêrô sẽ không sao quên được kinh nghiệm quý này:
ông nghe tiếng của Chúa Cha phán từ trời trên núi thánh,
và thấy Thầy Giêsu với vẻ lẫm liệt uy phong (2 Pr 16-18).

Biến hình là sự nâng đỡ của Thiên Chúa dành cho ba môn đệ,
nhưng cũng là quà tặng của Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu.
Khi Đức Giêsu đón lấy ý định nhiệm mầu của Cha,
chấp nhận bước vào cuộc Khổ Nạn,
thì thần tính vốn được che giấu của Ngài nay được Cha vén mở.
Mùa Chay là thời gian chúng ta lên núi để được biến hình,
nếu chúng ta chấp nhận lắng nghe và tuân giữ lời Con Chúa.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

Suy niệm 2: ĐƯỢC BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG

Ðức Giêsu mê những ngọn núi vắng vẻ,
đó là nơi Ngài gặp gỡ Cha, chìm đắm trong cầu nguyện.
Có nhiều ngọn núi trong cuộc đời Ðức Giêsu:
núi của Bài Giảng về các mối phúc,
núi Tabo nơi Ngài biến hình, núi Cây Dầu nơi Ngài chiến đấu
núi Sọ nơi Ngài dâng hiến, và núi Ô-liu nơi Ngài thăng thiên.
Những ngọn núi trở thành cột mốc đánh dấu.
Những ngọn núi đan vào nhau làm nên hành trình cuộc đời.
Hôm nay ba môn đệ thân tín được Ngài đưa lên núi Tabo,
để củng cố niềm tin của họ,
trước khi họ thấy Ngài như người bị Cha bỏ rơi
và bị mọi người khai trừ ruồng rẫy trên núi Sọ.
Nhưng vinh quang của núi Tabo
chỉ là một loé sáng bất ngờ và tạm thời,
báo trước vinh quang viên mãn khi Ngài về thiên quốc.

Biến hình là hành động Chúa Cha yêu thương Con.
Sau khi gặp Cha trên núi, Ðức Giêsu được Cha biến hình.
Sự biến đổi này ảnh hưởng đến thân xác và khuôn mặt,
và đến cả y phục của Ngài.
Vinh quang của Con Thiên Chúa làm người vốn bị che khuất,
nay được Cha hé mở cho các môn đệ trong một thời gian.
Ông Môsê ngày xưa, sau khi lên núi gặp Ðức Chúa,
cũng đã phải che lại khuôn mặt chói lọi của mình.
Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình.
Khi kết hiệp thực sự với Thiên Chúa,
đời sống người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ.
Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình,
như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá…
Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình:
tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa.

Từ khi chịu phép Thánh Tẩy,
chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình, từ từ và liên tục.
Nếu chúng ta chấp nhận đi vào đường hẹp của Thầy Giêsu
chúng ta sẽ được biến hình đổi dạng
và phản ánh ngời sáng hơn vinh quang Chúa (x. 2Cr 3,18).
Chúng ta phải trở thành điều chúng ta đang là.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi
và xuống núi với Chúa Kitô mỗi ngày.
Cần cảm nếm được sự dịu ngọt và hạnh phúc
khi được chiêm ngắm Chúa Giêsu trên núi cao.
Nhưng cũng phải xuống núi với Chúa
để đi đến nơi hiến mình, nơi phục vụ,
đi cùng và đi sau Chúa Giêsu
đến với Vườn Dầu và Núi Sọ.

Ước gì chúng ta dám đón nhận những gai góc đời thường
và nhìn mọi khổ đau bằng cái nhìn mới mẻ.
Người Kitô hữu lên núi gặp Chúa
để rồi được sai xuống núi hành đạo.
Nhưng xuống núi rồi, lại có khi thấy cần lên núi.

Cầu Nguyện 

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*