Vì muôn người (02.06.2024 – Chúa nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm B) (Mc 14, 12-16. 22-26)

Bài đọc I: Xh 24, 3-8

“Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi”.

Bài trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa, và toàn dân đồng thanh thưa rằng: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Vậy Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: “Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

Ðáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).

Hoặc đọc: Alleluia

Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

Ðáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).

2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi.

Ðáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).

3) Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài.

Ðáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).

Bài đọc II: Dt 9, 11-15

“Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta”.

Bài trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.

Phúc âm: Mc 14, 12-16. 22-26

“Này là Mình Ta. Này là Máu Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.

Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.

Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm 1: DÂNG LỜI CHÚC TỤNG TẠ ƠN

Trong mùa dịch bệnh, không được đến nhà thờ,

không được tham dự Thánh lễ và rước lễ,

chúng ta thấy nhớ và thấy thiếu một điều quan trọng.

Trong Thánh Lễ, vị linh mục đọc lại lời của Thầy Giêsu

khi Thầy cầm tấm bánh và chén rượu trao cho các môn đệ:

“Đây là Mình Thầy, Đây là Máu Thầy.”

Thầy còn truyền cho các môn đệ bây giờ và mai sau

làm lại những gì Thầy đã làm:

 “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Tưởng nhớ đến Hy lễ của Thầy trên thập giá

là làm cho Hy lễ ấy được tái hiện trên bàn thờ,

nhờ đó ơn cứu độ lại tuôn tràn trên toàn thế giới.

 

“Hãy cầm lấy mà ăn, hãy uống chén này.”

Thầy Giêsu mời môn đệ ăn bánh và uống rượu trên bàn tiệc.

Thầy đã mời họ như thế trong những bữa ăn trước đây.

Bánh và rượu là thực phẩm căn bản của người Do-thái.

Bánh không men gợi nhớ đến bánh được làm vội vã

khi con cái Ítraen rời bỏ Ai-cập (Xh 12,39).

Rượu được coi là máu của trái nho (St 49,11; Đnl 32,14).

Nhưng tối nay, khi trao bánh và rượu cho họ, Thầy lại nói:

“Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy” (Mt 26,26-27). 

Vậy Thầy đã biến đổi những thực phẩm quen thuộc

thành chính con người Thầy.

Nhờ đó khi ăn tấm bánh Thầy trao, họ nên một với Thầy.

 

Như thức ăn trở thành sự sống cho người ăn,

Thầy Giêsu cũng nói:

“Kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà sống như vậy” (Ga 6,57).

Mỗi Thánh Lễ là một bữa tiệc do Chúa Giêsu khoản đãi.

Ngài mời chúng ta đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.

Dự lễ mà không rước lễ thì chưa trọn vẹn.

Chúng ta luôn cảm thấy mình bất xứng khi đưa tay ra

đón lấy tấm bánh, tuy đơn sơ bé nhỏ,

nhưng mang sự hiện diện của Đấng ngự trên cao.

Phải hết sức cẩn trọng khi lên rước Chúa (1 Cr 11,26-32),

nhưng rước Chúa cũng là phương thuốc chữa lành,

và là sự bổ dưỡng cho người yếu đuối.

 

Trong khung cảnh lễ Vượt Qua của Bữa Tiệc ly

Thầy Giêsu đã bẻ bánh để trao cho mỗi người một phần.

Thầy cũng trao chén rượu cho từng môn đệ.

Tất cả các ông được ăn cùng một bánh,

và uống cùng một chén rượu mà Thầy sắp uống (Mc 10,38).

Như thế họ được hiệp thông với Mình và Máu Đức Kitô.

Khi hiệp thông với Đức Kitô

các tín hữu được hiệp thông với nhau,

Thánh Phaolô viết: “Bởi vì chỉ có một Bánh,

và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy,

nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể (1 Cr 10,17).

Thánh Lễ không chỉ liên kết chúng ta với Đức Kitô,

mà còn liên kết chúng ta với nhau nhờ hiệp lễ.

 

Sống trong một thế giới đầy thương tích và khổ đau,

ta được mời tham dự vào cuộc Khổ Nạn của Chúa,

ghép thánh giá của mình vào thánh giá của Chúa,

để chỉ có một Hy lễ duy nhất dâng lên Chúa Cha.

Mỗi khi rước lấy Đấng đã sống và chết cho chúng ta

ước chi chúng ta cũng biết sống và chết cho người khác.

 Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,

sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.

Sau khi được dân chúng tung hô lúc vào thành Giêrusalem,

Chúa cũng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.

Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,

và Chúa đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.

           

Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,

nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,

Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều

vì sợ người ta xỉu dọc đường,

Chúa đã bảo người ta cho cô bé mới hồi sinh được ăn.

 

Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,

và Chúa chẳng bao giờ coi thường

những nhu cầu chính đáng của nó.

Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng

con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời Chúa,

con người không chỉ đói khát thức ăn vật chất

mà còn khao khát những giá trị tinh thần của Nước Trời.

 

Xin dạy chúng con đừng khép cửa lòng

như ông nhà giàu xây thêm kho.

Nhưng biết chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng,

Xin cho chúng con hiểu được giá trị của một ly nước được trao đi,

một tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn,

và chút vụn bánh rơi xuống từ bàn ăn đủ nuôi một người.

 

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa là người đói khát vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày

mà chúng con không hay.

Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng

dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ tha nhân.

Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa

và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.

Suy Niệm 2: VÌ MUÔN NGƯỜI

Ðại lễ Vượt Qua gần đến.

Chúa Giêsu ước ao ăn lễ Vượt Qua lần cuối

với các môn đệ trước khi chịu khổ hình (Lc 22,15).

Ngài đã tiên liệu nơi tổ chức bữa tiệc.

Một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã chuẩn bị sẵn sàng.

Các môn đệ chỉ phải lo những gì cần cho bữa ăn:

bánh không men, rượu, chiên, rau đắng…

Thế nhưng chỉ mình Chúa Giêsu biết

Ngài sẽ làm gì trong bữa tiệc Vượt qua này.

 

Bữa tiệc cuối là Thánh lễ đầu tiên của Chúa.

Vẫn tấm bánh đó, vẫn chén rượu đó trên bàn tiệc,

nhưng đối với các môn đệ, thật là bất ngờ

khi Chúa Giêsu bẻ bánh, trao cho họ và nói:

“Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy.”

Ngài còn mời họ uống rượu và nói:

“Ðây là Máu Thầy, Máu giao ước, đổ ra vì muôn người.”

Như thế bánh và rượu đã được biến đổi tận căn

để trở nên Mình và Máu Chúa.

Ăn bánh và uống rượu trở nên hành vi hiệp thông

vào Mình sắp bị nộp và Máu sắp đổ ra của Thầy.

nghĩa là vào cái chết sắp đến của Thầy.

Ngay chiều hôm sau, trên núi Sọ, máu Chúa đã đổ,

và thân mình Chúa chịu nát tan.

Hy lễ núi Sọ chỉ diễn ra một lần,

nhưng ảnh hưởng trên cả dòng lịch sử nhân loại.

Bữa Tiệc ly chỉ diễn ra một lần,

nhưng Chúa muốn nó được lặp lại cho đến tận thế:

“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

 

Mỗi Thánh lễ là một bữa Tiệc ly,

trong đó vị linh mục lặp lại cử chỉ và lời nói của Chúa.

Mỗi Thánh lễ là một tưởng nhớ Hy tế thập giá.

Cái chết trên Núi Sọ, nay trở thành hiện tại

để đem đến sự sống cho các tín hữu mọi thời.

Rước lễ là gặp gỡ Ðấng đã hy sinh chịu chết,

là kết hợp với Ðấng đã yêu đến cùng.

Chúng ta được mời gọi sống như Ðấng ta lãnh nhận,

nghĩa là dám bẻ con người mình để trao đi.

Chúng ta không thể tiếp tục sống ích kỷ và khép kín,

khi ngày ngày lên rước lấy Ðấng đã chết cho tha nhân.

Rước lễ không phải chỉ là nhận Chúa vào miệng,

mà là để Chúa chiếm lấy mọi ngõ tối của đời mình,

nhờ đó đời ta được hoàn toàn biến đổi.

Nhiều khi có một khoảng cách quá xa

giữa Thánh lễ và đời thường của người Kitô hữu.

Thật sự gặp Chúa dưới hình bánh rượu

sẽ giúp ta gặp Chúa nơi những người nghèo khổ,

vì họ cũng là sự hiện diện thật sự của Chúa (x. Mt 25,35).

Mặt khác, càng say mê phục vụ con người,

ta lại càng thấy cần rước lấy Ðấng đã một đời phục vụ.

 

Mỗi khi tham dự Thánh lễ, bạn đừng đi tay không.

Hãy đem theo hy lễ đời mình

để kết hiệp với Hy lễ của Chúa.

 

Gợi Ý Chia Sẻ

1) Nhiều bạn trẻ dự lễ ngày Chúa Nhật chỉ vì sợ mắc tội. Họ chán xem lễ. Theo ý bạn, những nguyên nhân nào đưa đến thái độ này? Có cách nào giải quyết không?

2) Rước lễ có thể trở thành một thói quen nhàm chán, vô nghĩa, nặng phần hình thức. Theo ý bạn, làm thế nào để việc rước Chúa thực sự đem lại lợi ích cho chúng ta?

 Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con một tâm hồn

theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh

 

Một tâm hồn trong trắng,

cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn

để luôn xứng đáng với Chúa.

 

Một tâm hồn khiêm hạ

tìm chiếm chỗ nhỏ bé,

nhưng luôn luôn muốn bày tỏ

một tình yêu lớn lao.

 

Một tâm hồn đơn sơ,

không biết đến những phức tạp của ích kỷ,

và tìm hiến dâng mà không đòi lại.

 

Một tâm hồn lặng lẽ,

hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình

không được người khác biết đến.

 

Một tâm hồn nghèo khó,

chỉ làm giàu cho mình

nhờ chiếm được chính Chúa.

 

Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân,

quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.

 

Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa,

và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa. 

(Cha Jean Galot, SJ)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*