Một đứa trẻ giận dữ nhất cũng phải nói rằng: thánh Phanxicô Salêciô là vị thánh hiền hoà nhất thế giới, Ngài đã biết cách để sửa mình và do đó đưa ra phương thức tốt đẹp để nên thánh: “Tôi chỉ nghĩ tới sự dịu hiền, dĩ nhiên, không phải chỉ có điều đó mà thôi. Sau này các bạn hữu Ngài đã ngạc nhiên vì sự im lặng thánh nhân giữ được trước những lăng nhục.
Ngài nói: – “Gì vậy, bạn muốn tôi bỏ mất trong giây lát một chút dịu dàng mà tôi đã mất 20 năm để thu thập sao ?”
Sự dịu dàng Ngài đã thực hiện với bao nghị lực, bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, Ngài đã có thể nói với bạn bè sau một cảnh thô tục mà một lãnh Chúa đã làm cho Ngài rằng : – Tôi giận sôi người lên, nhưng tôi thích chết đi còn hơn là nói lên một điều nhỏ nào có thể làm buồn lòng Thiên Chúa.
Thật khó hiểu nổi cách thế mà trong Ngài, một lòng nhân hậu dịu dàng như vậy đã thay thế cho bạo lực. Đối với người dọa nạt, Ngài trả lời: – Thưa ông, nếu ông có một con mắt, tôi sẽ nhìn ông bằng con mắt kia với lòng trìu mến.
Cả thánh Vincentê Phaolô cũng nói : – Khi muốn chiêm ngưỡng sự dịu hiền của Thiên Chúa, tôi nhìn về giám mục thành Ghênêva.
Chào đời ngày 21 tháng tám năm 1567 ở lâu đài Sales, Phanxicô từ trong nôi đã gặp được đức tin và đức ái. Ngài học được từ người mẹ đã từng dẫn Ngài đi thăm các người nghèo khó, để yêu thương và giúp đỡ họ. Năm 1582, Ngài theo học khoa hùng biện và ôn triết tại Paris. Vào tuổi 17 một cơn dằn vặt thiêng liêng kinh khủng ám ảnh Ngài: người tưởng rằng: mình không còn sống trong tình trạng ơn thánh nữa, hoả ngục dành cho Ngài và nơi khủng khiếp này không còn tình yêu Chúa nữa.
Phanxicô cầu khần : – Lạy Chúa ít ra cuộc sống vắn vỏi này con biết dành để yêu mến Chúa.
Kiệt sức, Ngài chạy đến xin đức Trinh nữ gìn giữ mình được trinh trong và cứu thoát cho khỏi cơn thử thách gay go này. Ngài đọc kinh “hãy nhớ” và sau cùng tìm lại được bình an.
Từ năm 1586 -1591, Ngài theo học luật tại Padua và đậu bằng tiến sĩ. Trở lại gia đình gia đình, Ngài được đón tiếp trong niềm hân hoan phấn khởi. Cha mẹ Ngài vui sướng về đám cưới của Ngài. Nhưng Ngài đã từ khước mọi dự định của gia đình. Hạnh phúc và danh vọng trần thế không đáng kể gì đối với Phanxicô, con người đã được tình yêu tuyệt đối chiếm đoạt, Ngài muốn trở thành linh mục. Được phong chức vào ngày 31 thắng 5 năm 1593, Ngài trở thành linh mục hoàn hảo, luôn có Chúa Giêsu ngự trong mình, Ngài sống gần dân làng như một người cha hiền, có mặt trong mọi sự. Gặp cơn dịch hạch lan tràn, ngày đêm người ta thấy Ngài đi từ bệnh nhân này tới bệnh nhân khác, chú ý tới những thể xác lẫn tinh thần đau khổ.
Một sứ mệnh lớn lao kêu gọi tới Phanxicô. Những người theo phái thệ phản thêm nhiều trong xứ sở, phá hủy nhiều nhà thờ và tu viện, lòng nhiệt thành đã đưa Ngài tới với đức Cha Granier, giám mục Ghênêva, Ngài được phép hiến mình thực hịên một nỗ lực dường như không thể được, là đưa dân chúng Chablais trở lại khỏi ảnh hưởng phái ở Calvinnô. Không có đe dọa hay bạo lực nào bắt Người ngừng giảng được. Nơi nào không thể đến rao gảing, Ngài phân phát truyền đơn. Suốt ba năm dưới ảnh hưởng của thánh nhân, 72 ngàn người theo thệ phản đã hoán cải.
Năm 1602, vua Henri IV đã muốn thánh Phanxicô làm giám mục thành Paris nhưng Ngài đã từ khước danh dự này và nói : – Thưa Ngài, tôi đã đính hôn với một bà Chúa nghèo, tôi không thể từ giã bà để theo một bà khác giàu có hơn.
Nhà vua rất thán phục sự độc lập của Ngài và tuyên bố rằng: Phanxicô vĩ đại hơn ông là kẻ làm vua nhiều. Dầu vậy tháng 6 năm 1602, Ngài đã phải nhận tòa giám mục Annecy – Gheneva.
Các bài giảng thuyết của Ngài sớm lừng danh, đến độ những thành phố lớn đòi được nghe tiếng Ngài. Nhưng giám mục người Xa-voa (Savoie) thích giảng cho dân nghèo hơn. Ngài còn cho họ cả tới áo mặc của mình. Người ta thấy Ngài không giữ lại gì cho mình. Ngài chỉ thánh giá và nói: – Người ta có thể từ chối điều gì được, đối với một Thiên Chúa đã tự đặt mình vào trạng huống này vì chúng ta ?
Đối với các tội nhân, Ngài thân tình đón tiếp họ: – Các con hãy đến đây để cha ôm ẵm và đặt các con vào lòng cha. Cha chỉ đòi các con một điều là không được thất vọng, phần còn lại cha lãnh tất cả.
Đi tìm kiếm một linh hồn, nếu cần Ngài vượt qua rừng trong đêm tối, bất chấp bọn cướp giật hay thú rừng độc dữ, chân Ngài thường rớm máu vì băng giá. Một lần bọn sát nhân nhào tới, Ngài âu yếm bảo họ : – Các bạn không cần đòi mạng tôi làm chi, bởi vì tôi đã hiến mạng sống tôi để bảo tồn sự sống của các bạn.
Người ta có thể thấy rõ là Ngài đã nói thực. Bao người sát nhân đã làm như bao người khác: họ trở thành bạn hữu của Phanxicô. Và làm sao yêu Ngài, mà lại không yêu tôn giáo đã làm cho Ngài hiến thân trọn vẹn cho mỗi tâm hồn như vậy. Ngài nói : – Một linh hồn là một giáo phận rộng đủ cho một giám mục rồi.
Phanxicô không ngừng rao giảng, ngồi tòa, thăm viếng bệnh nhân, giúp đỡ người cùng khổ. Giữa những công việc bề bộn, Ngài còn viết nhiều tác phẩm được nhiều Kitô hữu mến chuộng như quyển: “Đường trọn lành”, quyển “Dẫn vào đời sống nhiệt thành” (cuốn này đã được chuyển sang Việt ngữ với tựa đề: sống thánh giữa đời), chứng tỏ rằng: đời nhiệm hiệp và các nhân đức cao cả nhất, đều có thể nảy nở, ngay trong cuộc sống từ cung điện, lẫn “trong binh đội và trong các xưởng máy”, Ngài truyền “dệt nên những sợi dây nhân đức nhỏ bé”. Cuốn “khảo luận về tình yêu Thiên Chúa” của Ngài đáng cho Ngài được vinh quang như ở giữa bầu lửa, trong khi chuẩn bị viết về tình yêu của Ngôi Lời vĩnh cửu.
Thánh Phanxicô đã lập nhiều tu viện và tiếp tục hướng dẫn các tu viện ấy. Hai ngàn bức thư của Ngài vẫn còn, Ngài trao dòng “Thăm viếng” cho thánh nữ Chantal, Đấng mà Ngài hiệp nhất bằng một tình yêu trắng hơn tuyết, trong sáng hơn ánh mặt rời.
Thánh nhân kiệt sức khi Ngài nhận giảng dạy tại Lyon dịp lễ Giáng sinh. Ngài ngã bệnh lúc lên đường. Vừa tới nơi Ngài biết mình sắp chết. Người ta chỉ còn nghe thấy Ngài nói : – Lạy Chúa là tất cả của con.
Với các bạn bè đang khóc lóc Ngài nói : – Các bạn lại không muốn ý Chúa được thực hiện sao ?
Trọn đời thánh Phanxicô yêu mến hoàn thành thánh ý Chúa. Bí quyết đời thánh thiện của Ngài diễn tả như sau : – Với giá vĩnh cửu, cái gì chấm đứt với thời gian lại có thể ảnh hưởng trên chúng ta được ? Phải ước muốn một mình Thiên Chúa thôi, một cách tuyệt đối không thay đổi và bất khả xâm phạm. Ngài qua đời ngày 28 tháng 12 năm 1622 và được Đức Gáio hoàng Alexandre VII tôn phong hiển thánh năm 1665.
Để lại một phản hồi