VATICAN. “Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn hoạt động động để cứu giúp. Thiên Chúa của lòng thương xót đáp lời và quan tâm đến người nghèo, quan tâm đến những ai kêu gào trong tuyệt vọng. Thiên Chúa lắng nghe và can thiệp để cứu giúp, bằng cách tạo nên những con người đủ khả năng để lắng nghe tiếng rên rỉ của đau khổ và hỗ trợ những ai bị áp bức”. Đức Thánh Cha đã nói như trên với khoảng 20 ngàn khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 27.01.2016, tại quảng trường Phêrô.
Sau đây là nguyên văn bài giảng của ĐTC, Ngài nói:
“Trong Kinh Thánh, lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện dọc dài lịch sử của dân Israel.
Cùng với lòng thương xót, Thiên Chúa đồng hành với hành trình của các Tổ phụ, ban cho họ con cái bất kể tình trạng hiếm muộn, dẫn đưa họ trên nẻo đường của ơn thánh và hoà giải, như được minh hoạ trong câu chuyện của Giuse và anh em của ông. Và tôi nghĩ đến biết bao người anh em trở nên xa cách với nhau trong một gia đình và chẳng buồn nói chuyện với nhau. Nhưng Năm Thánh của Lòng Thương Xót này là một dịp thuận tiện để tìm gặp lại nhau, ôm hôm nhau và tha thứ cho nhau. Và hãy quên đi những điều tệ hại. Nhưng, như chúng ta đã biết, nơi Ai Cập đời sống của dân đã trở nên rất khó khăn. Và chính vào lúc dân Israel muốn buông xuôi thì Thiên Chúa lại can thiệp và thực hiện việc cứu độ.
Sách Xuất Hành viết: “Sau những năm dài ấy, vua Ai-cập qua đời. Con cái Ít-ra-en rên siết trong cảnh nô lệ. Họ ta thán, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã nhìn thấy con cái Ít-ra-en và Thiên Chúa đã biết.”(Xh 2, 23-25). Lòng thương xót không thể nào dửng dưng trước nỗi thống khổ của những kẻ bị áp bức, trước tiếng kêu gào của những ai đang phải chịu đựng bạo lực, bị biến thành nô lệ, bị kết án phải chết. Đó là một thực tại đau khổ vốn gây đau khổ trong mọi thời đại, ngay cả thời đại của chúng ta, và làm cho chúng ta cảm thấy bất lực, bị cám dỗ cứng lòng và chẳng nghĩ đến người khác. Tuy nhiên, Thiên Chúa “không dửng dưng” (Sứ điệp nhân ngày Hoà Bình thế giới 2016), và không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau của nhân loại. Thiên Chúa của lòng thương xót đáp lời và quan tâm đến người nghèo, quan tâm đến những ai kêu gào trong tuyệt vọng. Thiên Chúa lắng nghe và can thiệp để cứu giúp, bằng cách tạo nên những con người đủ khả năng để lắng nghe tiếng rên rỉ của đau khổ và hỗ trợ những ai bị áp bức.
Và như thế bắt đầu câu chuyện của Môsê như vị trung gian để giải thoát dân. Ông đối diện với Pha-ra-ôn để thuyết phục nhà vua hãy để dân Israel ra đi; và rồi ông sẽ dẫn dắt dẫn, băng qua Biển Đỏ và hoang mạc, để được tự do. Môsê, người được lòng thương xót của Thiên Chúa cứu vớt khỏi tử thần ngay từ khi mới sinh từ nước sông Nil, chính ông là trung gian của lòng thương xót, qua đó cho phép dân được sinh ra trong tự do, được cứu từ nước Biển Đỏ. Và ngay cả chúng ta trong Năm Thánh Lòng thương xót, có thể trở nên trung gian của lòng thương xót cùng với những công tác của lòng thương xót để đến gần, để ủi an, để hiệp nhất. Có biết bao nhiêu điều tốt đẹp mà chúng ta có thể làm.
Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn hoạt động động để cứu giúp. Nó hoàn toàn trái ngược với công việc của những ai hành động luôn để giết chóc: ví dụ những kẻ gây ra chiến tranh. Thiên Chúa, thông qua tôi trung là Mô-sê, hướng dẫn Israel trong hoang mạc như một người con, Ngài hướng dẫn dân đến đức tin và giao ước với họ, thiết lập một mối dây tình yêu mặn nồng, như tình yêu của cha dành cho con hay như tình yêu của chồng dành cho vợ.
Lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại như thế đó. Thiên Chúa đề nghị một tương quan tình yêu đặc biệt, độc quyền, và đặc ân. Khi Ngài đưa ra chỉ dẫn cho Mô-sê về giao ước, Thiên Chúa đã nói: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. (Xh 19,5-6).
Chắc chắn, Thiên Chúa sở hữu toàn trái đất vì Ngài đã dựng nên nó; nhưng dân trở nên một sở hữu riêng cho Thiên Chúa, riêng biệt: là “kho vàng bạc” như chính vua Đa-vít đã khẳng định được dành để xây dựng cho Thiên Chúa một Đền thờ.
Thế thì, chính chúng ta trở nên như vậy cho Thiên Chúa, khi nhận lãnh giao ước của Ngài và để cho Ngài cứu độ chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa làm cho con người trở nên có giá trị, như một kho tàng cá nhân vốn thuộc về Ngài, Ngài trông nom và cảm thấy vừa lòng về nó.
Đây là những điều tuyệt diệu của lòng Chúa thương xót, vốn đạt đến thành toàn nơi Đức Giêsu, trong “giao ước mới và vĩnh cữu” được hoàn thành bởi máu của Người, để rồi với sự tha thứ Ngài máu ấy đã xoá sạch tội lỗi của chúng ta và mang lại cho chúng ta vĩnh viễn làm con Thiên Chúa (Ga 3, 1), các đồ trang sức quý giá trong bàn tay của Thiên Chúa Cha thiện hảo và giàu lòng thương xót. Và nếu chúng ta là con cái của Thiên Chúa và chúng ta có thể sở hữu di sản này, di sản của sự thiện hảo và lòng thương xót, trước mặt người khác, chúng ta hãy khẩn nài Thiên Chúa để Năm Thánh Lòng thương xót này cả chúng ta cũng làm những cử chỉ của lòng thương xót; hãy mở rộng cõi lòng để đến với tất cả cùng với những cử chỉ thương xót, vốn là di sản của lòng thương xót mà Thiên Chúa Cha đã trao ban cho chúng ta.”
Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai
Để lại một phản hồi